Nam Kang Ho Tao – ngọn núi kiêu hãnh đầy bí ẩn, hiểm địa bậc nhất của vùng núi cao Tây Bắc, có lẽ là hành trình đáng sợ nhất đối với tôi. Và rồi khi an toàn trở về, nhìn những vết thương trên chân, vết xước trên tay, nhìn đôi bàn chân sưng phù và khuôn mặt thì đen sạm vì nắng cháy núi rừng, tôi vẫn không thể nào quên được cuộc hành trình nhiều trải nghiệm, nhiều cảm xúc đó.
Sự liều lĩnh là điều đầu tiên tôi khẳng định khi quyết định chinh phục ngọn núi này. Một cô gái sức khỏe thuộc dạng thường, không đủ để mạo hiểm thử thách một ngọn núi “hiểm” như thế. Nhưng tôi vẫn dấn bước, có lẽ bởi niềm tin, sự quyết tâm, khát khao chinh phục. Và tuổi trẻ, phải thật tàn khốc!
Cung đường leo khá dài và thời tiết lại phức tạp. Chặng đường đầu tiên thật gian nan vì trời quá nắng và dốc nhiều. Chúng tôi đi qua những đoạn leo đá đầy nguy hiểm. Bước đi không đơn giản là nhón chân đi trên đường hay leo dốc nữa mà là nhảy đá. Chẳng may ngã thì đầu gối đập ngay xuống đá, đau nhói nhưng vẫn phải đứng dậy mà đi tiếp. Chúng tôi phải vượt qua những vách đá cheo leo, chỉ có dây đu và dùng tay chân để bám vào đá mà trèo lên. Vách cao như tòa nhà ba tầng, lại trơn và không có gờ bám. Ngay dưới chân là suối và đá tảng, vô cùng nguy hiểm.
Mưa đá, đêm đen, đường dài, vách dựng đứng và cái lạnh giá trong rừng độc. Có lẽ đây là chuyến chinh phục hiểm địa núi non mà chúng tôi từng trải qua với nhiều gian khó.
Con đường trekking Nam Kang Ho Tao dài lê thê. Những con dốc nối nhau trong cái nắng chang của đầu hè khiến chúng tôi mệt mỏi rã rời. Dốc, dốc lại càng dốc. Nắng chiều giờ lại chọc thẳng vào ngang dọc các lối đi. Cái cảm giác cố sức lết chân lên dốc, nhìn đoạn đường phía trước có bóng râm và lấy đó làm động lực. Đến được đoạn râm thì vừa lúc bóng nắng lướt đến, lại lết chân đi tiếp.
Vượt hết suối rồi vực, bám cây, bò trườn qua những lối đi rậm rạp, sang đến ngày thứ hai, ai cũng rệu rã. Rừng trúc trước mặt càng ngày càng kín lối. Porter A Sinh đi đầu tiên, chém dao vào những thân trúc để mở đường. Những gốc cây vừa bị chém, nhọn hoắt cứa quẹt vào chân khi chúng tôi len bước vào sâu. Cây đổ trước mặt, lại nhổm mông và cẩn thận trèo qua. Trên đầu, thấy nắng chiều lơ lửng, soi ánh le lắt xuống từng khóm trúc xanh lơ.
Rồi trời cũng dần buông nắng, gió ru rừng trúc trong ánh chiều. Phía trước, mọi người hò hét có biển mây trong hoàng hôn đang đổ. Cũng là một động lực để chân mỏi nhừ thêm sức mà đi tiếp. Tôi thấy bước chân mình càng nhanh và dứt khoát hơn với hi vọng được chìm trong biển mây. Càng đi, càng thấy bóng chiều đổ dồn. Hoa đỗ quyên thì tím ngát cả một khoảng trời, rụng lả tả như xác pháo dưới lớp lá khô vàng. 2600 m là độ cao mà chúng tôi đang đứng hiện tại. Và còn chừng 2 tiếng leo nữa mới lên đến đỉnh.
Trời tối dần. Lối đi có rất nhiều gốc cây đổ bắc ngang vực. Tôi cảm thấy mình khó lấy thăng bằng với luồng sáng yếu ớt. Chúng tôi vượt qua một đoạn đường rất nhiều cây gai. Gai đâm thủng áo, chạm vào da mặt, kéo xước cả găng tay. Gai kệ gai, chúng tôi vẫn cố gắng leo thật nhanh đến đỉnh núi.
A Sinh báo là đỉnh núi đã ở trước mặt rồi. Giống như lấy nốt chút sức tàn mà gắng gượng đi, tôi đi nhanh hơn, bước chân khỏe hơn và mặc kệ rất nhiều thứ nhọn đang đâm vào người mình. Và đỉnh núi Nam Kang Ho Tao kiêu hãnh, bí ẩn đã ở ngay dưới chân chúng tôi. Mọi thứ trên đỉnh là cây khô, trúc và cỏ dại.
Tôi nhớ cảm giác đôi chân đau nhức cùng trận cảm lạnh để rồi vừa đi vừa khò khè hơi thở. Chúng tôi cứ đi, tưởng chừng như qua rất nhiều con đường, lên núi rồi lại xuống núi. Vượt qua một, hai dãy núi rồi mà vẫn chưa thấy ngọn núi cao nhất. Đôi lúc cả đoàn dừng lại, xem GPS rồi dò bản đồ để tìm lối đi. Những người porter luôn e dè không muốn đi tiếp, vì chính họ cũng chưa bao giờ đặt chân đến đỉnh.
Tôi nhớ những đoạn đường thấy mình đang đứng chênh vênh trên một thân cây đổ ẩm ướt và trơn trượt, bắc ngang bờ vực. Không đủ tự tin để đứng thẳng bước đi, tôi luôn phải cố gắng bò, trườn, một tay bám vào thân cây, một tay giữ chặt cây gậy mà porter A Sinh giơ ra để giúp tôi có thể yên tâm bám vào nếu sẩy chân rơi xuống vách.
Tôi cũng nhớ cảm giác vội vã và sợ hãi trở về ngay sau khi kiểm tra tọa độ ở điểm đỉnh núi. Đó là khi cơn mưa đá bắt đầu. Chớp như hằn vệt trước mặt. Tôi sợ. Nhưng tôi giấu nỗi sợ đó trong lòng. Tôi không biết mình đang lo lắng điều gì? Bỏ xác trên đỉnh núi ư? Đầu hàng cơn mưa đá sao? Đôi chân với đầy vết xước chảy máu bị nước mưa đá thấm vào, xót và đau quá! Ướt từ trong ra ngoài. Lạnh và giá. Chúng tôi kiệt sức, run rẩy ép vào nhau, nhặt viên mưa đá nuốt lấy nuốt để vì nghĩ âm dương dung hòa, sẽ không bị cảm. Thế rồi thấy sét đùng đoàng trên đầu mới giật mình nhận ra, đang đứng dưới gốc cây già, vội vàng đi tiếp dù đôi chân đã rã rời và lạnh run lẩy bẩy.
Mưa gió như đang kéo giông bão về, càng ngày càng to hơn. Tôi đi như người mộng du, ngật ngưỡng và vật vờ trong đêm tối. Chân đập vào đá và quét vào những thân cây còn ngang vết chém hồi chiều. Sấm nổ ngang đầu rất to. Tôi giật mình, sợ hãi đứng lại với đôi chân run rẩy. Rồi lại cố gắng bình tâm mà bước tiếp. Trong suốt đoạn đường đó, tôi đã lặp đi lặp lại câu nói trong đầu mình: “Mình phải an toàn trở về. Phải trở về!”
Nhiều đêm ngủ trong chăn ấm mà thấy ớn lạnh khi nghĩ đến chuyến trekking Nam Kang Ho Tao đầy nguy hiểm. Mắt nhắm lại, chỉ thấy những vách núi hiện lên rõ mồn một trong đầu, thấy mình nín thở túm chặt dây trườn xuống cheo leo vách. Thấy rõ lối đi nhỏ trong rừng trúc mà các anh porter vừa mở đường, gốc cây bị phát vẫn còn mới, quẹt ngang vào chân, vào đầu gối.
Thấy từng tảng đá lớn đẫm nước và rêu xanh, mắt đảo thật nhanh tìm chỗ chắc chắn để đặt chân vào bước. Thấy vị mặn chát, ngọt bùi của bát cơm chan nước sôi pha bột canh mì tôm. Thấy đêm ở rừng lạnh sống lưng bị cảm không thể ngủ nổi. Thấy cái cảm giác bất lực khi chân quá đau, đầu tê cứng mà vẫn không biết bao giờ mới xuống được núi, trở về được bản.
Tôi đã trải qua chuyến trekking Nam Kang Ho Tao với 2.878 m độ cao, 738 km đường trường, 31 km đường leo, 6 ngày đêm, có đủ nắng mưa gió bão sương giá. Tôi tin mỗi chuyến đi đều có ý nghĩa, dù ít hay nhiều. Sau hành trình, có lẽ tôi đã lớn lên rất nhiều, đã bớt những nỗi sợ, đã thêm những mạnh mẽ, đã đủ những trải nghiệm quý giá cho hành trang tuổi trẻ của mình. Đi, để thấy mình không yếu đuối, để thấy mình chẳng cô độc, và để thấy trở về với thiên nhiên với trái tim non nớt và ý chí dũng cảm chính là sự trở về đầy nhiệt huyết và ý nghĩa.
Thông tin chung
- Độ cao: 2.878 m
- Vị trí: Xã Hố Mít, huyện Tân Uyên – nằm trên ranh giới giữa Lai Châu và Lào Cai
- Tọa độ: 22.151175, 103.969114
- Cảnh quan: 4,5 / 10
- Độ phức tạp: 8,5 / 10
- Địa hình: Suối lớn, dốc đá, rừng rậm, rừng trúc
- Thời gian leo: 3 ngày 2 đêm. Hướng leo từ bản Bản Thào A, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Chỉ dẫn
- Tiếp cận xã Hố Mít từ thị trấn du lịch Sapa (81,6 km) là thuận tiện nhất. Ngoài ra bạn cũng có thể chọn giải pháp đi từ Hà Nội theo tuyến đường ngắm lúa phổ biến qua Nghĩa Lộ – Mù Căng Chải (350 km). Hướng leo khác từ thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van thì đòi hỏi bạn phải offroad (đoạn đường xấu, khó đi) từ trung tâm thị trấn Sapa hướng đi Mường Hoa.
- Để vào tới bản Thào A từ cầu Pắc Ta (QL 32) bạn sẽ phải đi cung đường offroad dài 13 km. Quá nửa đường là dốc đất đá, suối hộc và không thể đi vào ngày mưa.
- Đường leo ban đầu là dọc suối lớn với nhiều đá hộc, tiếp đến phải vượt dốc đá qua dãy núi Ngựa (có thể nhìn thấy rõ từ bản). Khi qua được đây, bạn nên nghỉ ở lán đi rừng khu trồng thảo quả. Ngày thứ hai mới tiếp chận được chân núi, đường leo băng qua những rừng trúc rồi dốc ngược tới đỉnh. Việc tiếp cận đã khó, việc tìm người dẫn đường vốn ít tiếp xúc người lạ ở bản Thào A cũng rất khó khăn.
- Nên chuẩn bị thật kĩ về đồ dùng cũng như thể lực để có chuyến đi an toàn. Đây là cung trekking khó bậc nhất Tây Bắc, cần cân nhắc khi thực hiện. Tuy nhiên, khu rừng với nhiều cảnh nguyên sơ kì vĩ và hành trình gian nan chắc chắn sẽ đọng lại nhiều trải nghiệm thú vị cho những người ưa khám phá, mạo hiểm, thử thách bản thân mình.
Tác giả: Nguyễn Hạnh Hà My
*Bài viết tham gia chương trình chúng mình Golocal.
Đăng bởi: Thế Cừ Nguyễn
Từ khoá: Kiêu hãnh Nam Kang Ho Tao – một trong những ngọn núi hiểm địa bậc nhất Tây Bắc
Để lại một bình luận