Là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất ở TP.HCM và đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, địa đạo Củ Chi là 1 công trình kiến trúc độc đáo với 1 quá khứ hào hùng và oanh liệt. Những đường hầm ở đây được xây dựng bởi những người lính Cách Mang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, địa đạo Củ Chi là 1 phần của hệ thống đường hầm ngầm xuyên suốt khắp đất nước.
Địa đạo Củ Chi
Nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 70 km theo hướng Tây Bắc Việt Nam, địa đạo Củ Chi hoàn thành năm 1965 sau khi đã mở rộng hệ thống đường hầm sẵn có ở địa phương. Trong chiến tranh, địa đạo là nơi trú ẩn của quân đội giải phóng miền Nam và quân chi viện từ miền Bắc. Hầu hết các đường hầm này nằm trên địa bàn huyện Củ Chi. Có chiều dài tổng cộng gần 300 km với nhiều độ sâu khác nhau, 1 số sâu đến 13 mét, địa đạo Củ Chi không những là nơi trú ẩn an toàn mà còn là cái bẫy lừa địch vào và tiêu diệt.
Lịch sử địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi có quá khứ hào hùng và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Du khách đến đây không khỏi bất ngờ trước 1 hệ thống đường hầm chằn chịt nằm trong lòng địch. Địa đạo được thiết kế với nhiều khúc cong nhằm chống bom mìn lọt vào; các lối đi bên trong có hình chữ U chứa đầy nước giúp phòng tránh hơi độc của địch. Đường hầm được xây dựng với kích thước phù hợp với người Việt nên người phương Tây với dáng người to lớn rất khó lòng chui vào đường hầm. Bên trong đường hầm còn có cả phòng đạn dược, bệnh viện dã chiến, phòng họp, cửa hàng thực phẩm và thậm chí cả nhà hát nữa.
Trong thời kỳ chiến tranh, quân và dân Củ Chi đã phải trú ẩn trong đường hầm này vào ban ngày và chỉ ra ngoài chiến đấu vào ban đêm để tránh quân địch phát hiện. Chính vì sự tài tình, sáng tạo này của các chiến sĩ Cách Mạng đã giúp họ giành được chiến thắng vang dội. Tuy nhiê, do điều kiện thiếu ánh sáng và oxy trong đường hầm đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ của các chiến sĩ quân giải phóng.
Đến Địa Đạo Củ Chi bằng phương tiện nào?
Có rất nhiều phương tiện để đến đây, bạn hãy tham khảo thêm ở bên dưới và lựa chọn sao cho phù hợp với sở thích và điền kiện của mình.
Đi bằng xe máy hoặc xe hơi
Hầu hết các công ty du lịch đều có tổ chức các tour Địa Đạo Củ Chi bằng xe máy, xe hơi hoặc xe buýt du lịch tuỳ theo yêu cầu của du khách. Thời gian di chuyển khoảng 1 tiếng rưỡi để đi từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đến trạm Bến Đình.
Đi bằng tàu
Nếu muốn đến đây bằng đường thủy, bạn có thể liên hệ với những công ty du lịch có khai thác tuyến đường thủy đến địa đạo Củ Chi bằng thuyền hoặc ca nô trên sông Sài Gòn
Đi bằng Taxi
Taxi là phương tiện thoải mái nhất nhưng cũng đắt đỏ nhất. Nếu bạn không gấp rút về thời gian thì không nhất thiết phải lãng phí 60 đô cho hành trình khoảng 140 km đi và về
Đi bằng xe buýt công cộng
Ngoài việc tự mình lái xe máy hay xe hơi, bạn cũng có thể đi xe buýt công cộng đến địa đạo Củ Chi, và chỉ cần bắt hai chuyến xe buýt là bạn đã có thể đến Bến Dược.
Trước tiên, bạn bắt tuyến xe số 13 từ công viên 23-9 (gần khu Phạm Ngũ Lão – khu tây ba lô) đến bến xe Củ Chi, sau đó đi tiếp xe buýt số 79 hướng về Bến Dược. Tổng thời gian di chuyển theo cách này là khoảng 2 tiếng rưỡi và chi phí di chuyển cực kì rẻ chỉ 26.000 đồng ( hơn 1 đô).
Hãy tranh thủ đi vào sáng sớm để có tthời gian khám phá hết Địa Đạo Củ Chi trước khi xe buýt ngừng chạy trong ngày. Xe buýt số 79 dừng hoạt động lúc 5:30 chiều và xe số 13 lúc 9:00 tối. Vì thời gian chờ xe lâu và cũng cũng không được thoải mái về thời gian, do đó bạn nên có kế hoạch thời gian phù hợp.
Đi đến Địa Đạo Củ Chi theo cách riêng của bạn
Phuotvivu đã tạo một bản đồ hướng dẫn đường đi dành cho những bạn muốn đạp xe, đi bằng xe máy hoặc xe hơi đến địa đạo Củ Chi. Tuy nhiên, với khoảng cách khá xa (khoảng 70 km), nếu đạp xe đến đây bạn nên dừng lại nghỉ ngơi ở những quán cà phê võng dọc đường. Còn với những bạn đi xe máy và xe hơi thì nên chú ý quan sát và lái xe cẩn thận nhé !
Thời gian hoạt động và vé vào cổng:
Có 2 khu vực chính ở địa đạo Củ Chi là là Bến Đình và Bến Dược; Cả 2 khu đều mở cửa cùng thời gian, giá vé có khác nhau nhưng chênh lệch nhau không đáng kể.
Thời gian mở cửa: 8am đến 5pm mỗi ngày, kể cả chủ nhật!
Giá vé vào cổng: Bến Đình: 110.000 VND / người
Bến Dược: 90.000 VND / người
Tour du lịch Địa Đạo Củ Chi từ thành phố Hồ Chí Minh
Địa đạo Củ Chi hiện nay có chức năng như 1 bảo tàng ngoài trời miêu tả sống động những sinh hoạt đời thường của các chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ chiến tranh. Khách tham quan khi đến đây đều hết mực thán phục sự tài tình, tháo vát của bộ đội Cụ Hồ khi đã xây dựng nên 1 hệ thống đường hầm chằn chịt và quy mô, sáng tạo nên những cái bẫy phục kích uy lực và hiệu quả.
Hầu hết các đường hầm ở đây đã được cơi nới thêm được du khách có thể dễ dàng tiếp cận, tuy nhiên, 1 số đường hầm vẫn còn khá nhỏ. Chắc chắn ai khi đến đây cũng phải ngạc nhiên tự hỏi làm sao các chiến sĩ cách mạng có thể sống trong lòng đất trong điều kiện thiếu thốn như thế trong 1 thời gian dài đến vậy. Những bài học lịch sử mà du khách được tiếp nhận khi đến địa đạo Củ Chi vì vậy cũng có tác dụng khơi dậy lòng tự hào dân tộc cũng như cảm thông, chia sẽ với những đau thương mất mát mà quân và Củ Chi phải chịu đựng trong chiến tranh.
Bạn có thể dễ dàng tham gia 1 tour du lịch nửa ngày giá rẻ, đưa đón từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, để đến tham quan địa đạo Củ Chi ngay hôm nay. Đây thực sự là địa điểm đến không thể bỏ qua khi đến du lịch ở thành phố mang tên Bác.
Chơi gì ở Địa Đạo Củ Chi
Có rất nhiều điều thú vị đang đợi bạn khám phá ở địa đạo Củ Chi như chui vào đường hầm, xem phim tài liệu và ảnh chụp cuộc sống ở địa đạo Củ Chi trong chiến tranh, khám phá hố bẫy phục kích địch, chụp hình lưu niệm và tất nhiên bạn cũng nên thử qua trò bắn súng với đạn thật.
Khu vực bắn súng
Cả Bến Đình và Bến Dược đều có khu vực bắn súng dành cho những du khách muốn trải nghiệm bắn đạn thật. Yêu cầu bắt buộc khi tham gia trò chơi là bạn phải có sức khỏe tốt và lớn hơn 16 tuổi.
Các viên đạn được bán theo bộ, mỗi bộ có khoảng 10 viên đạn cùng loại. Dưới đây là giá cho các loại đạn khác nhau được bán ở đây:
- M16: 35.000 VND / 1 viên đạn (~ 1,6 đô)
- AK 47: 40.000 VND / 1 viên đạn ( ~1,8 đô)
- Súng máy M60: 40.000 đồng / 1 viên đạn (~1,8 đô)
- Garand: 30.000 đồng / 1 viên đạn (~ 1,4 đô)
- Súng máy M30: 30.000 đồng / 1 viên đạn (~ 1,4 đô)
- CARBIN: 25.000 VND / 1 viên đạn (~ 1,1 đô)
Ăn uống gì ở Củ Chi
Bò tơ Củ Chi
Nhà hàng: Bò tơ Xuân Đào Địa chỉ: 700 Nguyễn Giao, Củ Chi, TP.HCM Thời gian bán: 7 giờ sáng – 9 giờ tối Giá bán: Thịt bò luộc cuộn rau: 120.000 đồng / phần (~ 5.5 đô) Thịt bò nướng: 140.000 đồng / phần (~ 6.3 đô)
Thịt bò lẩu giấm: 150.000 đồng / phần (~ 6.8 đô)
Nước mía sầu riêng
Địa chỉ: 259A Quốc Lộ 22, Tân Thông Hội, Củ Chi, TP.HCM Thời gian bán: 6:30 sáng – 8 giờ tối
Giá: 10.000 VND (~ 0,4 đô)
Khoai mì luộc, đậu phộng xay, đường và dừa
Đây là thức ăn chính của quân giải phóng trong chiến tranh do tình hình khan hiếm lương thực thực phẩm khi đó. Hương vị những món này khá ngon mà lại chắc bụng khi thưởng thức cùng trà nóng. Bạn có thể tìm thấy món ăn này ở những khu bếp dưới lòng đất ở địa đạo Củ Chi. Khi nếm thử những món ăn dân dã này trong 1 ngày mưa ở trong đường hầm ẩm thấp, chật chội, bạn sẽ phần nào thấu hiểu được sự cơ cực và thiếu thốn mà các chiến sĩ cách mạng đã phải trải qua. Những trải nghiệm này sẽ giúp chúng ta thêm trân trọng và biết ơn những hy sinh mất mát của những người đã ngã xuống vì hoà bình và độc lập cho dân tộc Việt Nam.
Vài mẹo nhỏ
- Không có quy định về trang phục khi tham quan đường hầm Củ Chi, tuy nhiên, bạn nên chọn quần áo gọn gàng và màu tối để khi về không phải vất vả giặt tẩy vết bẩn bám vào áo quần khi chui vào địa đạo
- Chuẩn bị 1 đôi giày thể thao thoải mái vì bạn phải đi bộ đến nhiều khu trong Địa Đạo Củ Chi.
- Bôi kem chống nắng, thuốc xịt đuổi côn trùng là thứ không thể thiếu khi đến đây.
- Vào mùa mưa (tháng 5 đến tháng 11) tuy địa đạo không bị ngập nước nhưng tham quan vào thời gian không được thuận tiên cho lắm vì sẽ có rất nhiều sình bùn làm vấy bẩn quần áo của bạn
- Trong dịp Tết (Tết Nguyên đán Việt Nam rơi vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2), địa đạo Củ Chi vẫn tiếp đón khách như ngày bình thường.
- Những du khách bị hội chứng sợ không gian hẹp và có huyết áp cao được khuyến cáo không nên đi vào các đường hầm nhỏ và nên chọn những đường hầm lớn hơn để tham quan.
Đăng bởi: Nguyễn Nguyên
Từ khoá: Kinh nghiệm du lịch địa đạo Củ Chi
Để lại một bình luận