Du lịch Bắc Kạn gây ấn tượng bởi vô số các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng như hang động, hồ nước ngọt, rừng nguyên sinh… Bắc Kạn có gì chơi? Dưới đây là top các địa điểm du lịch Bắc Kạn hấp dẫn nhất tại tỉnh miền núi Đông Bắc Bộ này.
Vườn quốc gia Ba Bể – Bắc Kạn
Vườn quốc gia Ba Bể nằm trên địa phận của 5 xã gồm Khang Ninh, Quảng Khê, Cao Thương, Cao Trĩ, Nam Mẫu, thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Với diện tích lên đến 7.610 ha, vườn quốc gia Ba Bể được thành lập từ ngày 10/11/1992. Đây được biết đến là khu rừng đặc dụng, kết hợp du lịch sinh thái nổi tiếng của Bắc Kạn.
Vườn quốc gia Ba Bể – Bắc Kạn
Nơi đây quy tụ hơn 1000 loài thực vật và khoảng 80 loài thú quý hiếm nằm trong danh sách bảo tồn, nuôi dưỡng. So với những nơi khác, vườn quốc gia Ba Bể luôn được các chuyên gia đánh giá cao về hệ sinh thái hiếm hoi vẫn còn lưu giữ trọn vẹn món quà mà thiên nhiên ban tặng.
Từ sự đa dạng sinh học, vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng mà vườn quốc gia Ba Bể đã trở thành ưu tiên hàng đầu của mọi tour Bắc Kạn. Ban quản lý đã thiết lập hệ thống giám sát hoạt động để đảm bảo mang đến cho du khách trải nghiệm hoàn hảo nhất khi đến vườn quốc gia Ba Bể. Đồng thời, cung cấp dịch vụ du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Di tích Nà Tu – Bắc Kạn
Nà Tu là một di tích lịch sử cách mạng thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) nằm dọc bên Quốc lộ 3, cách thị xă Bắc Kạn 10 km về phía Bắc. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đây là nơi Tổng đội thanh niên xung phong đóng quân thực hiện nhiệm vụ đảm bảo giao thông vận tải phục vụ kháng chiến.
Di tích Nà Tu – Bắc Kạn
Trong lúc khó khăn vất vả, ác liệt đó ngày 28/3/1951 trong một chuyến đi công tác Bác Hồ đă đến Nà Tu – di tích lịch sử của Bắc Kạn hiện nay, để thăm hỏi sức khoẻ, động viên thanh niên và nhân dân ở đây. Bác nhắc nhở Ban chỉ huy công trường, cán bộ phải tổ chức lao động thật khoa học, đoàn kết yêu thương lẫn nhau. Trước khi ra về Bác đă đọc tặng lực lượng thanh niên xung phong 4 câu thơ:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”
Như vậy Nà Tu là nơi ra đời 4 câu thơ bất hủ của Bác và Nà Tu ngày nay đã trở thành khu di tích lịch sử. Từ đó cùng với nhịp độ phát triển của cách mạng, lời dạy của Bác trong 4 câu thơ trở thành nguồn động viên cho các thế hệ trẻ, củng cố lòng quyết tâm đạp bằng mọi trở lực làm nên chiến thắng.
Di tích Nà Tu – Bắc Kạn
Năm 1996, Bộ Văn hoá – Thông tin (Nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã công nhận, xếp hạng di tích Nà Tu là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Di tích được tôn tạo khang trang gồm nhà sàn tưởng niệm Bác Hồ; nhà bia, lán thanh niên xung phong và các công trình phụ trợ. Di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng đã vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, đoàn viên thanh niên trong cả nước và du khách đến thăm.
Nếu có cơ hội đi du lịch Đông – Tây bắc, hãy một làn đến với Bắc Kạn, đến với Nà Tu để cùng nhau suy ngẫm lại câu thơ của Bác và để thấy được lòng người nơi đây vô cùng chân thật, đầm ấm và tình người biết bao.
Hồ sinh thái Bản Chang – Bắc Kạn
Hồ Bản Chang thuộc địa phận xã Đức Vân, cách Trung tâm huyện lỵ huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) 6km về phía nam, giáp với tuyến Quốc lộ số 3 đường đi Cao Bằng. Hồ có địa thế lý tưởng, nằm trong thung lũng, trên hồ có một số đảo nhỏ, nơi cư trú của những đàn vịt trời, ngỗng trời và các loài cò.
Hồ sinh thái Bản Chang – Bắc Kạn
Diện tích mặt Hồ khoảng 150 ha, xung quanh là những cánh rừng thông bạt ngàn, những đồi, núi thấp với bạt ngàn hoa sim tím. Khí hậu nơi đây đặc biệt trong lành mát mẻ, phù hợp để đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các hoạt động du lịch tập thể như: chèo thuyền, bơi lội, câu cá, cắm trại…
Vào dịp cuối tuần, ngày hè và nghỉ lễ, Hồ Bản Chang thu hút đông đảo các nhóm phượt, thanh niên, gia đình tới đây tổ chức các hoạt động picnic, vui chơi cuối tuần, nướng gà, câu cá, thư giãn…
Hồ sinh thái Bản Chang – Bắc Kạn
Với những lợi thế đặc biệt như vậy trong tương lai Hồ Bản Chang sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan, thư giãn và nghỉ dưỡng đồng thời đây cũng là điểm nhấn gắn với các tour du lịch truyền thống của địa phương và liên vùng Đông Bắc.
Chùa Thạch Long – Bắc Kạn
Chùa Thạch Long (Rồng đá) thuộc xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Nơi đây được mệnh danh là “chùa thiêng trong hang đá”. Ngôi chùa chứa trong mình nhiều sự tích, huyền sử đẹp.
Chùa Thạch Long – Bắc Kạn
Tương truyền ngôi chùa có từ thời nhà Lý, trải qua nhiều thăng trầm theo lịch sử và tồn tại đến ngày nay. Do cấu tạo đặc biệt của chùa và là nơi kín đáo, nên triều đại nhà Lý đã lấy chùa làm pháo đài để đánh quân xâm lược. Gần nhất, trong cuộc chiến chống Pháp, chùa Thạch Long đã trở thành căn cứ cách mạng, được sử dụng là nơi cất giữ vũ khí, đạn dược và trú ẩn của bộ đội ta. Bác Hồ cũng đã từng ghé thăm và nghỉ lại ở ngôi chùa này vào năm 1951.
Sau nhiều lần khôi phục và tôn tạo, đến nay Chùa Thạch Long không chỉ là nơi thờ phụng của nhà Phật, mà còn là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn là niềm tự hào của người dân xã Cao Kỳ nói riêng và của tỉnh Bắc Kạn nói chung.
Chùa Thạch Long – Bắc Kạn
Chùa Thạch Long được chia làm hai phần: Phần thứ nhất là chùa Thiên nằm ở trên cao, có các bậc đá xếp từ chân núi dẫn lên thẳng cửa động. Tầng cao nhất (Thượng điện) biểu tượng cho thiên đình thờ Đức Phật Thích Ca.
Tầng giữa (Trung điện) biểu tượng cho thế gian có ảnh thờ Bác Hồ. Trong lòng động, vách đá tự chia thành từng múi như những chiếc lọng cao và sang trọng che cho các vị chư Phật ngồi dưới. Có thể coi đây như một kiệt tác kiến trúc của thiên nhiên tuyệt mỹ.
Phần thứ hai là chùa Âm (Hạ điện). Đường đến chùa Âm phải đi vòng quanh sườn núi khoảng 80 m. Cửa vào chùa Âm hẹp hơn chùa Thiên một chút, lòng hang cũng không rộng bằng, ước chừng cao khoảng 6m, rộng 6m và có ngách ăn sâu vào bên trong.
Du khách thập phương đến đây không chỉ để bày tỏ lòng thành, cầu may mắn bình an mà còn có dịp chiêm ngưỡng thắng cảnh do thiên nhiên ban tặng. Hội chùa Thạch Long được tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng hằng năm, thu hút rất nhiều du khách thập phương, họ đến để dâng hương cầu may mắn, hạnh phúc cho gia đình và người thân.
Khu di tích lịch sử Đèo Giàng – Bắc Kạn
Khu di tích lịch sử Đèo Giàng, nằm trên tuyến đường Quốc lộ số 3, đường đi Cao Bằng, di tích nằm giữa 2 huyện Ngân sơn và Bạch Thông, nơi đây trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc đó là trân tập kích trên đường quốc lộ 3.
Khu di tích lịch sử Đèo Giàng – Bắc Kạn
Một trong những sự kiện oanh liệt nhất, quy mô nhất ở đèo Giàng là trận đánh tại km 187 – 188 đèo Giàng ngày 12/12/1947. Ngày ấy quân ta đã tấn công vào đoàn xe cơ giới của địch gồm 22 chiếc xe tăng, xe thiết giáp, xe ô tô tải và xe Jeep chở lính lọt vào trận địa phục kích của trung đoàn 165 (trung đoàn Thủ đô).
Trận địa phục kích mà quân dân ta chọn là một đoạn đường hiểm trở, một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu nên địch đã lâm vào thế bị động hoàn toàn. Và ngay từ loạt tấn công đầu tiên, quân ta đã khiến quân địch lúng túng không kịp trở tay.
Kết quả là quân ta tiêu diệt được 60 tên địch, đốt cháy 17 xe cơ giới và thu được 2 triệu đồng Đông Dương cùng nhiều vũ khí quân trang, quân dụng khác. Qua trận đánh này đã giúp cho quân ta đúc rút được kinh nghiệm về chiến thuật phục kích cấp tiểu đoàn cho các trận phục kích đánh địch trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Sau thắng lợi này, đèo Giàng đã trở thành địa danh gắn liền với những chiến công của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông 1947. Đèo Giàng đã trở thành một niềm tự hào của quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và quân dân Bắc Kạn nói riêng.
Đền An Mạ – Bắc Kạn
Đến với du lịch hồ Ba Bể, ngoài việc đắm mình, thưởng ngoạn vẻ đẹp nên thơ của các hang động, các điểm vòng quanh hồ thì du khách còn được vãn cảnh đền An Mạ – điểm đến tâm linh tọa lạc trên đảo An Mã giữa hồ, để cầu may mắn và bình an.
Đền An Mạ – Bắc Kạn
Đền An Mạ (còn gọi là Đền An Mạ) toạ lạc trên đảo An Mã giữa hồ Ba Bể thuộc Nam Mẫu, Ba Bể, Bắc Kạn. Đây là ngôi đền cổ được trung tu xây dựng lại năm 2007. Đền thờ Phật, Mẫu Thượng Ngàn, Chúa Sơn Trang, Đức Thánh Trần.
Đền An Mạ mang nét giản dị, nhẹ nhàng, thanh thoát, hoà quyện với thiên nhiên. Các đường nét được chạm trổ khéo léo, công phu đã phần nào thể hiện được ý tưởng, quan niệm của con người nơi đây, gắn với hoàn cảnh lịch sử trong từng thời kì.
Đền An Mạ – Bắc Kạn
Tương truyền: Đền là nơi thờ các vị trung thần nhà Mạc trong cuộc chiến tranh phong kiến thời Lê Mạc, sau khi bị thua trận đã chạy đến động Puông rồi tuẫn tiết tại đó. Để tưởng nhớ các vị trung thần, người dân nơi đây đã dựng đền thờ họ Mạc, song sợ bị quan quân nhà Lê trả thù nên đã đổi tên thành đền thờ họ Ma. An Mạ theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là “mồ yên mả đẹp” nơi yên nghỉ của các trung thần họ Mạc.
Đền An Mạ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương, khách thập phương và cũng là nơi dâng lễ hội xuân Ba Bể tổ chức vào ngày 10 tháng giêng. Hội đền An Mã được tổ chức vào ngày 6 tháng hai âm lịch hàng năm.
ATK – Chợ Đồn – Bắc Kạn
ATK – Chợ Đồn nằm trong quần thể di tích lịch sử vùng chiến khu Việt Bắc, nơi ghi dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954).
ATK – Chợ Đồn – Bắc Kạn
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các huyện Đại Từ, Định Hoá (Thái Nguyên), Sơn Dương, Chiêm Hoá (Tuyên Quang), huyện Chợ Đồn đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm an toàn khu cho cuộc kháng chiến.
Trong thời gian từ năm 1947 đến 1952, hầu hết các cơ quan Trung ương đã đóng ở huyện Chợ Đồn như: Đài Tiếng nói Việt Nam, Cơ quan Vô tuyến điện, Nha kỹ thuật quân sự, Trường Quân chính, Xưởng quân giới, Xưởng in báo Cứu Quốc, Trạm phẫu thuật quân y…
Hiện nay quần thể di tích lịch sử ATK – Chợ Đồn với 06 di tích lịch sử cấp quốc gia (Bản Ca, Nà Pậu, Khuổi Linh, Bản Bẳng, Nà Quân, Đồi Khau Mạ), 04 di tích lịch sử cấp tỉnh (Nà Pay, Phja Tắc, Đồi Khuổi Đăm, Nà Kiến) và 16 di tích đã kiểm kê.
Đến với ATK – Chợ Đồn, ngoài tham quan các di tích lịch sử cách mạng ghi dấu ấn hào hùng của dân tộc, du khách còn được tìm hiểu những nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân nơi đây và chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng thân yêu này.
Đền Thắm – Bắc Kạn
Đền Thắm nằm ở khu vực ngã ba sông Cầu và sông Chu, thuộc tổ 6, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, cách đường Quốc lộ 3 khoảng 1 km, cách thành phố Bắc Kạn 45 km về phía nam.
Đền Thắm – Bắc Kạn
Đền thờ một vị nữ tướng có tên là Thắm – người có công lớn trong công cuộc chống giặc Cờ Đen vào nửa cuối thế kỷ XIX. Trước đây đền là nơi thờ Sơn thần, Thuỷ thần để cầu cho thuyền bè được qua lại bình yên. Cho đến cuối thế kỷ XIX đền được tu bổ để thờ phụng vị nữ tướng có công lớn đánh giặc Cờ Đen là cô Thắm.
Sự tích kể lại rằng: Ngày xưa có một cô gái rất xinh đẹp là con ông lão đánh cá nghèo ở làng chài ven sông Tràng Cổ tên là Thắm. Vừa xinh đẹp lại chăm chỉ, nết na, hiền dịu nên cô Thắm được các chàng trai quanh vùng rất yêu mến, ai cũng muốn được kết duyên cùng cô. Nhưng không may tên chúa Mường trong vùng đã dùng quyền lực bắt cô về làm vợ. Sống trong khổ cực trăm bề, tên chúa Mường lại làm tay sai cho giặc, cô liền tìm cách trốn thoát và đứng lên tập hợp dân nghèo đánh giặc. Được tin cô Thắm trở thành vị nữ tướng chống giặc Cờ Đen, vì muốn lập công nên tên chúa Mường đã dẫn quân giặc đến đánh. Một trận kịch chiến đã diễn ra tại ngã ba sông Tràng Cổ. Thật không may cô Thắm đã bị trúng mũi tên thuốc độc và anh dũng hy sinh. Tức giận quân lính của cô quyết chiến đánh tan quân giặc trả thù và để tưởng nhớ vị nữ tướng dũng cảm nhân dân đã lập đền thờ cô Thắm.
Đền Thắm – Bắc Kạn
Đền Thắm là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân địa phương và khách thập phương. Đền thờ Cô Thắm và các vị thần, vào những dịp lễ tết, du khách thập phương đổ về đông nghịt để thắp hương, cầu tài, cầu lộc. Hội đền được tổ chức vào ngày Thượng Nguyên mùng 2 tháng 2 âm lịch hàng năm và mở cửa đón khách quanh năm. Đền Thắm lưng tựa núi, mặt hướng ra ngã ba sông Tràng Cổ, yên bình và lặng lẽ. Đền Thắm chốn linh thiêng có cảnh quan thiên nhiên đẹp đã thu hút rất đông du khách. Đền Thắm được công nhận di tích cấp Tỉnh năm 2012. Đây cũng là một địa danh không nên bỏ qua khi du khách đi thăm quan, du lịch tại tỉnh Bắc Kạn.
Di tích lịch sử cách mạng Đồn Phủ Thông – Bắc Kạn
Khu di tích lịch sử đồn Phủ Thông cách ngã ba thị trấn Phủ Thông 300m, nằm trên điểm giao nhau giữa quốc lộ 3 với đường tỉnh lộ 258 thuộc thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông và cách thành phố Bắc Kạn 18 km về phía Bắc.
Di tích lịch sử cách mạng Đồn Phủ Thông – Bắc Kạn
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bắc Kạn là căn cứ địa kháng chiến, vùng trọng điểm trong các kế hoạch tấn công lên Việt Bắc của Thực dân Pháp trong chiến dịch Việt bắc Thu Đông năm 1947.
Nơi đây vào tháng 10 năm 1947, quân đội viễn chinh Pháp do tên Trung tá Sô Va Nhắc chỉ huy với 1.200 quân đã nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn), mở màn chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông năm 1947; ngày 15/10/1947 chúng tiến quân lên, chiếm đóng, xây đồn kiên cố trên một mỏm đồi tại khu vực núi Nà Cọt, thị trấn Phủ Thông, nhằm khống chế và tiêu diệt lực lượng của ta. Lực lượng của chúng gồm 01 đại đội bộ binh, 01 trung đội trợ chiến khoảng 150 tên địch với nhiều vũ khí tối tân kèm súng trường và lựu đạn.
Đồn có hình chữ nhật, dài 100m, rộng 50m, cổng đồn quay về phía Nam, làm bằng gỗ chắc chắn, tường đắp bằng đất, dày 01 m, cao 02 m, trong và ngoài tường ghép gỗ, bên ngoài có cọc chống, 04 phía có nhiều lỗ châu mai; 04 góc đồn là 04 lô cốt mẹ, xây nhà 02 tầng bằng gạch và đá: Góc Tây Bắc bố trí khẩu 12 ly 7 và cối 60 ly. Góc Đông Bắc bố trí 01 trung liên, góc Đông Nam bố trí 01 đại liên và cối 81 ly.
Tại đây quân ta đã 3 lần tập kích tấn công đồn Phủ Thông, đây là những trận công đồn đầu tiên khẳng định bước trưởng thành của quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời là cuộc tập dượt, rút kinh nghiệm để đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại thực dân Pháp xâm lược bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào năm 1954.
Di tích lịch sử cách mạng Đồn Phủ Thông – Bắc Kạn
Năm 1996 Bộ Văn hóa, thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) đã xếp hạng di tích lịch sử Đồn Phủ Thông là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ đó đến nay di tích luôn được bảo tồn gìn giữ. Hàng năm, di tích lịch sử đón nhiều đoàn khách từ Trung ương và địa phương về thăm, nơi đây cũng là nơi giáo dục tư tưởng đối với thế hệ trẻ, ghi nhớ công ơn của các bậc cha anh chúng ta đã ngã xuống cho hòa bình, độc lập tự do ngày hôm nay, trong đó có nhiều ngôi mộ còn vô danh, nhiều ngôi mộ có tên nhưng chưa có người thân đến nhận. Vì vậy, mong rằng chúng ta luôn phấn đấu sống tốt hơn để xây dựng đất nước ta ngày càng tươi đẹp và mãi trường tồn.
Bắc Kạn có gì chơi? Trên đây là những địa điểm vui chơi bạn không thể bỏ lỡ khi ghé thăm Bắc Kạn. Không ồn ào, tấp nập cũng chẳng xa hoa, nhộn nhịp, Bắc Kạn sẽ chinh phục bạn bằng chính vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ mà không kém phần thơ mộng của nó. Hy vọng danh sách tổng hợp các địa điểm du lịch Bắc Kạn trên đây có thể phần nào giúp bạn dễ dàng tham khảo và chọn lịch trình phù hợp cho chuyến du lịch của mình. Ngoài ra bạn có thể kham khảo thêm bài viết “Bắc Kạn có gì hoặc Bắc Kạn có lễ hội gì” sẽ giúp cho bạn có một lịch trình du lịch khám phá Bắc Kạn đầy đủ và chi tiết nhất.
Đăng bởi: Lớp Love Lớp Love
Từ khoá: Bắc Kạn có gì chơi?
Để lại một bình luận