Lai Châu không chỉ được biết đến với những thắng cảnh tự nhiên hùng vĩ, những bản du lịch cộng đồng độc đáo. Đặc sản Lai Châu còn nổi tiếng với vô số những món ăn ngon mà bạn khó có thể tìm thấy ở nơi nào khác, với vị ngon đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Lai Châu không chỉ có những cảnh đẹp hùng vĩ mà còn nhiều đặc sản đang chờ bạn khám phá
Ve sầu rán
Mới nghe tên chắc hẳn bạn sẽ không dám ngay thử món đặc sản Lai Châu này đâu. Nhưng nếu được tận mắt chứng kiến tận nơi thì bạn phải sẽ thay đổi suy nghĩ ngay. Ve sầu rán giòn rụm, thơm lừng, hòa quyện cùng chút bùi bùi của lạc rang giòn, thêm chút rượu cay cay thì đúng là tuyệt vời. Món ăn này giá trị dinh dưỡng cao, khá nhiều đạm, được coi là một món đồ nhậu thượng hạng được rất nhiều quý ông ưa chuộng. Ngoài ra theo đông y, ve sầu có giá trị tích cực đối với sức khỏe con người, làm thuốc chống lão hóa, chống ung thư và là thực phẩm tăng lực.
Ve sầu rán là một một món ăn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng
Rượu ngô Sùng Phài
Rượu ngô thì không còn xa lạ với mọi người, nhất là đấng mày râu. Nhưng rượu ngô Sùng Phài thì lại có một hương vị đặc biệt khác, đậm chất Lai Châu. Nhờ có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm và nguồn nước trong lành, rượu ngô Sùng Phài được mệnh danh là “đệ nhất danh tửu” mà ai đến Lai Châu cũng phải thử. Loại rượu này được làm từ 100% từ những hạt ngô nếp tuyển chọn, được lên men bằng lá và hạt kê thuốc. Rượu Sùng Phài này có tác dụng kích thích tiêu hóa, ăn uống ngon hơn, bồi bổ xương khớp và lưu thông khí huyết.
Những can rượu được làm hoàn toàn thủ công
Rượu sâu chít
Rượu sâu chít là loại rượu quý được ngâm từ loài sâu chít – một loài sâu của vùng núi Tây Bắc. Sau khi bắt chúng về, người dân Lai Châu sẽ rửa chúng bằng nước muối và nước sạch sau đó để ráo. Khi sâu chít đã khô ráo thì cho tất cả vào bình ngâm cùng rượu trắng. Chỉ khoảng 2 – 3 tiếng sau là bạn đã có thể thưởng thức món rượu đặc biệt này. Tuy nhiên, rượu càng ngâm lâu thì càng tốt, càng thơm, càng bổ. Rượu Sâu Chít có công dụng bồi bổ cơ thể, ích tinh, tăng cường sinh lực phái mạnh. Đặc biệt tốt cho những người có thể trạng yếu.
Có tác dụng bồi bổ cơ thể và hỗ trợ tiêu hóa
Rêu đá
Với người dân tộc Thái, rêu đá là một loại rau sạch có trong tự nhiên, được lấy ở dưới chân thác nước hoặc bên những con suối lớn. Loại cây này mọc theo mùa, chỉ bắt đầu từ đầu mùa thu tới hết tháng 3 âm lịch nên không phải lúc nào cũng có để thể thưởng thức.
Rêu đá được nướng trong lớp lá dong thơm phức
Rêu đá ăn được thường là rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới. Sau đó, đem chúng trộn với mì chính bột canh và các gia vị như gừng, mùi mắc khén, thêm ít ớt cho cay cay. Đến với bản làng đồng bào người dân tộc Thái, bạn sẽ được thưởng thức món nộm rêu đá, rêu đá nướng,… Màu xanh bắt mắt và hương vị đặc biệt sẽ khiến bạn phải bất ngờ.
Lợn cắp nách – Giống lợn Tây Bắc nổi tiếng
Lợn cắp nách nuôi theo cách thả rông trong rừng, không hề nuôi công nghiệp và mỗi con chỉ nặng khoảng 10kg – 15kg nhưng rất chắc thịt, thơm ngon. Giống lợn mán này có một mùi thơm đặc trưng ở lớp mỡ, đặc biệt khi chế biến thành món lợn nướng, lợn nấu giả cầy, lợn hấp,… kết hợp thêm những loại lá ăn kèm đặc trưng của miền núi, mang lại cảm giác lạ miệng, ngon khó cầm lòng.
Một mâm cỗ lá được làm từ lợn cắp nách
Đặc sản xôi tím Lai Châu
Nếu bạn chưa biết ăn gì ở mảnh đất Lai Châu thì xôi tím lại là món ăn chơi, ăn dọc đường đáng để thử đấy. Nhờ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ dân tộc nơi đây. Món xôi được làm nên với những bí quyết riêng mà không phải nơi nào cũng có. Màu tím của xôi được nhuộm bằng Khẩu cắm, một loại cây rừng của vùng núi Tây Bắc.
Đặc sản xôi tím Lai châu
Nguyên liệu để đồ một chõ xôi là những gạo nếp nương hạt to, thơm dẻo, chắc mẩy. Khẩu cắm thì bẻ cả cành, cả lá, rửa sạch đem đun sôi khoảng 5 phút. Khi nào thấy nước sánh mà chuyển sang màu tím thì đem ngâm với gạo.
Đồ xôi người ta sẽ dùng chõ gỗ được làm từ gỗ thân cây sung thì mới có mùi vị thơm ngon được. Khi nào từng hạt xôi chín đều, thấy được từng lớp xôi có màu tím tươi, dẻo nhưng không dính, bóng mùi và thơm ngào ngạt là đã hoàn thành được món xôi tím.
Măng nộm Hoa Ban – Đặc sản Lai Châu không đâu có được
Đặc sản Lai Châu tiếp theo phải kể đến đó là măng nộm Hoa Ban. Để làm ra món ăn này thì phải chuẩn bị được măng nứa hoặc măng đắng. Vì chỉ 2 loại này làm nộm mới ngon được. Dùng măng đắng được thái nhỏ ngâm nước muối chừng 25 phút, luộc 2 lần nước rồi vớt ra để ráo. Còn dùng măng nứa thì chỉ cần tước nhỏ đem luộc là xong.
Măng nộm Hoa Ban thường được người dân nơi đây làm món ăn trưa và ăn tối ở Lai Châu.
Hoa ban thì chọn những bông tươi mà giày cánh. Tiếp theo chọn một con cá suối tươi ngon, dày mình đem nướng chín và gỡ lấy phần thịt. Cuối cùng pha hỗn hợp nước trộn chanh, ớt, rau húng, mùi, tỏi. Trộn nhẹ nhàng nhưng phải đều tay tất cả nguyên liệu. Tất cả quyện lẫn vào nhau tạo nên một món ăn đậm vị đặc trưng: đậm đà, bùi béo, thơm nồng của cá nướng, thơm ngậy đến từ hoa ban, và vị đắng nhẹ nhẹ của măng tươi.
Cá Bống vùi tro (cá bống vùi gio)
Cá bống vùi tro là món ăn khá cầu kỳ, phức tạp, Món ăn đòi hỏi người nấu phải có một bàn tay khéo léo cũng như dày dặn kinh nghiệm nấu nướng. Phải là những vị khách quý thì người dân nơi đây mới tỉ mẩn chế biến món này để chiêu đãi. Cá bống người ta phải bắt ở suối Tùng Lâm, thịt ngon, dai chắc ngọt, thơm chuẩn vị.
Cá bống vùi tro đặc sản Lai Châu
Cá bống sau khi được sơ chế cho sạch sẽ mang đi tẩm ướp cùng các loại gia vị tây bắc: mắc khén, lá húng băm nhỏ sả, ớt, hạt tiêu, gừng,… ướp chừng 15-30 phút thì khéo léo gói gọn trong chiếc lá dong. Lá dong dùng để gói cá bống cũng phải là loại chuyên gói bánh tẻ, không rách, khổ to vừa phải. Sau khi gói trong lá dong đẹp đẽ thì vùi vào gio (tro than) tầm 30 phút lật lại, sau chừng 5, 6 lần lật thì cá sẽ chín.
Khi ăn người ta sẽ thấy vị béo ngậy của cá, mùi thơm nhẹ của lá dong nướng, pha trộn một cách hoàn hảo.
Lam nhọ
Đặc sản Lai Châu tiếp chúng mình muốn giới thiệu đó là món Lam nhọ.Mới nghe tên món “lam nhọ” hẳn bạn sẽ không thể hình dung ra đây là món đặc sản gì. Món ăn này khiến nhiều người thấy bất ngờ, lạ từ cái tên đến cách làm. Lam nghĩa là nướng còn nhọ chính là nhừ. Vậy đây là món làm từ thịt trâu hoặc thịt bò nướng nhừ.
Độc đáo từ cái tên lẫn cách chế biến là món Lam Nhọ
Nguyên liệu chính của món ăn này là thịt trâu hoặc thịt bò ngon, nướng trên than cho chín kỹ. Tiếp đó sẽ thái theo thớ mỏng trộn cùng các gia vị mắc khén, tỏi, ớt, gừng, quả cà rừng, rau bí, quả bí non…
Tất cả hỗn hợp đó sẽ cho cùng vào một ống tre nhỡ, rồi nướng cho đến khi các nguyên liệu chín đều. Sau khi chín đều, bỏ ra lấy que chọc cho nhuyễn và đem nướng ống tre tiếp lần nữa cho chín nhừ. Lam nhọ ăn sẽ thấy mềm nhừ, có vị ngọt đậm. Tuy vậy, khi bỏ ra vẫn thấy chúng kết dính với nhau thành bánh, ăn theo phong cách vừa ăn, vừa xắn từng miếng rất thú vị
Pa pỉnh tộp
Pa pỉnh tộp là món cá suối gập nướng của người dân tộc Thái. Món ăn này thường có mặt trong các bữa cơm đãi khách quý, hay những dịp lễ tết, ngày quan trọng. Pa pỉnh tộp có hương vị thơm ngon đặc biệt nhờ vào cách chế biến cũng như tẩm ướp gia vị cầu kỳ hơn so với các món cá nướng thông thường. Để làm món pa pỉnh tộp, người ta có thể sử dụng cá trắm, cá trôi, cá rô, nhưng ngon nhất vẫn phải là cá chép, nặng từ 5 lạng trở lên.
Cá nướng Pa Pỉnh Pộp là đặc sản của người Thái vùng Tây Bắc
Gia vị ướp thường gồm các loại hành lá, thì là, rau húng, sả, rau thơm, hành củ, gừng, tỏi, ớt và mắm muối. Đặc biệt không thể thiếu hạt mắc khén, gia vị Tây Bắc tạo nên hương vị đặc trưng. Sau khi được ướp gia vị, cá sẽ được nướng trên bếp than hồng. Thịt cá mềm, ngọt với phần bên ngoài vẫn rất giòn.
Canh tiết lá đắng
Món tiếp theo để trả lời cho câu hỏi “đặc sản Lai Châu có gì ngon” của thực khách chính là canh tiết lá đắng. Khi khách quý đến, chủ nhà thiện chí và mến khách sẽ len lỏi lên bìa rừng, khe suối thì mới có thể hái được lá để làm món canh này.
Canh tiết lá đắng Lai Châu
Cách nấu món này đầu tiên phải rửa phổi lợn thật sạch sẽ, tiếp theo băm nhỏ miếng tiết và phổi lợn rồi ướp cùng bột ngọt, tiêu, ớt…ướp tầm 10 phút. Sau đó chuẩn bị các loại rau thơm và nắm lá đắng đã được phơi khô hoặc để tươi đều được. Cuối cùng đun nước thật sôi rồi cho tất cả nguyên liệu vào cho đến khi chín là có thể sử dụng.
Đối với những thực khách lần đầu ăn món này sẽ cảm thấy khó ăn vì đắng, chát hơi tê nơi đầu lưỡi. Nhưng những ai ăn quen sẽ thấy được hương thơm bùi, vị ngọt, ngậy đến kỳ lạ. Không những là một món ăn lạ miệng, món canh này còn có tác dụng giải rượu, chữa được các bệnh về tiêu hóa.
Thịt gác bếp
Không chỉ là đặc sản Lai Châu mà vùng núi Tây Bắc, đồng bào dân tộc đều dùng cách gác bếp hun khói để bảo quản và ăn dần. Mỗi phần thịt gác bếp đều được làm từ những loại thịt ngon, không có gân và rất ít mỡ. Thịt có vị ngọt tự nhiên, thơm từ những gia vị gừng, sả, ớt, mắc khén.
Thịt trâu gác bếp là đặc sản của Lai châu nói riêng và Tây Bắc nói chung
Bếp nấu ăn hàng ngày đun ở đây chủ yếu đun bằng củi, tận dụng hơi nóng của lửa sẽ làm cho miếng thịt săn lại, mỡ sẽ chảy ra bớt, phần thịt nạc khô, săn lại và da có màu vàng đỏ thẫm. Để thịt thơm hơn, ở nơi đây người ta còn lấy cây ngải cứu rừng hay bã mía để hun thịt. Khi ăn người ta chỉ cần lấy ra, hơ qua lửa là thịt sẽ mềm và dễ ăn hơn. Do đã đầy đủ hương vị, đã đủ thơm ngon đậm đà nên khi thưởng thức chỉ cần chấm với tương ớt thêm nữa là quá ngon rồi. Nhắm cùng chút rượu ngon thì không gì sánh bằng.
Bài viết tham khảo: Nét riêng của nền ẩm thực Tây Bắc
Đăng bởi: Đạt Thân
Từ khoá: Đặc sản Lai Châu và hương vị đậm chất Tây Bắc
Để lại một bình luận