Bánh tam giác mạch Hà Giang là món ăn dân dã nhưng lại rất nổi tiếng ở vùng cao nguyên đá. Cùng Kinhnghiemdulich.vn khám phá xem món ăn này có gì đặt biệt ngay bây giờ.
Giới thiệu chung về bánh tam giác mạch Hà Giang
Đến Hà Giang vào khoảng tháng 10, tháng 11, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những thung lũng hoa tam giác mạch Hà Giang nở rộ, tràn ngập sắc hồng thơ mộng. Đây còn là dịp mà du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức đặc sản không phải mùa nào cũng có – bánh tam giác mạch.
Bánh tam giác mạch Hà Giang được làm từ hạt hoa tam giác mạch, hay còn được gọi tắt là hạt mạch. Cuối vụ hoa, người dân sẽ thu hái và lấy hạt mạch về phơi khô để làm nguồn lương thực dự trữ như ngô và gạo. Hạt mạch sẽ được chế biến thành các món ăn khác nhau để sử dụng trong đời sống hàng ngày, phần lớn thường là để làm bánh.
Bánh tam giác mạch Hà Giang thường có hình tròn, dẹt. Ngày trước bánh được làm to cỡ khoảng gần 2 gang bàn tay, sau này người ta đã làm thêm cả loại bánh cỡ nhỏ hơn, để dễ dàng sử dụng và phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch Hà Giang.
Ở một số khu vực khác như Mộc Châu, Cao Bằng, Lào Cai cũng có trồng hoa tam giác mạch, vì vậy ở đó cũng có loại bánh nổi tiếng này. Thế nhưng có thể do chất lượng giống hoa, điều kiện thổ nhưỡng và cách chế biến đặc biệt, nên bánh tam giác mạch Hà Giang được đánh giá là thơm, ngon hơn cả.
Mới đây, Tổ chức kỷ luật Việt Nam đã công bố Quyết định xác lập Top 100 món ăn đặc sản nổi bật của 63 tỉnh thành. Trong đó, bánh tam giác mạch là một trong những đại diện tiêu biểu của đặc sản Hà Giang xuất hiện trong danh sách này.
Nguồn gốc và ý nghĩa bánh tam giác mạch Hà Giang
Nguồn gốc
Khi xưa, vào một năm mất mùa lúa, ngô, khắp các bản làng vùng cao nguyên đá Đồng Văn đều lâm vào cảnh đói, kém. Người dân phải họp lại rồi bàn nhau để chia ra đi tìm nguồn lương thực thay thế cho đến mùa lúa năm sau.
Một hôm có mùi thơm lạ từ khe núi theo gió bay đến, mọi người lần theo hương thơm đến thung lũng bên trong khe núi đá. Ai nấy cũng bất ngờ vì trước mắt họ là một cánh đồng hoa rộng lớn. Những bông hoa nhỏ li ti ôm trọn lấy hạt hoa hình tam giác phía trong. Đó chính là hoa tam giác mạch.
Người dân thấy rằng hạt của loài hoa này khá tương đồng với hạt gạo, vì vậy họ bèn lấy loại hạt về và thử nấu thành cơm. Loại hạt này khi chín tỏa ra mùi hăng nhẹ, ăn thử thì thấy ngon không kém gì gạo.
Để sử dụng được lâu hơn, người dân đã đem hạt mạch đi phơi khô, sau đó nghiền thành bột và đựng trong các hũ kín, chum gốm. Loại bột này thường dùng để làm men hồng mi – loại men dùng làm rượu ngô Hà Giang hoặc để nấu thành cháo.
Sau dần, nhờ vào sự sáng tạo của mình, người dân tộc Mông đã nghĩ ra cách làm bánh từ bột hạt hoa tam giác mạch. Với cách làm đơn giản, món bánh này đã được truyền tai nhau và ngày càng được phổ biến rộng rãi.
Xem thêm: Cháo Ấu Tẩu Hà Giang | Món Đặc Sản Nổi Tiếng Không Thể Bỏ Lỡ Khi Tới Cao Nguyên Đá
Ý nghĩa đối với người dân Hà Giang
Vì gắn liền với hình ảnh những ngày thiếu đói, nên nhiều người Hà Giang không muốn nhắc đến loại bánh này. Những nhà không có ruộng, nương để trông lúa, ngô để ăn nên mới phải lấy hạt mạch về làm bánh. Giống như món sắn, khoai ngứa được sử dụng trong những ngày giáp hạt ở miền xuôi.
Ngày trước món bánh này khá khô, nhạt và khó ăn, vì khi đó ở Hà Giang chưa có đường để sử dụng. Thêm vào đó là việc phải ăn liên tục trong nhiều ngày chống đói nên nhiều người cảm thấy ngán.
Từ khi có các tiểu thương mang đường đến Hà Giang buôn bán, người dân đã cho thêm đường vào món bánh này. Nhờ đó mà hương vị của bánh tam giác mạch ngon hơn bội phần và trở thành thứ đặc sản nơi đây.
Du khách đến Hà Giang vào mùa hoa tam giác mạch đều tìm mua món bánh đặc sản này để được thưởng hương vị đặc biệt của nó. Theo chia sẻ của những người bán bánh ở chợ phiên, mỗi tháng họ có thêm nguồn thu nhập trung bình từ 3 đến 4 triệu nhờ vào nghề bán bánh tam giác mạch.
Bánh tam giác mạch Hà Giang có hương vị như thế nào?
Nhìn bên ngoài bánh tam giác mạch có vẻ khá khô, cứng. Nhưng thực chất bánh tam giác mạch lại có cấu trúc mềm, xốp. Khi dùng tay ấn nhẹ sẽ cảm nhận được đồ đàn hồi của bánh, khá giống với bánh bông lan ở miền xuôi.
Khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh, càng nhai càng bùi. Khi cắt bánh sẽ thấy những hạt vụn màu tím li ti, đó chính là hạt mạch. Bánh có mùi ngái nhẹ của hạt mạch, tạo nên hương vị đặc trưng của thứ đặc sản vùng cao nguyên đá.
Chỉ cần xe nhỏ miếng bánh, bạn sẽ cảm nhận được mùi hương rất riêng của bánh tam giác mạch. Khi nếm thử, mùi vị chuyển dần từ ngọt sang bùi, cuối cùng sẽ đọng lại chút dư vị hơi hăng nhẹ cổ họng. Độ ngon của bánh sẽ thấm dần từ khứu giác đến vị giác của người thưởng thức, khiến ai nấy đều sẽ nhớ mãi hương vị của loại bánh đặc sản này.
Xem thêm: TOP 04 Món Ăn Sáng Tại Đồng Văn Được Du Khách Yêu Thích Nhất Ở Hà Giang
Cách thưởng thức bánh tam giác mạch Hà Giang chuẩn vị
Có thể thưởng thức bánh tam giác mạch Hà Giang theo 3 cách là bánh hấp, bánh nướng và bánh chiên. Mỗi kiểu sẽ mang đến những hương vị khác nhau nhưng vẫn giữ được vị ngon đặc trưng của thức bánh này.
Bánh tam giác mạch sau khi hấp chín là có thể thưởng thức ngay, lúc này bánh mềm và ẩm. Người Hà Giang thường ăn bánh tam giác mạch hấp cùng với món thắng cố. Chấm miếng bánh còn nóng hổi, quyện với nước sốt thắng cố đậm đà. Tạo nên sự kết hợp hoàn hảo từ 2 món đặc sản trứ danh.
Vào mùa đông thì bánh tam giác mạch nướng lại được yêu thích hơn cả. Bánh tam giác mạch nướng trên than đỏ sẽ có lớp ngoài xém vàng, nhưng bên trong vẫn giữ được độ mềm nhất định. Ngoài ra, khi nướng trên bếp than, bánh tam giác mạch sẽ có mùi thơm đặc biệt hơn cả.
Còn một cách thưởng thức bánh tam giác mạch Hà Giang cũng hấp dẫn không kém là bánh tam giác mạch chiên. Đây là món ăn vặt yêu thích của trẻ em vùng cao. Sau khi được chiên trên dầu nóng, vỏ bánh bên ngoài sẽ vàng và giòn rụm, ăn cực kỳ đưa miệng.
Giá trị dinh dưỡng của bánh tam giác mạch có thể bạn chưa biết
Nguyên liệu chính để làm bánh tam giác mạch là hạt mạch, loại hạt này có giá trị dinh dưỡng cao. Vì vậy bánh tam giác mạch được đánh giá là món ăn dân giã nhưng lại có những lợi ích vô cùng tốt đối với sức khỏe con người.
Tùy theo cách chế biến (loại bánh), mà giá trị dinh dưỡng cũng khác nhau. Trong đó bánh tam giác mạch hấp và bánh tam giác mạch nướng sẽ giữ được độ dinh dưỡng cao nhất. Còn bánh tam giác mạch chiên và giòn sẽ giữ lại ít dưỡng chất hơn vì phải trải qua nhiều công đoạn.
Trong hạt tam giác mạch có 2,42% là Tanin. Đây là hoạt chất có tác dụng kháng khuẩn, có hiệu quả trong việc cải thiện và hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm ruột, viêm loét niêm mạc, tiêu chảy, ngộ độc đường tiêu hóa.
Thêm vào đó, 1 hạt tam giác mạch có 2,41% là Flavonoid. Đây là hoạt chất tạo nên màu của hạt mạch, chúng có tác dụng ngăn ngừa các nguy cơ như xơ vữa động mạch, thoái hóa gan, tai biến mạch máu não, lão hóa và giúp thải độc hiệu quả.
Để có thể tận dụng những lợi ích trên, bạn có thể mua hạt hoa tam giác mạch hoặc bột mạch ở Hà Giang. Sau đó đem về và tự làm bánh tam giác mạch tại nhà để sử dụng thường xuyên hoặc các món ăn và thức uống khác từ loại hạt này.
Công đoạn làm bánh tam giác mạch
Nguyên liệu làm bánh
Trước đây, bánh tam giác mạch Hà Giang chỉ được làm từ hạt hoa tam giác và mạch và nước lọc, không thêm bất kỳ loại gia vị nào khác. Sau này để tăng thêm phần hấp dẫn và phù hợp với khẩu vị của khách thập phương, người ta đã cho thêm các gia vị như đường, muối và pha thêm bột gạo nếp nương và bột đỗ xay.
Các công đoạn làm bánh
Các công đoạn làm bánh tam giác mạch không quá cầu kỳ, nhưng chúng đòi hỏi nhiều thời gian và sự tỉ mỉ của người làm bánh. Một mẻ bánh ra lò sẽ trải qua 4 bước chính là phơi nắng, giã nhuyễn, nhào bột, hấp bánh.
Khi hoa tam giác mạch sắp tàn cũng là lúc hạt mạch vào độ thu hoạch. Người dân sẽ cắt hoa về, sau đó đãi lấy hạt hoa và đem đi phơi cho thật khô. Thông thường, nếu nắng to hạt mạch sẽ được phơi trong vòng 1 tuần, nếu tiết trời âm u, ít nắng thì thời gian phơi hạt có thể kéo dài hơn.
Sau khi được phơi khô, hạt mạch sẽ được đem đi xay nhuyễn thành bột. Bước này cần lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi bột thật mịn. Người Hà Giang hiện nay vẫn xay bột mạch chủ yếu bằng các cối xay đá từ xa xưa.
Để đảm bảo cho ra bột mạch mịn nhất, sau khi xay người dân thường lọc lại bột một lần nữa để loại bỏ những vụn mạch còn sót lại. Độ mịn của bột là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến cấu trúc của bánh, vì vậy công đoạn xay và lọc bột diễn ra rất cẩn thận và tỉ mỉ.
Tiếp đó, bột mạch được đem đi hòa cùng với đường, muối và nước lọc. Lúc này cần phải căn chỉnh các thành phần thêm vào với một định lượng phù hợp với lượng bột, nếu không sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị của bánh thành phẩm.
Người làm bánh sẽ dùng tay nhào bột liên tục để có được khối bột mịn và dẻo. Sau đó, cho vào khuôn đúc hoặc nặn bằng tay để cho ra những khối bánh hình tròn với đường kính khoảng từ 10 đến 15cm. Tiếp theo, bánh sẽ được cán mỏng với độ dày từ 1 đến 2cm.
Công đoạn cuối cùng là hấp bánh, bánh tam giác mạch được hấp cách thủy trong khoảng 10 đến 15 phút tùy vào kích thước bánh. Lúc này, người làm bánh cần căn chỉnh lửa và thời gian phù hợp để bánh được chín đều. Nếu hấp bánh với lửa to trong thời gian quá lâu, bánh sẽ bị nứt ra và ảnh hưởng đến hương vị bên trong.
Mua bánh tam giác mạch Hà Giang ở đâu?
Vào mùa hoa tam giác mạch, du khách không khó để bắt gặp những quầy, hàng bán bánh tại các phiên chợ và các địa điểm du lịch Hà Giang. Trong đó, bánh tam giác mạch thường được bán nhiều hơn cả ở những vùng có diện tích trồng hoa tam giác mạch lớn như Đồng Văn, Mèo Vạc, thung lũng Sủng Là…
Mua bánh tại các địa điểm du lịch
Quanh các điểm du lịch nổi tiếng như dinh thự họ Vương, phố cổ Đồng Văn… thường có nhiều gánh hàng bán bánh để phục vụ khách du lịch khi đến tham quan. Ở đây chủ yếu là loại bánh tam giác mạch nướng và bánh tam giác mạch chiên, mỗi chiếc bánh thường có giá khoảng 5.000đ/ chiếc (loại bánh cỡ nhỏ).
Bên cạnh loại bánh ăn tại chỗ, du khách có thể ghé vào các sạp hàng lân cận để mua bánh tam giác mạch đóng sẵn về làm quà. Tại đây, bánh tam giác mạch sẽ được đóng trong những túi nilong kín để du khách có thể tiện bảo quản và mang theo. Mức giá của bánh tam giác mạch đóng gói sẵn thường từ 20.000đ đến 30.000đ/ túi.
Mua bánh tại chợ phiên
Một gợi ý để mua được những chiếc bánh tam giác mạch thơm ngon mà bạn không thể bỏ qua là tại các chợ phiên Hà Giang. Mỗi phiên chợ đều có rất nhiều quầy hàng bán bánh tam giác mạch với đủ loại từ bánh hấp, bánh nướng đến bánh chiên.
Ở chợ phiên, bánh tam giác mạch có mức giá rẻ hơn, từ 2.000đ – 3.000đ cho loại bánh cỡ nhỏ và từ 10.000đ – 15.000đ cho loại bánh cỡ lớn. Ngoài ra, khi đến chợ phiên bạn có thể thưởng thức bánh tam giác mạch với nhiều hương vị khác nhau khi kết hợp với thịt xiên, xúc xích, trứng nướng…
Tuy nhiên, không phải lúc nào du khách cũng có thể dễ dàng mua được bánh tam giác mạch tại chợ phiên. Vì các phiên chợ đều hợp theo lịch cố định, chứ không họp thường xuyên. Vậy nên, mọi người cần nắm rõ được lịch họp của các phiên chợ tại Hà Giang. Dưới đây là thông tin về lịch diễn ra một số phiên chợ tiêu biểu, bán nhiều bánh tam giác mạch mà bạn có thể tham khảo:
- Chợ phiên ở Đồng Văn: chợ thị trấn Đồng Văn – họp sáng chủ nhật; chợ Phố Cáo – họp ngày Thìn và ngày Tuất; chợ Phó Bảng – hợp ngày Ngọ và ngày Tý.
- Chợ phiên ở Mèo Vạc: chợ trung tâm thị trấn – họp sáng chủ nhật; chợ Khâu Vai – họp sáng mùng 2,7,12,17,22,27 âm lịch; chợ Sủng Trà – họp sáng thứ 7.
- Chợ phiên ở Yên Minh: chợ Du Già – họp sáng thứ 6; chợ Mậu Duệ – họp sáng chủ nhật; chợ Sủng Tráng – họp sáng chủ nhật.
- Chợ phiên ở Quản Bạ: chợ Tam Sơn – họp sáng thứ 7; chợ Quyết Tiến – họp sáng thứ 6; chợ Tráng Kìm – họp sáng thứ 7.
Mua bánh tại các cửa hàng đặc sản Hà Giang
Nếu muốn tìm mua bánh tam giác mạch giống như một thứ đặc sản Hà Giang mua làm quà, du khách có thể đến những cửa hàng bán đặc sản Hà Giang. Tại đây, những hộp bánh tam giác mạch thường có mức giá dao động từ 30.000đ – 40.000đ/ hộp.
Tại các cửa hàng đặc sản, bánh tam giác mạch sẽ được đóng gói trong các hộp, bao bì chắc chắn và đẹp mắt. Bên cạnh đó, trên các hộp bánh đều có ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng, cách bảo quản, nguồn gốc xuất sứ. Vì vậy du khách có thể hoàn toàn yên tâm khi chọn mua.
Cửa hàng đặc sản còn phân phối nhiều mặt hàng khác. Tại đây, bạn có thể tham quan và chọn mua thêm một số sản phẩm làm quà khác như trà hoa tam giác mạch, bột tam giác mạch…và rất nhiều đặc sản nổi tiếng khác của Hà Giang như trâu gác bếp, lạp xưởng…
Tại khu vực trung tâm thành phố có rất nhiều cơ sở bán đặc sản để phục vụ khách du lịch. Một số cửa hàng bán đặc sản lớn và uy tín, được đông đảo du khách đánh giá cao là: Đặc sản Hà Giang 23, cửa hàng đặc sản Tuấn Hồng, nông sản Miss Lanh Hà Giang, cửa hàng Quà Của Đá…
Cách bảo quản bánh tam giác mạch
Ở điều kiện thông thường, bánh tam giác mạch có thời gian bảo quản chỉ từ 2 đến 3 ngày. Khi mua về bạn cần cho ngay vào tủ lạnh và tiến hành bảo quản lạnh. Khi ăn sẽ lấy ra và chế biến lại cho nóng là có thể dùng được. Cách này sẽ giúp duy trì thời gian sử dụng bánh từ 5 đến 6 ngày.
Vì thời gian sử dụng của những loại bánh này khá ngắn, bạn nên mua bánh ngay trước khi kết thúc chuyến đi để tối ưu được thời gian sử dụng. Trên đường di chuyển từ Hà Giang về nhà, bạn có thể bảo quản bánh trong giấy báo, không nên buộc quá chặt trong núi nilong sẽ làm bí khí và dẫn đến hỏng bánh.
Với bánh tam giác mạch mua tại cửa hàng đặc sản, sẽ chủ yếu là loại bánh khô. Chúng có thời gian sử dụng lâu hơn, thường từ 1 đến 3 tuần sau khi mở nắp vài tháng cho loại bánh nguyên hộp. Thời gian sử dụng và hướng dẫn bảo quản đã được in sẵn trên bao bì, vì vậy sẽ dễ bảo quản hơn.
Bánh tam giác mạch Hà Giang là thứ đăc sản độc đáo mà bất kỳ ai cũng không nên bỏ lỡ khi đến vùng cao nguyên đá vào mùa hoa mạch nở rộ. Đây chắc chắn sẽ là một món ăn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị trong hành trình khám phá ẩm thực nơi địa đầu Tổ quốc.
Để lại một bình luận