Để làm được mẻ cốm màu xanh, thơm ngon, dẻo ngọt thì công đoạn lựa chọn những hạt thóc nếp rất quan trọng. Lúa nếp phải trồng ở ruộng cách xa khu ruộng trồng lúa tẻ, người dân thường gặt lúa nếp từ lúc “tám rưỡi”, tức lúc lúa còn non. Hạt vừa chớm mẩy và căng sữa là thời điểm thích hợp nhất để gặt lúa về làm cốm. Sau khi thu hoạch, bà con đem rang trên chảo gang đúc đế dày. Khi rang cốm phải đảm bảo giữ nhiệt đều, lúc đầu lửa phải to đều khi hạt thóc hơi chuyển sang màu trắng thì giảm dần lửa để hạt chín đều và không bị gẫy.
Sau khi rang xong, khi còn nóng cho vào chiếc cối đá đem giã ngay. Chiếc cối đá được chôn dưới nền nhà để đảm bảo độ đầm và tránh tiếng ồn. Mỗi chiếc cối như vậy có thể chứa được khoảng 5kg thóc nếp rang, vừa giã vừa đảo luôn tay từ trên xuống rồi lại từ dưới lên. Trước đây, khi giã cốm phải cần 2 người, một người đạp chày, một người ngồi đảo tay. Ngày nay khi công nghệ tiên tiến hơn thì một số hộ đã có máy xát để xát hết vỏ trấu của thóc đi nên chỉ cần rang nếp cho chín đều và giã cho cốm mềm ra.
Cốm sau khi giã khoảng 10 phút thì lớp vỏ trấu tách ra sẽ được đem sàng xảy bớt vỏ, rồi lại đổ vào cối giã tiếp. Cốm sau khi giã xong mềm dẻo, hương vị đậm đà với màu xanh tự nhiên được bà con gói trong những tàu lá dong xanh bóng để giữ độ dẻo, mềm và thơm mùi nếp cốm mới.
Trong tiết trời se lạnh của cao nguyên Bắc Hà, bạn được thưởng thức những hạt cốm dẻo quyện, vị ngọt đậm đà, thơm mùi lúa non do chính bàn tay mình làm ra thì còn gì tuyệt vời hơn. Và bạn đừng quên mang món quà này về cho bạn bè, người thân nhé..
Kim Anh
Đăng bởi: Thúy Nguyễn
Từ khoá: Cốm Món quà dân dã khi du lịch Lào Cai
Để lại một bình luận