Đà Nẵng có gì?

Đà Nẵng có gì?

Đà Nẵng còn là trung tâm của 3 di sản văn hóa thế giới là Cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên – Huế, Tây và Nam giáp tỉnh Quảng Nam, Đông giáp Biển Đông. Đà Nẵng nằm ở trung độ đất nước, trên trục giao thông Bắc – Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không… Nơi đây không những có những danh lam thắng cảnh đẹp mà con người ở đây rất thân thiện, mến khách. Đà Nẵng có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Đà Nẵng trong bài viết sau đây nhé.

Núi Hải Vân – Đà Nẵng

Núi Hải Vân hay Hải Vân Sơn là ngọn núi cuối cùng của một mạch núi đâm ngang ra biển lớn nhất của dãy Trường Sơn hùng vĩ, mà đỉnh cao nhất 1.450m, tưởng chừng vươn tới trời xanh, đỉnh núi lẫn trong mây, còn chân núi chìm trong nước biển mênh mông. Nói về sự hùng vĩ của núi Hải Vân ở thế kỷ XVIII, Ngô Thì Chí đã viết: “Ngọn núi này khí át sông Ngân, thế nuốt bờ biển, tảng đá trập trùng khó vịn, cây cối sum suê rợp bóng, sóng vỗ ầm ầm như tiếng sấm vang trời, suối chảy rào rào như tuôn nước từ lưng chừng trời đổ xuống”. Chỉ có người vượt đèo bằng đôi chân theo con đường thiên lý thời ấy mới có được cảm giác như thế, chứ đi bằng ôtô hay tàu lửa thời nay thì sẽ có cảm giác hoàn toàn khác.

đà nẵng có gì?

Núi Hải Vân – Đà Nẵng

Núi Hải Vân là đường phân giới về địa lý và địa chất trong thiên nhiên của nước ta. Phía bắc Hải Vân là cảnh quan đá vôi karstic với hang động kỳ thú, rừng gió mùa chí tuyến. Phía nam Hải Vân là rừng nhiệt đới xích đạo. Trên đỉnh đèo, có khi thời tiết diễn ra như có đủ bốn mùa trong ngày: tinh mơ là thu, đứng trưa là hạ, xế chiều là xuân và sập tối là đông. Với vị trí là đường phân giới Bắc Nam, núi Hải Vân là một kỳ quan của đất nước, là quan ải hùng vĩ bậc nhất trên con đường Nam tiến của dân tộc, đã từng được những người đứng đầu chính quyền Việt Nam đánh giá là một vị trí chiến lược xung yếu trên tuyến đường Bắc – Nam.

Từ nhiều thế kỷ trước dãy núi như bức trường thành ấy đã bị con người vượt qua bất chấp rừng rậm, dốc cao, vực sâu đầy hùm beo, thú dữ… và cả bọn thảo khấu có thể xuất hiện, chặn đường trấn lột khách. Cái ấn tượng lo sợ của khách bộ hành qua đây vẫn còn in đậm trong câu ca dao:

“Đi bộ thì khiếp Hải Vân, đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”.

Ngày xưa, người ta có thể qua Hải Vân bằng ba con đường: thượng đạo, trung đạo và hạ đạo. Hạ đạo là tuyến đường biển, còn thượng đạo và trung đạo là đường xuyên núi.

Đầu thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước, triều Nguyễn đã chọn Huế làm kinh đô, thì Hải Vân quan trở thành cửa ngõ của kinh sư. Dưới thời Minh Mạng, đường qua đèo được xây cất, lát đá, đặc biệt một cụm công trình được xây dựng giữa đỉnh đèo cấu thành một pháo đài quân sự kiên cố gọi là Hải Vân Quan. Công trình đã bị phá bỏ phần lớn, nay chỉ còn lưu lại hai vòm cửa chính và một đoạn thành ngắn. Cửa vòm trông về phía Thừa Thiên, bên trên có tấm biển đá khắc ba chữ “Hải Vân Quan”, cao 6,16m, rộng 7,7m, dày 6,37m. Cửa vòm trông về phía Quảng Nam có khắc 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, cao 5,2m, rộng 7,9m, dày 4,75m.

Sau khi chiếm xong Trung Kỳ, Tổng tư lệnh binh đoàn Pháp, tướng De Courcy ra lệnh cấp tốc mở ngay con đường chiến lược qua đèo Hải Vân để nối Huế với Đà Nẵng, đồng thời có thể cơ động quân nhanh chóng để “bình định” Quảng Nam khi cần. Lực lượng công binh Pháp đã bắt dân phu hai tỉnh làm đường từ 1886. Đoạn đường bộ này dài 20km, trải qua hơn một thế kỷ uốn sửa, mở rộng, nâng cấp, nhưng về cơ bản vẫn theo vị trí ban đầu.

Đầu thế kỷ XX, con đường xe lửa qua đèo ở độ cao 100m so với mặt nước biển được xây dựng, dài 21km, chạy ven theo triền núi, qua 7 hầm, có chiều dài tổng cộng 3.290m, trong đó hầm Sen dài nhất 562m.

Ngày 27-8-2000, đã cử hành lễ khởi công mở hầm đường bộ xuyên qua đèo Hải Vân dài 6.274m, rút ngắn đoạn đường đèo xuống còn 1/3, và quan trọng hơn là các phương tiện vận chuyển không phải vượt qua những đèo dốc quanh co đầy rủi ro, bất trắc. Lúc 1 giờ 10 phút ngày 28-10-2003, con đường hầm lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á đã được khai thông.

đà nẵng có gì?

Núi Hải Vân – Đà nẵng

Đèo Hải Vân không chỉ là một danh thắng hùng vĩ vào bậc nhất nước ta – “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” – mà còn là nơi chứng kiến bao nhiêu chiến tích oai hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt nhiều thế kỷ qua và đặc biệt là những chiến công ở nơi đây trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1946-1975).

Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng

Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là một thắng cảnh nổi tiếng; trong ký ức của nhiều người đây còn là vùng “địa linh” của xứ Quảng xưa nay. Ngũ Hành Sơn là một địa danh được cả nước biết đến. Một nhà thơ đã viết về Ngũ Hành Sơn “Núi thấp hơn hết mà danh cao hơn hết” (dịch).

đà nẵng có gì?

Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng

Thực ra tên gọi Non Nước đã có từ lâu đời, đã đi vào ca dao như một tổng kết kinh nghiệm về thời tiết của dân chúng: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà, Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa”. Trong Giáp Ngọ bình Nam đồ do Đoan quốc công Nguyễn Hoàng lập năm 1594, sau khi được vua Lê cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, vẽ đường đi từ Chiêm Thành đến biên giới Chân Lạp có ghi địa danh “Non Nước Sơn”. Cũng như trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo, tự Đạo Phủ, quê Nghệ An, soạn vào năm Bính Dần (1686), vẽ đường đi từ Thăng Long đến Chiêm Thành đều có ghi “Non Nước Sơn tam đỉnh” bằng chữ Nôm. Như vậy là địa danh núi Non Nước đã xuất hiện trên văn bản hơn 5 thế kỷ, còn sự ra đời của nó chắc phải kể từ khi những lưu dân Việt đặt chân đến vùng đất này. Trong khi đó, tên Ngũ Hành Sơn được Lê Quang Định nói đến trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806) như sau: “Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành Sơn, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ gọi là núi Non Nước”(1). Phải thừa nhận rằng tên Ngũ Hành Sơn không những mang tính hoa mỹ hơn, mà người đặt ra nó đã dựa vào thế đất, thế núi và có kết hợp các yếu tố cơ bản của thuyết âm dương-ngũ hành.

Người Pháp sau này, cuối thế kỷ XIX, thì lại dựa vào chất liệu của núi đá để đặt tên cho thắng cảnh là “Les montagnes de marbre” (Những ngọn núi đá cẩm thạch).

Những dấu tích còn lưu lại cho biết rằng trước khi người Việt đến đây, người Chăm đã thờ cúng các vị thần của họ trong các hang động, đền miếu trên các hòn núi này. Người Việt đến mang theo đạo Phật, lập thêm chùa chiền, am, thất làm tôn thêm tính chất uy nghiêm của một thắng cảnh mà không bài trừ nhau.

đà nẵng có gì?

Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng

Quần thể thắng cảnh Ngũ Hành Sơn nằm trên địa phận xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía đông nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng- Hội An. Những núi đá vôi nằm rải rác trên diện tích khoảng 2km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Thủy Sơn và Hỏa Sơn. Mỗi ngọn núi có một vẻ đẹp riêng về hình dáng, vị trí, chất liệu đá, về hang động, chùa chiền bên trong. Trong các ngọn núi, Thủy Sơn là hòn lớn nhất và cũng kiều diễm nhất. Núi cao 106m, có 3 ngọn ở 3 tầng giống như 3 ngôi sao (Tam Thai). Đây là nơi tập trung nhiều hang động, chùa chiền nhất.

Về hang động có: Hóa Nghiêm, Huyền Không, Linh Nham, Lăng Hư, Vân Thông, Thiên Long, Bàn Cờ, Tàng Chân, Chiêm Thành và Vọng Hải Đài, Vọng Giang Đài. Về chùa có: Tam Thai, Tam Tôn, Linh Ứng…
Điều thú vị ở đây mà các điểm du lịch khác khó có thể có được là sau những giờ leo trèo, lên xuống hàng trăm bậc cấp để thăm thú các hang động và chùa chiền, du khách chỉ cần bước ra mấy trăm mét là đến bãi biển cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng êm như mời gọi chào đón đến với làn nước mặn, thư giãn gân cốt, đồng thời ngắm nhìn cảnh núi non, trời biển bao la.

Cả vùng Ngũ Hành Sơn được quy hoạch và đang triển khai xây dựng thành Khu Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn.

Sơn Trà – Đà Nẵng

Sơn Trà – một địa danh chỉ một bán đảo có diện tích 4.370ha, vừa chỉ một dãy núi dài 13,5km, án ngữ phía đông bắc thành phố Đà Nẵng, tạo nên bức tường thành ngăn gió bão làm cho vũng Đà Nẵng kín gió, nơi neo đậu tàu thuyền an toàn hơn. Sơn Trà còn là một địa danh hành chính cấp quận gồm 7 phường kể từ khi Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1-1-1997).

đà nẵng có gì?

Sơn Trà – Đà Nẵng

Bản đồ của Pháp trước đây ghi Tiên Sa để chỉ bán đảo và núi Sơn Trà. Nay Tiên Sa là tên của một cảng biển ở Đà Nẵng. Người Mỹ khi đóng quân ở đây (1965-1975) gọi Sơn Trà là “Monkey mountain” (Núi Khỉ), điều này cũng nói lên số lượng cá thể phong phú của loài linh trưởng sống trên núi này.Theo thống kê chưa đầy đủ, hệ động vật Sơn Trà có trên 100 loài, trong đó có 8 loài thuộc loại quý hiếm. Hệ thực vật cũng rất phong phú, có 289 loài, trong đó có 64 loại gỗ lớn, 107 loài cây thuốc, cây cảnh. Ở góc độ tự nhiên, việc giữ gìn và bảo vệ hệ động thực vật của Sơn Trà không chỉ có ý nghĩa về mặt bảo vệ sự đa dạng sinh học, mà còn trực tiếp góp phần vào việc bảo vệ sinh cảnh lâu dài của một thành phố cảng có rừng tự nhiên phục vụ cho nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng và sinh hoạt văn hoá.

đà nẵng có gì?

Sơn Trà – Đà Nẵng

Rừng Sơn Trà được xếp vào danh sách trong hệ thống rừng đặc dụng quốc gia với tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Quyết định số 41TTg ngày 24-1-1977 của Thủ tướng Chính phủ).

Truyền thuyết dân gian kể rằng ngày xửa, ngày xưa nơi đây là vùng đất có nhiều cảnh đẹp, cây cối bốn mùa xanh tươi, tiếng vượn hú, chim kêu hòa cùng với tiếng suối reo và tiếng sóng biển rì rào. Quang cảnh ấy đã thu hút các vị tiên trên trời sa xuống để thưởng ngoạn, các tiên ông thì đánh cờ, các tiên nữ thì tắm suối hoặc đùa giỡn với sóng biển. Cái tên Tiên Sa ra đời từ đó. Truyền thuyết ấy ngày nay vẫn còn giá trị như một lời khuyên mọi người hãy có ý thức giữ gìn món quà quý giá mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho vùng đất này.

Một con đường rất đẹp chạy quanh bán đảo đã được xây dựng. Ven con đường này đã hình thành các khu du lịch, khách sạn cao cấp. Một ngôi chùa mang tên Linh Ứng Bãi Bụt với kiến trúc đậm nét dân tộc cũng đã được hoàn thành vào tháng 7-2010.

Xem Thêm  Kinh nghiệm nghỉ dưỡng tại khách sạn Alacarte Đà Nẵng

Hòn Bằng Than – Đà Nẵng

Dân gian quen gọi là “Bàn Than” và cả trên một số sách báo cũng thường viết là “Bàn Than”, với cách giải thích theo kiểu trực quan là một hòn núi có đỉnh bằng phẳng giống như mặt “bàn”. Thực ra, đúng tên là “Bằng Than”. Bằng ở đây có nghĩa là bằng phẳng. Có thể kể ra một số ví dụ về cách cấu tạo địa danh theo kiểu này. Hòn Bằng (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên), núi Bằng Thùng (tây huyện Quế Sơn), Bằng Võ (chỉ nơi đất bằng như sân vận động, dùng làm nơi luyện tập nghĩa quân thời Nghĩa hội ở căn cứ Trung Lộc) và Bằng Chò (tây Quảng Ngãi)…

Hòn Bằng Than – Đà Nẵng

Bằng Than là một hòn núi thấp, nằm sát biển, thuộc xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, dài khoảng 2km, cao 40m, trên đỉnh khá bằng phẳng, rộng khoảng 20ha, phủ đầy một loại cỏ thân cứng và những cây dại như chà là, sim, mua. Thời kháng chiến chống Mỹ, trực thăng của quân đội Mỹ nhiều lần đổ quân trên hòn Bằng Than trong các cuộc càn quét. Điều đáng chú ý là ở mặt phía đông và đông nam, vách đá cao dựng đứng màu đen như than. Từ ngoài biển nhìn vào, ta thấy có một số hang động do sự xâm thực của sóng biển lâu ngày và những bãi đá lô nhô những hòn lớn nhỏ cùng những hố ẩn hiện trong những tia nước và bọt biển trắng xóa trên cái phông màu đen của đá kéo dài đến hút tầm mắt. Theo những hình dáng tự nhiên, và qua trí tưởng tượng phong phú của người dân địa phương, những vách đá, hố nước, hòn đá ở nơi đây được đặt tên như: hố Cột Tàu, khe Bà Che, hố Đùng…

Về thắng cảnh này, sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Núi Phú Xuân có tên là núi Bàn Than, ở cách huyện Hà Đông 50 dặm về phía đông nam, nằm kề bên cửa biển Đại Áp ở phía bắc; mạch núi nguyên từ núi Chủ Sơn kéo về, chia ra quanh co qua các xã Hòa Vấn, Phú Hòa đến thôn Phú Xuân Hạ thì nổi vọt lên một ngọn núi, sắc đá đen như than, đứng xa thấy đỉnh núi bằng màu đen mhư cái mâm than, nên gọi tên thế”.

Đứng trên hòn Bằng Than có thể nhìn ra một vùng trời biển bao la, phía đông bắc là Cù lao Chàm, phía nam là vịnh Dung Quất, phía tây là con sông Bến Ván từ dãy Trường Sơn xanh ngắt chảy quanh co, đổ nước ra cửa Kỳ Hà, phía nam là sân bay Chu Lai trải dài từ đông quốc lộ 1A chạy ra đến gần mé biển.

Hòn Kẽm – Đà Nẵng

Hòn Kẽm là tên một hòn núi nằm giữa hai xã Quế Lâm và Quế Phước của huyện Quế Sơn trước đây, do có sự điều chỉnh về địa giới hành chính, hòn Kẽm nay là ranh giới giữa hai huyện Nông Sơn và Hiệp Đức. Núi mang tên “Hòn Kẽm” để chỉ địa hình nơi đây “hai bên là vách núi dựng đứng, ở giữa là dòng sông”. Theo sách Việt ngữ chánh tả từ vị của Lê Ngọc Trụ: “Kẽm là khe, lối hẹp, hai bên có núi”. Ví dụ: Kẽm Trống trên dòng sông Đáy tỉnh Hà Nam.

đà nẵng có gì?

Hòn Kẽm – Đà Nẵng

So với các hòn núi khác trong tỉnh như núi Bà Nà (Hòa Vang), hòn Tàu (Quế Sơn), hòn Bà (Trà My) về mặt độ cao, thì hòn Kẽm thuộc loại đàn em, nhưng lại được người ta biết nhiều, thường được báo chí nhắc đến, bởi hai lý do: Thứ nhất, do vị trí và thế đứng kỳ vĩ của những vách núi đá như bức trường thành soi bóng xuống dòng sông lớn Thu Bồn – con đường giao thông thủy lớn nhất và dài nhất Nam Trung Bộ từ bao đời nay – với vẻ đẹp riêng hiếm có, mà ai đã một lần đi thuyền ngang qua khó mà quên được. Ở miệt trung du, con sông chảy giữa hai bên là đồi núi là hình ảnh phổ biến, quen thuộc. Nhưng ở nơi đây, con sông chảy qua hòn Kẽm không có quang cảnh ấy, mà hình như từ buổi xa xưa dòng nước từ phía thượng nguồn đổ về đã chọc thủng qua dãy núi, mở một đường thoát về xuôi. Đi thuyền qua đây (không có đường bộ) khách có cảm giác như mình bị khép chặt giữa hai bên vách đá cao dựng đứng trên một đoạn sông dài nhiều kilômét.

Thứ hai, là không biết tự bao giờ, hình ảnh hòn Kẽm được khắc họa trong câu ca dao trữ tình được xếp vào loại những câu ca dao hay nhất của xứ Quảng mà nhiều người đã thuộc nằm lòng:

Ngó lên hòn Kẽm đá dừng
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi!

Ở đây, cần được “mở ngoặc” nói thêm một điều.Trong khẩu ngữ, trong giao tiếp hàng ngày, ta thường nghe cụm từ “Hòn Kẽm đá dừng”. Trên báo chí, cách viết địa danh này không thống nhất.

Cách viết thứ nhất, “Hòn Kẽm – Đá Dừng” (viết hoa cả 4 từ, có dấu phẩy hoặc gạch ngang ở giữa), hàm nghĩa chỉ hai địa danh liền nhau là Hòn Kẽm và Đá Dừng. Thậm chí có người đã viết: “tại đây một bên là Hòn Kẽm và một bên là Đá Dừng”(?). Nếu thế thì tại sao không viết là Hòn Kẽm và Hòn Dừng mà lại thêm từ “Đá” vào đây (Hòn Kẽm cũng toàn là đá đấy chứ).

Cách viết thứ hai, “Hòn Kẽm đá dừng” (đá dừng viết thường) với ý nghĩa “đá dừng” không phải là địa danh mà là để chỉ cảnh đá dựng nhưbức trường thành ngăn và che khuất tầm nhìn. Như vậy, “đá dừng” ở đây là trạng ngữ bổ nghĩa cho địa danh Hòn Kẽm. Để chứng minh cho luận điểm này, xin dẫn chứng thêm rằng trên bản đồ của Pháp trước đây và của ta hiện nay chỉ thấy ghi núi Hòn Kẽm, không có núi hay địa danh “Đá Dừng”. Khảo sát trên thực địa, thì phía thượng nguồn kề Hòn Kẽm, bên tả ngạn là làng xưa mang tên Nhụ Sơn (lẽ ra phải đọc là Nhũ Sơn. Nhũ là cái vú. Ở đây có hòn núi một có hình dạng như chiếc vú phụ nữ, nên được đặt tên là Nhũ Sơn. Phía bên hữu ngạn là làng Thạch Bích (bức tường ngăn bằng đá), tên nôm khá phổ biến chỉ địa danh này là làng Đá Ngang (xin nhấn mạnh là làng Đá Ngang chứ không phải là làng Đá Dừng). Từ việc đối chiếu trên bản đồ và trên thực địa, thì cách viết “Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng” (đá dừng là trạng ngữ bổ nghĩa cho Hòn Kẽm) là hợp lý nhất.

đà nẵng có gì?

Hòn Kẽm – Đà Nẵng

Ở chân núi bên phía Thạch Bích có một tảng đá nhô ra, mặt trên phẳng, nằm gần mặt nước. Vào mùa nước lũ thì ngập sâu, mùa nắng nước cạn thì hòn đá lộ ra trên có dòng chữ Sanskrit ngoằn ngèo cao khoảng 15cm, dài 2m đã mờ mất nhiều nét do bị nước chảy bảo mòn. Những người đi thuyền qua đây thường dừng lại, đặt đồ cúng trên phiến đá. Có nhiều truyền thuyết được thêu dệt xung quanh hòn đá “thiêng” này. Thực ra, đây là di tích của Chămpa xưa. Dòng chữ Sanskrit này được nhà bi ký học người Pháp Edouard Hubert, giáo sư Trường Viễn Đông bác cổ Pháp (Hà Nội) giải mã vào năm 1911 như sau

Dịch sang mẫu tự Latinh (hàng trên): Cri Campecvaro vijayi mahipati Cri; (hàng dưới): Prakàcadharmmeti sthàpitavàn Amarecam iha. Có nghĩa là: Hoàng đế Prakacadharma, vua nước Chămpa vinh quang muôn năm! Chúa đất nơi đây xin dâng cúng đấng Siva này…

Cũng theo ông E. Hubert, trước đây còn có một vật tượng linga đặt trên hòn đá này, rồi do lũ lụt bị nước cuốn trôi mất. Văn khắc này là một trong 40 văn khắc Chămpa rải rác trên lãnh thổ Quảng Nam.

Tháp Bằng An – Đà Nẵng

Tháp Bằng An thuộc làng Bằng An, nay là một thôn của xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm bên cạnh tỉnh lộ 609, cách Đà Nẵng 27km về phía nam. Nhà nghiên cứu người Pháp H. Parmentier từ đầu thế kỷ XX đã có nhận xét đây là một tháp Chămpa có dáng vẻ kỳ lạ trong lịch sử kiến trúc cổ Chămpa.

đà nẵng có gì?

Tháp Bằng An – Đà Nẵng

Bằng An là ngôi tháp duy nhất có hình bát giác còn tồn tại đến ngày nay. Nhìn từ phía ngoài, tháp tựa như một búp măng tre khổng lồ, cao gần 20m, thân hình trụ bát giác, mỗi cạnh tường dài 4m. Phần ngoài tiền sảnh khá dài, cửa mở về hướng đông, hai bên tiền sảnh có 2 cửa phụ. Tường tháp phẳng, không có cửa giả, không có trụ áp tường và hoa văn trang trí. Vòm mái hình chóp, thu nhỏ dần trên đỉnh. Trên các đường gờ dọc theo mái tháp còn lại nhiều dấu vết của những vật trang trí kiến trúc bằng sa thạch. Chóp tháp đã bị rơi mất.

Nội dung tấm bia tìm thấy tại Bằng An trước đây cho biết vua Bhadravarman II cho xây một đền thờ tên là Linga Paramesvara (Thượng đế tuyệt đỉnh- một tên hiệu của thần Civa). Theo các nhà nghiên cứu, thì tháp Bằng An được xây dựng vào khoảng năm 875-877. Còn J. Boisserlier thì dựa vào 2 pho tượng Gajasimha bằng sa thạch đặt ở trước tháp theo phong cách Chánh Lộ, xác định niên đại muộn hơn (vào thế kỷ XI)

Một số ý kiến khác căn cứ vào dáng bên ngoài của tháp trông giống như một chiếc linga khổng lồ, cho đó chính là Linga Paramesvara mà vua Bhadravarman II đã cho xây dựng vào cuối thế kỷ IX.

Cù Lao Chàm – Đà Nẵng

Cù lao Chàm là một quần đảo gồm 7 đảo (hòn Lao, hòn Tai, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Lá, hòn Khô Mẹ và hòn Khô Con), có tổng diện tích trên 15km2, trong đó rừng chiếm khoảng 90%.

đà nẵng có gì?

Cù Lao Chàm – Đà Nẵng

Đảo lớn nhất là hòn Lao, nơi tập trung dân cư sinh sống, đảo nhỏ nhất là hòn Khô Con. Trên đảo có nhiều ngọn núi, ngọn cao nhất 517m. Hệ thực vật tương đối phong phú, còn nhiều cánh rừng nguyên sinh với những loại gỗ quý như gõ đỏ, kiền kiền, chò, xoan núi, mây, song… Động vật hoang dã có khỉ, chồn, thỏ, trăn, rắn. Có nhiều loại chim, trong đó có các loại chim biển cư trú. Đặc biệt là loại chim yến, mà tổ của nó là một loại thực phẩm cao cấp, vừa là dược liệu quý. Theo các tài liệu lịch sử, yến sào ở đây được con người tổ chức khai thác từ thế kỷ XVII. Trên đảo còn có miếu thờ ông tổ nghề khai thác yến sào. Hiện nay yến sào Cù lao Chàm được xếp vào loại tốt nhất ở Việt Nam và mỗi năm mang về cho ngân sách thị xã Hội An một khoản ngoại tệ đáng kể.

Nằm cạnh đường hàng hải quốc tế nên Cù lao Chàm đã được các nhà hàng hải, thương nhân phương Đông và phương Tây biết đến rất sớm. Những cuộc khảo sát khảo cổ học của Đại học Quốc gia Hà Nội (5-1998) đã tìm thấy ở đây nhiều mảnh gốm thời Đường (Trung Hoa) có niên đại khoảng thế kỷ VII-X, một số mảnh gốm Islam của vùng Trung Cận Đông khoảng thế kỷ IX-X và nhiều mảnh gốm Chămpa, đồ thủy tinh gia dụng, hạt thủy tinh được chế tác rất tinh vi. Những hiện vật phát hiện phản ánh quan hệ giao lưu buôn bán giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung Cận Đông đã diễn ra ở đây cách nay khoảng 10 thế kỷ. Có thể nơi đây là điểm dừng thuận lợi của tàu thuyền qua lại để lấy nước ngọt, củi đốt, lương thực, hoặc để tránh gió bão và trở thành bến chợ của thương thuyền nhiều nước nằm cách phố cổ Hội An không xa.

Qua hồi ký, bút ký của các lái buôn phương Tây, các nhà truyền giáo, thì quần đảo này được ghi theo mẫu tự Latinh là Pulociam, Pulaucham hay Polochiam. Người Trung Hoa gọi là Chiêm Bất Lao hay Tiêm Bích La. Còn người Việt thì gọi là Cù lao Chàm, có nghĩa là đảo của người Chàm, hay đảo có người Chàm ở (trước đây). Ngay từ “cù lao” cũng là từ vay mượn của ngôn ngữ Mã Lai (có nghĩa là hòn đảo).

Thiên nhiên ở Cù lao Chàm còn giữ được nhiều nét đẹp nguyên sơ (rừng, biển, bãi tắm, suối nước…) chưa bị ô nhiễm bởi con người gây ra, môi trường rất phù hợp cho những “tour” du lịch sinh thái. Cù lao Chàm được Tổ chức Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (26-5-2009) cùng với mũi Cà Mau.

Xem Thêm  Bật Mí Bí Quyết Săn Vé Máy Bay Hà Nội – Đà Nẵng Giá Rẻ

Cù lao Chàm hiện nay là xã Tân Hiệp thuộc thị xã Hội An, dân số khoảng 3.000 người, sinh sống chủ yếu bằng đánh bắt hải sản.

Nhóm tháp Khương Mỹ – Đà Nẵng

Di tích Chămpa Khương Mỹ nằm ở làng Khương Mỹ, huyện Hà Đông, nay thuộc xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, ở phía nam sông Tam Kỳ, cách trung tâm thị xã 2km.

đà nẵng có gì?

Nhóm tháp Khương Mỹ – Đà Nẵng

Sách Đại Nam nhất thống chí, ở mục “Cổ tích” chỉ ghi mấy dòng ngắn gọn: “Tháp ở xã Khương Mỹ gồm 3 tòa liền nhau, cao 80 trượng, phía trên có lỗ thông thiên, phía trong có tượng đá, nay đã đổ nát. Tương truyền đây là chỗ táng vợ vua Chiêm Thành”.

Nhóm tháp Khương Mỹ gồm 3 tháp xếp thành một hàng theo trục bắc- nam, cửa ra vào hướng đông, là kiểu tháp truyền thống của Chămpa với mặt bằng vuông, mái thấp, gồm 3 tầng, mà tầng trên cùng là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới. Trên cùng là chóp tháp làm bằng sa thạch.

  • Tháp Bắc là tháp nhỏ nhất trong nhóm, có một cửa ra vào và 5 cửa giả. Vòm cuốn trên các cửa uốn hình cung, trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu
  • Tháp Giữa lớn hơn tháp Bắc, có một cửa ra vào và 5 cửa giả. Vòm cuốn trên cửa được tách làm 2 tầng, cấu tạo bởi những lớp hoa văn thảo mộc cách điệu, uốn cong ở đầu mút. Phần chân và trụ đỡ vòm cuốn chạm 2 tầng hoa sen cách điệu.
  • Tháp Nam là tháp lớn nhất, về mặt cấu trúc cũng giống như 2 tháp Bắc và tháp Giữa.

Theo nhà khảo cổ học Pháp P. Stern, lần đầu tiên kiến trúc Chămpa xuất hiện ở Khương Mỹ một số mô típ trang trí của nghệ thuật Khmer. Kiểu cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu mút, lá có rảnh sâu; các hình thoi nối tiếp nhau bởi đường chéo và các đóa hoa cách điệu là đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ IX- đầu thế kỷ X. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở Khương Mỹ được đưa về trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng. Một pho tượng thần Vishnu có 4 tay hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh.

Khu tháp Chămpa Mỹ Sơn – Đà Nẵng

Tại một thung lũng chiều dài khoảng 2km, chiều rộng hơn 1km, nằm bên cạnh làng Mỹ Sơn thuộc tổng An Hòa, phủ Duy Xuyên, nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 70km về phía tây nam. Vào năm 1885, một toán lính Pháp tình cờ trong khi đặt đường dây điện tín đã phát hiện khu tháp Chămpa bị phủ bởi cây rừng và dây leo, nằm ở tọa độ 15o46’ vĩ độ Bắc và 106o07’ kinh Đông.

đà nẵng có gì?

Khu tháp Chămpa Mỹ Sơn – Đà Nẵng

Năm 1895, C.Paris cho người phát quang khu đền tháp này. Năm 1898-1899, các học giả Pháp là L.Finot và L.De La Jonquière đã đến nghiên cứu các văn bia. Họ đã phát hiện khoảng 35 bi ký (chiếm 1/5 trong tổng số bi ký của Chămpa được phát hiện ở cả khu vực miền Trung). Năm 1901, nhà khảo cổ kiêm kiến trúc sư Pháp là H.Parmentier đã đến đây nghiên cứu về kiến trúc và nghệ thuật.

Những công trình nghiên cứu đầu tiên được công bố trên tạp chí của Trường Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) vào năm 1904. Tiếp theo đó là các công trình nghiên cứu của P.Sterne, J.Boisselier…mà những tác phẩm của họ là những tài liệu cơ bản nhất cho các nhà nghiên cứu về văn hóa Chămpa sau này.

Theo nội dung một tấm bia có niên đại khá sớm ở Mỹ Sơn cho biết, vào khoảng thế kỷ thứ IV, vua Bhadravarman đã cho xây dựng ở đây một ngôi đền bằng gỗ để thờ thần Civa- Bhadresvara. Trong văn bia có đoạn: “Bhadravarman dâng cho thần một vùng đất vĩnh viễn: phía đông là núi Sulaha, phía nam là núi lớn Mahaparvata, phía tây là núi Kucaka, phía bắc là…(làm giới hạn). Ruộng đất trong phạm vi đó được dâng cùng với cả dân cư. Hoa lợi cũng được dâng lên cả cho thần”(1). Các đền thờ này đều bị thiêu hủy toàn bộ vào cuối thế kỷ thứ VI. Vào đầu thế kỷ VII, vua Sambhuvarman cho xây dựng lại ngôi đền bằng gạch với tên mới là Sambhu- Bhadresvara. Từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, các vua Chămpa kế tiếp đều cho xây dựng thêm nhiều tháp mới để thờ thần Civa dưới những tên gọi khác nhau, tổng cộng hơn 70 công trình. Đây là thánh địa Ấn Độ giáo quan trọng nhất của vương quốc Chămpa. Có thể tìm thấy ở đây hầu hết các phong cách kiến trúc của nghệ thuật Chămpa qua các thời kỳ.

Khu tháp Chămpa Mỹ Sơn – Đà Nẵng

Khu tháp Chămpa ở Mỹ Sơn còn là nơi tập trung hàng trăm tác phẩm điêu khắc vô giá. Các tác phẩm điêu khắc trên đá và trên gạch phản ánh sự kết hợp giữa yếu tố bản địa và yếu tố bên ngoài một cách sáng tạo. Phần lớn các tác phẩm điêu khắc được tìm thấy ở đây vào đầu thế kỷ XX đã được đưa về trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Chămpa Đà Nẵng.

Theo thống kê của các chuyên gia Pháp, trước năm 1946, tại khu Mỹ Sơn còn khoảng 68 công trình kiến trúc khá nguyên vẹn. Nhưng qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ (1946-1975), phần lớn di tích bị tàn phá. Tháng 4-1947, quân viễn chinh Pháp từ đồn Thu Bồn đã bắn đại bác vào khu tháp làm hư hỏng một số. Khi quân Mỹ đến, chúng đã cài nhiều mìn, bắn pháo bừa bãi, làm sụp đổ nhiều tháp. Đặc biệt, cuộc ném bom bằng B.52 mang tính chất hủy diệt vào thung lũng này năm 1969 của không quân Mỹ đã tàn phá nặng nề nhất, san bằng nhiều công trình, trong đó có ngôi đền tháp A1 nổi tiếng.

Sau năm 1975, ở khu Mỹ Sơn chỉ còn khoảng 20 tháp, nhưng không cái nào nguyên vẹn. Từ năm 1980, trong chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam – Ba Lan, Tiểu ban phục hồi di tích Chămpa ở Mỹ Sơn được thành lập do kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski chỉ đạo. Sau 10 năm gia cố, tu sửa, trung tâm kiến trúc bậc nhất của nghệ thuật Chămpa đã được hồi sinh. Mỹ Sơn đã được trả lại phần nào dáng vẻ ban đầu của nó. Khu di tích tháp cổ Chămpa Mỹ Sơn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 54- VHQĐ ngày 29-4-1979. Ngày 1-12-1999, khu di tích lại được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Nhóm tháp Chiêm Đàn – Đà Nẵng

Di tích tháp Chiêm Đàn gồm 3 tháp thuộc làng Chiên Đàn, nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh, nằm bên cạnh tây của quốc lộ 1A, cách thành phố Đà Nẵng 60km. Ba tháp xếp thành một hàng theo trục bắc – nam, cửa ra vào ở hướng đông. Tháp Giữa còn khá nguyên vẹn. Đỉnh tháp còn lại một tầng, tiền sảnh và các cửa giả bị sụp hỏng mất phần chân.

đà nẵng có gì?

Nhóm tháp Chiêm Đàn – Đà Nẵng

Tháp Bắc nhỏ nhất trong nhóm. Phần đỉnh tháp bị sụp đổ hoàn toàn, phần tiền sảnh nơi cửa ra vào không còn. Vòm cuốn trên cửa tương đối còn nguyên, các cửa giả bị hỏng nặng.

Tháp Nam nhỏ hơn tháp Giữa, nhưng lớn hơn tháp Bắc. Phần mái bị sụp đổ hoàn toàn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nhóm tháp Chiên Đàn không xây cùng một lượt, mà ban đầu là tháp Nam, tiếp đến là tháp Giữa, sau cùng là tháp Bắc. Trong đợt trùng tu vào năm 1989, các nhà khảo cổ đã khai quật quanh các tháp, làm lộ ra toàn bộ chân tường, các trang trí bằng sa thạch với hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị.

Tại phía chân tháp Nam, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tấm lá nhỉ (tympan) thể hiện nữ thần Uma có 6 tay, 2 tay chắp trên đầu, 4 tay còn lại cầm cung, tên, đinh ba và vòng. Nữ thần đứng trên lưng một con bò, chân phải co lại, chân trái duỗi ra. Hai bên nữ thần có 2 người đang tư thế cầu nguyện. Có lẽ lá nhỉ này trước đây được gắn trên vòm cửa ra vào của tháp.

Ngoài tượng người, ở nhóm tháp Chiên Đàn còn có nhiều tượng động vật như rắn thần Naga, ngỗng thần Hamsa, chim thần Garuđa, voi, sư tử, nai…

Vào giữa năm 1997, tại đây đã khai quật được một tấm bia lớn, mài bằng một mặt, trên đó có khắc 8 dòng chữ Sanskrit. Có thể nói Chiên Đàn là nhóm tháp có số lượng hiện vật nhiều nhất.

Đa số các nhà nghiên cứu căn cứ vào tác phẩm điêu khắc, xếp tháp Chiên Đàn vào phong cách Chánh Lộ, thế kỷ XI đầu thế kỷ XII.

Di tích địa đạo Kỳ Anh – Đà Nẵng

Kỳ Anh (thuộc xã Tam Thăng) là vùng cát nằm bên ngoài tỉnh lỵ Quảng Tín – cơ quan đầu não của ngụy quyền đóng tại thị xã Tam Kỳ – chỉ cách 4-5km theo đường chim bay. Phía bắc là căn cứ Tuần Dưỡng (Thăng Bình), phía nam là căn cứ An Hà. Trong tình thế bị bao vây, địa hình chiến đấu không thuận lợi, các lực lượng vũ trang cách mạng không có nơi ẩn náu an toàn. Từ thực tế đó, Đảng bộ xã Tam Thăng đã chọn phương án xây dựng một hệ thống địa đạo ngầm liên hoàn bên dưới lòng đất. Kế hoạch được bắt đầu triển khai từ tháng 5-1965 đến cuối năm 1967 thì hoàn thành về cơ bản ở 9 thôn, mỗi thôn trung bình có 2km địa đạo, trong đó có chỗ hội họp, hầm chỉ huy, kho dự trữ lương thực, trạm cứu thương…

đà nẵng có gì?

Di tích địa đạo Kỳ Anh – Đà Nẵng

Khác với địa đạo Vĩnh Mốc (Vĩnh Linh) hay Củ Chi (Sài Gòn), địa đạo Kỳ Anh được đào ở vùng cát, do đó phải đào xuyên xuống tầng đất cứng (hoặc đất sét, hay đất kết von như đá ong) mới khỏi sụp lở, nghĩa là phải có bề dày trên 2m. Khó nhất là những đoạn xuyên qua suối, hồ nước, nhà dân. Nơi bố trí miệng hầm bí mật, ngoài sự kín đáo, bất ngờ còn phải có những người bám trụ hợp pháp để bảo vệ cảnh giới địch. Các mẹ có công lớn trong việc này như: Phạm Thị Tống, Lê Thị Khương, Châu Thị Thảo, Trần Thị Ngàn, Nguyễn Thị Túc, Phạm Thị Lời, Hồ Thị Hiến…

Địa đạo Kỳ Anh ra đời đã tạo lợi thế lớn cho phong trào chiến tranh du kích, góp phần cùng lực lượng vũ trang bao vây tấn công địch nhiều trận, mang lại hiệu quả cao, đồng thời làm hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh chính trị. Từ khi hình thành đến kết thúc chiến tranh (1965-1975), quân và dân Kỳ Anh đã đánh địch 1.052 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 3.751 tên địch, trong đó có 55 tên Mỹ.

Địa đạo Kỳ Anh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia (Quyết định số 985- QĐ/VH ngày 27-5-1997)

Di tích khu căn cứ Phước Trà – Đà Nẵng

Phước Trà hiện nay là một xã thuộc huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Trong Kháng chiến chống Mỹ , nơi đây đã từng được chọn đặt căn cứ của Khu ủy V từ năm 1973 đến 1975. Để sự chỉ đạo được kịp thời nhằm đối phó lại âm mưu và thủ đoạn của địch sau Hiệp định Paris (27-1-1973), Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu V quyết định dời căn cứ từ Nước Oa (Trà My) về Phước Trà(Hiệp Đức). Phước Trà cách thị trấn Tân An khoảng 15km về phía tây, cách tỉnh lộ 612 khoảng 4km về phía nam, từ đây tỏa về vùng đồng bằng có nhiều đường thuận tiện và nhanh chóng cả thủy lẫn bộ.

đà nẵng có gì?

Di tích khu căn cứ Phước Trà – Đà Nẵng

Đây là khu căn cứ lớn, gồm một hội trường, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn. Tại đây cũng đã diễn ra Đại hội lần thứ 3 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khu V và nhiều cuộc hội nghị của Khu ủy và Bộ Tư lệnh khu đề ra kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, theo tinh thần của Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 1-1975 giải phóng miền Nam.

Tại đây, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam đã sưu tập và trưng bày một số hiện vật, hình ảnh hoạt động ở khu căn cứ này trong thời kỳ 1973-1975.

Xem Thêm  Du lịch Đà Nẵng cần chuẩn bị gì để có một chuyến đi suôn sẻ?

Khu căn cứ Phước Trà đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia (Quyết định số 281/ QĐ-BT ngày 24-3-1993)

Thành Điện Hải – Đà Nẵng

Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823 (Minh Mạng thứ 4) cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao. Đồn được xây bằng gạch. Năm 1835 (Minh Mạng thứ 15) đồn đổi tên là thành Điện Hải. Năm 1840, Tham tri Bộ công Nguyễn Công Trứ vào xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, sau đó có đề nghị tăng cường phòng thủ các thành Điện Hải, An Hải.

đà nẵng có gì?

Thành Điện Hải – Đà Nẵng

Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, thành cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía Nam (cửa chính), một cửa mở về phía Đông. Trong thành có hành cung, có kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành xây bằng gạch theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông.

Hiện nay, di tích thành Điện Hải tọa lạc tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu. Tường thành phía Tây, Đông và các góc tương đối còn nguyên vẹn. Cửa thành phía Nam đã mất và phía Bắc đã hư hại. Gần đây, di tích thành Điện Hải được trùng tu, gia cố, phục hồi lại nguyên trạng.

Thành Điện Hải là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ. Đây cũng là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 – 1860. Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây, để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố.

Thành Điện Hải đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia ngày 16.11.1988, được gắn bia di tích ngày 25.8.1998.

Đình Nại Nam – Đà Nẵng

Đình làng Nại Nam nay ở khối phố Nam Sơn, phường Hòa Cường, quận Hải Châu. Đình được xây dựng năm ất Tỵ (1905) từ công sức đóng góp của dân địa phương, thờ Thành hoàng bảo an chính trực, bổn xứ thổ thần và các vị tiền nhân của làng.

đà nẵng có gì?

Đình Nại Nam – Đà Nẵng

Đình ghi đậm dấu ấn văn hóa thời Nguyễn, mái lợp ngói âm dương, tường gạch, trên mái đình là lưỡng long chầu nguyệt, loan phụng hòa vinh, dơi ngậm đào, thể hiện qua nghệ thuật đắp ghép sành sứ, công phu, đẹp mắt. Bên trong chia làm 3 gian, 2 chái, phần chính diện dài 11,7m, rộng 7,9m, hậu tẩm rộng 3,9m, dài 4,1m. Có 4 hàng cột bằng gỗ mít, gồm 20 cột, có chiều cao từ 2,5m – 4,5m. Kết cấu kèo theo “chồng rường – giả thủ”. Phần đầu hồi chạm trổ khéo léo và tinh xảo qua bàn tay tài hoa của thợ chạm Kim Bồng (Hội An), thể hiện các đề tài: cá chép hóa long, bát bảo đạo nho, cùng các họa tiết hoa văn cây cỏ, hoa lá.

Ngày xưa, hằng năm có lễ cầu an tại đình vào rằm tháng 2 âm lịch và ngày lễ cuối năm (30 Tết).

Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình làm cơ sở, địa điểm để hoạt động cách mạng, có nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở đây như lễ kết nạp đảng viên, triển khai lực lượng chính trị và quân sự đánh vào thành phố ở các thời điểm 1950, 1951, 1960, 1965, 1968, 1975, nhiều người con ưu tú của địa phương đã sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng tại đình.

Di tích đình Nại Nam, ngoài giá trị của một di tích kiến trúc – nghệ thuật còn là một trong những đình làng cổ tiêu biểu còn lại khá nguyên vẹn trong nội thành Đà Nẵng. Đình làng Nại Nam được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 04/01/1999.

Đình Quá Giáng – Đà Nẵng

Nhà thờ chư phái tộc Quá Giáng nay nằm ở thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Nhà thờ được xây dựng năm Tân Tỵ (1821) thờ Quan Thánh và các vị tiền hiền của bốn tộc Đinh, Lê, Trần, Nguyễn – những người có công theo Chúa Nguyễn vào Nam khai phá đất đai lập nên làng Quá Giáng xưa bao gồm vùng Quá Giáng, Giáng Nam, Trà Kiểm, An Lưu và xóm Cồn Mong.

đà nẵng có gì?

Đình Quá Giáng – Đà Nẵng

Nhà thờ được chia làm hai phần: phần tiền đường và phần chính điện. Nối nhà tiền đường và chính điện là hai dãy hành lang có mái che tạo nên một kiến trúc khép kín kiểu chữ nhật.

Tiền đường xây theo lối chồng rường giả thủ, chân giả thủ đều trang trí hình quả bí, phía trên được trang trí hình đài hoa sen.

Hai dãy cột chính mỗi dãy bốn cột cao 5m chống đỡ hai vì kèo và hai dãy cột quân thấp hơn chống đỡ hai mái phụ. Trên các thanh xà, kèo đều được trang trí cỏ cây, hoa lá, muông thú, bát bửu và các đường trang trí khác. Đuôi kèo được chạm khắc hình tượng cá chép hoá rồng.

Phần nhà thờ chính được xây dựng theo lối kéo tam đoạn (kéo chuyền) với ba gian bốn mái. Bốn cột chính cao 5m cùng 8 cột quân cao 3m và 16 cột con chống đỡ vì kèo. Đầu các thanh trính được khắc hình đầu rồng, giữa được trang trí chữ thọ và các đường nét trang trí hoa lá khác. Bộ cửa thượng song hạ bản cùng với bộ mắt cửa thể hiện rõ phong cách kiến trúc của Hội An với bàn tay tài hoa khéo léo của người thợ làng Kim Bồng nổi tiếng.

Mái nhà thờ lợp ngói âm dương với hình ảnh loan phụng hòa minh trên nóc. Hai bên là hai con rồng ngoái đầu lại nhìn nhau. Các con giống trong “tứ linh” cũng được đưa lên mái trước của tiền đường.

Hàng năm dân làng có hai kỳ Xuân Thu tế lễ vào các ngày 20/2 và 12/7 âm lịch để tưởng nhớ lại các vị tiền hiền đã mở mang vùng đất này.

Nhà thờ phái chư tộc Quá Giáng được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 01/02/2000.

Đình Hải Châu – Đà Nẵng

Đình làng Hải Châu nằm tại kiệt 42, đường Phan Chu Trinh, thuộc Tổ 6, phường Hải Châu 1. Phía trước có hồ nước lớn, ở giữa sừng sững hòn non bộ rợp bóng cây bồ đề trên dưới trăm tuổi. Trên cổng Tam Quan vẫn còn rõ tên Hải Châu Chánh Xã bằng chữ Hán. Qua khoảng sân rộng là một quần thể kiến trúc chính gồm: Đình Hải Châu, Nhà thờ Tiền Hiền, nằm giữa hai nhà thờ tộc thành hình chữ “nhất”. Nhà thờ bên trái của tộc Nguyễn Văn mới tách ra, còn nhà thờ bên phải gọi là Kinh An Tự thờ chung 42 bài vị của 42 tộc họ. 42 tộc họ này đều từ thôn Hiếu Hiền, xã Hải Châu, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa, theo vua Lê Thánh Tôn vào Nam từ năm Tân Mão (1471).

đà nẵng có gì?

Đình Hải Châu – Đà Nẵng

Vua Lê đã lập ra ấp Hàn Giang (sau là tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố Đà Nẵng) và các tộc họ ấy đã quần tụ lại thành làng Hải Châu (theo tên xã cũ ở Thanh Hóa, bao gồm phần nội thành Đà Nẵng hiện nay), được triều Nguyễn phong sắc phong ‘chánh xã”. Hơn 500 năm qua các tộc họ đầu tiên ấy đã đặt nền móng và không ngừng đóng góp công sức cho sự hình thành thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Trên gác chuông đình Hải Châu hiện còn 1 chiếc chuông đồng, thân chuông có bài minh đắp nổi bằng chữ Hán. Tạm dịch: năm Minh Mạng thứ 5 (Giáp Thân – 1842) trùng tu chùa. Năm sau (1825) vua ban chỉ sắc tứ cho mang tên ‘Chùa Phước Hải”. Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn – 1832) nhằm ngày tốt, xã Hải Châu Chánh Đồng tạo lập chuông này. Các nhà sử học xác định Đình Hải Châu là Chùa Phước Hải, nơi Chúa Nguyễn Phúc Chu năm Kỷ Hợi – 1719 đã vào Quảng Nam và nghỉ lại, sau đó dân đã lập bàn thờ ông tại đây.

Đình làng Hải Châu được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 12/7/2001.

Bia chùa Long Thủ – Đà Nẵng

Bia chùa Long Thủ được dựng trong khuôn viên chùa Long Thủ nay đổi tên là chùa An Long. Chùa tọa lạc trên một khu đất nằm phía sau lưng Bảo tàng Điêu khắc Chăm, thuộc địa bàn phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Bia chùa Long Thủ được dựng vào năm Thịnh Đức thứ 5, triều vua Lê Thần Tông (1658). Bia do ông Lê Gia Phước, pháp danh Pháp Giám, người làng Hải Châu viết. Nội dung bia nói về nguyên nhân xây dựng và tên gọi của chùa Long Thủ, tên họ những người đã đóng góp tiền của, đất đai để xây dựng chùa cùng danh sách những mảnh đất được cúng.

đà nẵng có gì?

Bia chùa Long Thủ – Đà Nẵng

Theo nội dung bia thì ngày xưa ở vùng Nại Hiên, đức Phật thường cứu giúp những người bị hoạn nạn và hiện thân với đầu rồng, vì vậy các tín đồ Phật từ thường đến đây để cầu nguyện. ông Trần Hữu Lễ là người trong làng đã dâng cúng một khu vườn để xây dựng ngôi chùa làm nơi thờ phượng đức Phật, các tín đồ trong vùng đã đóng góp tiền của, ruộng đất để xây dựng ngôi chùa và đúc chuông, tạc tượng vào năm 1653. Theo lời kể của một số người già ở địa phương thì trước kia chùa có hai chiếc chuông lớn và nhiều tượng đẹp nhưng đã mất, và ngôi chùa cũng đã bị phá hủy trong thời chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn ánh. Còn tấm bia bị chôn vùi dưới đất, mãi đến năm 1903 mới tìm thấy và dựng lại bên cạnh cổng chùa. Năm 1961 giáo hội và tín đồ trong vùng đã xây dựng lại ngôi chùa như ngày nay theo kiểu dáng như những ngôi chùa cùng thời ở miền Nam, về mặt kiến trúc không có gì đặc sắc ngoại trừ cổng tam quan tương đối cũ (1903).

Bia được làm bằng sa thạch màu xám, kích thước 1,25m x 1,20m x 0,21m hình thang cân đỉnh tròn. Bia được điêu khắc cả hai mặt. ở mặt trước có một bài khắc chữ Hán được đóng khung bằng các dải hoa văn trang trí, trên trán bia, ở giữa chạm hình mặt trời có mây vờn quanh, hai bên trang trí hoa văn hình hoa dây buông thõng xuống, bên dưới là một dải hoa sen, ở hai đầu mút phía dưới có hình hai con nghê. Bài khắc gồm có 368 chữ Hán, 6 chữ lớn khắc theo đường ngang ở trên, đóng khung riêng từng chữ: “Lập Thạch Bi Thủ Long Tự”, ở hai đầu có hai chữ Vạn nhỏ hơn, còn 360 chữ nhỏ ở giữa lòng bia được khắc lõm theo 18 hàng dọc từ phải sang trái, ở mặt sau tấm bia cũng trang trí hoa văn thành một khung bao quanh bia như mặt trước nhưng không có chữ và ở bên dưới thay dải hoa sen bằng một dải cúc dây, ở hai đầu mút không có hai con nghê.

Ngày nay, tuy ngôi chùa cũ không còn nữa, nhưng tấm bia này là một di tích quan trọng, minh chứng cho sự hiện hữu của ngôi chùa ngày xưa, đồng thời đây cũng là một trong những tấm bia cổ nhất ở Đà Nẵng, góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu lịch sử địa phương.

Trước đây, bia chùa Long Thủ đã được Toàn quyền Đông Dương liệt hạng là di tích lịch sử theo Nghị định ngày 16.5.1925 và ngày 02/12/1992 Bộ Văn hóa Thông tin đã ra quyết định công nhận bia chùa Long Thủ là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đà Nẵng có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Đà Nẵng – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Thành Trương

Từ khoá: Đà Nẵng có gì?

Xem Thêm Những Bài Viết Về Du Lịch Đà Nẵng Tại Đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *