Lạng Sơn có lễ hội gì?

Lạng Sơn có lễ hội gì?

Nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em đã lâu đời chung sống đoàn kết bên nhau như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay… Chính đặc điểm này đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú, giàu bản sắc của nền văn hoá các dân tộc Xứ Lạng. Ngoài khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, những địa điểm tham quan, những di tích lịch sử nổi tiếng, du lịch Lạng Sơn còn hấp dẫn khách du lịch bởi những lễ hội truyền thống đặc sắc, mang đậm nét văn hóa, tín ngưỡng của người dân vùng biên cương. Lạng Sơn có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Lạng Sơn mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Lễ hội Chùa Tiên – Lạng Sơn

Chùa Tiên nằm trong lòng núi Đại Tượng, thuộc địa phận phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Lễ hội Chùa Tiên xuất phát từ tín ngưỡng thờ đá và thờ nguồn nước của cư dân nông nghiệp.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Chùa Tiên – Lạng Sơn

Đây là một trong những mô típ hình thành lễ hội rất phổ biến ở Việt Nam. Trong dịp đầu năm mới, lễ hội Chùa Tiên là ngày hội văn hóa truyền thống đặc sắc được tổ chức đông vui, nhộn nhịp và điển hình nhất ở Lạng Sơn. Lễ hội được diễn ra trong ngày 18 tháng giêng. Phần lễ, bao gồm: các nghi lễ thờ Phật, với nghi thức khai hội và phần nghi lễ tế. Điều đặc biệt ở lễ hội Chùa Tiên, các đồ lễ vật đặt lên các bàn thờ không được dâng lợn quay – vật lễ thường được dâng cúng ở các lễ hội khác.

Hội Chùa Tiên ngày nay mang tính chất là ngày hội cầu tài, cầu lộc, du xuân vãn cảnh. Chính vì vậy, lễ hội đã vượt khỏi khuôn khổ lễ hội làng. Nhiều du khách ở các vùng lân cận và các tỉnh miền xuôi nô nức đến trẩy hội. Không chỉ thế, Chùa Tiên còn là danh lam thắng cảnh vào bậc nhất của thành phố Lạng Sơn. Hội cũng là nơi gặp gỡ của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, nơi diễn ra các trò chơi, diễn xướng dân gian như: múa sư tử, đánh cờ người, hát sli, hát lượn… những hoạt động mang đậm dấu ấn của văn hóa truyền thống xứ Lạng.

Lễ hội Đền Kỳ Cùng – Tả Phủ – Lạng Sơn

Lễ hội đền Kỳ Cùng trong dịp đầu năm là một trong những ngày hội văn hóa đặc sắc của Xứ Lạng. Đây là dịp để nhân dân các dân tộc Xứ Lạng gặp gỡ tụ hội vui chơi, ca hát, thực hiện những nghi lễ cầu cúng, mong đạt những ước vọng về nột cuộc sống tốt đẹp may mắn cho một năm mới no đủ, hạnh phúc. Qua lễ hội này, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của Xứ Lạng được thể hiện một cách sống động. Lễ hội Kì Cùng, Tả Phủ kéo dài một phiên chợ (chợ phiên Lì Lừa), là một trong những lễ hội được tổ chức đông vui, nhộn nhịp và điển hình nhất của Xứ Lạng.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Đền Kỳ Cùng – Tả Phủ – Lạng Sơn

Ngày 22 tháng giêng, vào giờ thìn trước cửa sân đền, mọi người cùng nhau ôn lại truyền thống lễ hội văn hóa đặc sắc của đền Kỳ Cùng. Sau đó mọi người vào đền dâng hương cầu mong an khang thịnh vượng, cuộc sống ấm no hạnh phúc và có một năm mới đầy may mắn.

Trong thời gian diễn ra nghi thức khai hội đón tiếp đoàn rước kiệu đền Tả Phủ đến xin bát hương quan lớn Tuần Tranh từ đền Kì Cùng lên chơi đền Tả Phủ với ý nghĩa mời ngài lên chơi hội và thăm hỏi tạ ơn Tả Phủ Thân Công Tài. Nghi thức này được thực hiện rất cầu kỳ, trang trọng. Ngày 27 tháng giêng là ngày kết thúc lễ hội Kì Cùng. Đúng giờ chính Ngọ (12 giờ trưa), đám rước bát hương quan lớn Tuần xuất phát từ đền Tả Phủ hồi cung.

Hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ đã trở thành điểm hẹn của nhân dân các dân tộc Xứ Lạng. Buổi chiều, tại đền Kì Cùng vẫn đón tiếp khách hành hương đến làm lễ đông vui. Sau đó đền tổ chức mọi người tham dự lễ hội thụ lộc. Đây là một hình thức tín ngưỡng dân gian được nhân dân quan niệm đầu xuân mới được Thánh ban lộc thì cả năm đó sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và trong công việc làm ăn buôn bán.

Lễ hội Chùa Tam Thanh – Lạng Sơn

Chùa Tam Thanh nằm trong động Tam Thanh, đây là một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của Xứ Lạng. Di tích chùa Tam Thanh, là một địa điểm tham quan thu hút khách du lịch thập phương. Trải qua sự thăng trầm của thời gian và lịch sử, di tích Tam Thanh nay vẫn giữ được nhiều dáng vẻ ban đầu, hấp dẫn du khách gần xa bằng vẻ đẹp tự nhiên vốn có của di tích.

lạng sơn có lễ hội gì?

Chùa Tam Thanh – Lạng Sơn

Chùa Tam Thanh gắn liền với danh thắng tượng đá nàng Tô Thị, đã đi vào câu ca dao muôn thuở. Tượng đá Nàng Tô thị đứng chếch trên sườn núi trước mặt là một biểu tượng của lòng chung thủy sắt son của người phụ nữ ngàn xưa. Di tích Tam Thanh, ngoài ý nghĩa là một danh thắng, nó còn là một di tích tôn giáo tín ngưỡng (thờ Phật, Mẫu).

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Chùa Tam Thanh – Lạng Sơn

Cùng với danh thắng Nhị Thanh, thành nhà Mạc, tượng đá nàng Tô thị, chùa Tam Giáo… Hang động chùa Tam Thanh xứng đáng là một trong những thắng cảnh của thị xã Lạng Sơn như danh nhân Ngô Thời Sĩ đã từng ca ngợi trong bài thơ “Trần doanh bát cảnh ”. Nằm trong một môi trường có bề day lịch sử và thẫm đẫm văn hóa dân gian truyền thống của một đô thị miền núi phía Bắc biên giới nước ta, lễ hội chùa Tam Thanh đã được hình thành và phát triển như một nét đẹp văn hóa đặc sắc của địa phương. Theo thông lệ hàng năm cứ đên ngày rằm tháng giêng hàng năm, dân chúng Lạng Sơn lại mở hội chùa Tam Thanh.

Vào ngày hội sáng sớm các cụ già tập hợp trước Tam Bảo tụng kinh gõ mõ cầu đức Phật phù hộ cho dân chúng một năm mới bình an khỏe mạnh, cầu cho ngày hội được vui vẻ… lúc này các đội sư tử phường Tam Thanh lên chùa múa lễ, mọi người dân cùng theo sau sư tử lên thắp hương lễ Phật, thánh, Mẫu trong chùa. Lễ vật dâng cúng trên ngôi Tam bảo, Thánh tăng, Đức ông là những lễ chay: Hương, hoa , oản. Còn ở ban thờ Thánh Mẫu ngoài đồ chay còn dâng lễ mặn, nhiều năm đồ lễ mặn có từ 5 – 7 con lợn quay. Đội sư tử Phường sau khi múa lễ trên chùa liền ra cổng múa đón chào các đội sư tử ở các làng, xã bên cạnh đến chúc mừng và vui chơi trong hội.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Chùa Tam Thanh – Lạng Sơn

Khoảng 8 giờ sáng ban tế nữ quan bắt đầu thực hiện nghi lễ tế thánh trong lễ hội. Quy trình tế lễ gồm các tuần dâng hương, hoa trà, tửu đọc chúc văn, hóa vàng… Trình tự tế giống như tế ở các đình đền chùa khác. Vì thực tế cá nghi lễ này cũng được tham khảo và lấy từ những quy định nghi lễ tế cổ xưa của bộ lễ, hoặc trong sách “Việt Nam phong tục ” của Phan Kế Bính. Thời gian diễn ra buổi lễ khoảng một giờ. Sau đó đến các con hương ở chùa vào gõ mõ tụng kinh niệm phật làm tăng thêm sự trang trọng, linh thiêng trong ngày lễ hội.

Xem Thêm  Dốc Chín Khoanh – Hà Giang: Nơi ngựa chùn bước, nơi người muốn đi

Về phần hội, đây là những hoạt động phong phú về trò chơi và diễn xướng…Lễ hội Tam Thanh được tổ chức các trò chơi như đấu cờ người , thi múa võ, ném còn, chơi trò cua cá… và các làn điệu sli, then, lượn, quan họ, chèo hòa cùng những tiếng đàn then, đàn nhị… tạo nên một không khí ngày hội sôi động, hào hứng.

Lễ hội Tam Thanh tổ chức hàng năm được mọi người tìm đến để cầu mong những điều may mắn, tìm đến vui chới giải trí, gặp gỡ bạn bè. Lễ hội Tam Thanh cũng là dịp giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa các dân tộc, vùng miền.

Vượt qua ranh giới địa phương, lễ hội chùa Tam Thanh đã trở thành nơi thu hút đông đảo khách thập phương. Để nghe câu ca dao thủa xưa về miền đất Xứ Lạng:

“Đồng Đăng qua phố Kỳ Lừa

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Ai lên Xứ Lạng cùng anh

Mảng vui quên hết lời em dặn dò…

Lễ hội Bủng Kham – Lạng Sơn

Bủng Kham là một vũng nước ở thôn Nà Phái xã Đại Đồng huyện Tràng Định. Xưa kia nơi đây là vũng nước rộng, nước chảy trong vắt quanh năm. Hiện nay Bủng Kham chỉ còn là một vũng nước nhỏ, dấu tích còn lại là cồn cát phía Đông và gò đá phía Tây, trên mặt có dấu vết các bàn “ô ăn quan” tương truyền là nơi chơi đùa của các nàng Tiên xưa kia.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Bủng Kham – Lạng Sơn

Lễ hội được tổ chức tại hai khu vực gần nhau. Bên gò đá phía Tây Bủng Kham và miếng đất thoai thoải trước mặt là nơi tổ chức hành lễ và hát dân ca. Bậc trên cùng là để ba bàn thờ và con lợn tế thiên thần. Từ sáng sớm, thầy Mo và đoàn tùy tùng đem theo mâm lễ đến miếu thờ Thổ công thắp hương hành lễ. Bàn thờ của thầy Mo kèm theo thúng mủng được bày sẵn trong lán. Ba bàn thờ Thần tiên trên gò đá cũng đã đặt mỗi bàn một mâm lễ gồm: 1 con gà thiến luộc, 1 bát bánh khô, 1 bát Khẩu Sli, 1 bát thóc théc, 1 chai rượu, 1 ấm chè và vài cái chén, vài đôi đũa. Bàn thờ nàng Tiên Cả đặt giữa có lọng che.

Các già làng cúng lễ xong, sư tử làng vào múa chào Thần Tiên, Thần Nông, rồi ra đầu làng múa đón các đội sư tử bạn về dự hội. Nhân dân các thôn lên hát then, sli, lượn, phong slư… cùng với các trò chơi, tung còn, đánh cờ, gieo lộc, thụ lộc cấy lúa… Trọng tâm của lễ hội “Bủng Kham” là trò gieo lộc và thụ lộc. Đây là trò chơi dân gian rất độc đáo, đặc sắc duy nhất được tổ chức tại lễ hội “Bủng Kham”. Lộc vãi xuống, bà con cô bác và du khách trẩy hội thi nhau kẻ nhặt, người hứng, kẻ hứng, người ngồi chạy đi chạy lại, tay chân thoăn thoắt cùng nhau thụ lộc thánh. Bà con quan niệm ai nhặt được nhiều lộc thánh thì năm đó làm ăn sẽ phát đạt, gia đình ấm no, hạnh phúc, bình yên.

Lễ hội Chùa Bắc Nga – Lạng Sơn

Chùa Bắc Nga nằm trên địa phận thôn Bắc Nga, xã Gia Cát huyện Cao Lộc, chùa nằm trên sườn đồi rộng thoải, mặt hướng ra đường Quốc lộ 4b và dòng sông Kỳ Cùng. Truyền thuyết kể rằng: Xưa lâu lắm thủa Người và Tiên thường gặp nhau trên trái đất.Tiên nữ thấy cảnh nhà trời cung đình nguy nga tráng lệ nhưng vô cùng tẻ nhạt, thường rủ nhau bay về nơi đây vui chơi. Thủa ấy ở nơi này rừng xanh tươi tốt có nhiều hoa thơm cỏ lạ. Dòng sông Kỳ Cùng uốn lượn theo triền núi, nước trong xanh mát lành. Bầy Tiên nữ sau những giờ vui chơi đuổi chim bắt bướm trên núi thường rủ nhau xuống sông tắm mát. Đến chiều tà mới rủ nhau bay về thượng giới.

lạng sơn có lễ hội gì?

Chùa Bắc Nga – Lạng Sơn

Trong vùng núi này có một cụ bà sống độc thân thưng lên đây hái củi. một hôm giữa trưa nắng đẹp bà tựa lưng vào gốc cây đa hóng mát, bà thiu thiu ngủ bỗng tháy một bầy Tiên nữ bay lượn, múa hát trước khoảng rừng trước mặt ,có một nàng Tiên tiến tới nói với cụ rằng: “nơi đây đất lành, cảnh đẹp ta ở lại đây không về thượng giới nữa”. Nói đoạn Tiên nữ quấn giải lụa vào người bà. Cụ bà tỉnh dậy trong giấc mơ lành, vội về báo với dân làng. Dân làng luôn thấy Tiên bay về phía rừng đó, tin rằng Tiên ở lại, bèn cùng nhau góp công, góp của dựng miếu thờ Tiên. Với mong muốn Tiên nữ phù hộ cho dân làng một cuộc sống bình an hạnh phúc. Sau này có nhiều tiền nhân, công thần, văn sĩ ngưỡng mộ cảnh đẹp đã phát tâm bỏ tiền của xây miếu thờ Tiên, sau xây thành chùa thờ Tiên, thờ Phật gọi là chùa Bắc Nga, đặt tên chữ là “Tiên Nga Tự”.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Chùa Bắc Nga – Lạng Sơn

Dân trong vùng lấy ngày 15 tháng giêng hàng năm để tổ chức lễ hội. Ngày hội có cúng tế trong chùa mời Tiên, mời Phật về phù hộ cho dân làng được bình an, hạnh phúc. Ở đây trên các ban lễ thờ Phật được cúng chay gồm xôi trắng, xôi đỏ, hoa quả, hương vàng.Trên ban thờ Tiên, Thánh có thờ lễ mặn gồm lợn quay cả con, gà luộc, rượu trắng. Buổi sáng vào giờ Thìn một cụ già gióng trống khai lễ và vào làm lễ cúng khấn xin âm dương trình Tiên thánh, Phật cho dân làng mở hội được vui vẻ. Các hoạt động hội tổ chức gồm múa sư tử và hát sli, hát lượn. Hát sli, lượn ở lễ hội chùa Bắc Nga là đặc trưng cho hát trong lễ hội ở Lạng Sơn. Trên sườn đồi, từng tốp trai, gái dân tộc Nùng Phàn Slình với trang phục dân tộc sặc sỡ đứng hát đối nhau, họ hát một cách say sưa hào hứng vui vẻ và hẹn nhau đi hát trong lễ hội khác.

Một nét độc đáo trong lễ hội chùa Bắc Nga là hầu hết mọi người, ai đã đến hội Bắc Nga đều tổ chức mua thịt lợn quay và các đồ ăn khác tập trung nhau thành từng nhóm, tưng tốp trên sườn đồi liên hoan vui vẻ. Đây là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, và là một thú vui dã ngoại đầu xuân của người dân Lạng Sơn.

Lễ hội Ná Nhèm – Lạng Sơn

Lễ hội Ná Nhèm là nghi thức, nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng gắn liền với sự tích đánh giặc giữ làng và các hoạt động văn hóa, các trò chơi, trò diễn của người Tày xã Trấn Yên huyện Bắc Sơn. Trong lễ hội các thành viên bôi nhọ lên mặt thể hiện khuôn mặt giặc “Sấc Tài Ngàn” khi còn sống. Đó cũng là quan niệm của đồng bào về linh hồn, thế giới tâm linh. Người tham dự lễ hội phải bôi nhọ mặt bởi họ tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc, qua lễ hội sẽ không còn ma nào biết ai đã diễn lại hình dạng và sự thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh cho họ cùng gia đình, người thân của họ.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Ná Nhèm – Lạng Sơn

Xem Thêm  Khám phá hang động Vũng Đục Quảng Ninh

Lễ hội Ná Nhèm diễn ra vào ngày 15 tháng giêng (âm lịch) nhưng các công việc chuẩn bị đã được tiến hành triển khai thực hiện từ trước đó khoảng 2 tuần. Từ mùng 1 tết ở Đình diễn ra lễ cúng Thành Hoàng. Các cụ già tổ chức họp và bàn giao khóa lềnh, khóa mo, khóa hội giữa năm cũ và năm mới. Sau đó bàn và chuẩn bị các công việc liên quan đến lễ hội như: thành lập ban tổ chức, chuẩn bị kinh phí, nguồn nhân lực; phân công người đóng và luyện tập các vai diễn, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, chuẩn bị lễ vật…và các điều kiện khác để phục vụ cho lễ hội. Tất cả mọi công việc phải chuẩn bị xong trước ngày rằm, trong đó mỗi một nhóm người tham gia đều quy định rõ số lượng và nội dung công việc khác nhau.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Ná Nhèm – Lạng Sơn

Cùng với các hoạt động nghi lễ trong Lễ hội Ná Nhèm còn có rất nhiều trò chơi trò diễn đặc sắc như: Trò đánh trận tập và tiến cống lễ vật, Sau trò này trong lễ hội Ná Nhèm còn tổ chức them trò Trò Sỹ – Nông – Công Thương; Ngư – Tiều – Canh – Mục ( kén dâu, kén rể); đánh đu, đánh cờ… nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giao lưu văn hóa của cộng đồng.

Lễ hội Ná Nhèm là lễ hội với hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng nên thấm đượm tinh thần dân chủ và nhân văn sâu sắc. Đồng thời thể hiện một quá trình giao lưu văn hóa lâu dài giữa người Tày và người Việt, văn hóa Tày và văn hóa Trung Hoa. Hiện nay sau hơn 50 năm gián đoạn Lễ hội Ná Nhèm đã được khôi phục và tổ chức lại hàng năm để đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Lễ hội Phài Lừa (Bơi Bè) – Lạng Sơn

Lễ hội Phài Lừa – Bơi bè ở vùng Văn Mịch huyện Bình Gia, là một lễ hội độc đáo hội tụ đầy đủ các yếu tố truyền thuyết, tín ngưỡng văn hóa và tinh thần thể thao, thượng võ. Lễ hội Bưa lừa được tổ chức vào ngày 4 tháng 4 âm lịch của năm nhuận (tức là 3 năm tổ chức 1 làn) tại đình Bà, thôn pò Kù, đình Ông ở phố Văn Mịch và đua bè trên đoạn sông trước đình Ông.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Phài Lừa (Bơi Bè) – Lạng Sơn

Xuất phát từ truyền thuyết, Lễ hội Phài Lừa được tổ chức với ý nghĩa đón thần Rắn trở về Văn Mịch thăm bố mẹ và bà con dân bản, để luôn nhớ công ơn và thán phục cái sức mạnh phi thường cùng với ý chí, quyết tâm cao độ đã dũng mãnh tiêu diệt toàn bộ lũ Thuồng luồng độc ác kia. Đua thuyền đây chính là để chào đón, để tưởng nhớ ngày rắn xuống sông đánh nhau với Thuồng luồng giữ yên cuộc sống cho dân bản.

Trước ngày đua thuyền các thân bản chuẩn bị việc chọn thuyền là những nghệ nhân nghề mộc trong vùng. Tiếp theo là việc tuyển chọn các tay đua là nam giới, không phân biệt tuổi tác, có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm bơi thuyền và điều quan trọng nhất là người đó không làm những việc xấu việc trái với thuần phong mỹ tục của dân bản. Ngày 4/4 âm lịch lễ hội được tổ chức. Nhân dân vùng ven sông Văn Mịch và các làng bản lân cận đến tập trung Đình Ông. Đồ tế lễ gồm bàn thờ tế một chiếc kiệu trong có tượng rắn (làm bằng các vật liệu tượng trưng), có thịt lợn, gà, xôi, rượu. Pú mo làm lễ tế thần Rắn mời thần về dự hội, về thăm bố mẹ nuôi và dân bản và phù hộ cho mọi người khỏe mạnh bình an, cho mùa màng bội thu, chăn nuôi trâu bò, lợn gà được đầy đàn đầy lũ.

Lễ hội diễn ra cả ngày với các nghi thức trang nghiêm, các trò chơi hấp dẫn thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Sau phần lễ là hội đua thuyền. Dân bản kéo xuống tập trung hai bờ sông để chứng kiến cuộc đua tài và cổ vũ cho thuyền mà mình hâm mộ.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Phài Lừa (Bơi Bè) – Lạng Sơn

Cũng trong ngày hội hát Sli, hát lượn của các nhóm thanh niên nam, nữ Tày – Nùng được diễn ra hết sức tự nhiên nhất là vào ban đêm. Thanh niên nam, nữ có dịp làm quen với nhau qua Sli, lượn:

“Hội Phài Lừa – Văn Mịch vui lai

Slao slương vạ Báo quai Sli, Lượn”

(Hội đua thuyền Văn Mịch vui nhiều

Gái sắc cùng Trai tài Sli, Lượn)

Lễ hội Phài Lừa – Văn Mịch sau một thời gian gián đoạn, hiện nay đã được khôi phục lại để đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hóa của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Lễ hội Quỳnh Sơn – Lạng Sơn

Trong lễ hội Quỳnh Sơn diễn ra lễ rước kiệu ông Dương Tự Minh người dân dộc Tày làng Quan Triều, tỉnh Thái Nguyên ông là thủ lĩnh của Phủ Phú Lương. Đời nhà Lý Ông là người có công trong cuộc chinh chiến chống quân xâm lược nhà Tống, giữ vững vùng biên cương phía Bắc của nước Đại Việt đầu thế kỷ thứ XII.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Quỳnh Sơn – Lạng Sơn

Sau khi dẹp giặc xong, núi rừng bình an, Quốc Thái dân an cùng với việc xây dựng vùng đất phồn thịnh. Ông luôn quan tâm đến đời sống của các dân tộc nông thôn nghèo khó. Cuối đời ông trở về Điểm Sơn và mất ở đấy – nay là núi Đuổm, ông được nhà Lý phong sắc “Uy viên đôn kính cao sơn quảng độ chi thần” các đời sau đều ghi nhận ông là Cao Sơn Quý Minh.

Khi được biết tin ông mất để nhớ ơn công đức của Dương Tự Minh người dân tổng Quỳnh Sơn đã lập đền thờ tại Đẳng Rử Thôn bên sườn núi đá nước nguồn. Phía sau có giếng tiên thuộc Quỳnh Sơn. Trải qua nhiều năm phát triển dân số Quỳnh Sơn ngày càng đông địa điểm chật hẹp, dân làng đã cùng nhau chuyển Đền đến một địa điểm mới cách địa điểm cũ 400m về phía Đông giữa thôn Thâm Pác, Nà Riềng 1 và Nà Riềng 2. Đây là nơi để nhân dân thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tâm linh hướng nguyện cầu sự giúp đỡ của thánh thần nhằm có cuộc sống ấm no hạnh phúc, qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Quỳnh Sơn – Lạng Sơn

Bên cạnh phần lễ, phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian vui nhộn, thể hiện được những ý nghĩa triết lý nhân văn sâu sắc về một lễ hội cầu mùa, cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, người người, nhà nhà no ấm, hạnh phúc. Tiêu biểu đó là trò đánh cờ tiên, đánh đu, ném còn, giã gạo, gói bánh chưng đen… Theo tín ngưỡng dân gian thì, nhiều trò chơi, trò diễn trong lễ hội cầu mùa còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực – cầu mong cho vạn vật sinh sôi, nảy nở nhiều; thể hiện sự giao hòa của âm – dương, trời – đất; mối quan hệ hữu cơ của các yếu tố “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”…

Xem Thêm  Quảng Ninh tưng bừng lễ hội đền Cửa Ông

Hiện nay, khi Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn đi vào hoạt động thì lễ hội không chỉ là điểm đến của du khách trong tỉnh mà ngày càng thu hút khách thập phương, thật sự trở thành một điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh nơi cửa ngõ phía Bắc nước ta mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lạng Sơn.

Lễ hội Nàng Hai – Lạng Sơn

Lễ hội Nàng Hai thường được tổ chức vào ngày 4 tháng 2 âm lịch hàng năm ở bản Nà Cạo, xã Chí Minh để cầu khấn các nàng tiên phù hộ cho một năm mưa thuận gió hòa, cầu cho mùa màng tươi tốt bội thu, cuộc sống yên vui.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Nàng Hai – Lạng Sơn

Có nhiều truyền thuyết về lễ hội Nàng Hai, nhưng truyền thuyết sau đây được đánh giá là tiêu biểu hơn cả. Chuyện kể rằng: “Xưa kia vùng núi Nà Cạo hạn hán, ngô lúa mất mùa, cây cối khô cằn, bà con dân bản rủ nhau làm lễ cầu trời giúp cho nhân dân thoát khỏi đại hạn. Trước tình hình đó, trời cho 7 nàng tiên ở mặt trăng làm phép cho mưa thuận gió hòa, dạy dân làng cách xẻ ruộng trồng lúa nước, trồng bông lấy sợi dệt vải, trồng dâu nuôi tằm kéo tơ dệt lụa,… Ngoài ra, các nàng tiên còn dạy các chàng trai, cô gái hát các lời lượn tâm giao. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 7 nàng tiên chia tay về mặt trăng, dân làng lưu luyến tiễn đưa. Vì thế, đến ngày 4 tháng 2 âm lịch hàng năm, dân làng tổ chức đón nàng Tiên (còn gọi là Nàng Hai – nàng Tiên Trăng), ngày 18 tháng 3 âm lịch làm lễ tiễn nàng về trời”.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Nàng Hai – Lạng Sơn

Lễ đón Nàng Hai được tổ chức ở miếu thờ thổ công ở làng Nà Cạo. Trong 6 cô gái được tuyển chọn đóng vai các nàng tiên, có 2 người làm mẹ Nhất, mẹ Nhì, 4 người còn lại chuyên hát những lời lượn. Ngoài ra, dân làng cũng chọn 4 chàng trai gọi là Hai Pò để hát đối với 4 Nàng Hai tại nhà sàn ở cạnh làng, đây cũng là nơi để các bà Nhất, bà Nhì đến thắp hương hàng ngày và là nơi bà Then đến dạy các Nàng Hai hát lượn.

Lễ tiễn Nàng Hai được tổ chức trang trọng với nghi lễ thành kính, các gia đình trong làng đều soạn mâm lễ gồm xôi cẩm đen, gà luộc, các loại bánh nhuộm đủ màu sắc được gắn kết tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và các sao. Bà Then cùng với bà Nhất, bà Nhì và các Nàng Hai đi chấm cỗ, những mâm nào thiếu lễ các Nàng Hai sẽ hát lời tạ, giải hạn với trời. Sau đó, các Nàng Hai vừa đi, vừa vãi những nắm hạt bông, nắm thóc, phát cành dâu,… và cùng ra bến sông hát lời thả thuyền trên sông. Kết thúc, bà Then làm lễ trả hồn cho các Nàng Hai về trời, gọi hồn cho các bà, các chị đóng vai Nàng Hai trở về. Toàn bộ diễn biến lễ hội được gắn liền với giai điệu mượt mà của các bài hát lượn.

Lễ hội Đền Mẫu – Lạng Sơn

Đền Mẫu nằm ở trung tâm thị trấn Đồng Đăng thuộc huyện Cao Lộc tỉnh Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị 4km. Đây là ngôi đền lớn có giá trị đặc biệt về kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo và lịch sử, là nơi nhân dân các dân tộc trong tỉnh, du khách trong nước và quốc tế đến để thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tâm linh, nguyện cầu sự che chở của các đấng linh thiêng cho cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

lạng sơn có lễ hội gì?

Đền Mẫu – Lạng Sơn

Lễ hội đền Mẫu được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch với các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng cầu mong sự an bình thịnh vượng, bên cạnh đó là các trò chơi cổ truyền như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu các môn thể thao như Đẩy gậy, Kéo co, Ném còn… và hoạt động ẩm thực truyền thống với các món ăn đặc sản tiêu biểu của Xứ Lạng: Lợn quay, Vịt quay, Khau nhục, Phở chua, Mía…

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Đền Mẫu – Lạng Sơn

Vào ngày chính hội, hàng chục nghìn du khách từ khắp nơi (đặc biệt là khách Trung Quốc) cùng đến đây để dự lễ, tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống, nhiều du khách trong nước nhân dịp này đã kết hợp tham gia các tuor du lịch quốc tế (Trung Quốc).

Lễ hội Trò Ngô – Lạng Sơn

Truyền thuyết kể lại: Làng Giàng có hội Trò Ngô mô tả lại quá trình đánh giặc cứu dân giúp nước thoát khỏi ách thông trị Tây Hán (quân Phục Ba Tướng Quân). Nên địa phương có hai vị thượng đẳng thần là Đức Thanh Lãng Cao Diệu Địch Cát và ông nghè Vũ Lôi Quận Công.

Khi đánh giặc, 2 vị thánh cử 8 tướng chia làm 2 đội quân theo hai hướng đánh giặc. Đạo quân thứ nhất do Đức Thanh Lãng cùng 4 tướng chặn đánh giặc ở đèo “Cây Vông”. Đạo quân thứ hai do Vũ Lôi Quận Công cùng 4 tướng tiến quân đến cánh đồng “Hữu Liên” để đánh giặc. Hai vị tướng này đã có công đánh giặc thắng trận, bắt được tướng giặc Ngô, sau đó hiển thánh tại chùa Sơn Lộc (Sơn Lộc Tự) và nghè Vũ Lôi Quận Công.

Anh linh của 2 vị thánh phù hộ dân làng cầu được ước thấy. Nên làng Giàng cách hai năm mở hội trò Ngô để mừng thắng lợi, tưởng nhớ các vị tướng lính đã có công đánh giặc cứu dân giúp nước. Đến ngày hội, tám thanh gươm được tám trai định tập múa tái hiện lại trận đánh. Tám thanh gươm từ đó đấn này là mấy trăm năm vẫn dùng để làm trò trong hội và rất linh ứng hiệu nghiệm nên làng Giàng phải cha truyền con nối bảo vệ vật đời đời về sau.

lạng sơn có lễ hội gì?

Lễ hội Trò Ngô – Lạng Sơn

Theo phong tục, cứ 2 năm một lần, làng Giàng tổ chức hội trò Ngô vào ngày 10 tháng giêng âm lịch. Lễ hội được diễn ra trên cánh đồng rộng, nằm giữa trung tâm làng Giàng được bao bọc bởi bốn phía núi non hùng vỹ. Sáng ngày 10 tháng giêng, đám rước cùng 8 tướng Kim Cương gióng cờ, chiêng, trống, kèn, thanh la đến chùa và nghè rước ngai thần về dự hội.

Sau khi kết thúc phần lễ, là diễn các trò hội, bắt đầu là trò Nhảy dậm (Múa gươm) với nội dung: Quyết tâm luyện tập để đánh giặc; Luyện tập võ nghệ thành thạo để đi đánh giặc. Trò đánh đồn giặc, Trò tiến cống, trò Kén rể, trò tái hiện sấm chớp mưa, Trò tái hiện nghề trồng lúa nước, Trò tái hiện nghề trồng dâu nuôi tằm. Cùng với các trò diễn trên, lễ hội trò Ngô còn có các trò chơi đánh đu, ném còn, đi cà kheo. Đến đêm dân làng tổ chức hát chèo với các tích tuồng cổ như: Lưu Bình – Dương Lễ; Tống Trân – Cúc Hoa; Kiều…

Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Lạng Sơn mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Lạng Sơn có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Lạng Sơn vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.

Đăng bởi: Kiên Nguyễn

Từ khoá: Lạng Sơn có lễ hội gì?

Xem Thêm Những Bài Viết Về Du Lịch Lạng Sơn Tại Đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tận hưởng không gian yên bình tại khu phố cổ Geneva Old Town – Thuỵ Sĩ

Tận hưởng không gian yên bình tại khu phố cổ Geneva Old Town – Thuỵ Sĩ

Tọa lạc tại trung tâm thành phố Geneva, khu phố cổ Geneva Old Town…

Du lịch Chiang Rai Thái Lan – tất tần tật những kinh nghiệm cần biết

Được biết đến là thiên đường du lịch Thái Lan, thành phố Chiang Rai hấp…
Ghé thăm thành phố Naples – nơi giao thoa văn hoá & lịch sử nước Ý

Ghé thăm thành phố Naples – nơi giao thoa văn hoá & lịch sử nước Ý

Là một trong những thành phố lâu đời bậc nhất, thành phố Naples luôn…
Bảo tàng Anne Frank House Hà Lan – ngôi nhà bí ẩn của bé gái Do Thái

Bảo tàng Anne Frank House Hà Lan – ngôi nhà bí ẩn của bé gái Do Thái

Gắn liền với câu chuyện cảm động vượt thời gian, bảo tàng Anne Frank House…