Thành Cổ Loa đã từng có một thời huy hoàng vào hàng ngàn năm trước, khi được vua An Dương Vương xây dựng để trở thành kinh đô của cả một đất nước. Hiện nay dù chỉ còn là một di tích nhưng nơi đây vẫn chứa đựng những ý nghĩa quan trọng đối với công việc khám phá lịch sử của Việt Nam thời xa xưa.
Thành Cổ Loa xưa được xây dựng từ thế kỷ thứ III TCN là kinh đô của nước Âu Lạc (Việt Nam) thời bấy giờ. Địa điểm này cũng gắn liền với câu chuyện nỏ thần và tình yêu của Mị Châu – Trọng Thủy. Nơi đây là một trong những di tích lịch sử thể hiện rõ nét sức sáng tạo, kỹ thuật và sự rực rỡ của nền văn hóa thuở ấy.
Giới thiệu về thành Cổ Loa
Lịch sử thành Cổ Loa
Theo nhiều nghiên cứu lịch sử, thành được xây dựng vào thế kỷ III TCN dưới thời An Dương Vương trên diện tích 500ha để làm kinh đô của nước Âu Lạc và tiếp tục được sử dụng làm kinh đô của Việt Nam xưa tới thời vua Ngô Quyền (thế kỷ X). Hiện tại, nơi đây là di tích mang nhiều ý nghĩa văn hóa và lịch sử, kiến trúc và là địa điểm du lịch được nhiều du khách yêu thích.
Theo các nhà khảo cổ học thì: “Cổ Loa là tòa thành có quy mô lớn nhất, cấu trúc độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt xưa”. Thành trì cũng gắn liền với sự tích thành Cổ Loa kể về câu chuyện tình yêu đầy ngang trái của Mị Châu – Trọng Thủy hay về chiếc nỏ thần Kim Quy trăm trận trăm thắng, ca ngợi sự quật cường và sức sáng tạo của người Việt.
Nguồn: lischsucogihay
Nơi đây còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ phản ánh quá trình phát triển, kiến trúc của người Việt Nam cổ qua các thời kỳ sơ khai. Đồng thời cung cấp bằng chứng giúp các nhà khảo cổ phát hiện ra nền văn hóa Đông Sơn độc đáo hay còn gọi văn minh sông Hồng thời kỳ tiền sử. Du khách có thể trải nghiệm và khám phá vẻ đẹp kiến trúc cổ thông qua các công trình: giếng Ngọc, tượng Cao Lỗ, đình Cổ Loa, đền Thượng, đền thờ vua An Dương Vương,..
Thành Cổ Loa ở đâu?
Di tích cấp quốc gia này nằm ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 24km ~ 45 phút di chuyển. Để đi đến đây du khách có thể lựa chọn một trong những hình thức di chuyển sau:
Phương tiện cá nhân: Thời gian di chuyển 45 phút, chi phí gửi xe: 10.000đ/xe. Tuyến đường di chuyển từ Trung tâm thành phố: Hà Nội → QL1A cũ khoảng 10km → Thị trấn Yên Viên → rẽ trái vào QL3 → đi thêm 5km đến thành Cổ Loa.
Taxi: Thời gian di chuyển đến thành Cổ Loa khoảng 45 phút, chi phí: 270.000đ/xe 4 chỗ/chiều. Một số hãng taxi lớn tại Hà Nội:
- Taxi Thanh Nga: 024 38 215 215
- Taxi Group: 024 38 26 26 26
- Taxi Mai Linh: 024 38 333 333
Xe bus: Du khách có thể bắt tuyến xe buýt số 46 và xuống điểm đường Cổ Loa (Trước trường tiểu học Cổ Loa), tiếp tục đi bộ thêm khoảng 850m (11p) để đến khu di tích.
Khám phá thành Cổ Loa
Thành Cổ Loa có hình gì?
Sau khi phân tích những di tích còn sót lại thì các nhà khoa học cho biết thành được xây dựng theo lối kiến trúc vòng ốc nên được đặt tên là Loa Thành hay Thành Ốc. Tương truyền rằng trong thành có 9 vòng thành xoáy trôn ốc nhưng hiện nay khai quật khảo cổ thì mới chỉ phát hiện được 3 vòng, chia thành ba khu vực chính:
- Ngoại thành: Chu vi khoảng 8km được dựng theo phương pháp đào tới đâu khoét hào tới đó, sau đó đắp thành và xây luy liền kề. Chiều cao trung bình của thành là 4 – 5m, chỗ cao nhất 8 – 12m, ước tính tiêu tốn tới 2,3m3 đất.
Nguồn: thanhcoloa.vn
- Trung thành: Chu vi 6,5km được xây dựng theo lối kiến trúc như ngoại thành nhưng diện tích nhỏ hơn và kiên cố hơn.
- Nội thành: Tổng diện tích chỉ khoảng 2km2 là nơi ở của vua và một số quan lại lớn trong triều đình. Khu vực này cũng đã được sử dụng để xây dựng am công chúa Mỵ Châu, đền thờ An Dương Vương và nhiều công trình lịch sử quan trọng khác.
Tới thăm di tích lịch sử ở Hà Nội này, ngoài việc tham quan kiến trúc thành Cổ Loa thì du khách còn có thể quan sát một số dấu tích còn sót lại của tòa thành xưa như: Giếng Ngọc nằm trước cửa đền An Dương Vương gắn liền với câu chuyện tình yêu của Trọng Thủy và Mỵ Châu.
Nguồn: vietnamplus.vn
Biểu tượng mắt rồng gồm 2 nước tròn nằm hai bên cửa chính bên ngoài đền thờ. Và nhiều tiêu bản cổ có niên đại hàng nghìn năm được tìm thấy ở đây như:
- Rìu đá niên đại cách đây 3.000 – 3.500 nam được tìm thấy ở Bãi Mèn
- Vòng tay bằng đá niên đại thế kỷ IV TCN tìm thấy ở Cổ Loa
- Trống đồng Cổ Loa có niên đại khoảng 2.000 năm
Trống đồng – Nguồn: thanhcoloa.vn
- Lưỡi rìu, lưỡi cày, mũi tên bằng đồng niên đại cách đây khoảng 2.000 – 2.500 năm
- Gạch trang trí chim phụng, đầu rồng, vò rượu bằng chất liệu đất nung niên đại thời Lê, thời Trần khoảng thế kỷ XII – XVIII
Ý nghĩa thành Cổ Loa
Về mặt kiến trúc: Thành cho thấy được sự sáng tạo trong việc xây dựng thành lũy chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ, nơi vừa kết hợp được giữa các bức tường thành và các hào sâu. Bên cạnh đó, nhờ kiến trúc 3 vòng hào mà thủy binh và bộ binh có thể kết hợp hài hòa với nhau chống địch công thành.
Về mặt xã hội: Với việc vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa có thiết lập các khu vực riêng giữa vua, chúa, quan lại,.. đã cho thấy sự phân hóa giai cấp của xã hội thời ấy.
Về mặt văn hóa: Là tòa thành cổ nhất còn lưu lại dấu tích, thành là một di sản văn hóa, bằng chứng cho sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật của người Việt hàng nghìn năm trước.
Hoạt động tham quan tại thành Cổ Loa
Đến thăm Cổ Loa, du khách đừng bỏ lỡ những di tích lịch sử, công trình kiến trúc hấp dẫn sau:
Đền thờ An Dương Vương
Đền thờ An Dương Vương – Nguồn: vietnamplus.vn
Còn có tên gọi khác là đền Thượng nằm ở vị trí trung tâm của khu di tích, trước đây là nơi ở của vua Thục Phán. Công trình được xây dựng năm 1687 và tu sửa lần đầu năm 1893. Ngôi đền được dựng trên một gò đất lớn có hình đầu rồng mang tới dáng vẻ linh thiêng, nhuốm màu thời gian với rêu phong phủ đầy, hai bên được bao bọc bởi cánh rừng nhỏ mang tới không gian mát mẻ. Phía trước cổng chính vào đền An Dương Vương thành Cổ Loa có hai con rồng đá chầu hai bên, toàn bộ chi tiết đều mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê. Chính điện thờ vua An Dương Vương, hai bên tả hữu thờ Hoàng Hậu và Thánh Mẫu. Nơi đây trưng bày nhiều di vật lịch sử như: tượng đồng An Dương Vương đúc năm 1879, ngựa hồng – ngựa bạch năm 1716 và nhiều di vật khác,…
Ngự triều Di Quy
Còn có tên gọi khác là Ngự Đình hay đình Cổ Loa vốn là ngôi đình cổ được chuyển từ nơi khác về từ khoảng cuối thế kỷ XVIII. Đình được dựng ngay trên khu đất nơi vua Thục Phán thiết triều nên được đặt tên Ngự Triều Di Quy.
Ngự triều di quy – Nguồn: redsvn.net
Bên trong ngôi đình gần thành Cổ Loa này có nhiều bức hoành phi, bức trướng chạm khắc tỉ mỉ và tinh tế theo phong cách “sơn son thếp vàng” đặc trưng, mang tới cảm giác hoài cổ và sang trọng. Cổng đình, mái đình, cổng vào,… đều mang đậm nét kiến trúc Việt thời Lê. Cột đình có khắc câu đối do người lãnh đạo Cần Vương , tướng Tôn Thất Thuyết để lại khi có dịp ghé thăm nơi đây.
Am công chúa Mỵ Châu
Am nằm phía bên trái đình Cổ Loa là nơi thờ công chúa Mỵ Châu. Trong sân có cây đa nghìn tuổi gốc to xù xì, tán cây quanh năm xum xuê xanh tươi nhưng lại mang dáng vẻ u tịch, bi thương như câu chuyện tình yêu của Mỵ Châu và Trọng Thủy.
Tượng trong Am thờ công chúa Mỵ Châu – Nguồn: redsvn.net
Trong am thờ có tượng công chúa Mỵ Châu là hòn đá tự nhiên có hình dáng như người cụt đầu được dân làng đưa về từ bãi đường Cấm phía đông thành Cổ Loa. Trong am còn có bức hoành khắc bài thơ của Chu Mạnh Trinh để lại bằng chữ Hán.
Đền thờ Cao Lỗ
Cao Lỗ là một trong những vị tướng tài dưới thời vua An Dương Vương – ông cũng là người đã phát minh ra nỏ Kim Quy hay nỏ Liên Châu (có thể bắn nhiều mũi tên cùng một lúc). Cao Lỗ còn là người góp công lớn chỉ huy trong suốt quá trình xây dựng thành Cổ Loa. Trước đền có hồ nước nhỏ, tượng Cao Lỗ bằng đá được đặt giữa hồ, tay cầm nỏ Liên Châu, dáng đứng hiên ngang, tà áo bay phấp phới như khắc họa sống động lại chân dung một vị tướng tài thiên cổ của dân tộc.
Đền thờ Cao Lỗ Vương – Nguồn: redsvn.net
Kinh nghiệm tham quan thành Cổ Loa
Tới du lịch khu di tích với nhiều hoạt động tham quan ngoài trời nên du khách nên tới đây vào những ngày khô ráo, đảm bảo di chuyển thuận lợi. Để có nhiều trải nghiệm thú vị nhất thì du khách nên tới đây vào khoảng đầu tháng giêng hàng năm. Bởi đây là thời gian diễn ra lễ hội Cổ Loa hàng năm với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ tế tạ trời đất. rước tượng,… và phần hội với nhiều trò chơi dân gian thú vị như: bắt vịt, leo cột,… Khai hội vào ngày 6/1 âm lịch và kết thúc vào ngày 16/1 âm lịch.
Ăn gì khi tới du lịch thành Cổ Loa?
Bún Mạch Tràng: Món ăn lâu đời gắn liền với lễ khao quân của vua An Dương Vương và lễ cưới hỏi của công chúa Mỵ Châu. Sợi bún Mạch Tràng không trắng tinh mà hơi ngà ngà, sợi dai và dài hơn những sợi bún khác bởi gạo được ủ trong chăn khoảng 2 – 3 ngày rồi mới đem đi xay. Trong đó món ngon nổi tiếng là bún xào rau cần – món ăn quen thuộc của người dân nơi đây, cũng là món ăn không thể thiếu mỗi dịp lễ.
- Địa chỉ: làng bún Mạch Tràng, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội
Cháo trai thành Cổ Loa: Không gian quán đơn sơ với vài chiếc bàn và ghế nhỏ. Nằm giữa cửa quán là hai nồi cháo trai được đặt trên bếp than đỏ hồng lúc nào cũng nghi ngút khói. Thêm chút thịt băm, hành phi, hành hoa, rau mùi, tiêu, nấm,…
Cháo trai – Nguồn: foody
khi ăn thực khách có thể cảm nhận được vị ngọt của thịt trai, dai dai của thịt trai, hương thơm của hành khô, vị nồng của tiêu và độ giòn của nấm. Đặc biệt, món cháo trai càng ngon hơn khi ăn với món cà pháo muối xổi mặn mặn, giòn giòn khiến thực khách khó quên.
- Địa chỉ: Cổng chợ Sa – lối vào khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.
“Có thể bạn sẽ thích! Một vài địa điểm du lịch khám phá lịch sử khác thu hút khách du lịch của Thủ đô: Cột cờ Hà Nội, hoàng thành Thăng Long, ô Quan Chưởng,…”
Chúc du khách sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi ghé thăm thành Cổ Loa. Để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về những địa điểm du lịch khác tại Việt Nam một cách nhanh nhất và thường xuyên nhất du khách vui lòng nhấn theo dõi chúng tôi.
Đăng bởi: Ngân Tạ
Từ khoá: Tìm hiểu về thành Cổ Loa, nơi vua An Dương Vương dựng nước xưa
Để lại một bình luận