Bình Liêu là một huyện thuộc miền núi phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Đây là địa điểm hot trong thời gian gần đây và đã thu hút được rất nhiều lượt check-in mỗi năm đó!
Bình Liêu là huyện đa dân tộc (khoảng trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số), với 05 dân tộc chính (dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Hoa) tạo nên một bề dày văn hóa phong phú, đa dạng, mang một bản sắc riêng. Đồng bào tại đây không theo tôn giáo nào, cả huyện không có chùa, nhà thờ, chỉ có mấy ngôi đình nhỏ thờ thành hoàng.
1. Thời điểm đi Bình Liêu
Bình Liêu là một huyện miền núi nên thời tiết sẽ có chút khác biệt so với thời tiết của toàn tỉnh Quảng Ninh. Mùa hè, thời tiết khá mát mẻ, mùa đông nhiệt độ đôi khi xuống khá thấp, không kém gì các vùng vốn nổi tiếng về lạnh như Mẫu Sơn hay Sapa.
Ngoài ra, bạn còn có thể đến Bình Liêu vào những thời điểm sau sẽ có nhiều hoạt động thú vị:
- Nếu thích khám phá thác nước và được đắm mình dưới những làn nước mát lạnh, các bạn nên tới Bình Liêu vào khoảng mùa hè
- Vào khoảng đầu năm (thường sau Tết) là mùa của các lễ hội vùng cao, ở Bình Liêu cũng vậy.
- Cuối tháng 3 là mùa hoa trẩu, bạn nào thích chụp ảnh hoa hoét thì hợp lý.
- Tháng 10 là mùa lúa chín vùng núi phía Bắc, Bình Liêu cũng có một số điểm các bạn có thể đến ngắm lúa.
- Tháng 11 là mùa hoa lau, thường các bạn xem ảnh Bình Liêu sẽ thấy rất nhiều những bức ảnh chụp bông lau, đây cũng là thời điểm trời lạnh khô nên đi miền núi phía Bắc khá oke.
- Tháng 12 thường có lễ hội hoa sở
- Vào mùa đông (thường sẽ phải trong khoảng tháng 12 dương lịch đến Tết Âm), nếu nhiệt độ năm nào xuống rất thấp thì có thể Bình Liêu sẽ có băng tuyết. Cái này các bạn cần theo dõi dự báo thời tiết thôi.
2. Phương tiện đi Bình Liêu
Những ai xuất phát từ miền Bắc hoặc những địa điểm xung quanh gần Bình Liêu thì có thể di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy để đến đây. Ngoài ra, những bạn nào ở xa hơn có thể chọn phương tiện di chuyển là máy bay hoặc xe khách.
- Phương tiện máy bay phù hợp cho các bạn ở Sài Gòn và các tỉnh phía trong, các bạn có thể lựa chọn bay tới Vân Đồn rồi từ đấy đi xe buýt về trung tâm thành phố Hạ Long. Từ đây đi tiếp xe nội tỉnh Bãi Cháy – Bình Liêu hoặc thuê xe máy ở Hạ Long để đi tiếp.
- Từ Hà Nội hiện có xe Hưng Long và xe Kiên Đức có chuyến chạy thẳng tới Bình Liêu (các bạn sang bến xe Gia Lâm để đón). Nếu không kịp giờ các xe này các bạn có thể di chuyển tới bến xe Bãi Cháy, từ đây bắt các chuyến xe nội tỉnh Bãi Cháy – Bình Liêu.
Tại Bình Liêu, bạn có thể di chuyển bằng xe máy để có thể đi được hết những địa điểm mong muốn và cũng là phương tiện tiết kiệm chi phí nhất. Tại các khách sạn cũng có dịch vụ cho thuê xe máy nên bạn có thể liên hệ trực tiếp tại nơi mà mình lưu trú nhé!
3. Đi Bình Liêu thì ở đâu?
Vì có thời tiết đẹp nên Bình Liêu thu hút được khá nhiều khách du lịch đến với nơi đây. Mặc dù vậy nhưng ở đây vẫn là một huyện vùng cao, nên do nhiều yếu tố khác nhau mà nơi đây hầu như không có khách sạn, chỉ có nhà nghỉ tập trung đa phần ở quanh thị trấn.
Đừng lo về điều đó vì ngoài nhà nghỉ thì hình thức lưu trú homestay ở Bình Liêu cũng ngày càng phát triển, đây là hình thức rất phù hợp với các điều kiện và lợi thế của Bình Liêu và rất được du khách yêu thích bởi ngoài chi phí phù hợp còn có thể tìm hiểu và khám phá của cuộc sống người dân nơi đây.
Các bạn nếu thích không gian gần gũi với thiên nhiên có thể tự chuẩn bị lều trại, túi ngủ và các vật dụng cần thiết để nghỉ ngơi. Chú ý chọn những bãi đất trống, rộng rãi nhưng phải khuất gió nhé.
4. Chơi gì ở Bình Liêu?
Thác Khe Vằn
Thác Khe Vằn với rừng phòng hộ nguyên sơ, thảm thực vật phong phú là điểm tham quan thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên rừng, suối trong mát, tạo cảm giác thư thái cho ai được tắm mình với dòng suối thiên nhiên và được thưởng thức không khí trong lành này.
Thác Khe Tiền
Thác Khe Tiền có độ ẩm không khí cao, quanh năm thác nước nằm trong sương mù dày đặc. Thác nước còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, thi vị. Quần thể thác Khe Tiền mang vẻ đẹp với các hình thù khác nhau. Thác 1,2 là dòng thác nhỏ tuôn chảy xối tạo thành hồ nước lớn, thác 3 tỏa ra nhiều dòng thác chảy.
Cột mốc biên giới và cửa khẩu
Sống lưng Khủng Long là cụm từ để chỉ sống núi đường lên mốc 1305, để đến được mốc này các bạn cần vượt qua sống núi này. Đây cũng là đoạn đẹp nhất của con đường lên mốc này.
Cột mốc 1305 nằm trên đường tuần tra biên giới Bình Liêu. Đây là một trong hai mốc giới nằm ở vị trí cao nhất trên thực địa Quảng Ninh, cũng là nơi không dễ để có thể chạm tay vào.
Ngoài ra, có những mốc lớn đẹp và thiêng liêng không thể bỏ qua khi đến Bình Liêu Liêu là 1300, 1302, 1305, 1327 và 1297. Từ thị trấn Bình Liêu chạy về hướng Hoành Mô trên QL18C khoảng 3-4 km thì rẽ phải vào bản Ngàn Chuồng. Từ bản Ngàn Chuồng rẽ trái phía mốc 61 khoảng 7-8km là hướng mốc 1300, 1302, thời gian đi các mốc chừng 1 tiếng.
Bên cạnh cột mốc 1317 là Cổng – Nhà kiểm soát liên ngành cửa khẩu Hoành Mô, một trong những cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đến Hoành Mô các bạn có thể kết hợp được thăm quan mốc 1317 nằm bên phía Việt Nam.
Núi Cao Xiêm
Theo tài liệu xưa, độ cao của núi Cao Xiêm là 1.330 mét so với mực nước biển. Ngày nay, bằng công nghệ đo đạc bản đồ hiện đại, đã xác định Cao Xiêm cao 1.429 mét. Với độ cao này, đỉnh Cao Xiêm được coi như “nóc nhà” của Quảng Ninh.
ДђГ¬nh Lục NГ
Đình Lục Nà là nơi thờ thần hoàng làng là ông Hoàng Cần, đây là một vị tướng quân, một vị anh hùng dân tộc đã có công lao rất lớn trong cuộc chiến đấu đánh bại giặc phương Bắc đến xâm lăng đất nước ta, bảo vệ non sông bờ cõi và quê hương yêu dấu. Lễ hội Đình Lục Nà khai hội vào 16 tháng Giêng hàng năm.
Đi Bình Liêu ăn gì?
Gà đen Bình Liêu
Gà đen Bình Liêu có nguồn gốc từ giống gà của người H’mông. Gà đen có thể chế biến rất nhiều món ăn ngon như: gà luộc, gà hấp, gà kho, nhưng ngon nhất phải kể đến món gà nướng mật ong rừng.
Khâu nhục
Khâu nhục là món thịt ba chỉ hầm cách thủy, có một hương vị rất đặc trưng. Ở Bình Liêu, để làm món này thịt lợn ba chỉ được thái miếng vuông và lớn, trải qua nhiều công đoạn luộc, rán, hấp, ướp với các loại gia vị độc đáo, tạo nên một món ăn đủ hương vị thơm ngon, đậm đà, béo ngậy mà không loại thịt nào có được.
Cá suối Bình Liêu
Cá suối là món ăn được thực khách đặc biệt ưa thích bởi chúng sống hoàn toàn tự nhiên ở các khe suối. Cá suối gồm cá chạch, nheo, cá trê, cá man, cá trắm suối… Thức ăn chủ yếu là rong rêu, cỏ và phù du, giáp xác nên cá suối chắc thịt, ngon, không tanh, ruột sạch.
Bánh ngải
Bánh ngải cứu là món bánh truyền thống của dân tộc Tày ở Bình Liêu. Trước đây khi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn thì bánh ngải thường chỉ được dùng trong các lễ hội mừng cơm mới, ngày tảo mộ, ngày lễ Tết hay những ngày lễ quan trọng của dân tộc Tày.
Thực hiện: Thúy Hạnh
Đăng bởi: Thông Đỗ
Từ khoá: Tất tần tật kinh nghiệm du hí Bình Liêu – Quảng Ninh chắc chắn team mê xê dịch sẽ cần
Để lại một bình luận