Đặc sản, món ngon An Giang rất đa dạng và phong phú. Vì đây là vùng đất cư trú của nhiều đồng bào dân tộc: Chăm, Khmer, Hoa, Việt. Với sự giao thoa của nhiều dân tộc, tạo nên một nền văn hóa đa dạng đi kèm với đó là ẩm thực đặc sắc, phong phú không kém. An Giang còn là nơi giao thoa văn hóa, hội tụ nét đặc sắc của ẩm thực miền Tây nam bộ và vùng ven biên giới Campuchia. Ở bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đến du khách những món ngon An Giang nên thử khi khám phá vùng đất miền Tây sông nước này.
Du lịch An Giang không chỉ là nơi để du khách chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên yên bình, nền văn hóa đa dạng mà còn là điểm đến hấp dẫn để du khách thưởng thức nhiều món ngon nổi tiếng. Dưới đây là danh sách món ăn ngon ở An Giang có kèm địa điểm ăn uống chính xác giúp du khách dễ dàng tiếp cận và thưởng thức.
1. Bún Cá
Nhắc đến An Giang, món ăn nổi tiếng nhất chắc chắn phải là bún cá. Khác với bún cá Hà Nội, Hải Phòng, bún cá An Giang mang một hương vị đặc trưng riêng. Nước lèo có màu vàng nhạt của nghệ, vị ngọt của xương ống hầm, đậm đà của mắm ruốc, mắm cá linh, thịt cá lóc tươi ngon, không quá bở cũng không quá dai, khi ăn sẽ rất thích. Bún cá được ăn kèm với nhiều loại rau rất đa dạng: bông điên điển, bắp chuối bào sợi, rau muống bào, rau răm,…
Ở An Giang nổi tiếng món bún cá Châu Đốc và bún cá Long Xuyên, ở Long Xuyên vị bún nhạt và thơm mùi nghệ, ở Tân Châu và Châu Đốc bún cá có vị đậm đà hơn. Bún cá ngon nhất là khi được nấy bằng cá lóc (cá quả), người ta có thể thay thế bằng cá kèo, tuy nhiên cá lóc làm cho món bún có hương vị đặc trưng. Mỗi tô bún cá có giá dao động từ 10.000 VND – 25.000 VND, ở Tân Châu bún cá có giá rẻ nhất, chỉ tầm 10.000 VND/tô mà ăn kèm rau sống thoải mái, nhiều người gọi thêm đầu cá lóc cũng chỉ 20.000 VND/tô.
- TP Long Xuyên: số 22 – 24 Nguyễn Thái Học, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên. Ở đây có giá từ 25.000 – 35.000 /tô, có bán cả bún mắm.
- Châu Đốc: Bún cá Lê Công Thành, P. Châu Phú A, Châu Đốc và Bún cá Bé Hai đường Chi Lăng, P. Châu Phú A, Châu Đốc. Hoặc các gánh hàng rong trước chùa Bà cũng bán bún cá rất ngon, giá tầm 15.000 VND/tô.
- Tân Châu: khu vực chợ Tân Châu và các quán ven đường lên Châu Phong, gần phà
- Châu Giang. Bún cá có giá 10.000/tô.
2. Gỏi Sầu Đâu
Gỏi sầu đâu là món ăn đặc sản nổi tiếng tại An Giang. Sầu đâu là loại cây hoang dã và mọc nhiều ở An Giang, thân cây cao và thẳng, lá có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát, hoa thì ít đắng và thơm. Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng. Nhưng món ăn nổi tiếng được chế biến từ lá sầu đâu từ xưa đến nay vẫn là gỏi sầu đâu. Món gỏi sầu đâu cũng rất đa dạng: gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, món nào cũng ngon.
Món gỏi sầu đâu là món ăn của người Campuchia và được dùng như món rau trong các bữa ăn hàng ngày. Món ăn này có vị đắng của lá sầu đau cùng với đó là các nguyên liệu đi kèm. Ngoài ra, để món ăn thêm hấp dẫn thì có thể ăn kèm một số loại rau như: dưa leo, rau thơm, xoài sống… tất cả góp phần tạo nên món ăn đơn giản nhưng tinh tế vô cùng.
- Địa chỉ: Chợ đêm Châu Đốc, Bạch Đằng, Châu Phú A, Châu Đốc, An Giang.
3. Lẩu Mắm
Món lẩu mắm là một đặc sản làm nên sức hút ẩm thực Châu Đốc. Châu Đốc vốn nổi tiếng với nhiều loại mắm, chính vì vậy các món ăn làm từ mắm rất đa dạng và phong phú, lẩu mắm là một trong số đó. Hầu hết các khu chợ trong vùng đều có một khu dành riêng bán các loại mắm: mắm chốt, mắm sặt, mắm trèn, mắm thái… Mắm Châu Đốc nổi tiếng với mùi đặc trung, có hương vị đặc biệt và được đánh giá cao về vệ sinh an toàn thực phẩm. Những loại mắm dùng để nấu lẩu là mắm cá sặc, cá chốt…. Hai loại mắm này có vị ngọt và mùi hương rất kích thích.
Nước lẫu được nấu cùng với cá basa, cá kèo, cá bông lau, cá lóc… (ngon nhất là cá kèo và cá basa). Để làm tăng thêm sự phong phú của món ăn, người ta cho vào lẩu chả cá và thịt ba rọi. Nối lẩu gần chính thì cho thêm vào cà tím cắt khúc, bông so đủa, điển điển, bông súng… và ăn kèm với bún tươi. Lẩu mắn có vị mặn của mắm, vị ngọt của cá vùng sông nước và các loại rau giá… Sự hòa quyện đặc sắc này tạo nên một món ăn ấn tượng khó phai trong lòng du khách. Giá của một nổi lẩu mắm 4 người ăn tầm 80.000 – 150.000 VND tùy vào loại cá và từng quán ăn.
- Quán lẩu mắn số 1 ở chợ Châu Đốc
- Quán Đồng Quê 108 Trưng Nữ Vương, Phường 8, TP Châu Đốc.
- Quán ăn Bảy Bồng 2, số 46 Trưng Nữ Vương, Phường Châu Phú B, TP Châu Đốc.
4. Cơm Tấm
Du lịch An Giang, du khách không thể bỏ qua cơm tấm Long Xuyên nổi tiếng trứ danh tại An Giang. Đây là món ăn bình dân quen thuộc ở nhiều nơi. Nhưng mỗi vùng sẽ mang đến một trải nghiệm khác biệt, trong đó cơm tâm Long Xuyên sẽ làm thực khách lưu luyến mãi. Đầu tiên phải kể đến chén nước mắm nhà làm sóng sánh đặc kẹo đậm đà hương vị. Không như ở Sài Gón, chén nước mắm đi kèm với cơm tấm Long Xuyên kẹo và sánh hơn, chỉ cần chan một lượng nhỏ vào cơm là đã vừa miệng.
Thịt nướng không giữ nguyên miếng sườn to bản, thịt cũng là thịt sườn nhưng được thái lát dài, tẩm ướp gia vị rồi nướng chín trên bếp than hồng. Thịt khi chín được thái thành từng lát mỏng, nhỏ vừa ăn. Ngoài thịt sườn nướng, cơm tấm Long Xuyên có thêm bì, trứng kho, cùng với đĩa dưa món chua ngọt ngất ngây. Thịt nướng ở đây mềm và thấm vị, bởi thịt nướng được ướp bằng mật ong. Một phần cơm tấm Long Xuyên đều bao gồm 1 đĩa cơm tấm, 1 đĩa dưa món nhỏ ăn kèm và 1 phần canh.
- Địa điểm mua: Quán ăn Bảy Bồng 2, 46 Trưng Nữ Vương, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc
- Mức giá tham khảo: 120.000 – 200.000 VNĐ/ nồi 4 người ăn
5. Xôi Phồng Chợ Mới
Ở vùng Chợ Mới, An Giang có một món ăn đặc sản rất nổi tiếng là xôi phồng gà quay. Không giống với xôi phồng bình thường, xôi phồng Chợ Mới được làm theo một công thức đặc biệt. Với nguyên liệu chính là nếp được nấu cùng với đậu, sau đó được trộn lại và xay nhuyễn với nhau sao cho thành hỗn hợp dẻo và mịn. Sau khi trộn đều các gia vị vào, từng khoanh xôi được chiên trên chảo dầu. Xôi sẽ phồng lên tạo một hình dáng lạ mắt. Tuy nhiên, loại chảo duy nhất được sử dụng để chiên món xôi phồng là chảo gang.
Xôi phồng được ăn kèm với gà quay, gà được nuôi thả vườn nên thịt dai và ngọt, được quay thủ công nên giữ được vị thơm và mùi vị đặc trưng. Tuy nhiên nhiều người thích ăn kèm với thịt bò và thịt heo, vì thế món xôi phồng đã có nhiều biến tấu khác nhau. Món gà quay ăn với xôi phồng mới nghe đã ngán, nhưng khi thưởng thức tại Chợ Mới này thì có vị khác lạ, làm khách cứ ăn mãi, quên thôi. Món ăn này có thể ăn kèm với xì dầu hoặc tương ớt, làm tăng hương vị cho món ăn. Nếu du khách có dịp tới An Giang thì đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món ăn này nhé.
- Địa điểm: Xôi Phồng Kim Hương – 152/5, tỉnh lộ 942, ấp Long Hòa 1, thị trấn Chợ Mới, An Giang.
6. Bánh Xèo Rau Rừng
Bánh xèo là món ăn quen thuộc mà ở vùng đất nào cũng có. Nhưng bánh xèo ở vùng núi Sam, núi Cấm ở Châu Đốc lại đặc biệt hơn cả. Bánh xèo nơi đây gồm có tép tươi, giá đỡ, hòa quyện với hương vị tự nhiên và lạ miệng của đĩa rau rừng mang lại vị ngon khó cưỡng. Các quán bánh xèo ở đây sử dụng rau sạch và rau thiên nhiên trên núi Cấm để làm nên một đĩa rau phong phú với hơn 20 loại rau rừng. Trong đó bao gồm: lá của cây xoài, rau tía tô, xà lách các loại cho đến các loại dưa giá rất phong phú.
Bánh xèo có bột bánh được làm từ gạo lúa Sóc, tất cả các công đoạn được làm bằng tay, từ xay gạo bằng cối đá rồi dằn bằng những tấm thớt nặng cho bột ráo nước đến nạo dừa, vắt nước cốt nghệ tươi. Bánh xèo ở đây phải trộn làm sao cho không bị khô những cũng không nhão, khi đổ bánh phải có vị ngọt bùi của gạo, mùi thơm của dừa, vị dịu nhẹ của nghệ tươi. Người đỗ bánh cũng phải khéo tay để làm sao cho bánh xèo vừa mỏng nhẹ lại vừa giòn rịm mà không bị cháy. Nhân của bánh xèo bao gồm thịt ba rọi, giá và tép như hầu hết những vùng khác, tuy nhiên lại thu hút được nhiều người bởi cái phong vị thiên nhiên và lạ miệng của các loại rau rừng. Giá trung bình 20.000 – 35.000 VND/ phần bánh kèm với đĩa rau khủng ăn thả ga.
- Địa chỉ: Dọc đường di chuyển lên núi Châu Đốc
7. Xôi Xiêm
Xôi xiêm là món ăn có nguồn gốc từ Campuchia, món ăn có vị ngọt và béo của sầu riêng, đậu xanh và nước dừa. Xôi xiên là món ăn giao thoa giữa hai nền văn hóa ẩm thực Việt Nam và Campuchia. Món xôi xiên ngon nhất là ở vùng Tân Châu, xôi ở đây có vị ngọt và béo. Thành phần cơ bản của xôi xiên bao gồm gạo nếp đồ xôi, đậu xanh, trứng gà và nước dừa. Ở một vài chỗ người bán cho thêm sầu riêng để tăng độ thơm và béo cho xôi xiêm.
Xôi xiêm có vị ngọt béo đậm đà, món ăn sẽ chinh phục được tất cả những người hảo ngọt. Ăn một gói thì không đủ ngo, nhưng khi ăn hai gói sẽ có cảm giác ngán. Món xôi này có vị gần giống như xôi cade, nhưng dẻo hơn và béo hơn. Ngoài ra, cách bày trí xôi xiêm cũng rất bắt mắt khi xôi được gói trong lá chuối hoặc lá sen, vừa giữ được độ nóng của xôi mà còn tỏa mùi hương đặc trưng của lá thiên nhiên. Ngày nay, lá chuối và lá sen cũng không còn nhiều như trước, đê tiết kiệm chi phí thì người bán đựng trong các hộp giấy, điều này làm mất đi một phần thú vị khi ăn xôi xiêm.
- Ở bìa trên chợ Tân Châu (khu ăn uống, chỉ bán từ 6h chiều đến 9h tối);
- Khu quảng trường Tân Châu (gần cầu sắt cũ), đối diện với Bưu điện cũ, thường bán vào 6h – 8h tối.
8. Bánh Bò Thốt Nốt
Khi đến An Giang, du khách đừng bỏ qua Châu Đốc. Nơi đây không chỉ là thiên đường du lịch với nhiều điểm đến hấp dẫn, mà còn là quê hương của món bánh bò thốt nốt thơm ngon. Bánh bò thốt nốt có màu vàng tươi bắt mắt, có vị mềm, xốp lại thơm hòa quyện với nhau. Người ta thường hay kết hợp bánh bò thốt nốt với nước cốt dừa béo béo ngọt ngọt. Nếu chưa từng thưởng thức qua món bánh bò thốt nốt Châu Đốc, thì quả là một thiếu sót của du khách khi đặt chân tới miền que dân dã này.
Bánh bò thốt nốt có 2 loại là bánh bò khô và bánh bò ăn kèm với nước dừa. Ở Châu Đốc và Tân Châu là hai nơi bán nhiều bánh bò thốt nốt. Đặc biệt là bánh bò thốt nốt có chan nước dừa béo rất nổi tiếng ở Tân Châu. Bánh bò được làm từ đường của cây thốt nốt nên có vị ngọt không gắt và có màu vàng ươm đẹp mắt. Bánh bò được gói bên trong lá chuối xiêm, phía trên sẽ được rắc dừa nạo vô cùng hấp dẫn.
- Địa chỉ: Chợ Tri Tôn – Cách mạng Tháng 8, huyện Tri Tôn, An Giang
9. Tung Lò Mò
Tung Lò Mò là tên gọi mà ngừi Chăm dùng để gọi món lạp xưởng bò – lạp xưởng đặc biệt dành cho những người theo đạo Hồi. Đây là món ăn truyền thống của người Chăm nên hương vị rất lạ miệng, khác xa so với ẩm thực Việt Nam. Đi dọc các con đường ở Châu Phong (đường từ Tân Châu đi Châu Đốc) du khách sẽ bắt gặp những khu dân cư Hồi Giáo. Tại đây là nơi người ta chế biến Tung Lò Mò.
Tung lò mò được làm từ thịt bò vụn và được khử mùi nhờ rượu với gừng, sau đó được băm nhuyễn trộn đều và dồn vào ruột bò rồi cắt khúc, phơi khô khoảng 3 tháng là có thể thưởng thức. Đây là món ăn ngon, bổ dưỡng và thường có mặt trong mâm cơm tiếp đãi khách của người Chăm. Khi thưởng thức, món ăn có vị chua và dai dai, đồng thời cũng có vị ngọt pha lẫn vị béo của mở bò. Tung Lò Mò ăn ngon nhất là khi nướng trên bếp than, ăn cùng với rau răm, tương ớt…
- Địa chỉ: 279 Phan Bội Châu, Bình Khánh, TP. Long Xuyên
10. Đường Thốt Nốt
Khi nhắc tới An Giang, chắc chắn không thể bỏ qua một đặc sản vô cùng ngọt ngào đó chính là đường thốt nốt An Giang. Thốt nốt là loại cây đặc trưng của cộng đồng dân tộc Khmer ở tỉnh An Giang. Mỗi sáng người dân chèo lên ngọn để lấy nước thốt nốt và thắng lại ra những viên đường. Với vị thanh ngọt, không gắt lại tốt cho sức khỏe nên đường thốt nốt được dùng thay thế cho đường trắng tinh luyện.
Đường thốt nốt có hai dạng là dạng nước đường sánh và dạng viên. Tuy nhiên, để mua về làm quà du khách thường mua đường thốt nốt dạng viên để bảo quản lâu hơn. Những viên đường màu vàng có hình lát cắt khối trụ, được đặt trong lá thốt nốt và gói lại rất đẹp mắt. Đường thốt nốt thơm và ngọt dịu, sử dụng để nấu chè là ngon nhất. Ngày nay, đường thốt nốt còn được sản xuất để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Giá của loại thường dao động từ 50.000 – 70.000 VND/kg, những loại thượng hạng sẽ có giá thành đắt hơn.
- Địa chỉ mua: Các khu chợ hoặc khu du lịch ở An Giang
11. Bánh Tằm Bì Tân Châu
Bánh tằm bì là món đặc sản của Tân Châu, điểm nhấn của món này chính là bì thịt và viên xíu mại thơm béo trong đĩa bánh tằm. Bánh tằm được tráng từ bột gạo có dạng sợi to như bánh canh nhưng béo ngậy hơn. Bánh tằm thường được ăn kèm với thịt xíu mại, thịt nướng và bì. Khi thưởng thức thì chan nước cốt dừa béo và nước mắm chua ngọt. Món ăn này chính là sự kết hợp của vị mặn, vị béo, vịt ngọt và vị cay của ớt.
Đặc biệt nhất chính là cách ăn bánh tằm bì, nhìn sơ thì tưởng đây là món ngọt khi ăn cùng nước cốt dừa nhưng thực chất đây là món ăn mặn. Khi ăn bánh tằm Tân Châu sẽ được ăn cùng với bì heo, xíu mại, một ít đồ chua kèm nước mắm ớt cay cay tạo nên hương vị vô cùng thú vị. Chan nư ớc cốt dừa ngập bánh tằm ăn thêm miếng dưa leo, giá trụng giòn giòn vô cùng hấp dẫn. Món ăn sẽ tạo nên hương vị mặn mà, đậm đà, ngọt ngọt hoà quyện cùng với vị béo ngậy của nước cốt dừa…
- Địa điểm mua: Cơm tấm bánh tằm bì Trân, 1438 Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên
- Mức giá tham khảo: 15.000 – 25.000 VNĐ/ đĩa
12. Bọ Rầy An Giang
Nếu du lịch An Giang vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 du khách sẽ được thưởng thức món đặc sản bọ rầy chiên giòn trong các quán nhậu. Bọ rầy là một loại côn trùng cánh cứng, thường xuất hiện nhiều ở vùng Bảy Núi, thuộc hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) và vùng biên giới Tây Nam. Trước đây bọ rầy được xem là loài côn trùng có hai cho nhà nông vì chúng thường hay cắn phá các đạt non, nhất là cây xoài, cây dâu, cây điều… Nhưng thời gian gần đây, người dân vùng biên giới đã khám phá ra cách chiên bọ rầy, biến loại côn trùng này món ăn đặc sản thơm ngon và béo bổ.
Cũng như cách chế biến dế cơm, nhộng ve hoặc bò cạp, bọ rầy chỉ cần làm sạch bằng cách ngắt bỏ canh, chân và rút ruột, sau đó rửa lại bằng nước ấm pha muối. Tiếp theo là ướp bọ rầy với đường, bột ngọt, tiêu, tỏi cho thấm đều độ 20 phút rồi bắt chảo lên chiên cho thật giòn. Du khách có thể thưởng thức món bọ rầy chiên giòn ở các quán ăn, nhà hàng, với cách bày trí đẹp mắt, còn món ăn của người dân quê thì đơn giản và thô sơ nhưng hương vị thơm, béo và giòn không thua kém các món chiên khác.
- Địa chỉ: Tịnh Biên, Tri Tôn, An Giang (các chợ gần đấy)
13. Bún Nước Kèn
Vùng Châu Đốc tiếp giáp Campuchia có nhiều món ăn ngon và độc đáo, hòa trộn giữa ẩm thực miền Tây và Khmer. Bên cạnh bún cá Châu Đốc nổi tiếng, thì nơi đây còn có món bún nước kèn rất lạ miệng, món ăn là kết quả của sự biến tấu giữa bún cá và bún cà ry. Ở vùng đất này, nước cốt dừa còn được gọi là nước kèn dừa. Từ đó, các món ăn chế biến từ nguyên liệu này sẽ có tên kèm theo chữ kèn dừa. Ví dụ như món chuối kèn dừa là món chuối hấp nấu với nước cốt dừa. Còn món bún kèn dừa cũng được nấu bằng nước cốt dừa nên có tên gọi đầy đủ là bún nước kèn dừa, nhưng người đân dịa phương gọi ngắn gọn là bún nước kèn.
Sự hấp dẫn của nước kèn được tạo ra bởi vị ngọt đậm đà của cá và vị béo không ngấy của nước cốt dừa. Cà dùng để nấu bún kèn phải là loại cá lóc đồng, thịt cá săn chắc và ít tanh. Ngoài ra, bún nước kèn này còn được ăn cùng với các loại rau như bắp chuối, rau muống, giá, rau thơm, dưa leo có một vai trò quan trọng làm tăng thêm màu sắc và hương vị cho món bún đặc sản Châu Đốc này.
- Địa chỉ: Phan Văn Vàng, P. Châu Phú A, Thành Phố Châu Đốc.
Ở trên là những món ngon An Giang mà du khách có thể thưởng thức, mỗi món ăn sẽ mang đến một hương vị đặc trưng riêng. Nhưng tổng thể sẽ giúp du khách có một chuyến du lịch đến An Giang được trọn vẹn nhất.
Xem thêm:
Du khách có thể xem thêm bài Kinh Nghiệm Du Lịch An Giang – Về Vùng Thất Sơn Linh Thiêng tại danh mục miền Nam trên Kinhnghiemdulich.gody.vn.
Để lại một bình luận