Khi nhắc tới Hà Giang, phần lớn mọi người thường nghĩ đến Cao nguyên đá Hà Giang với những dãy núi hùng vĩ, những cung đường hiểm trở, những bản làng xa xôi sát biên giới. Nhưng có một địa điểm ngay gần trung tâm Thành phố Hà Giang cũng rất thú vị mà không nhiều du khách biết tới, đó là Thôn Khuổi My thuộc xã Phương Độ, Thành phố Hà Giang.
Nằm cách trung tâm Thành phố khoảng 5km, xã Phương Độ là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Tày, Dao. Phương Độ có vị trí địa lý nằm vắt lên sườn phía Đông dãy Tây Côn Lĩnh, với địa hình núi cao, độ dốc lớn, thổ nhưỡng là đất pha cát, vì vậy mà phương thức canh tác nông nghiệp của đồng bào sinh sống ở nơi đây là làm ruộng bậc thang.
Những thửa ruộng bậc thang được khai hoang dọc theo các sườn núi, tạo nên những đường cong mềm mại xếp chồng lên nhau. Ở nơi đây không có đủ nước để canh tác 2 vụ nên mỗi năm đồng bào chỉ trông 1 vụ lúa. Bắt đầu từ sau tết Nguyên Đán, họ rẫy cỏ đắp bờ, cày tơi đất, bón phân, chuẩn bị mạ để chờ tháng 4 âm lịch mưa xuống sẽ đổ đầy nước vào các thửa ruộng. Nước chảy từ trên xuống dưới nên đồng bào cũng canh tác theo thứ tự ruộng nào đầy nước trước thì cấy trước.
Đến giữa tháng 9 âm lịch là lúa rục rịch chín, các gia đình cũng cùng nhau gặt lúa theo công, mỗi gia đình đóng góp 1 người là 1 công. Tất cả các ruộng sẽ được gặt xong sau khoảng 3 tuần. Sau đó họ cùng nhau tổ chức ăn uống, chúc mừng một mùa bội thu và mong ước năm tới mưa thuận gió hòa. Những tiếng cười giòn giã và niềm vui được lan tỏa khắp núi rừng.
Để lại một bình luận