Khi đến vùng đất Hà Giang mùa hoa nở rộ, đừng quên ghé qua chợ phiên để thưởng thức một món bánh tam giác mạch dân dã. Chỉ cần cắn một miếng, bạn chắc chắn sẽ bị say đắm bởi thức ăn màu tía độc đáo này.
Khi mùa hoa
tam giác mạch nở rộ…
Vào mùa hoa tam giác mạch tháng 11-12, Hà Giang lại khoác lên mình chiếc áo rực rỡ hơn với sắc tím hồng rợp trời. Chính vẻ đẹp này đã hấp dẫn hàng nghìn du khách kéo tới tham quan. Và lỡ uống nhầm một cơn say, chẳng ai có thể từ chối lời mời gọi trở lại mảnh đất đắm say này.
Hoa tam giác mạch không quyến rũ như hoa hồng hay kiểu cách như hoa lan. Chúng toát lên vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi như các nàng thiếu nữ vùng cao. Chỉ khi tạm gác lại bộn bề chốn phồn hoa, đô thị, bạn mới có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp đồng nội này.
Song điều này không có nghĩa loài hoa này thiếu đi sự “kiêu kỳ” đâu nhé! Chúng không chỉ mang một sắc tím đơn thuần mà đôi khi lại hiện lên với sắc trắng thanh khiết, hồng dịu dàng.
Có một lầm tưởng thú vị là nhiều người tưởng rằng hoa tam giác chỉ để thưởng ngoạn. Một sự thật ít ai biết là thứ hoa này cũng có thể trở thành món ăn ngon “đáo để”.
Từ lâu người dân Hà Giang dùng tam giác mạch thay thế cho hạt ngô, hạt lúa. Theo tích xưa kể lại, loài hoa này sinh trưởng từ hạt mày trấu, mày khô mà Tiên Gạo, Tiên Ngô đổ xuống khe núi. Do vụ mùa chưa tới, người dân phải chia nhau đi tìm cái ăn. Chính hương thơm lạ đã dẫn dắt họ tới một rừng hoa trải dài và ngon không kém gì gạo nương.
Do đó, bánh tam giác mạch còn có một cái tên thú vị khác là bánh cứu đói. Nó chẳng được tẩm ướt cầu kỳ hay nhồi nhân thịt thú đặc biệt như các đặc sản nức tiếng khác. Nhưng đâu bởi vậy mà người ta dễ dàng lãng quên món quà đáng yêu của núi rừng này.
Sự cầu kỳ
đằng sau món bánh dân dã
Quá trình tạo nên một chiếc bánh tam giác mạch giản dị cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức. Sau khi lựa chọn cẩn thận, người ta bắt đầu phơi khô hạt tới khi ráo hẳn. Số hạt tiếp đó được chia đôi, một phần ủ làm men rượu, một phần xay làm bánh.
Quá trình xay cần tiến hành tỉ mỉ, cẩn thậ để bột mịn đều, không bị lợn cợn. Thế thì bánh nướng ra lò mới dẻo và xốp.
Để tạo hình bánh, người dân địa phương thực hiện nhào bột với nước. Tỷ lệ lượng nước đong chính xác, người quen tay thì chỉ cần ước lượng. Ấy thế thành quả mới không bị nhão quá cũng không bị khô quá.
Sau khi được nặn thành hình tròn đều, bánh tam giác mạch không được nướng ngay. Thay vào đó, bánh được hấp chín khoảng nửa tiếng rồi mới chuyển qua nướng 10 phút. Nhờ đó, chiếc bánh sau khi nướng có màu nâu xém rất đẹp mắt, chín đều từ ngoài vào trong.
Ngoài loại bánh này, Hà Giang hiện sản xuất thêm bánh tam giác mạch giòn hoặc bánh tam giác mạch dẻo. Thức ăn này có màu vàng, vỏ giòn, để được lâu để phục vụ khách du lịch mang về.
Món bánh “cứu đói” ngày đông
Hương vị ẩn sau
chiếc bánh tam giác mạch
Khác với vẻ ngoài, bánh tam giác không hề bị khô, cứng. Khi dùng tay ấn nhẹ lên bề mặt bánh, bạn có thể cảm nhận được độ mềm, xốp của bánh. Chúng có mùi thơm và chút mùi hăng rất riêng của hoa tam giác mạch. Càng đưa gần miệng hương thơm càng rõ rệt.
Tiếp tục cắn nhẹ một miếng, vị ngọt thanh lan tỏa dần trong khoang miệng. Kết cấu bánh mềm mại, khô ráo, không dinh dính như bánh nếp nhưng cũng không nở bung như bánh mỳ. Khi cắt nhỏ, bạn có thể thấy những lỗ nhỏ li ti tương tự như bánh bông lan. Bánh cắt ra có những hạt tím li ti chính là hạt hoa tam giác mạch.
Cách thức đúng điệu nhất là nhấm nháp thật chậm từng chút một. Chút gió lạnh ngày đông sẽ khiến vị bánh tam giác mạch trở nên quyến rũ lạnh lùng. Ngồi bên bếp lửa giữa chợ phiên đông đúc, hãy thưởng thức từng miếng bánh nhỏ cùng với cảnh vật núi rừng xung quanh. Bạn cũng có thể dùng nó như món ăn khai vị cho bữa tiệc thắng cổ tiếp theo.
Chút thi vị này dường như khiến thời gian dường như lắng đọng lại. Nếu có cơ hội tới thăm vùng đất Hà Giang, đừng bỏ qua cơ hội quý báu này để tạm gác lại những lo âu thường nhật. Biết đâu bạn có thể tìm được câu trả lời cho khó khăn bấy lâu nay?
Hãy dành chút “khoảng lặng” khi thưởng thức bánh tam giác mạch
Nơi thưởng thức
bánh tam giác mạch
Bánh tam giác mạch thuộc về chốn chợ quê, đường phố vùng cao. Chúng được bày bán tại các phiên chợ vùng cao. Chỉ với 10.000-15.000 đồng, bạn đã có thể cầm một chiếc bánh nóng hổi trên tay. Trong quá trình tham dự phiên chợ, bạn có thể thưởng thức thêm các đặc sản như rượu ngâm, cháo ẩu tẩu, xôi ngũ sắc,… Bên cạnh đó, chợ Hà Giang cũng còn nhiều loại bánh nổi tiếng khác như bánh cốm nếp, bánh ba kích, thắng dền,…
Chợ phiên tại huyện Quản Bạ
Chợ Tam Sơn (sáng thứ 7)
Chợ Tráng Kìm (sáng thứ 7)
Chợ tại huyện Yên Minh:
Chợ Du Già (họp sáng thứ 6 hàng tuần)
Chợ Mậu Duệ (sáng chủ nhật)
Chợ Sủng Tráng (sáng chủ nhật)
Chợ phiên tại huyện Đồng Văn:
Chợ thị trấn Đồng Văn (sáng chủ nhật)
Chợ Phố Cáo (ngày Thìn và Tuất)
Chợ Phó Bảng (ngày Ngọ và Tý)
Chợ phiên tại huyện Mèo Vạc:
Chợ trung tâm (sáng chủ nhật)
Chợ Khâu Vai (sáng các mùng 2, 7, 12, 17,22 và 27 theo âm lịch)
Chợ Sủng Trà (thứ 7)
Còn gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức đặc sản kết tinh từ núi rừng và văn hóa địa phương ngay dưới bàn tay khéo léo của người dân nơi đây! Hy vọng thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn có được trải nghiệm tuyệt vời nhất cho chuyến du lịch sắp tới.
Đăng bởi: Thái Hoà
Từ khoá: Bánh tam giác mạch – Nốt trầm tinh tế của chợ phiên Bắc Giang
Để lại một bình luận