Khi nói đến Mù Cang Chải, người ta thường nhớ tới những thửa ruộng bậc thang vàng óng mùa lúa chín, hay những dãy ruộng rực vàng mùa hoa cải. Mù Cang Chải có thể coi là một thiên đường cho các bạn trẻ mê phượt, những người đam mê cảnh đẹp thiên nhiên.
Không những vậy Mù Cang Chải còn thu hút du khách bởi nhiều thứ hấp dẫn khác: những thắng cảnh du lịch đẹp, hấp dẫn, những bản sắc dân tộc phong phú, đa dạng vẫn còn được gìn giữ, những lễ hội đầy màu sắc của các dân tộc anh em, những món ăn đặc sắc ít nơi nào có được….
Trong bài viết này, blogphuot.info sẽ giới thiệu đến các bạn một số thông tin về vùng đất Mù Cang Chải – huyện vùng cao khó khăn, nằm xa nhất của tỉnh Yên Bái.
1. Vị trí địa lý
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao, xa nhất của tỉnh Yên Bái về phía Tây, có tọa độ địa lý từ 21039’ đến 21050’ vĩ độ Bắc; từ 103056’ đến 104023’ kinh độ Đông.
- Phía Bắc giáp với huyện Văn Bàn, Tỉnh Lào Cai.
- Phía Tây giáp huyên Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
- Phía Nam giáp huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
- Phía Đông giáp các huyện Văn Chấn, Văn Yên của Yên Bái.
Đường đến với huyện Mù Cang Chải chỉ có 1 đường QL duy nhất là QL 32 bằng 2 hướng: Hướng Tp. Yên Bái lên Mù Cang Chải phải vượt qua Đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đèo của miền Bắc; Hướng từ Lai Châu sang.
Huyện Mù Cang Chải gồm có 1 thị trấn (Mù Cang Chải) và 13 xã:
- Cao Phạ.
- Chế Cu Nha.
- Chế Tạo.
- Dế Xu Phình.
- Hồ Bốn.
- Khao Mang.
- Kim Nọi.
- La Pán Tẩn.
- Lao Chải.
- Mồ Dề.
- Nậm Có.
- Nậm Khắt.
- Púng Luông.
Trung tâm huyện Mù Cang Chải cách trung tâm Tp. Yên Bái khoảng 185 km theo trục QL 37 và 32.
2. Địa hình, khí hậu
Mù Cang Chải mang những đặc điểm địa hình chung của tỉnh Yên Bái: cao dần từ phía Đông Nam lên Tây Bắc. Nơi có độ cao thấp nhất 1.000m so với mực nước biển.
Mù Cang Chải là khu vực núi cao bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn, bao gồm nhiều dãy núi liên tiếp nhau chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Giữa các dãy núi là các khe suối thuộc lưu vực sông Hồng và sông Đà.
Mù Cang Chải có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang đặc tính ôn đới, chia thành 2 mùa: Mùa khô hanh và mùa mưa. Nhiệt độ bình quân trong năm: 18,5ºC.
Blog Phượt không khuyến khích các bạn đi phượt Mù Cang Chải theo hình thức đơn lẻ hay ít người, nhất là những bạn tay lái còn non, chưa đi hoặc ít đi đường đèo. Bởi đường lên Mù Cang Chải đi rất nguy hiểm, đường đèo dài, nhiều khúc cua gấp, khuất tầm nhìn. Thời tiết khá thất thường. Những khi trời mưa dễ gây sạt lở, đường trơn trượt, dễ mất tay lái…
Nhất thiết phải có người dày dặn kinh nghiệm dẫn đoàn, lên kế hoạch cụ thể cho chuyến đi, từng chặng đường cụ thể, chuẩn bị đồ đạc cho chuyến đi phượt cẩn thận, đầy đủ, và nhất thiết từng người trong đoàn phải nắm rõ những quy tắc phượt xe máy và trao đổi tốt với đồng hành.
3. Dân tộc
Trên địa bàn Huyện Mù Cang Chải có đa dạng các dân tộc anh em, bao gồm người Mông, người Thái, người Kinh, và các dân tộc khác. Trong đó người Mông chiếm tỷ lệ nhiều nhất (khoảng 90%).
Sự đa dạng dân tộc này tạo nên một nền văn hóa phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.
4. Các thắng cảnh Mù Cang Chải
Do đặc điểm địa hình, chủ yếu là các dãy núi cao. Mù Cang Chải sẽ khiến bạn ngỡ ngàng trước cảnh núi non hùng vỹ trên dãy Hoàng Liên với những bản làng thanh bình dưới thung lũng xanh hay trên đèo Khau Phạ, bên những ruộng bậc thang nổi tiếng Tây Bắc.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải – thắng cảnh nổi tiếng vùng Tây Bắc
Càng lên cao bạn sẽ càng cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên, những cảnh quan kỳ vĩ, sự hoành tráng của núi rừng và sự trong lành của khí hậu.
Một số địa danh nổi tiếng của Mù Cang Chải:
- Đèo Khau Phạ – một trong tứ đại đèo của miền Bắc, nằm trên quốc lộ 32, dài hơn 30km.
- Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn mê hồn tại Lìm Mông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Zế Xu Phình.
- Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo.
Mù Cang Chải còn rất nghèo và hoang sơ nhưng lại rất giàu có về vẻ đẹp của thiên nhiên qua những thửa ruộng bậc thang mà vẻ đẹp của nó và tiềm năng còn đang bỏ ngỏ.
Những luống hoa cải vàng óng tại Mù Cang Chải
5. Đặc sản Mù Cang Chải
Tuy rằng Mù Cang Chải còn rất nghèo, nhưng thiên nhiên cũng ưu đãi cho nơi đây rất nhiều tài nguyên quý báu.
Táo Mèo
Còn có tên gọi khác là quả Sơn Tra, hoặc quả chua chát. Loại quả này có ở một số tỉnh của Tây Bắc như, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai. Nhưng loại Táo Mèo mọc ở Mù Cang Chải được đánh giá cao nhất bởi hương vị đặc trưng của nó.
Một điểm đặc biệt của táo mèo Mù Cang Chải là hầu hết cây mọc rải rác ở những cánh rừng, xen kẽ trong các đồi thông. Chính vì thế mà táo mèo nơi đây có mùi thơm đặc biệt, thơm hơn rất nhiều so với táo mèo trồng các nơi khác.
Cây và quả táo mèo/Sơn Tra/chua chát
Táo mèo là một loại quả đa năng, vừa là một vị thuốc quý, vừa dùng để giải khát mát và bổ trong mùa hè. Hạt và ruột có nhiều tính năng giảm béo, hạ huyết áp, an thần cân bằng sinh lý và phòng chống các biến chứng do tăng huyết áp gây ra…Chính vì vậy, táo mèo được dùng nhiều trong các vị thuốc bồi bổ tinh thần và chế thành rượu vang khai vị được nhiều người ưa thích.
Để phân biệt táo mèo Mù Cang Chải với các vùng khác có thể dựa vào những đặc trưng rất riêng đó là hình dáng, màu sắc, độ cứng và hương thơm. Cây táo được trồng trong rừng vì vậy táo mèo Mù Cang Chải có kích thước vừa phải quả táo rất cứng kể cả quả chín và toát ra mùi thơm đặc biệt. Khi ăn, táo có vị hơi chát và chua thanh của sự kết tinh hương rừng và gió ngàn.
Mận tam hoa
Không chỉ nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang, hay những quả Táo Mèo đặc trưng, Mù Cang Chải còn có một loại quả nữa tạo nên thương hiệu cho mình – Mận tam hoa.
Có khá nhiều nơi trồng mận trên cả nước, nhưng nói về độ nổi tiếng, độ yêu thích, không mận ở đâu có thể vượt qua danh tiếng của mận tam hoa.
Quả mận tam hoa nổi tiếng vùng Tây Bắc
Mận tam hoa của Mù Cang Chải không chỉ lung linh màu sắc mà còn làm say lòng du khách bởi hương vị đậm đà, giòn tan của loại quả này.
Mận tam hoa Mù Cang Chải quả to, màu đỏ, thịt bên trong hồng tươi, ngoài phủ một lớp phấn trắng mịn, sẽ làm cho du khách cảm nhận được sự tinh khiết, trong lành của thiên nhiên vùng du lịch sinh thái đầy hấp dẫn và hứa hẹn.
Mật ong rừng
Mật ong Mù Cang Chải là một trong những đặc sản của tỉnh Yên Bái, đây là loại mật mà ong làm tổ trong các hang đá, hốc cây, ong tự đi tìm kiếm và hút mật của hoa rừng nên hoàn toàn nguyên chất, màu vàng óng, sánh đặc, có vị ngọt tinh khiết, không bị kết tinh mà còn có tác dụng bồi bổ sức khoẻ và chữa bệnh rất tốt.
Mật ong rừng Mù Cang Chải
Mật ong rừng Mù Cang Chải được thu hoạch hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, nên giữ nguyên được hương vị thơm, ngọt tự nhiên.
Mật ong rừng Mù Cang Chải có rất nhiều tác dụng cho sức khỏe, bởi loại mật này chứa hàm lượng chất dinh dưỡng và kháng chất cao.
Gà đen của người Mông
Gà đen là giống gà quý hiếm của đồng bào dân tộc Mông vùng Tây Bắc, do đặc thù sống ở vùng núi cao, nên giống gà này bay, nhảy không kém gà rừng, gà nở ra mới một ngày tuổi đã tập bay, nhảy để tìm kiếm thức ăn ở nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Gà đen/gà ác – giống gà quý hiếm
Gà đen có đặc điểm chân 5 móng, thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và rất thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà ở nước ta hiện nay.
Gà đen của đồng bào Mông đem nấu canh gừng hoặc hầm cùng ba ba, hầm nấm linh chi, tiềm sâm quý để làm những vị thuốc và tăng cường sinh lực.
6. Văn hóa Mù Cang Chải
Với sự đa dạng dân tộc, Mù Cang Chải cũng rất phong phú về các lễ hội, các bản sắc dân tộc được lưu giữ truyền thừa hàng trăm năm.
Một số lễ hội, văn hóa đặc sắc tại Mù Cang Chải
Lễ hội Gàu tào dân tộc Mông
Lễ hội Gầu tào là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Mông mỗi năm một lần. Thời gian tổ chức vào mồng một đến ngày 15 tết. Hội được chuẩn bị từ cuối tháng trước, và tổ chức tại một khu mà đã được quy định từ xưa thường là trên một quả đồi, và năm nào cũng tổ chức tại đó. Lễ hội được tổ chức với nhiều trò chơi bổ ích, lý thú.
Đó là những trò chơi dân gian, như đánh yến, đấu võ, bắn nỏ, còn những trò vui mang tính nghệ thuật như múa khèn, thổi sáo, thi hát đối đáp trao duyên, hát vui hội. Hội thi là nơi để thanh niên nam nữ trổ tài và cũng chính là nơi họ gặp gỡ, tâm sự và tìm hạnh phúc cho mình.
Là một lễ hội lớn, một sinh hoạt văn hoá đặc sắc với đủ loại hình văn hoá nghệ thuật dân gian, hội Gầu Tào thực sự hẫp dẫn. Từ dụng ý ban đầu là lễ tạ ơn chúc tụng con đàn cháu đống, mang màu sắc tôn giáo, Gầu Tào trở thành lễ hội trổ tài và giao duyên của nam nữ thanh niên Mông.
Lễ hội Gầu Tào còn là một phương tiện để củng cố phát triển mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa các gia đình hay các cộng đồng làng bản để thắt chặt tình đoàn kết.
Lễ hội góp phần làm cho đời sống văn hoá người Mông thêm sinh động, đa dạng và là nguồn lực thúc đẩy tinh thần dân tộc Mông nói riêng và tinh thần nhân dân các dân tộc vùng cao nói chung.
Hội chợ tình dân tộc Mông
Chợ tình ở vùng cao Tây Bắc Việt Nam là phiên chợ có truyền thống từ hàng trăm năm nay, được tổ chức cho các nam thanh nữ tú thuộc dân Mông, tới gặp nhau để kết bạn, giao lưu và tìm ý trung nhân.
Các thanh niên nam nữ theo phong tục khi đến tuổi yêu đương sẽ tìm tới đây, mượn tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt để thổ lộ tình cảm chứa chan, cũng như mong tìm cơ hội để dốc bầu tâm sự và trút đi những nguồn năng lượng tuổi trẻ dồi dào của mình.
Tuy nhiên chợ tình ở Mù Cang Chải nay không còn những nét chân chất của người thiểu số xa xưa nữa, do bị anh hưởng bởi thương mại hóa khá nhiều.
Tục cưới xin của dân tộc Thái
Cũng như các tộc người khác, người Thái coi việc lấy vợ gả chồng là việc quan trọng nhất của cả đời người. Cưới xin chỉ được tổ chức vào từ tháng 10 âm lịch đến tháng 2 năm năm sau.
Nghĩa là cuối mùa thu sang mùa xuân; ít ai cưới hỏi vào những tháng oi bức, nóng nực. khi con gái đến tổ tuổi trưởng thành( từ 16 tuổi trở lên) là phải tập dệt vải, khâu vá. Thêu thùa để rự mình dệt lấy chăn màn, đệm, gối, chuẩn bị đi nhà chồng.
Trước khi đi nhà chồng chuẩn bị được càng nhiều chăn đệm càng tốt, vì khi đã lấy chồng là phải sinh con đẻ cái, bận bịu, không có thời gian để sắm sửa, khâu vá được nữa. Và khi đi nhà chồng (hôm cưới) là phải có quà biếu bố mẹ, ông bà, chú bác nhà chộng mỗi người một bộ chăn đệm , ít nhất là một chiếc gối. Đồng thời cũng là thước đo người con gái đó chăm chỉ hay biếng nhác. để đi đến lễ cưới chính thức phải qua mấy giai đoạn:
- Dạm lời
- Dạm tiền
- Lễ trầu cau
- Lễ hẹn
- Rước rể – tiễn rể
- Đưa dâu – đón dâu
Tục kéo vợ của dân tộc Mông
Sau khi đôi trai gái tìm hiểu nhau người con gái đồng ý người con trai tự kéo vợ, hay rủ thêm bạn để kéo cô gái về nhà mình.
Khi kéo được cô gái về nhà, gọi một người trong dòng họ lấy con gà trống đứng cạnh cửa khi người con gái bước vào, người cầm con gà trống đi theo người con gái đó là gọi hồn và đọc lời báo với tổ tiên dòng họ là: Từ nay người con gái đã là con của dòng họ, Gia đình nhà trai cử một người đi báo cho gia đình nhà gái biết, sau 3 ngày gia đình nhà trai đi hỏi, nếu hai bên đồng ý thì sắp xếp thời gian tổ chức lễ ăn hỏi.
Việc cưới xin của người dân tộc Mông cũng có khá nhiều bước phải làm và các phong tục phải tuân theo. Chúng ta cùng tìm hiểu về phong tục này trong một bài viết khác.
Lễ cúng cơm mới của dân tộc Mông
Đây là bản sắc văn hoá dân tộc Mông Mù Cang Chải vào dịp cuối tháng Chín, đầu tháng Mười hàng năm khi mà kỳ quan, kiệt tác nghệ thuật của người Mông Mù Cang Chải, những triền ruộng bậc thang trải một màu vàng óng như dát vàng trên lưng núi, là thời điểm người dân nơi đây bắt đầu vào vụ thu hoạch mới.
Đồng bào Mông ở Mù Cang Chải quan niệm, động thực vật chung quanh con người đều có phần hồn và phần xác, và để cảm tạ tổ tiên, trời đất đã mang lại những mùa vàng bội thu, thóc lúa đầy nhà, từ đó đã hình thành nghi thức bản sắc dân tộc – lễ cúng cơm mới của người Mông.
Lễ cúng cơm mới là nghi lễ truyền thống và sinh hoạt thường ngày đã được thực hiện tại Mù Cang Chải.
Bước đầu tiên của một lễ cúng cơm mới đó là các thiếu nữ Mông trong trang phục của dân tộc mình ra thửa ruộng chọn ở chỗ lúa chín vàng nhất, gặt đủ một ăn một bữa, rồi mang về nhà, sau đó mang những hạt lúa mẩy cho vào chảo rang đều đến khi khô là được.
Công đoạn tiếp theo là đem lúa đã rang khô đi dã bằng cối đá, cối gỗ thành những hạt gạo thơm mùi cốm, lại cho tiếp vào nồi, đổ nước nấu cơm, khi cơm chín xơi lên đầy một chiếc bát to, hay chậu con sạch để dâng lên mâm cúng.
Mâm cỗ cúng ngoài bát cơm mới, còn có thức ăn chín như: thịt lợn luộc, thịt gà, cá suối, hoặc cá ruộng nướng, một bát nước canh, muối trắng và một vài gia vị khác. Mâm cỗ được bày tại gian giữa của nhà, chủ nhà bắt đầu cầu khấn, cảm ơn tổ tiên, đất trời, cảm ơn dòng họ đã cho một mùa vàng bội thu.
Sau khi cầu khấn chừng 15 – 20 phút, chủ nhà lấy mỗi thứ trên mâm cỗ một ít, mang rắc ra trước cửa nhà, vườn nhà, sau đó ngồi thử nhấm các món, rồi dọn mâm, bát, cỗ bàn thiết đãi khách. Bát cơm cúng là những hạt lúa thu hoạch đầu tiên, sau lễ cúng cơm mới thì mới tiếp tục được thu hoạch lúa và thưởng thức những món ăn truyền thống của vùng như: Lợn cắp nách, gà xương đen, thịt trâu, bò, ngựa xấy khô, bánh chưng, bánh giày, rượu thóc, sôi ngũ sắc, gạo nếp tú lệ, mật ong rừng, táo mèo.
Tết cơm mới của dân tộc Thái
Cũng gần giống như người dân tộc Mông, tết cơm mới được tổ chức vào đầu vụ gặt. Ngày làm tết cơm mới họ giã thóc non đã luộc và phơi khô từ trước rồi đem ngâm, xôi để thờ tổ tiên.
Cỗ tết cơm mới thường mổ lợn chừng 10kg, vịt phải từ 2 đến 3 con. Nếu du khách mà đến vào đúng mùa ăn lúa mới có thể được trực tiếp mời ăn cùng thưởng thức những món ăn dân dã cổ truyền của người Thái vào đầu vụ thu hoạch lúa mới.
Trên đây là một số thông tin tổng quan về vùng đất Mù Cang Chải, hy vọng sẽ giúp ích được cho bạn trong quá trình lên lịch trinh chuyến đi của mình.
Đăng bởi: Khánh Quốc Phùng
Từ khoá: Mù Cang Chải – những thông tin cần biết dành cho dân phượt
Để lại một bình luận