Những món ăn đặc sản của Yên Bái

Những món ăn đặc sản của Yên Bái

Mỗi một vùng đất đều có một nét độc đáo riêng để người ta nhớ đến và Yên Bái cũng thế. Nhắc đến Yên Bái không chỉ đơn giản là nhắc đến Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, Chế tạo,… mà người ta còn nhắc đến các món ngon nơi đây như: Nếp Tú Lệ,  vịt Lục Yên, Thịt mắm cơm đỏ, Pà Mẳm,… Hãy cùng Blog Phượt tìm hiểu về đặc sản trên mảnh đất này để khi có dịp dừng chân tại Yên Bái, chúng ta không bỏ lỡ bất kì một cơ hội được thưởng thức những món ăn làm nên nét độc đáo của tỉnh thành này.

Mỗi một vùng đất đều có một nét độc đáo riêng để người ta nhớ đến và Yên Bái cũng thế. Nhắc đến Yên Bái không chỉ đơn giản là nhắc đến Mù Cang Chải, hồ Thác Bà, Chế tạo,… mà người ta còn nhắc đến các món ngon nơi đây như: Nếp Tú Lệ,  vịt Lục Yên, Thịt mắm cơm đỏ, Pà Mẳm,… Hãy cùng Blog Phượt tìm hiểu về đặc sản trên mảnh đất này để khi có dịp dừng chân tại Yên Bái, chúng ta không bỏ lỡ bất kì một cơ hội được thưởng thức những món ăn làm nên nét độc đáo của tỉnh thành này.

Ở bài này chúng tôi không nhắc đến các đặc sản chỉ có tại huyện Mù Cang Chải (Rượu thóc La Pán Tẩn, Mận Tam Hoa,…), Văn Chấn (Nếp Tú Lệ, bánh chưng đen, dế chiên giòn,…). Để biết thêm thông tin xin mời các bạn theo dõi mục Mù Cang Chải và Văn Chấn ở phần sau.

Xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc hội tụ được những giá trị truyền thống và hiện đại, mang ý nghĩa về quan niệm vũ trụ, triết lý âm dương và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Khẩu cắm lanh là cơm xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng. Khẩu cắm lăm là cơm xôi màu tím tượng trưng cho trái đất trù phú. Khẩu cắm hương là cơm xôi màu vàng tượng cho sự no ấm đầy đủ. Khẩu khiêu là cơm xôi màu xanh tượng trưng cho màu xanh của núi rừng Tây Bắc. Khẩu nón là cơm xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng thuỷ chung.

Những món ăn đặc sản của Yên Bái

Để có xôi ngon, thơm dẻo người làm nghề phải tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy trình từ khâu chọn lá nhuộm màu đến việc đồ xôi. Nguyên liệu để nấu xôi phải là gạo nếp Tú Lệ hạt to, trong, một loại nếp thơm ngon và nổi tiếng nhất vùng. Bốn loại lá rừng dùng để nhuộm các màu xanh – đỏ – tím – vàng được người dân lựa chọn kỹ lưỡng, lá không được quá non hay quá già. Sau đó rửa sạch nấu với nước lấy từ suối nguồn ở xã Tú Lệ. Khi đã có nước màu, gạo nếp được cho vào ngâm khoảng 10 tiếng rồi vớt để ráo nước. Gạo ráo nước sẽ được đồ trong chõ xôi truyền thống của đồng bào gọi là Mỏ Lửng – Tay Lung. Chõ xôi hình bầu dục bằng thân cây cọ hoặc gỗ thơm được gọt đẽo để thủng hai đầu, đầu trên có nắp đậy, đầu dưới lót bằng phên nứa, mỗi chõ xôi được hơn 1kg gạo. Quá trình đồ xôi lửa phải đều, đượm than. Xôi chín dẻo, thơm đậm, dù nóng hay nguội nắm chặt tay cũng không dính.

Xôi chín được đơm vào đĩa hoặc trình bày theo từng ý tưởng khác nhau với 5 màu xanh – đỏ – tím – vàng – trắng. Năm màu được ghép trên một mâm xôi hình cánh hoa ban thì tượng trưng cho thuyết âm dương Ngũ hành, đồng thời thể hiện khát vọng yêu thương, tình yêu son sắt thuỷ chung, lòng yêu mẹ kính cha của đồng bào dân tộc Thái Tây Bắc.

Lạp xưởng

Có thể nói, làm lạp xưởng (lạp sườn) là bí quyết của người có nghề, vẫn thịt ba chỉ thái nhỏ, bột canh, hạt tiêu, mật ong, đường, rượu trắng…. nhưng cho cái nào trước, cái nào sau, thời gian tẩm ướp là bao nhiêu thì phải học. Làm lạp xưởng (lạp sườn) phải cẩn thận chú ý đến thời gian tẩm ướp, chú ý đến khâu củi lửa, không được đun to, không được để tắt bếp trong giai đoạn thịt lên men… nếu không lạp xưởng (lạp sườn) dễ bị chua, nhanh bị ôi, thối sau này.

khám phá, những món ăn đặc sản của yên bái

Nhiên liệu để sấy thịt và lạp xưởng (lạp sườn) cũng không đơn giản, phải là than hoa, bã mía, vỏ trấu, lá quế tươi, nếu là củi thì phải là thân cây quế, là thân tươi càng tốt. Theo giải thích của người làm nghề lạp xưởng (lạp sườn) thì nhiều người tham rẻ sấy bằng than tổ ong, rất độc hại; củi thì có rất nhiều loại gỗ chứa các chất độc, khói độc áp vào thịt sẽ có hại, nhất là gây đau bụng. Vì thế nhất thiết phải than hoa, hoặc củi quế.

Chế biến món ăn từ lạp xưởng (lạp sườn) rất đơn giản, chỉ cần rửa cho sạch, thái vát (miếng thái dày 0,3 đến 0,5cm) rồi cho vào rán qua là được.

Mắc khén

Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Có người gọi Mắc khén là hạt tiêu rừng và khiến ta dễ liên tưởng đến cây hồ tiêu dại mọc trong rừng nhưng không phải. Mắc có nghĩa là quả, còn Khén là một loại cây thân gỗ lớn mọc trong rừng đại ngàn.

Cây Mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc. Cây Khén ra hoa vào dịp cuối xuân và đậu thành những chùm quả nhỏ như những chùm hạt rau mùi già. Cuối hè, người ta thu hái Mắc khén bằng cách leo lên cây hái hay dùng câu liêm kéo những cành nhỏ có quả rơi xuống và buộc lại thành chùm đem phơi nắng cho khô hoặc treo lên gác bếp dùng dần. Khi dùng Mắc Khén, người ta bứt một nắm quả cho vào chiếc bát con, chọn lấy một viên than củi đang cháy đượm nhất bỏ vào bát và lắc đều tay để nướng mắc khén. Khi thấy mùi thơm ngào ngạt bay ra thì gắp than ra, khẽ thổi cho bay hết tàn than rồi dùng chuôi dao giã nhỏ hạt Mắc khén thành bột để chế biến đồ chấm hay làm gia vị cho các món ăn.

khám phá, những món ăn đặc sản của yên bái

Mắc khén – gia vị độc đáo của đồng bào dân tộc miền núi

Xem Thêm  Kinh nghiệm ‘phượt’ đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải)

Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiếu được Mắc khén, giống như một dạng muối vừng với người Kinh. Quả Mắc khén sau khi thu về, bắc chảo rang nóng. Tiếp đó, đưa vào giã thành bột mịn. Tuy nhiên để chế ra được hương vị thơm phức, chuyên dùng ăn với xôi nếp nương, còn phải qua nhiều công đoạn khác. Đó là dùng ớt khô bỏ hạt nướng giòn, muối rang, rau mùi tầu xắt nhỏ rang khô, tất cả đều giã thành bột mịn. Sau khi trộn đều hỗn hợp trên thì tạo thành Mắc khén, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế.

Mắc khén thông dụng nhất dùng để chấm xôi nếp nương, thu hoạch từ cánh đồng Tú Lệ, dưới chân đèo Khau Phạ, thì chắc chắn không có hương vị nào sánh bằng. Loại gia vị này còn dùng để tẩm ướp, mang lại cho các món ăn của người Thái những hương vị đặc biệt mà không đâu sánh bằng.

Mắc khén là một trong những loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc đã ban tặng người dân nơi đây, góp phần làm cho ẩm thực Việt Nam thêm phần phong phú. Ai đã được từng thưởng thức những món ăn chế biến từ gia vị này chắc chắn sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng của nó mà không phải ở đâu cũng tìm thấy được.

Măng vầu cuốn thịt

Măng vầu thuộc họ tre, thân nhỏ không có gai. Mọc ở rừng hoặc trên núi. Hàng năm, cứ đến tháng mười hai, khi mưa xuân lây phây, từ dưới lớp lá hoại mục, măng bắt đầu đội đất nhú lên, lộ hai tai nhỏ xíu xanh thẫm. Măng vầu ngon nhất vào tháng 12  đến khoảng giữa tháng 3, những củ măng to, tròn và rất ngọt. Theo kinh nghiệm của người dân, khi nào có sấm thì măng đắng nhiều hơn, sẽ khó ăn lắm. Hầu như ở khắp các góc chợ miền núi đều có thứ đặc sản này.

Món măng vầu cuốn thịt không cầu kỳ, phức tạp, chỉ cần mớ rau răm, một quả trứng, thịt ba chỉ và các loại gia vị như muối, bột ngọt… Công đoạn đầu tiên là chọn củ to luộc trên bếp khoảng ba đến năm tiếng cho đỡ he và dễ gọt. Sau khi bỏ hết lớp vỏ già bên ngoài, người ta dùng tay bóc nhẹ lấy lớp lá non. Công đoạn này cũng cần sự khéo léo, nếu lỡ tay để lá bị rách, khi cuốn thịt dễ bị bung ra ngoài. Còn phần củ, dùng dao gọt xung quanh, dài khoảng tám đến mười phân. Nên gọt thật mỏng để tránh bị dai khi ăn.

khám phá, những món ăn đặc sản của yên bái

Phần nhân thịt thường được dùng thịt ba chỉ vì có cả mỡ lẫn nạc, măng cần có nhiều mỡ để tăng vị thơm ngon. Rau răm băm thật nhỏ, trộn đều với thịt đã xay nhuyễn và trứng, thêm một chút muối và bột nêm. Không để nhân thịt nhiều muối, như vậy măng sẽ đắng hơn, nhất là lúc chấm cùng gia vị sẽ không còn thơm và đúng chất. Xong khâu chuẩn bị thì bắt tay vào cuốn. Những lớp lá non cuốn nhân thịt được xếp trên cùng vì dễ chín. Nên lọc lấy thịt, còn bì để dưới đáy nồi, như vậy sẽ làm măng có nhiều mỡ và không bị cháy. Khi nồi nóng lên, cho thêm một chút nước vào và luôn giữ ngọn lửa vừa phải, đun đến khi măng mềm và chín là có thể lấy ra.

Măng chua héo

Măng chua héo (tiếng dân tộc gọi là “nó xổm héo”) là một đặc sản nổi tiếng của đồng bào Tày, Thái ở vùng Tây Bắc nước ta, đặc biệt là ở tỉnh Yên Bái. Đây là món ăn được chế biến đơn giản từ măng tre, bương, giang, nứa, vầu… song măng chua héo mang một vị đậm đà, độc đáo và hoang sơ như chính hương vị của núi rừng Tây Bắc.

Khi đi rừng hay lên nương, lên rẫy, người dân thường tranh thủ hái thêm một gùi măng  tươi non mang về chế biến thành món măng chua héo. Cứ đến cuối thu vào mùa gặt hái thì chế biến măng chua héo sẽ bảo quản được lâu, là nguồn thức ăn dự trữ rất tốt.

khám phá, những món ăn đặc sản của yên bái

Những chiếc măng trắng và to, có vị he do vừa mới hái, được đem bóc vỏ, rửa sạch thái vát mỏng dọc thớ, dài khoảng 5 đến 6 cm, đem ngâm nước lã trong chum từ 20 đến 25 ngày. Khi lấy ra măng đã thành măng chua, sau đó đem vắt ráo nước và phơi nắng cho khô. Măng càng được nắng thì càng thơm ngon và phơi sương 2-3 lần là được.

Ngày nay, các món ăn chế biến từ măng chua héo luôn có mặt trong bữa ăn ấm cúng của đồng bào dân tộc Tày, Thái  vào những dịp hội họp người thân, bạn bè hay đãi đằng khách quí và luôn được giới thiệu với khách miền xuôi như là một món ngon đặc sản mà núi rừng đã hào phóng ban tặng cho những con người Tây Bắc nồng hậu và mến khách này.

Trứng kiến

Hàng năm, vào cữ tháng ba, khi mặt trời đỏ như hoa dong giềng, người vùng cao Yên Bái lại bảo nhau: “Ầy dà! Đến mùa trứng kiến rồi đấy”. Thế là đàn ông đeo dao lên rừng, không bỏ lỡ dịp may chỉ có một lần trong năm, lấy trứng kiến về cho phụ nữ chế biến thành các món ăn độc đáo thơm ngon bổ dưỡng.

Loại kiến để lấy trứng dưới xuôi có nơi gọi là con ngạt, nửa dưới thân cứ cong lên rất điệu đà. Tổ kiến có cái to bằng chiếc mũ cối, khi lấy xuống chỉ cần lấy gọng dao gõ nhẹ cho kiến chạy hết rồi tách đôi, vỗ cho trứng kiến rơi ra. Người vùng cao không bao giờ lấy hết trứng để chúng còn sinh sản cho vụ sau. Những hạt trứng kiến to bằng hạt gạo tám xoan, căng mẩy, mầu trắng đục, tỏa hương thơm dịu, mới nhìn đã thấy bắt mắt.

khám phá, những món ăn đặc sản của yên bái

Xôi trứng kiến

Ở Yên Bái nhiều dân tộc như: Thái, Dao, Tày… đều rất giỏi trong việc chế biến các món ăn từ trứng kiến. Thông thường là ướp với muối tinh, hạt sẻn, vỏ dổi, các loại lá thơm, gói lá dong nướng than, nấu canh với măng sặt hoặc trộn trứng gà đem rán. Song ấn tượng nhất là xôi nếp trứng kiến. Người vùng cao Yên Bái lựa loại nếp ngon rồi ngâm với các loại lá đã được tuyển lựa qua nhiều đời để nhuộm mầu. Các loại lá này rất lành, không chỉ làm cho xôi có mầu sắc bắt mắt mà còn làm tăng hương vị cho xôi, sau đó dùng lá dong ngăn chõ thành các ô cho không lẫn mầu. Trứng kiến sau khi ướp gia vị gói trong lá dong tươi nướng than để trứng chín mà không bị cháy. Khi xôi chín rắc trứng kiến vào rồi nhẹ tay đảo đều. Đĩa xôi đủ các mầu tươi sáng như núi rừng Tây Bắc rạo rực vào xuân, những hạt trứng kiến điểm xuyết như những hạt mầm ấp ủ những mùa xanh. Hương của nếp quí hòa cùng hương trứng kiến thơm lựng khiến dịch vị của thực khách cứ tứa ra trong một nỗi khát khao được tận hưởng.

Xem Thêm  7 Tiệm trà chanh ngon nhất tại Yên Bái

Món Mọoc

Nếu như người Kinh có món mọc được làm từ giò sống và nấm hương, thả vào trong nước ăn cùng bún, mì… thì người Tày cũng có một món ăn với cái tên tương tự mọc (người tày phát âm là “Mọoc” với phần âm kéo dài hơi luyến) nhưng với những nguyên liệu khác. Món ăn này không chỉ có mặt trong các bữa ăn thường ngày mà còn trở thành vị đặc biệt không thể thiếu được trong các cỗ lớn: ngày tết, ngày giỗ, ngày cưới… của người Tày.

khám phá, những món ăn đặc sản của yên bái

Món Mọoc của người Tày Yên Bái

Nguyên liệu để làm gồm có : Hoa chuối rừng (Mắc pi đông), chọn loại hoa màu tím gần giống chuối nhà, đúng thời kì nở 5, 6 lá ngoài, vừa hết quả gốc đến quả ngọn và nhìn hoa tròn lẳn mới ngon. Thịt lợn ba chỉ loại ngon cùng cá và tôm. Cá, tôm phải được bắt ở suối, loại nhỏ, khi chế biến không cần bỏ ruột. Bột gạo nếp đóng vai trò kết dính các thành phần lại với nhau. Ngoài ra còn cần các loại gia vị khác: lá lốt rừng (Hoom dăăm đinh), lá bánh tẻ không sâu, hạt dổi, xả, gừng cùng chút muối.

Cách làm như sau: Hoa chuối thái mỏng ngâm với muối để bớt độ chát, sau đó vắt sạch, thái nhỏ. Thịt lợn, cá, tôm cùng các loại gia vị đem giã nhuyễn. Sau đó cho tất cả các nguyên liệu đã qua sơ chế vào chậu, thêm chút muối, bột gạo nếp vào trộn đều. Như vậy, ta đã có được mọoc sống thành từng nắm nhỏ bằng bát con, gói bằng lá dong và xếp vào chõ xôi. Thời gian xôi khoảng một tiếng, trong khi xôi lửa phải cháy liên tục, lửa đều. Mọoc chín xếp ra nong cho nguội. Lúc này mùi mọoc tỏa ra thật hấp dẫn: mùi cay ngọt ấm áp của gừng, xả, hạt dổi quyện lẫn mùi thơm béo của cá tôm và thịt lợn.

Trong bữa ăn, món mọoc được xếp ra đĩa và đặt ở vị trí trung tâm của mâm. Mọoc lúc này đã chuyển sang màu tim tím, dẻo quyện vào nhau như một chất hồ dính. Chấm với nước mắm hâm nóng có nêm hạt dổi, ăn ghém cùng rau sống. Khi thưởng thức, vị bùi bùi của hoa chuối, béo ngậy ngòn ngọt của thịt lợn và tôm cá cộng với vị cay ấm áp của các loại gia vị thấm dần vào vị giác của từng người.

Vịt Lục Yên

Vịt bầu Lục Yên thịt chắc, thơm ngon, nhân dân thường làm các món ăn như vịt luộc, quay, nướng, hấp cách thủy và làm mọc. Theo thói quen ở địa phương đã mổ vịt là không thể thiếu 2 món là bát tiết canh và đĩa mọc

Khi làm mọc vịt, công việc đầu tiên là chuẩn bị gia vị, gạo làm thính nhặt sạch thóc, vo qua cho sạch rồi tãi mỏng, hong cho khô, trộn 1/3 gạo nếp với 2/3 gạo tẻ, rang chín vàng, nghiền nhỏ rây mịn. Hạt dổi nướng chín giã nhỏ, rau răm và củ sả giã nhuyễn, thêm chút nước vào bóp kỹ, vắt lấy nước, lọc bỏ bã, các loại gia vị như muối, nước mắm, mì chính, bột hạt dổi đều trộn vào nước gia vị này.

khám phá, những món ăn đặc sản của yên bái

Vịt sau khi mổ rửa sạch để ráo nước, người ta lọc lấy phần thịt băm hoặc thái chỉ thật nhỏ, trộn đều thịt vịt với thính và gia vị, số lượng bột thính có thể nhiều hay ít tùy ý nhưng thông thường người ta trộn 2 phần thính với 3 phần thịt, nước gia vị vừa đủ để khi trộn xong nguyên liệu dẻo như bánh dày là đạt yêu cầu.

Lá dong rửa sạch, lau khô, dùng gói mọc thành từng gói nhỏ (mỗi gói đặt vừa 1 đĩa) cho vào chõ xôi trong khoảng 3 giờ đồng hồ là được. Nước chấm mọc dùng loại nước mắm ngon, pha thêm chút đường, mì chính, hạt dổi, rau răm giã nhuyễn và nước cốt chanh, tùy theo khẩu vị người ăn có thể pha thêm tỏi và ớt tươi thái nhỏ, bỏ hạt.

Thịt mắm cơm đỏ của người Tày ở Lục Yên (Bẳm Nựa Mu)

Không cầu kỳ như nhiều món ăn khác, được chế biến đơn giản từ các nguyên liệu mang đậm chất quê của người miền núi, thịt mắm cơm đỏ của người Tày ở Lục Yên cho người thưởng thức biết tới một hương vị riêng biệt của món ăn dân tộc.

Nguyên liệu để làm thịt mắm cơm đỏ gồm có rượu nếp cái, củ giềng thái chỉ và một ít rau răm. Nhưng quan trọng nhất là cây cơm đỏ, thịt ba chỉ. Ngày tết, khi mổ một con lợn, dù to hay bé, người Tày ở Lục Yên thường dành riêng phần thịt ba chỉ (thịt bụng) để làm thịt mắm cơm đỏ.

Để làm thịt mắm cơm đỏ, người ta lấy cây cơm đỏ rửa sạch phơi qua nắng cho ráo nước rồi thái nhỏ. Khi lợn đã mổ ra, tất cả thịt ba chỉ của con lợn được làm sạch, thái nhỏ bằng 2 ngón tay ướp muối. Thịt được đổ vào chum trộn đều với củ giềng thái chỉ, một ít rau răm, cây cơm đỏ và rượu nếp cái thơm rồi buộc thật kín bằng ni lông.

khám phá, những món ăn đặc sản của yên bái

Chừng 5 đến 6 ngày sau, mở chum mùi thơm đã sực nức, là lúc thịt mắm đã ăn được. Lúc này những miếng thịt mắm đã săn lại có màu đỏ tươi, lớt phớt những sợi giềng thái nhỏ. Gắp miếng thịt mắm lên thưởng thức, ta vừa thấy được vị ngọt, vị chua, vị cay của giềng và hương nồng của nếp cái thơm, ăn không ngấy và ngon đến khó tả. Nếu đậy kín, thịt mắm cơm đỏ có thể để được 5 đến 6 tháng. Nhưng theo kinh nghiệm của người làm lâu năm, nên làm chum vừa phải, một chum chỉ mở một lần rồi đậy kín, lấy ra đến đâu ăn dần hết đến đấy rồi buộc chặt mới bảo quản được, nếu mở ra nhiều sẽ cay và không còn vị ngọt.

Xem Thêm  Măng Đen: Khám phá vùng đất yên bình của những mùa hoa và nỗi nhớ

Pà Mẳm

Pà mẳm gọi theo tiếng của đồng bào Thái có nghĩa là mắm cá. Pà mẳm có nhiều loại nhưng ngon và quý phải kể đến Pà mẳm cá chép. Món ăn này tuy không cầu kỳ nhưng yêu cầu phải đảm bảo những nguyên tắc chế biến riêng. Cá chép dùng để làm Pà mẳm nhất thiết phải là cá chép ruộng hay cá chép ao. Cá bắt về được thả trong bể từ 3 đến 4 ngày cho nhả hết bùn đất, rồi vớt ra chậu khô đổ rượu ngon cùng muối đã rang chín vào và đậy chặt lại. Quá trình giẫy, một lượng muối, rượu sẽ được đưa vào bụng cá, cứ như thể cho đến khi cá chết. Cá được ướp trong vại với rất nhiều gia vị như: thính gạo nếp, hạt sẻn, ớt tươi băm nhỏ, xả, riềng, quế chi… Tất cả các gia vị này đều phải được xào thơm trước khi đem ướp. Qua một ngày, người ta chắt nước trong vại ra đun sôi để nguội rồi lại đổ vào vại cá. Công đoạn này được lặp lại hai lần trong các ngày kế tiếp. Sau ba lần như vậy, người ta bịt kín miệng vại, rồi đem chôn sâu ở nơi khô thoáng. Không giống như nhiều loại Pà mẳm khác, sau 3 năm Pà mẳm cá chép mới được đem dùng.

khám phá, những món ăn đặc sản của yên bái

Pà mẳm ngon và được xem là đạt yêu cầu là khi mở ra phải có mùi thơm của thính nếp, gia vị và cá được ướp chín bằng rượu, muối và các gia vị cay nóng nên không còn mùi tanh. Cá phải đảm bảo còn nguyên con, thịt màu hồng tươi và dai như cá mực. Pà mẳm có thể được nướng chín hay dùng sống tuỳ thuộc vào sở thích của từng người, nhưng Pa mẳm được đồng bào ưa dùng sống cùng với các loại rau thơm và gia vị của rừng. Trước đây, đồng bào Thái làm Pà mẳm như một cách dự trữ thức ăn qua năm, nhưng cùng với thời gian món ăn này đã trở thành đặc sản mà người Thái chỉ dùng thiết đãi khách quý và bạn bè thân thích những khi nhà có việc lớn, việc vui.

Mỗi loại pà mẳm lại được chế biến và sử dụng theo những cách khác nhau. Pà mẳm cá tép chỉ dùng để chấm rau, chấm thịt và thời gian cũng không yêu cầu lâu, có thể là một tháng, hai tháng hoặc nhanh là một, hai tuần là dùng được. Ngoài cá chép thì một số loại cá ruộng khác như cá rô phi, cá riếc cũng được đồng bào dùng làm Pà mẳm.

Mắm tép hồ Thác Bà

Hồ Thác Bà được nhắc đến là một thắng cảnh đẹp của tỉnh Yên Bái. Đây cũng là nơi có trữ lượng thủy sản lớn đem lại nguồn thu nhập cho tỉnh và người dân quanh vùng hồ Thác Bà. Thác Bà được ví là một vựa tôm tép và món mắm tép hồ Thác Bà cũng từ đó mà nổi tiếng nức vùng.

Với diện tích trải dài từ huyện Yên Bình đến huyện Lục Yên, do vậy các xã nằm bên hồ có lợi thế về đánh bắt thủy sản trong đó có tép. Người dân ở các xã Vĩnh Kiên, Đại Đồng, Phúc An, Yên Thành, Xuân Lai, Mỹ Gia, Cảm Nhân, Tân Hương, Xuân Long, Minh Tiến, Vĩnh Lạc, Tân Lĩnh, Tân Lập, Phan Thanh… đã sớm nhận ra tiềm năng lớn này và họ đã tự chế biến cho mình món mắm tép đầy khoái khẩu với độ đạm cao.

khám phá, những món ăn đặc sản của yên bái

Với món mắm tép này có thể ăn kèm chuối xanh và thịt lợn luộc, khế cùng rau đinh lăng, hoặc có thể đem hấp vào cơm cùng với trứng gà sẽ được một món ăn ngon lành mà là lạ chẳng kém gì đặc sản.

Bánh chuối Lục Yên

Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Hiểu và đánh giá đúng vị trí của chuối trong đời sống của mình mà người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối – chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.

Với bánh chuối, sự hấp dẫn được thể hiện qua những bàn tay khéo léo, tài tình của các bà, các mẹ. Bánh được tạo nên chủ yếu từ chuối và một chút bột gạo mới. Để làm được một chiếc bánh chuối thơm ngon, giữ được hương vị nguyên vẹn của chuối, màu bánh vàng như nhúng mật họ phải chuẩn bị khá công phu từ khi chuối ra nải. Quả chuối chín, đem bóc vỏ, rồi được sấy khô để dành trong những nậm bí khô và được dùng dần trong một năm. Khi làm bánh, chuối sấy khô được đem ngâm nước ấm cho mềm rồi đem đi xay thành bột, bột gạo cũng phải xay bột nước cùng với bột chuối trộn đều làm vỏ bánh. Muốn có bánh thơm, ngọt thì nguyên liệu được chọn là chuối tiêu; muốn bánh có độ dai dẻo, màu sắc sáng thì chọn chuối goòng, chuối lá… tùy theo sở thích, do vậy mà trong những dịp rằm tháng Giêng, hay rằm tháng Bảy thì bánh chuối cũng đa dạng, phong phú chẳng kém gì các đồ dâng cúng tế khác.

khám phá, những món ăn đặc sản của yên bái

Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây gói bánh cũng từ dây chuối đúng là chẳng giống với bất kỳ loại bánh nào. Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn khách gần xa.

Đăng bởi: дарья шкилюк

Từ khoá: Những món ăn đặc sản của Yên Bái

Xem Thêm Những Bài Viết Về Du Lịch Yên Bái Tại Đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tận hưởng không gian yên bình tại khu phố cổ Geneva Old Town – Thuỵ Sĩ

Tận hưởng không gian yên bình tại khu phố cổ Geneva Old Town – Thuỵ Sĩ

Tọa lạc tại trung tâm thành phố Geneva, khu phố cổ Geneva Old Town…

Du lịch Chiang Rai Thái Lan – tất tần tật những kinh nghiệm cần biết

Được biết đến là thiên đường du lịch Thái Lan, thành phố Chiang Rai hấp…
Ghé thăm thành phố Naples – nơi giao thoa văn hoá & lịch sử nước Ý

Ghé thăm thành phố Naples – nơi giao thoa văn hoá & lịch sử nước Ý

Là một trong những thành phố lâu đời bậc nhất, thành phố Naples luôn…
Bảo tàng Anne Frank House Hà Lan – ngôi nhà bí ẩn của bé gái Do Thái

Bảo tàng Anne Frank House Hà Lan – ngôi nhà bí ẩn của bé gái Do Thái

Gắn liền với câu chuyện cảm động vượt thời gian, bảo tàng Anne Frank House…