Tiền Giang là vùng đất miền Tây được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều đặc sản miền Tây sông nước trù phú. Nơi đây hội tụ đủ các điều kiện hấp dẫn du khách, từ các món ăn đến các loại trái cây đa dạng. Ẩm thực miền Tây vốn dĩ nổi tiếng với các món như hủ tiếu Mỹ Tho, ốc gạo Tân Phong, sam biển Gò Công… và nhiều những món ngon đặc sản khác.
Món ngon Tiền Giang tuy không phải cao lương mỹ vị, nhưng lại mang đậm nét văn hóa, con người miền Tây sông nước. Vì thế, các món ăn ở đây rất đơn giản, mộc mạc và bình dân, nhưng nếu một lần thưởng thức sẽ làm du khách lưu luyến nhớ mãi. Nếu có dịp du lịch, khám phá vùng đất miền Tây sông nước này, du khách đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức các món ngon dưới đây nhé.
1. Hủ tiếu Mỹ Tho
Dẫn đầu trong danh sách phải kể tên món hủ tiếu Mỹ Tho, đây là món ăn nổi tiếng gắn liền với địa danh Mỹ Tho và có lịch sử hơn 300 năm. Những sợi hủ tiếu tuy bé nhỏ mỏng ấy lại chính là bí quyết thu hút của món đặc sản này. Hủ tiếu Mỹ Tho có sợi nhỏ, dai, không mặn nên khi làm món xào hay món nước đều hấp dẫn. Món ăn được bổ sung thêm tôm, mực, thịt heo, thịt gà, lòng, tim…tùy vào sở thích của du khách và dùng thêm cả hẹ, xà lách, giá, cần tây,…
Tại Mỹ Tho người ta kén gạo Gò Cát thơm dẻo nổi tiếng để làm sợi bánh, trải qua quá trình ngâm, phơi công phu mới có được sợi hủ tiếu dai ngon đến mọi người. Điều làm nên chất riêng của hủ tiếu Mỹ Tho là ở nước lèo đậm vị. Nước lèo được ninh từ xương heo, thêm vào đó là vị mặn từ tôm khô, mực và ít củ cải. Ngoài món nước, hủ tiếu Mỹ Tho cũng có thể ăn ở dạng khô. Tô hủ tiếu Mỹ Tho càng đẹp mắt và đủ chất hơn khi dùng kèm với nhiều loại rau sống như xà lách, giá, hẹ, rau thơm.
- Hủ tíu Mỹ Tho ở ngã 3 đường Lê Thị Phỉ, Lê Lợi, Gần Chợ Hàng Bông, Phường 1, TP. Mỹ Tho
- Hủ tiếu Cô Tốt ở ngã tư Trần Quốc Toản, Nguyễn Trãi, TP. Mỹ Tho
- Hủ tiếu Sáu Sen ở 108 Trần Hưng Đạo, Phường 6, TP. Mỹ Tho.
2. Bún Gỏi Già
Tên gọi bún gỏi già đến nay vẫn là một tranh cãi, nhưng sức hấp dẫn của món này quả thật rất khó cưỡng. Là một món ăn dẫn dã của Tiền Giang và có hương vị khá giống bún mắm. Hương vị đặc trưng của món ăn này từ tôm, me chua và một chút ớt xay ở trong nước lèo. Bún gỏi già có những thành phần chính như: tôm, bún, rau, giá, đậu phộng rang, dừa khô nạo, nước me, ngò gai, thịt heo ba rọi… và nước dùng được ninh bằng xương heo.
Một tô bún gỏi già đầy đủ sẽ có thêm ít tương hột, một ít mắm nêm kết hợp với bún trắng,… sẽ tạo nên tô bún gỏi già lạ miệng nhưng rất ngon. Món ăn này sẽ thêm ngon hơn khi ăn cùng với các loại rau sống như giá, hẹ, rau thơm, bắp chuối hoặc rau muống bào. Đặc biệt, phần nước chấm của món ăn này được làm từ mắm cá linh nguyên chất, vừa thơm ngon vừa ngọt khiến hương vị của tô bún càng đậm đà hơn. Bún gỏi già là món ăn miền tây với những nguyên liệu đậm chất miệt vườn. Tô bún mộc mạc dân dã nhưng lại trở thành món ăn để nhớ để thương của du khách khi ghé thăm Tiền Giang.
- Địa điểm gợi ý: số 186 Nguyễn Huệ, Phường 1, huyện Châu Thành, Tiền Giang.
3. Vú Sữa Lò Rèn
Là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nên khi nhắc đến ẩm thực Tiền Giang thì không thể bỏ qua các loại trái cây vô cùng phong phú ở đây. Nổi bật nhất là vú sữa Lò Rèn được biết đến khắp trong và ngoài nước. Điều đặc biệt làm nên thương hiệu vú sữa Lò Rèn chính là quả to trong mà phần vỏ lại cực kỳ mỏng, bên trong dày cơm và ngọt lịm. Nhờ vậy vú sữa Lò Rèn vẫn luôn giữ được ngôi vị nữ hoàng trong bảng vàng đặc sản Tiền Giang, đã làm nên thương hiệu gắn liền với vùng đất Vĩnh Kim.
Mùa vú sữa thường bắt đầu từ tháng 9 kéo dài hết tháng 4 năm sau. Trong đó chín rộ nhất là tầm Tháng 11 đến Tháng 12. Dù có mức giá cao hơn nhưng nhiều du khách vẫn thích làm một chuyến khám phá Tiền Giang, đê trực tiếp thưởng thức vú sữa Lò Rèn ngay tại vườn và có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè. Tùy vào sở thích mà nhiều người có cách thưởng thức vú sữa khác nhau, nhưng dù có thưởng thức theo cách nào thì người ta vẫn cảm nhận được vị ngọt đặc trưng mà chỉ trái ngọt này mới có.
- Địa chỉ: xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang
4. Mận Trung Lương
Đúng như tên gọi, mận Hồng Đào có màu da hồng nhạt, trái thon hình quả chuông như các loại mận khác. Nhưng mình mận cứng, ăn giòn, ít nước nhưng vị ngọt thì đậm đà, chưa thấy một loại mận nào “qua” được. Mận Trung Lương có hai loại là hồng đào sọc và hồng đào đá. Du không biết mận hồng đào ở Trung Lương có từ khi nào, nhưng hình ảnh thân thuộc này gắn bó với biết bao thế hệ ngần ấy năm.
Dù trái mận ăn không chua, nhưng khi thưởng thức với nước mắm đường có thêm vài lát ớt hiểm thì ngon vô cùng. Mận được tách đôi, bỏ hột, chấm cùng mắm đường là có thể thưởng thức. Tuy nhiên, do mận Trung Lương có hiệu quả kinh tế thấp nên các vùng nội thị, các khu vườn mận Trung Lương trong xã Đạo Thạnh năm nào cũng bị phá bỏ, thay vào đó là vườn cây xoài, nhãn. Vì vậy, về Tiền Giang ngày nay rất kho để tìm được những trái mận Trung Lương một thời gắn với cái tên Mỹ Tho.
- Địa chỉ: ấp Lương Nhơn, xã Mỹ Lương, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang
5. Mắm Tôm Chà Gò Công
Gò Công (Tiền Giang) là vùng đất nổi tiếng với nhiều đặc sản độc đáo, trong đó phải kể tên mắm tôm chà. Chỉ là món ăn dân dã, nhưng gần 200 năm trước, mắm tôm chà đã theo chân Thái hậu Từ Dụ vào cung đình Huế và nổi tiếng từ đó đến nay. Mắm tôm chà Gò Công được cho là món mắm cao cấp vì chỉ toàn thịt tôm. Những con tôm tươi rói nhảy tanh tách được tẩm ướp công phu rồi phơi nắng. Sau đó được chà xát để thu được phần thịt tôm đỏ au và phải mất 3-4kg tôm tươi mới được 1kg mắm.
Mắm tôm chà có thể được bảo quản dùng cả năm vẫn không hư, và được thưởng thức với nhiều cách khác nhau. Mắm tôm chà ăn với bún, thịt luộc, chuối chát, khế chua, dưa chuột và rau sống đủ loại. Mắm tôm chà là đầu mối liên kết, dung hòa, hợp nhất tất cả các thứ trên, để trở thành món ăn ngon miệng. Đặc biệt, mắm tôm chà pha thêm chút giấm, chanh, đường, tỏi và ớt băm sẽ làm công thức chấm độc đáo cho món thịt ba rọi luộc cuốn với bánh tráng, rau sống và bún. Mắm tôm chà từ đó trở thành đặc sản ẩm thực của vùng Gò Công.
- Địa chỉ: Mắm tôm chà Kim Sa, số 141 Trương Định, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang
6. Chuối Quết Dừa
Nếu Bến Tre nổi tiếng với món bánh chuối đập thì ẩm thực Tiền Giang có món ngon không kém là chuối quết dừa. Nguyên liệu làm nên món ăn này đơn giản chỉ là chuối sứ xanh, đậu phộng và dừa nạo. Công đoạn chế biến không phức tạp, nhưng đồi hỏi người chế biến phải có tay nghề và sự khéo léo. Chuối xanh sau khi rửa sạch thì được ngâm cho bớt phần mủ và chát rồi mới luộc chín. Chuối sau khi chín lột vỏ để nguội và trộn cùng dừa nào, thêm muối, đường rồi giã nhuyễn trong cối. Giã đều tay cho đến khi hỗn hợp được sánh lại và gia vị đã thấm đều, nước dừa hòa với chuối tạo ra hương vị béo ngọt thơm lừng thì bày ra chén hoặc đĩa, rắc thêm đậu phộng rang để chốt lại hương vị của món ăn chơi hấp dẫn này.
Tưởng là độ ngọt ăn chơi, thế nhưng cách ăn ở đây cũng rất lạ. Du khách có thể thưởng thức món chuối quết dừa cùng với rau sôngs như: lá lách, lá lốt, rau càng cua, rau diếp cá, rau thơm,… và chấm với nước chấm chua ngọt, cay tê tê được pha từ nước mắm, chanh, tỏi, ớt,… Và dù có thưởng thức bằng cách nào thì du khách cũng không thể quên được hương vị món ăn “lạ lùng” mà ngon hết cỡ này.
- Địa chỉ: chuối quết dừa thường được bán tại các khu chợ địa phương hoặc bạn có thể tìm mua tại chợ nổi Cái Bè
7. Cá Lóc Nướng Trui
Cá lóc nướng trui là đặc sản có mặt hầu hết ở các tỉnh miền Tây. Về Tiền Giang cũng không ngoại lệ, du khách sẽ được thưởng thức món thịt cá ngon lành này vài bất cứ mùa nào. Cá được chế biến là loại cá lóc đồng khoảng 500 – 600 gram trở lại để khi nướng, cá có thể chín đều thì thịt cá mới ngon. Cá được làm sạch ruột, dùng que tre nhỏ xuyên từ miệng đến gần đuôi cá và cắm miệng cá quay xuống đất. Sau đó chất rơm và đốt khoảng 5 phút là cá chín.
Cá lóc được bày lên tàu lá chuối, thịt cá cuốn với bánh tráng, bún, rau sống, chuối chát, dưa leo… những loại rau dễ kiếm ở nơi đây. Để tăng thêm hương vị, cá lóc nướng trui được chấm cùng với muối ớt, hoặc nước mắm me. Cá lóc nướng trui tuy nghe dân dã nhưng lại là món ăn có hương vị gần gũi, đậm chất miền Tây, mang lại hương vị khó quên khi du khách thưởng thức.
- Địa chỉ: quán Lúa Vàng 122 Lê Thị Hồng Gấm, phường 6, T.P Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
- Giá cả: 30.000đ – 150.000đ
8. Ốc Gạo Tân Phong
Cù lao Tân Phong bốn bề sông nước được phù sa bồi đắp nên cá tôm luôn đầy ắp. Không thể đếm hết tất cả món hải sản mà cù lao Tân Phong mang lại, trong đó ốc gạo nổi bật và trở thành món ngon được nhiều du khách yêu thích. Ngày xưa người ta thường đổi ốc lấy gạo nên có tên là ốc gạo từ khi đó. Ốc gạo Tân Phong có màu trắng xanh xoáy tròn, khi nấy chín ở phần yếm sẽ trồi lên một hạt mỡ trắng như hạt gạo. Ốc khi mới bắt về sẽ được ngâm nước để ốc nhả sạch đất cát, sau đó cho ốc gạo vào nồi và cho nước xăm xắp và để lửa lớn cho nhanh chín.
Thưởng thức ốc gạo ngon nhất là khi dùng với nước mắm chanh ớt thêm chút gừng tươi. Ốc gạo khi chín sẽ có màu vàng ươm, béo ngậy, ngọt giòn. Bên cạnh món ốc gạo luộc nhanh và dễ ăn, người dân Tiền Giang còn dùng ốc gạo chế biến thành nhiều món ngon khác như bánh xèo ốc gạo, ốc gạo xào tỏi ớt ăn với cơm trắng, gỏi ốc trộn bưởi và cơm dừa, ốc gạo tiềm thuốc Bắc bổ dưỡng, ốc gạo chấy tỏi, ốc gạo cuốn bánh tráng, ốc gạo chiên bơ, ốc gạo luộc lá ổi,… Mỗi cách chế biến sẽ mang đến một hương vị riêng khi thưởng thức, nhưng chưng quy lại món ăn sẽ gây thương nhớ với thực khách.
- Địa chỉ: xã Tân Phong, thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
9. Bánh Giá Chợ Giồng
Nếu khám phá Tiền Giang, du khách nên ghé qua chợ Giồng (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang) để thưởng thức món bánh nổi tiếng nhất nơi đây. Món bánh được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như bột gạo, bột năng, gan heo và giá sống. Món ăn có tên gọi là bánh và hay bánh giá vì cách chế biến độc đáo của món ăn này. Trước hết là chọn gạo và đậu xanh loại ngon rồi xay thành bột, hòa với trứng, bột mì và gia vị. Khi chiên sẽ cho thêm thịt, tôm, giá đã băm, đậu phộng, mỗi thứ một ít.
Bánh khi chín sẽ có màu vàng ươm đẹp mắt, có hình dáng khá giống bánh tôm hồ tây, nổi bật với chú tôm dỏ tau năm uốn mình bên trên. Bánh giá phải ăn ngay khi còn nóng để cảm nhận được vị ngon giòn rụm trong từng miếng bánh. Bánh có thể ăn kèm với bún, rau sống, dưa leo và nước mắm tỏi ớt. Khi thưởng thức, xếp bánh lên từng miếng rau sống, rồi thêm bún, dưa leo và đem chấm trong nước mắm tỏi ớt. Hương vị của bánh hòa cùng với rau sống đủ vị và vị cay ngọt của nước chấm sẽ mang lại cảm giác tuyệt vời.
- Địa chỉ: Bánh giá Cô Mười, quốc lộ 50, thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
- Giá cả: 15.000đ – 20.000đ.
10. Bánh Bèo Chợ Hàng Bông
Cứ ngỡ bánh bèo là món đặc sản của miền Trung, nhưng du khách sẽ phải có suy nghĩ khác khi một lần thưởng thức bánh bèo chợ Hàng Bông, thành phố Mỹ Tho. Bánh bèo ở đây có hai loại là nhân mặn và nhân ngọt, nhưng ưa chuộng nhất là nhân mặn với nhân đậu xanh được xếp kèm thịt lợn cắt sợi mỏng, bánh mì chiên cắt hạt lựu và hành phi thơm phức lên trên dĩa bánh. Còn với bánh xèo nhân ngọt lại béo ngậy và đầy sức quyến rũ với mùi vị nước cốt dừa tươi.
Mộ đĩa bánh bèo tại chợ Hàng Bông có sự kết hợp của vị ngọt, chua, cay hòa cùng vị béo của nước cốt dừa và chén nước mắm pha sẵn. Bánh bèo được ăn kèm với một ít dưa leo xắt nhỏ, giá luộc và ghém làm từ bắp chuối cho tròn vị. Thưởng thức bánh bèo phải ăn từng chén ít ít mới ngon, mà cũng không ăn bằng đũa hay muỗng đâu, ở Mỹ Tho người ta ăn bánh bèo bằng thanh tre vót sẵn đậm chất miệt vườn luôn nhé.
- Địa chỉ: 23 Lê Thị Phỉ, Phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnhTiền Giang.
- Giá cả: 10.000đ – 15.000đ
11. Chả Nướng Chợ Gạo
Chả nướng là món ăn độc đáo xuất hiện trong các dịp giỗ chạp hoặc lễ tết ở Chợ Gạo. Nguyên liệu chính là thịt heo nhạc luộc chín tới đem cắt lát mỏng rồi xào với hành tím và tỏi phi thơm lên. Sau đó thịt heo đem trộn với trứng vịt đánh tan lên, thêm hạt tiêu, nước mắm cùng với các gia vị khác, nêm nếm cho vừa ăn. Chả được nướng trên nồi gang, phía dưới có lót một lớp lá chuối rồi đỗ hỗn hợp trứng thịt vừa rồi vào và đun đến khi chả khô.
Để giữ nguyên được hương vị, người ta nướng trên than hồng khoảng nửa tiếng khi mặt chả khô và ánh vàng là được. Chả khi nướng có mùi thơm của trứng nướng, ngọt béo của thịt heo. Chả khi chín lấy ra khỏi nồi, và cắt thành từng miếng vừa ăn. Có thể thưởng thức chả nướng cùng với rau sống, bánh tráng và nước mắm pha chua ngọt. Du khách sẽ cảm nhận được hương vị beo béo, ngọt dai hòa quyện trong khoang miệng, kích thích các vị giác đầu lưỡi khiến du khách ăn mãi không chán.
- Địa chỉ: Chợ Hàng Bông, Phường 1, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang
12. Sam Biển Gò Công
Sam biển là đặc sản nổi tiếng ở vùng biển Vàm Láng, Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Sam có thể chế biến thành nhiều món như: xào miến, súp sam, chân sam xào chua ngọt, trứng sam chiên giòn, nhưng ngon nhất là sam nướng, vừa béo vừa thơm lại nhiều đạm. Sam biển được coi là sản vật quý hiếm và chỉ có một số vùng biển ở Việt Nam mới có loài vật này. Với nguồn gốc từ tự nhiên, sam biển Sam biển Gò Công dần trở thành món ăn đặc sản mà du khách đến Tiền Giang đều phải thưởng thức.
Không giống như nhiều loại hải sản khác, sam biển có tính hàn nên khi thưởng thức sẽ được ăn kèm với gia vị cay nóng như xả, ớt, riềng, giấm và một số loại rau thơm đặc trưng như rau răm, lá lốt, rau thì là. Ngoài ra, để thưởng thức được món sam biển ngon thì công đoạn chế biến cũng rất kỳ công. Người chế biến phải hết sức cẩn thận và tinh tế để giữ thịt sam còn nguyên mùi vị tự nhiên của nó.
13. Chè Sơn Quy
Chè Sơn Quy là món ăn dân dã nổi tiếng khắp vùng Gò Công, món ăn gắn liền với địa danh Sơn Quy thuộc xã Tân Trung thị xã Gò Công. Sở dĩ món chè này được nhiều người biết đến là nhờ cách chế biến công phu và mỗi gia đình lại có cách thức riêng để làm nên hương vị đặc trưng của chè. Nguyên liệu để làm nên món chè này bao gồm: đường cát trắng mịn, đậu xanh, đậu thạch, bột năng, đậu phộng, nước cốt dừa và phải có lá dứa thì mới thơm ngon. Ngoài ra, để chế biến món chè này cũng công phu không kém, và rất mất thời gian.
Ngoài việc chọn nguyên liệu cho tới cách chế biến công phu và mất thời gian, nhưng muốn có món chè ngon thì phải có nguyên liệu tốt, tiếp theo là kỹ thuật nấu cũng phải khéo. Khi nấu xong chè phải đạt yêu cầu: đậu xanh mịn, deo và không quá thô, đậu thạch mềm, bùi, thấm đường… Để có một ly chè ngon đúng điệu, người ta phải cho từng loại theo tỉ lệ nhất định vào ly, rồi rưới lên một ít nước cốt dừa. Và khi thưởng thức thì phải nhai chậm rãi, thỉnh thoảng bắt gặp những “hạt lựu” và đậu tạo cảm giác lạ miệng. Với những nguyên liệu đặc biệt, cùng cách chế biến công phu, tỉ mỉ, và nhiều thành phần thơm ngon nên chè Sơn Quy được người dân vùng Gò Công dùng làm điểm tâm và chiêu đãi bạn bè.
Ở trên là những món ngon Tiền Giang thơm ngon đậm đà miền Tây Sông nước. Với những gợi ý trên du khách sẽ có những lựa chọn món ngon khi đến với vùng sông nước này. Nếu du khách biết thêm các món đặc sản ở Tiền Giang nào chưa được lệ kê trong bài viết, vui lòng chia sẻ cho mọi người và nhớ kèm theo địa điểm ăn uống ngay bên dưới khung bình luận nhé.
Xem thêm:
Du khách có thể xem thêm bài Kinh Nghiệm Du Lịch Tiền Giang: Ăn Uống, Tham Quan & Đi Lại tại danh mục miền Nam trên Kinhnghiemdulich.gody.vn.
Để lại một bình luận