Nếu từ TPHCM thì đi du lịch Hà Giang thế nào? Bài review này xin hướng dẫn cách đi Hà Giang từ TPHCM và dành cho cả những ai sống ở TPHCM lẫn đang ở Hà Nội cùng tham khảo ạ:
Review đi Hà Giang từ TPHCM tự túc cho những ai ở Sài Gòn ạ
Tóm tắt cách đi Hà Giang như sau:
- TP Hà Giang nằm cách TP Hà Nội 300-320km
- Từ TP Hà Giang, cần đi thêm 140-167km nữa mới lên tới cột cờ Lũng Cú + tt. Đồng Văn (trung tâm của cao nguyên đá Hà Giang)
- Từ TPHCM, mọi người chỉ cần book được vé máy bay (giá rẻ càng tốt) để ra Hà Nội. Sau đó bắt đầu đi chơi Hà Giang theo cách của những bạn trẻ Hà Nội
- Hoặc từ TPHCM, mọi người có thể mua tour đi Hà Giang từ TPHCM cũng OK nha
Mình thì đi Hà Giang kiểu tự túc từ TPHCM. Năm trước mình đã từng đi du lịch Hà Giang vào tháng 12 – mùa đông Tây Bắc. Rét cóng. Đoạn đường từ TP Hà Giang lên cột cờ Lũng Cú sương mù trắng xóa, gần như mình không thấy gì mặc dù đi bằng xe máy.
Nên lần này mình quyết định bay từ TPHCM ra Hà Nội, lên lại Hà Giang vào tháng 5 – giữa mùa hè xem như thế nào!
NỘI DUNG
Review cách đi Hà Giang từ TPHCM của mình
Hình ảnh cung đường ở Hà Giang vào mùa hè sẽ nhìn rõ hơn mùa Đông
Những cung đường ở Hà Giang đẹp lắm luôn mọi người ơi, nếu đi vào mùa Đông thì sẽ liên tục bắt gặp cảnh mây mù bao phủ. Sương mưa ít thì còn được, còn có thể thấy hình ảnh của những cung đường quanh co uốn lượn, tầng trên lớp dưới, chứ đi đúng hôm mây mù mịt thì sẽ chẳng trông thấy gì, và cảm giác rất chối mắt.
Những cung đường đẹp như tranh ở cao nguyên đá
Thế nên, nếu bạn muốn ngắm nhìn rõ toàn bộ cung đường Hà Giang xinh đẹp như tranh trong bài review này thì nên đi vào mùa hè hoặc thu í ạ, cả 2 đều đẹp lắm luôn. Lần này, mình đã chọn mùa hè để tái ngộ miền cao nguyên đá xám.
Những thứ cần chuẩn bị
Về mùa Đông, Hà Giang lạnh tái tê. Về mùa hè, ở Hà Nội rất nóng. Nhưng nếu đi lên Hà Giang, mình khuyên bạn cũng nên thủ ít nhất 1 cái áo ấm, áo giữ nhiệt cho gọn vì bữa mình đi có mưa phùn và sương mù, nhiệt độ xuống 16 độ C, thêm nữa chạy xe vùng núi rất lạnh.
Check in những cung đường ở cao nguyên đá Hà Giang + sông Nho Quế
Nếu đi mùa hè, bạn cũng cần chuẩn bị thêm 1 bộ áo mưa cho tiện, bao tay, giày đi mưa vì nếu những chỗ ẩm ướt, bạn sẽ không muốn đôi giày yêu quý bị hỏng phải không nào.
Thậm chí có nhiều bạn còn phải ôm thêm cả dép tổ ong để đi nếu gặp đúng hôm mưa gió nữa – không tin thì mọi người xem review này đi ạ: Phải xách theo dép tổ ong để check in Hà Giang tháng 6-7 (mùa hè) vì mưa gió
Ngoài ra, cần thêm thuốc sủi vì thời tiết rất dễ cảm cho những ai sức khỏe không tốt.
Vậy là ồ ze lên đường! Mình ở TPHCM, mê Hà Giang từ lâu lắm. Nhìn ảnh mọi người đăng facebook mà cồn cào không chịu được. Sau khi ngâm cứu toàn bộ các bài chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch Hà Giang thì mình đã chốt phương án bay từ TPHCM ra Hà Nội rồi khởi hành từ Hà Nội vào buổi tối để tiết kiệm thời gian và sức khỏe.
Book vé máy bay Sài Gòn ra Hà Nội
Vậy là mình book chuyến bay TPHCM đi Hà Nội, bay vào lúc 16 giờ chiều thứ 5 để sáng thứ 6 có mặt tại tỉnh Hà Giang. Giá vé thì mình có review ở bên dưới.
Nơi mình mơ ước là những cung đường như này
Bay từ Tân Sơn Nhất (TPHCM lúc 16 giờ thì khoảng 18 giờ là mình đặt chân tới sân bay Nội Bài – Hà Nội.
Từ Nội Bài, mình quay ngược về bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) để mua vé xe giường nằm, sau đó đi ăn tối.
Hãng xe mà mình chọn là Bằng Phấn. Thực ra hãng này xe cũ mà thái độ phục vụ không được tốt bằng hai hãng Hưng Thành + Hải Vân, và thêm cả Hiền Hương nữa (mọi người xem thêm các hãng xe trong hướng dẫn này: Các hãng xe khách Hà Nội – Hà Giang uy tín hiện nay mọi người nên chọn) nhưng không hiểu sao trên mạng nhiều người lại đi trúng hãng xe này vậy.
Đẹp và bí ẩn khó tả luôn
Đến tầm 21 giờ như lịch hẹn thì mình lên xe. Mặc dù muộn mới khởi hành nhưng chỉ khoảng 3 giờ 30 sáng hôm sau là mình đã tới bến xe Hà Giang.
Hơi sớm, bạn có thể ngủ tại xe luôn vì mình thấy nhiều người cũng vậy. Nhà xe cho phép, ngủ đến sáng thì đi về chỗ cho thuê xe máy.
Ai không thích ngủ trên xe thì đi ra ngoài tìm nhà nghỉ để thuê chỗ còn tiện tắm rửa, vệ sinh nữa. Bạn có thể vào đây để xem những chỗ nên thuê tắm rửa nếu đến Hà Giang quá sớm:
Mình đi ra nhà nghỉ ngay gần bến xe, cái nhà nghỉ như cái hình này:
Cửa hàng dịch vụ cho thuê xe máy mới của em Giang (còn gọi là Giang Sơn)
- Chỗ nhà nghỉ này chính là cơ sở cho thuê xe máy Giang Sơn, chỉ cách bến xe Hà Giang hơn 200m. Cái hay là ở chỗ này có cho thuê xe máy luôn, xe mới và tốt, giá chỉ có 150.000 đồng/ngày (trước đây là 200K nhưng hiện đã giảm).
- Các anh ở đây rất nhiệt tình. Bạn có thể ngủ từ 3 giờ 30 đến sáng mà các anh không tính tiền ở, tắm rửa thoải mái.
“Hành trình Hà Giang” của cô gái từ TPHCM
Và từ đây, mình bắt đầu lịch trình đi ăn chơi tại mảnh đất toàn đá là đá, nơi địa đầu Tổ quốc mà ở TPHCM không phải ai cũng có điều kiện đặt chân tới. Ở miền Nam cũng không có chỗ nào được đẹp + độc lạ như này luôn.
Bắt đầu lên đường thẳng tiến Đồng Văn – Mèo Vạc
Ngày 1: Check in cung đường từ Hà Giang đi thẳng lên cao nguyên đá
Thuê 1 chiếc xe máy. Tầm 6 giờ 30, bắt đầu xuất phát. Ăn sáng tại thành phố Hà Giang, có cháo ấu tẩu (quán này rất ngon mời bạn tham khảo), xôi và bánh cuốn là những món phổ biến nhất. Tuy nhiên mình khuyên bạn nên ăn cháo ấu tẩu cho ấm bụng.
Hình ảnh từ cung đường Quản Bạ nhìn xuống núi đôi Quản Bạ
Sau đó, rời khỏi TP Hà Giang bắt đầu cung đường siêu siêu đẹp của Việt Nam. Cung đường mà mình sẽ check in là Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Phố Cáo – Sủng Là – Lũng Cú – Đồng Văn. Trong đó, Sủng Là, Phố Cáo, Đồng Văn là những địa điểm tham quan không thể bỏ qua.
Hình ảnh cung đường ở Hà Giang
Có rất nhiều đoạn đường đẹp tại Quản Bạ, Yên Minh nhưng bắt đầu leo núi, bốc dốc là từ khi vào huyện Đồng Văn. Phố Cáo là xã mở đầu của huyện. Tại đây có phiên chợ lùi chỉ mở đúng vào một ngày nhất định, cụ thể ngày nào thì mọi người xem hướng dẫn lịch ở đây vì mình cũng không có nhớ nổi.
Đi qua Phố Cáo sẽ sang xã Sủng Là, nơi có ngôi nhà của Pao. Từ trên đèo trông xuống bản Sủng Là đẹp hơn cả tranh sơn dầu.
Rời Sủng Là, mình tới dinh nhà Vương ở xã Sà Phìn. Sau đó thì đi lên cột cờ Lũng Cú. Ngoài ra còn nhiều chỗ nữa nhưng mình ở TPHCM ra nên không đi hết được. Các địa điểm check in cụ thể mời bạn xem hướng dẫn trong bài này rất chi tiết ạ: 11 địa điểm tham quan chụp ảnh ở Đồng Văn ai cũng khen là đẹp nhất
Hình ảnh những ngôi nhà của người Lô Lô, Mông… ở Hà Giang được chụp dọc đường rong ruổi
Mê những cung đường lắm luôn
Đó là những địa điểm cần check in. Còn về cung đường thì cực đẹp, núi non trập trùng, buổi sáng có mây treo trên đỉnh núi, mờ mờ ảo ảo. Chụp tấm nào xuất sắc tấm đó, nhưng bạn phải nhìn tận mắt thì mới biết được phong cảnh nơi đây hùng vĩ thế nào.
Không khó đi lắm đâu bạn ạ
Nhiều người cứ sợ đi đoạn đường từ Hà Giang lên Lũng Cú nguy hiểm, khó lái xe máy nhưng mình đã đi 2 lần thì thấy cũng rất dễ dàng, đơn giản, đi một lúc là quen tay ngay ạ.
Nhìn ảnh thì sợ chứ thực tế đi trên đường lại chẳng có cảm giác cao gì. Mọi người xem thêm bài review này có hướng dẫn cách đi chi tiết từ Hà Giang lên Lũng Cú như thế nào: Hướng dẫn cách đi từ TP Hà Giang lên cột cờ Lũng Cú
Hình ảnh cung đường đi lên cột cờ Lũng Cú
Sau khi check in cột cờ Lũng Cú, tối đó tụi mình về Đồng Văn thuê khách sạn ngủ để bắt đầu chuyến đi hôm sau còn thú vị hơn nhiều ạ.
Ngày 2: Check in cung đường Từ tt. Đồng Văn đi đèo Mã Pí Lèng, sang Mèo Vạc, quay về Yên Minh – Quản Bạ – Hà Giang
Tầm 6 giờ 30 sáng, tụi mình bắt đầu đi ăn chơi ngày thứ 2. Hôm nay sẽ là cung đường từ tt. Đồng Văn sang Mèo Vạc. Cung đường này còn đẹp hơn cung đường ngày 1 í ạ. Chắc các bạn đã từng nghe đến cung đường mang tên Hạnh Phúc (đèo Mã Pí Lèng) – trên mạng ảnh và video có rất nhiều.
Cung đường từ Đồng Văn sang Mèo Vạc
Tổng chiều dài từ Đồng Văn sang Mèo Vạc là 21km (xem thêm ở đây) tuy nhiên cung này có vẻ gian nan hùng vỹ hơn cung hôm qua.
Thích thú nhất là trên cung đường này có 1 địa điểm check in không thể bỏ qua, đó là đèo Mã Pí Lèng, nếu bạn muốn xem hình ảnh của nó thì coi đây nè:
Mặc dù đã đi Hà Giang 2 lần, nhưng cung đường Hạnh Phúc thì mình cũng mới chỉ thấy qua ảnh và video của người khác ạ. Lần này, mình đã đặt chân trên đoạn đường này để tận mắt chiêm ngưỡng nó. Mây mù trắng xóa, giơ tay mình ra trước mặt mà mình còn nhìn không rõ.
Hình ảnh cung đường Hà Giang với dòng sông Nho Quế vào mùa hè xanh mướt lá
Mặc dù mây mù nhưng bù lại mình lại được du ngoạn trên dòng sông Nho Quế, khám phá hẻm Tu Sản. Phải nói là “tiên cảnh” các bạn ạ. Đẹp như tranh vẽ.
Hình ảnh hẻm Tu Sản trên sông Nho Quế
Để xuống được sông Nho Quế cũng khá gian nan. Chạy xe 1 đoạn đường hơi khó đi, và đi bộ cũng khá xa, mình đi còn có mưa phùn nên dơ và trơn lắm ạ. Nhưng xuống được đến sông Nho Quế thì mọi khó khăn đều quên hết.
Dạo chơi trên sông Nho Quế, check in sống ảo
Để đi dạo trên sông Nho Quế thì phải thuê thuyền hoặc mua tour để đi ra hẻm Tu Sản, cụ thể như nào thì trong bài review của bạn này có thông tin chi tiết hết, hi vọng là bạn sẽ thích:
Những cánh đồng hoa tam giác mạch dọc cung đường mình lang thang khám phá
Sau khi vui chơi trên sông Nho Quế, bọn mình đi sang Mèo Vạc ăn uống. Sau đó đi theo đường Mèo Vạc về Yên Minh rồi về Hà Giang.
Khoảng 21 giờ tối thứ 7 tụi mình lên xe về Hà Nội, sáng sau thì tới bến xe Mỹ Đình và chơi đến đêm chủ nhật ở Hà Nội thì bay về Sài Gòn, kết thúc chuyến đi Cực Bắc lần 2.
Kinh nghiệm đi Hà Giang tự túc của mình
Mặc dù đi Hà Giang lần thứ 2 nhưng trước khi đi mình thường lên mạng đọc + nghiên cứu kỹ các địa điểm cần check in cho lần này + nơi cần đặt phòng để ở, chỗ thuê xe cộ…
Nơi ngủ
Hình ảnh tt Đồng Văn khá lạ chụp từ khách sạn của mình ở
Lần này, mình chỉ ngủ ở 2 địa điểm là tại TP Hà Giang và tt. Đồng Văn (không ngủ tại Mèo Vạc vì không cần thiết). Trong đó, đêm ngủ chính là tại tt. Đồng Văn còn 2 đêm là ngủ trên xe khách.
Tại Đồng Văn mình chọn khách sạn ở khu trung tâm phố cổ với giá là 400K cho 3 người (tụi mình không thích ở homestay vì chật hẹp, bất tiện mà các homestay ở Đồng Văn thì rất tệ.
ĐẶT PHÒNG: Mình đặt khách sạn ở đây
Những địa điểm nên ăn uống thì mình dừng ăn tại các điểm sau
- Ăn sáng tại TP Hà Giang
- Ăn thịt xiên nướng tại bãi đá Mặt Trăng trên cao nguyên đá Đồng Văn. Các bạn cứ đi sẽ thấy
- Ăn trưa tại điểm dừng chân, cách cột cờ Lũng Cú 21km. Mình quên mất tên rồi ạ. Đồ ăn rất ngon và rẻ. Tầm 300K cho 1 bữa với canh và 3 món mặn.
- Ăn tối ở Đồng Văn: bọn mình ăn lẩu bò (không có gì đặc biệt cả), giá 680K
- Ăn sáng ngày thứ 2 tại chợ Đồng Văn với 20.000 đồng/bát bún
- Ăn trưa ngày thứ 2 tại tt. Mèo Vạc. Cô chủ nhà nấu rất nhiệt tình, gọi món gì cũng có vì nhà cô cạnh chợ, cô vào chợ mua về nấu nên muốn ăn gì cũng được
- Ăn tối ngày thứ 2 tại TP Hà Giang, bọn mình ăn bún cá Hải Phòng, giá yêu thương 30K
Những khoản chi tiêu cho 2 ngày 1 đêm
- Máy bay từ TPHCM ra Hà Nội, do tụi mình canh vé rẻ nên chỉ có 2,1 triệu đồng/người (cả hành lí – đi phượt mình mang rất ít đồ nhưng lười xách trên máy bay nên vẫn mua hành lí)
- Vé xe khách từ Hà Nội lên Hà Giang: 200K và lúc từ Hà Giang về Hà Nội thêm 200K nữa
- Tiền thuê xe máy: 150.000 đồng/ngày
- Tiền ăn: khoảng 450.000 đồng/người, bọn mình gọi hơi nhiều nhưng lại ăn rất ít vì đồ ăn trên đây làm khá nhiều, các bạn lưu ý
- Tiền ở: tầm 130.000 đồng/người
Hình ảnh cung đường Hà Giang
Hình ảnh cung đường tại Hà Giang
Trên đây mình chưa tính tiền nước và ăn vặt nhưng cũng không đáng kể đâu. Rất rẻ.
TIPs:
- Theo nhiều người thì nếu từ Hà Nội mà đi lên Hà Giang chỉ hết khoảng 1tr6 đến 2 triệu đồng. Mọi người có thể xem review này (bạn í cũng đi Hà Giang vào mùa hè như mình ạ): Tổng chi phí đi Hà Giang vào mùa hè của Thanh Nguyễn
- Khoản đắt nhất chính là vé máy bay từ TPHCM ra Hà Nội để đi Hà Giang thì mọi người nên canh vé máy bay giá rẻ. Book được lúc nào là đi Hà Giang ngay. Nên book trước 3-4 tháng thì sẽ rẻ.
Dưới đây là những bài review về Hà Giang mình đã đọc:
- 7 kinh nghiệm du lịch Hà Giang cho ai chưa đi bao giờ ạ
- Tại sao [không] nên đi Hà Giang vào mùa Thu + mùa xuân?
Chia sẻ cẩm nang du lịch Hà Giang chi tiết và sinh động nhất
Đăng bởi: Thảo Nguyễn
Từ khoá: “Chết mê” những cung đường ở Hà Giang rồi bạn ơi!
Để lại một bình luận