Thông tin về Lạng Sơn
Vị trí
Thuộc vùng núi Đông Bắc Bộ
- Phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng: 55 km
- Phía đông bắc giáp Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc): 253 km
- Phía nam giáp tỉnh Bắc Giang: 148 km
- Phía đông nam giáp tỉnh Quảng Ninh: 49 km
- Phía tây giáp tỉnh Bắc Kạn: 73 km
- Phía tây nam giáp tỉnh Thái Nguyên: 60 km
Vị trí tỉnh Lạng Sơn trên bản đồ (Ảnh sưu tầm)
Đơn vị hành chính
Lạng Sơn có 1 thành phố và 10 huyện (Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Chi Lăng, Đình Lập, Hữu Lũng, Lộc Bình, Tràng Định, Văn Lãng, Văn Quan). Lạng Sơn có 207 xã, 14 thị trấn và 5 phường.
Dân tộc sinh sống
Hiện tại Lạng Sơn có 7 dân tộc cùng chung sống. Trong đó, dân tộc Nùng chiếm tỷ lệ cao nhất 42,97%, người Tày chiếm 35,92%, người Kinh là 16,5%. Ngoài ra còn một số dân tộc khác như Dao, Hoa, Sán Chay, H’Mông… sống rải rác khắp vùng núi Lạng Sơn.
Lạng Sơn là địa bàn chung sống của nhiều dân tộc thiểu số (Ảnh sưu tầm)
Giao thông
- Đường bộ: Các tuyến Quốc lộ (quốc lộ 1A, quốc lộ 1B, quốc lộ 3B, quốc lộ 279), đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn
- Đường sắt: Hà Nội – Đồng Đăng
- Đường thủy: Hoạt động di chuyển trên sông Kỳ Cùng cũng rất phát triển.
Khí hậu
Lạng Sơn thể hiện rõ nét khí hậu cận nhiệt đới ẩm đặc trưng của miền Bắc. Một năm có 4 mùa. Tuy nhiên nền nhiệt tại các điểm khác nhau lại có sự chênh lệch, đặc biệt theo độ cao và các vị trí đón gió hoặc khuất gió. Nhiệt độ trung bình năm từ 17 – 22 độ C.
Địa hình
Vùng núi thấp có độ cao trung bình 250m so với mực nước biển. Vùng biên giới có địa hình cao hơn, độ cao giảm dần theo vĩ độ. Đỉnh núi cao nhất ở Lạng Sơn là đỉnh Mẫu Sơn cao 1541m
Lạng Sơn nổi bật với địa hình núi thấp (Ảnh sưu tầm)
Đánh giá địa điểm du lịch
Lạng sơn là thánh địa du lịch nổi tiếng với hệ số điểm đánh giá cao đồng đều. Sở hữu đa dạng các điểm du lịch, loại hình du lịch, Lạng Sơn càng ngày càng thu hút lượng khách du lịch lớn, tăng đều, ổn định.
- Cảnh đẹp: 9/10
- Con người, văn hóa: 9/10
- Ẩm thực, đồ uống: 9/10
- Chi phí, giá cả: 9/10
- Nơi lưu trú: 8/10
- Độ đa dạng du lịch: 9/10
- Giao thông: 7/10
Mùa du lịch Lạng Sơn
Khi chọn Lạng Sơn là địa điểm du lịch, bạn cần lưu ý các thời điểm để chiêm ngưỡng được trọn vẹn cảnh đẹp nơi đây. Mùa Xuân, mùa Thu hay mùa Đông sẽ là những lúc Lạng Sơn đẹp và thú vị nhất. Chỉ riêng mùa Hè, vùng núi xuất hiện mưa lớn dễ gây lũ, sạt lở ảnh hưởng đến giao thông. Bạn nên tránh đi vào thời điểm này để giữ an toàn cho bản thân.
Mùa Xuân: Tháng 2 đến hết tháng 4
Lạng Sơn nổi tiếng với những rừng hoa Đào, hoa Mơ, hoa Mận, hoa Ban… tuyệt sắc. Bạn không nên bỏ lỡ những mùa hoa của Lạng Sơn. Khắp các núi rừng, đường vào thôn bản đều ngập trong sắc hoa tươi mới, lãng mạn. Tiết trời se se lạnh, mưa phùn lất phất khiến đất trời xứ Lạng càng thêm quyến rũ đậm chất “tình”.
Ngắm đất trời xứ Lạng vào Xuân (Ảnh sưu tầm)
Mùa Xuân cũng là mùa lễ hội sôi nổi tại Lạng Sơn. Du khách rất hiếu kỳ và yêu thích các lễ hội của người dân tộc. Xuân đến khắp các bản làng nô nức đi hội, trang phục rực rỡ, những hoạt động văn hóa độc đáo, trò chơi dân gian đặc sắc… tạo nên khí thế tưng bừng, náo nhiệt.
Các lễ hội được yêu thích nhất có thể kể đến như: Lễ hội Lồng Tồng, Lễ hội chùa Tam Thanh, lễ hội đầu pháo Kỳ Lừa…
Lễ hội Xuân tại Lạng Sơn (Ảnh sưu tầm)
Mùa thu: Cuối tháng 8 đến đầu tháng 11
Đây là thời điểm thích hợp để săn lúa tại Bắc Sơn, săn mây vùng biên giới. Cánh đồng Bắc Sơn trở thành địa điểm hút khách nhất Lạng Sơn vào khoảng tháng 7 và tháng 11. Khắp thung lũng Bắc Sơn, lúa chín vàng rực. Giữa 2 bên là đồi, núi xanh thẳm, cánh đồng Bắc Sơn biến mình thành dòng sông vàng lấp lánh. Thay vì mang nét đẹp hùng vĩ, ngoạn mục như ruộng bậc thang Tây Bắc, nơi đây mang vẻ đẹp dịu dàng, quyến rũ.
Bắc Sơn vào mùa lúa chín (Ảnh sưu tầm)
Chiều hoàng hôn những ngày tháng 9, tháng 10 trên đỉnh Mẫu Sơn, cảnh đẹp như bước ra từ tranh vẽ. Những biển mây ánh tím, cam, đỏ …hòa trộn vào nhau tạo nên những dải màu kỳ ảo.
Biển mây sắc màu trên đỉnh Mẫu Sơn (Ảnh sưu tầm)
Khoảng thời gian cuối tháng 8, đầu tháng 9, Lạng Sơn vào mùa thu hoạch Na. Bạn sẽ rất tò mò và thích thích với “Na đu dây” – một cách thu hoạch và vận chuyển vô cùng độc đáo. Na Lạng Sơn là nông sản nổi bật, ngon, ngọt hiếm có.
Mùa “Na đu dây” tại Lạng Sơn (Ảnh sưu tầm)
Mùa Đông: Tháng 12 – tháng 1
Cái lạnh rét buốt của miền sơn cước có sức hấp dẫn kỳ lạ. Vẻ lãng đãng chìm trong sương khói, những mái nhà ẩn hiện trên vạt rừng, triền núi, những con đường uốn lượn như con trăn lớn đang cuộn mình ngủ Đông.
Lạng Sơn bình yên trong những ngày Đông (Ảnh sưu tầm)
Cuối tháng 12 đầu tháng 1, gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng sâu sắc đến đỉnh Mẫu Sơn. Trong những ngày lạnh nhất, Mẫu Sơn thường xuyên có mưa tuyết. Trên đỉnh núi cao chơi vơi, ngắm tuyết rơi trắng trời, cảm giác thật tuyệt vời.
Tuyết rơi trên đỉnh Mẫu Sơn (Ảnh sưu tầm)
Hướng dẫn đến Lạng Sơn
Quãng đường Hà Nội – Lạng Sơn: 160km
Thời gian: 3 – 4 tiếng
Phương tiện: Xe máy, ô tô, xe khách, tàu hỏa
Lựa chọn đi xe máy, ô tô cá nhân: Xuất phát từ trung tâm Hà Nội – Qua Cầu Vĩnh Tuy – rẽ vào quốc lộ 1A đi qua địa phận Bắc Ninh, Bắc Giang là đến Lạng Sơn.
Lựa chọn đi xe khách: Xe lên Lạng Sơn sẽ xuất phát từ bến Mỹ Đình, Lương Yên, Gia Lâm. Tùy vào vị trí của bạn có thể chọn các bến xe gần nhất. Giá vé xe giao động từ 100 – 170 nghìn/lượt (tùy thuộc vào thời gian bạn đi là dịp lễ tết hay ngày bình thường).
Lựa chọn đi tàu hỏa: Phương tiện này được khách du lịch chọn ít hơn 2 loại hình trên do tính không cơ động và thời gian đi cũng lâu hơn. Tuy nhiên đi tàu hỏa có sự thích thú riêng. Nếu bạn không vội thì có thể chọn đi tàu hỏa, ngồi trên tàu ngắm phong cảnh trên đường đi sẽ rất thú vị.
Địa điểm du lịch Lạng Sơn nổi tiếng
Mẫu Sơn
Mẫu Sơn là đỉnh núi cao nhất thuộc Lạng Sơn. Độ cao hơn 1500m so với mực nước biển. Cung đường lên núi thu hút các bạn trẻ đam mê phượt. Phong cảnh trên đỉnh Mẫu Sơn được nhiều du khách yêu thích bởi rừng núi trùng điệp, khí hậu mát mẻ. Mẫu Sơn nổi tiếng với biển mây 7 màu. Mùa Đông, nơi đây là địa điểm săn tuyết lý tưởng.
Phong cảnh trên đỉnh Mẫu Sơn (Ảnh sưu tầm)
Động Tam Thanh
Động Tam Thanh nổi tiếng khắp phố núi Lạng Sơn bởi vẻ đẹp kỳ bí. Những khối thạch nhũ long lanh sắc màu, hình thù độc đáo. Tiếng suối chảy róc rách 4 mùa, làn nước trong xanh, mát lạnh. Trong động chứa đựng nhiều di tích gắn liền với lịch sử và văn hóa tâm linh. Đền chùa được xây dựng lâu đời. Động Tam Thanh nổi tiếng là một trong 4 hang động được mệnh danh là “Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng”.
Bên trong động Tam Thanh (Ảnh sưu tầm)
Ải Chi Lăng
Ải Chi Lăng nằm tại một thung lũng hẹp hình bầu dục. Nơi đây được che chở bởi bốn bề núi cao, rừng sâu thăm thẳm. Ải Chi Lăng là cửa ải đầu tiên trấn giữ vòng ngoài kinh thành Thăng Long. Nơi đây đã từ ghi dấu những trận đánh lịch sử, gắn liền với những chiến công vang dội của dân tộc Việt Nam chống lại sự xâm lược các triều đại phong kiến phương Bắc.
Di tích lịch sử Ải Chi Lăng (Ảnh sưu tầm)
Đền Kỳ Cùng
Đền Kỳ Cùng là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng được người dân Lạng Sơn rất tôn thờ. Đền đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Ngôi đền có kiến trúc chữ đinh. Đền xây dựng gồm 3 cửa vòm cuốn với 2 trụ gạch vuông, bên trên được đắp nổi các hoa văn. Hàng năm, hoạt động lễ hội, dâng hương diễn ra thường niên, thu hút đông người đến tham dự, dâng hương, cúng lễ.
Kiến trúc đền Kỳ Cùng (Ảnh sưu tầm)
Hồ Pác Mỏ
Hồ Pác Mỏ đã được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh vào năm 2002. Phong cảnh tại hồ Pác Mỏ như bức tranh sơn thủy hữu tình, rừng bao núi, núi bao bọc vùng hồ xanh thẳm. Thấp thoáng giữa thiên nhiên khoáng đạt là mái nhà sàn cổ kính. Gần Pác Mỏ còn có những địa danh nổi tiếng như: giếng Bó Loóng, hang Thắm Hoài…
Phong cảnh hữu tình tại hồ Pác Mỏ (Ảnh sưu tầm)
Thành nhà Mạc
Thành nhà Mạc là một trong những di tích kiến trúc quân sự tiêu biểu còn tồn tại từ thời phong kiến Việt Nam xa xưa. Qua năm tháng, hiện tại thành nhà Mạc chỉ còn 2 đoạn tường thành dài 300m. Tường thành được xây dựng kiên cố từ những khối đá vững chắc. Từ năm 1962, nơi đây đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Khách tham quan tìm đến thành nhà Mạc để tìm hiểu về lịch sử phong kiến Việt Nam cũng như khám phá kiến trúc quân sự tại đây.
Di tích còn lại của thành nhà Mạc (Ảnh sưu tầm)
Chợ Đông Kinh
Chợ Đông Kinh là trung tâm mua sắm lớn nhất của thành phố Lạng Sơn. Quy mô chợ lên đến vài nghìn m2. Khu chợ được xây dựng kiên cố, nhiều tầng, các gian hàng đa dạng từ quần áo, trang sức, vật dụng gia đình, hàng ăn … đều có cả. Du khách đến chợ Đông Kinh để tìm hiểu văn hóa địa phương, mua các sản vật, quà lưu niệm. Nơi đây trở thành địa điểm du lịch mua sắm hút khách.
Địa điểm du lịch chợ Đông Kinh (Ảnh sưu tầm)
Chợ đêm Kỳ Lừa
Chợ đêm Kỳ Lừa là một trong những khu chợ đêm nổi tiếng nhất Việt Nam. Chợ Kỳ Lừa giống như đại siêu thị có đầy đủ mọi sản vật Lạng Sơn và các vùng xung quanh. Mỗi tháng, chợ Kỳ Lừa họp 6 phiên vào các ngày 2, ngày 7 âm lịch. Thanh niên nam nữ các dân tộc đến chợ để gặp bạn thân, tìm bạn đời qua các lời ca giao duyên.
Chợ đêm Kỳ Lừa (Ảnh sưu tầm)
Làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn
Làng văn hóa Quỳnh Sơn nằm gọn trong thung lũng Bắc Sơn thơ mộng. Đến đây, bạn sẽ được ngắm khung cảnh làng quê bình yên với cánh đồng Bắc Sơn vàng rực. Nơi đây còn lưu giữ 400 ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày. Giữa thung lũng là dòng suối Quỳnh Sơn trong xanh. Bao quanh ngôi làng là những dãy núi nối tiếp nhau bao bọc sự bình yên của ngôi làng giữa núi.
Làng du lịch văn hóa Quỳnh Sơn (Ảnh sưu tầm)
Thung lũng hoa Bắc Sơn
Thung lũng hoa Bắc Sơn mùa nào hoa đấy. Vào những ngày tháng 8 – tháng 9, các loài hoa cúc đủ màu sắc rực rỡ khắp thung lũng. Khoảng tháng 11- 12, cánh đồng lại chìm đắm trong hoa Tam Giác Mạch. Đến cuối tháng 12 – tháng 1, sắc vàng của hoa cải phủ kín nơi đây. Du khách đến thung lũng Bắc Sơn mỗi mùa hoa rất đông.
Địa điểm check in được nhiều người ghé qua nhất tại Lạng Sơn (Ảnh sưu tầm)
Suối Mỏ Mắm – Hang Keng Tao
Đây là địa điểm du lịch được các gia đình lựa chọn nhiều khi đến Lạng Sơn. Thời điểm đẹp nhất để du lịch là vào khoảng tháng 9. Dòng suối trong xanh, mát lạnh, 2 bên bờ được xây dựng thành khu du lịch với nhiều dịch vụ đa dạng. Phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp chính là điểm cộng làm hoàn hảo bức tranh nơi đây.
Toàn cảnh khu du lịch suối Mỏ Mắm (Ảnh sưu tầm)
Thác Đăng Mò
Thác Đăng Mò là địa điểm du lịch cắm trại nổi tiếng. Giữa rừng núi hoang sơ, dòng thác chảy tràn qua những phiến đá lớn tạo nên dải lụa trắng mềm mại giữa cánh rừng xanh bạt ngàn. Đây là địa điểm du lịch khá mới mẻ ở Lạng Sơn. Nơi đây vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, bình yên, trong lành.
Thác Đăng Mò (Ảnh sưu tầm)
Đền Mẫu Đồng Đăng
Đền Mẫu Đồng Đăng là ngôi đền có quy mô hoành tráng, kiến trúc đền chùa tiêu biểu, hoạt động lễ hội có tầm ảnh hưởng rộng. Hàng năm cứ vào ngày 10 tháng giêng, lễ hội chào xuân được tổ chức linh đình. Người dân trong tỉnh cùng đông đảo du khách thập phương lại về đây tham gia các hoạt động lễ hội đặc sắc của văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu thượng ngàn.
Đền Mẫu Đồng Đăng (Ảnh sưu tầm)
Núi Tô Thị
Trên đỉnh núi Tô Thị có tảng đá giống hình người phụ nữ bồng con nhìn về phương xa. Nơi đây gắn liền với truyện cổ tích nàng Tô Thị bồng con chung thủy đứng chờ chồng đi đánh trận Phương Bắc. Du khách đến đây phần lớn là do hiếu kỳ về sự tích của địa điểm du lịch này. Ngoài ra cảnh đẹp nơi đây cũng rất hấp dẫn. Trên đỉnh núi nhìn về 4 phía là khoảng không gian bao la, rộng lớn, dưới chân là những thửa ruộng xanh ngút ngàn, xa xa là dãy núi trấn giữ biên cương phía Bắc.
Phong cảnh trên núi Tô Thị (Ảnh sưu tầm)
Cột cờ Phai Vệ
Cột cờ Phai Vệ là địa điểm du lịch mới tại Lạng Sơn. Cột cờ được xây dựng ngay trung tâm thành phố Lạng Sơn. Đây là một trong những công trình được đầu tư kỳ công, xây dựng hoành tráng nhất tại xứ Lạng. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống là toàn cảnh thành phố bao la, rộng lớn. Vào buổi tối Phai Vệ được thắp sáng lung linh, rực rỡ.
Địa điểm du lịch mới – Cột cờ Phai Vệ (Ảnh sưu tầm)
Thưởng thức ẩm thực xứ Lạng
Ẩm thực xứ Lạng sẽ khiến bạn lạc vào thế giới chỉ toàn đồ ăn ngon. Khẩu vị nào cũng có thể tìm được món thích hợp tại Lạng Sơn. Cùng điểm qua những món ngon xuất sắc nhất nhé.
Khâu Nhục
Khâu Nhục là món ăn gắn liền với đồng bào dân tộc tại Lạng Sơn. Món được xếp vào hàng thượng hạng và xuất hiện thường xuyên trong những ngày lễ tết và dịp đặc biệt. Món ăn được chế biến công phu. Hương vị thơm ngon hấp dẫn, thịt chín mềm, ngấm gia vị đặc trưng. Ăn một lần là nhớ mãi.
Tuyệt đỉnh ẩm thực Lạng Sơn – Khâu Nhục (Ảnh sưu tầm)
Bánh cuốn trứng
Bánh cuốn trứng hiện nay xuất hiện ở rất nhiều nơi, nhưng ít ai biết nguồn gốc của món bánh này là từ Lạng Sơn. Tuy nhiên ăn bánh cuốn trứng chính hiệu tại Lạng Sơn vẫn có cảm giác hoàn toàn khác. Bánh mềm mịn, trứng vừa chín tới, nước dùng ngọt, thơm.
Bánh cuốn trứng xuất phát từ Lạng Sơn (Ảnh sưu tầm)
Phở chua Lạng Sơn
Phở chua Lạng Sơn là món ăn đầy tự hào của xứ Lạng. Vị phở chua chua, ngọt ngọt. Các nguyên liệu: Thịt vịt nướng, khoai lang sợi chiên giòn, lạc rang, rau thơm đủ loại … hòa quyện với nhau tạo nên một món ăn hấp dẫn ở bất cứ nơi nào xuất hiện.
Đặc sắc phở chua xứ Lạng (Ảnh sưu tầm)
Lợn quay Lạng Sơn
Lợn quay Lạng Sơn được người dân tộc chế biến rất cầu kỳ. Lợn được tuyển chọn những con có kích thước vừa phải, thời gian nuôi đủ lâu để thịt nhiều nạc, mềm, ít mỡ và không bở. Lợn được nhồi đủ gia vị, lá móc mật vào trong. Để quay được một con lợn phải mất ít nhất nửa ngày. Lợn quay từ từ, đều đều trên than hồng. Cứ vài phút lại phết mật ong khắp mình lợn để thịt chín vàng, ngọt, không bị khô và có màu sắc đẹp. Riêng nói về độ ngon, khó có món ăn nào sánh kịp.
Lợn quay Lạng Sơn (Ảnh sưu tầm)
Vịt quay Lạng Sơn
Vịt quay Lạng Sơn đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Ai đến Lạng Sơn cũng phải thử qua món ăn thơm ngon, hấp dẫn này. Vịt được ướp gia vị bên ngoài, nhồi lá móc mật vào trong bụng rồi quay đến chín. Thịt vịt chín có màu vàng nâu, ngọt, nhiều nước, hương thơm, gia vị ngấm vào từng thớ thịt.
Vịt quay là món ăn dễ dàng hấp dẫn mọi thực khách (Ảnh sưu tầm)
Bánh chưng đen Bắc Sơn
Bánh chưng đen là loại bánh xuất hiện trong ngày tết của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bắc Sơn. Bánh chưng được gói có hình trụ dài. Thành phần làm bánh cũng gồm gạo nếp, thịt, đỗ xanh. Tuy nhiên bánh lại có màu đen là do người dân đã trộn gạo với nước đun từ thân cây núc nác.
Món bánh chưng đen truyền thống ở Bắc Sơn (Ảnh sưu tầm)
Xôi cẩm
Xôi cẩm là món ăn có màu sắc nổi bật và hương vị ngon miễn bàn. Màu tím của xôi được nhuộm từ nước lá cẩm, cũng vì thế mà có tên là xôi cẩm. Không chỉ mang lại màu sắc, lá cẩm còn mang đến mùi thơm đặc biệt cho món xôi.
Xôi cẩm với màu sắc bắt mắt (Ảnh sưu tầm)
Măng ớt Lạng Sơn
Măng ớt có vị cay nồng rất đặc biệt. Măng ngâm chua cùng ớt tươi chín. Măng được ăn cùng các món như phở chua, vịt quay, lợn quay Lạng Sơn. Khi du nhập xuống đồng bằng, măng ớt được pha làm nước chấm nhiều món hoặc nấu như gia vị.
Măng ớt Lạng Sơn được bày bán rất nhiều cho du khách mua về làm quà (Ảnh sưu tầm)
Gợi ý nhà nghỉ, homestay
Khách sạn Mường Thanh Lạng Sơn
Địa chỉ: 68 Ngô Quyền, Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn
Số điện thoại liên hệ: 0205 3866 668
Giá phòng giao động từ: 900.000 vnđ
Khách sạn Hoa Sen
Địa chỉ: ĐT234, Hợp Thành, Cao Lộc, Lạng Sơn
Số điện thoại liên hệ: 0123 655 5123
Giá phòng giao động từ: 900.000 vnđ
Then And Now Homestay
Địa chỉ: Số 3, ngõ 19 Đường Bà Triệu, Phường Đông Kinh, Lạng Sơn
Giá phòng: 130 – 230 nghìn/đêm
Homestay Bắc Sơn
Địa chỉ: Bắc Sơn, Lạng Sơn, Việt Nam
Giá phòng: 90 – 120 nghìn/đêm
Vi’s Boutique Hotel
Địa chỉ: 185 Trần Đăng Ninh, Lạng Sơn, Việt Nam
Vinpearl Hotel Lạng Sơn
Địa chỉ: Số 2, Trần Hưng Đạo, thành phố Lạng Sơn
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm cần có cho chuyến đi Lạng Sơn trọn vẹn niềm vui. Hi vọng những chia sẻ của chúng tôi có thể giúp ích cho chuyến đi của bạn. Chúc bạn có một kỳ nghỉ vui vẻ, hạnh phúc, thú vị.
Kim Khánh
Đăng bởi: Ánh Nguyễn
Từ khoá: Tổng hợp chi tiết nhất về du lịch Lạng Sơn
Để lại một bình luận