TP Hồ Chí Minh không chỉ được biết đến với những trung tâm thương mại, cũng như địa điểm du lịch nổi tiếng, mà còn là thành phố có rất nhiều lễ hội mang tính văn hoá đặc trưng. Những lễ hội này diễn ra hằng năm và thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người dân địa phương cũng như khách du lịch. Trong bài viết này, hãy cùng Kinhnghiemdulich.vn tìm hiểu về các lễ hội nổi tiếng đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh.
1. Hội miếu Ông Địa
Miếu Ông Địa là nơi thờ thần Thổ Địa, vị thần cai quản và bảo vệ đất đai, giữ cho dân an vật thịnh. Ngôi miếu được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 19, từng được Vua Tự Đức sắc phong vào năm 1852. Hội miếu Ông Địa được tổ chức thường niên hằng năm vào ngày 2/2 âm lịch nhằm suy tôn Thổ địa Phúc Đức Chính Thần và các vị thần khác. Đây là lễ hội tiêu biểu cho lễ hội tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ khác. Hằng năm cứ vào ngày này có rất nhiều quan khách ở khắp mọi nơi quy tụ về thành phố để tham gia lễ hội.
Hội miếu Ông Địa là lễ hội có quy mô lớn, quy tụ nhiều hoạt động văn hóa tín ngưỡng độc đáo. Mở đầu trong lễ hội miếu Ông Địa là nghi thức “ Giống trống khai trang” thông báo vào lễ. Tiếp đến là phần “mời trầu” bằng điệu hát bóng rỗi để thỉnh các vị Thần về dự lễ. Không thể thiếu vở diễn tuồng hài “Địa Nàng” với nhân vật ông Địa và nàng tiên nhằm phê phán thói hư tật xấu trong xã hội thôn làng xưa. Sau khi vở diễn kết thúc là màn múa mâm vàng, mâm bạc và múa đồ chơi do các nghệ nhân dân gian trình diễn. Cuối cùng, kết thúc hội là nghi thức phát lộc cho những khách tham gia lễ hội.
Thông tin chi tiết:
- Thời gian tổ chức lễ hội: Ngày 2/2 âm lịch hằng năm.
- Địa điểm tổ chức: 125 Lê Lợi, phường 3, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.
2. Lễ giỗ tổ nghề Kim Hoàn
Lễ giỗ tổ nghề Kim Hoàn là một lễ hội quy mô lớn, thu hút đông đảo nghệ nhân trong ngành thợ Kim hoàn, không chỉ ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn từ các tỉnh Nam Bộ tề tựu về đây tham gia lễ hội và cúng bái tổ sư khai sáng ngành kim hoàn. Lễ được tổ chức tại Hội quán Lệ Châu – Nhà thờ tổ nghề thợ bạc tại TPHCM.
Lễ giỗ tổ nghề Kim Hoàn được tổ chức từ ngày 6 – 8/2 Âm lịch hằng năm. Mở màn cho lễ giỗ tổ là tối ngày 6/2 Âm lịch, thực hiện nghi thức cúng cầu quốc thái dân an, tuyên đọc sắc phong tổ sư thợ bạc Việt Nam của các vị vua Triều Nguyễn cho những người dự lễ, đặc biệt là với những người trong nghề kim hoàn hiểu biết về xuất xứ của tổ nghề. Ngày 7/2 Âm lịch là ngày chánh tế, cúng ba “Viên” theo nghi thức lễ giỗ truyền thống (viên là cách gọi mỗi phần lễ bao gồm bánh trái, vật phẩm,… để cúng tế). Viên thứ nhất cúng Chấp minh lúc 8 giờ sáng để rước tổ sư. Viên thứ hai cúng Chánh tế tổ sư từ 22 giờ đến 24 giờ. Viên thứ ba diễn ra vào 16 giờ ngày 8/2 Âm lịch, tế nghĩa từ – những người có công xây dựng Hội quán Lệ Châu.
Những người đến tham dự lễ vào tối ngày 7/2 còn được thưởng thức các chương trình văn nghệ do các nghệ sĩ cải lương cùng các thợ kim hoàn biểu diễn. Trong những ngày diễn ra lễ hội, Hội quán Lệ Châu được trang hoàng rực rỡ, nến và hương đèn được thắp sáng từ ngoài vào trong, tạo cho ngày giỗ tổ không khí trang nghiêm.
Thông tin chi tiết:
- Thời gian tổ chức lễ hội: ngày 6 – 8/2 Âm lịch hằng năm.
- Địa điểm tổ chức lễ hội: Hội quán Lệ Châu, 586 Trần Hưng Đạo, Phường 14, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Lễ Kỳ Yên đình Bình Đông
Đình Bình Đông được xây dựng trên cù lao ngay nhánh rẽ của dòng Kênh Đôi thuộc Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. Theo lời các bô lão kể lại, tại đây dân cư hồi đó rất thưa thớt làm ăn khó khăn. Một hôm có người vớt được chiếc mão trôi trên rạch, đoán là của một vị quan nào đó bị nạn, nên đã đem lên gò và khấn vái. Lạ lùng thay, sau đó vùng đất này trúng mùa liên tục, người dân làm ăn khấm khá nên đã quy tụ về đây xây dựng nên mái đình ngày nay. Ở nơi bệ thờ chính luôn có những chiếc mão mới được dân làng sùng bái dâng cúng cho đến tận thời bây giờ. Đình Bình Đông ngày nay là một trong hai ngôi đình có lượng khách đến tham quan và cúng bái đông nhất Thành phố.
Hằng năm cứ vào tháng 2 âm lịch, tại đình Bình Đông tổ chức lễ Kỳ Yên, có rất đông người dân khu vực Chợ Lớn Thành phố Hồ Chí Minh và du khách thập phương tại các tỉnh Miền Tây quy tụ về đây tham gia lễ hội và cúng bái. Đặc biệt có các đình làng lân cận ở tận Long An cũng cử đoàn đến đây dâng lễ. Lễ Kỳ Yên tổ chức theo nghi thức: Đầu lễ là Túc yết, chính lễ là Đoàn (đàn) cả diễn ra trịnh trọng có tế thần gọi là lễ Thỉnh Sanh. Trong lễ sẽ có chánh bái, bồi bái, học trò lễ, đào thài theo chiêng trống, kèn của nhạc mà hành lễ. Tiếp đến có lễ “hát bội” trước là để hầu thần, sau là phục vụ cho bà con đến chiêm bái. Lễ Kỳ Yên đình Bình Đông này được diễn ra hằng năm vào ngày 12 – 13/2 Âm lịch.
Thông tin chi tiết:
- Thời gian tổ chức lễ hội: Ngày 12 – 13/2 Âm lịch hằng năm.
- Địa điểm tổ chức lễ hội: Đình Bình Đông, Phường 7, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Lễ đền thờ Phan Công Hớn
Hằng năm cứ đến ngày 25/2 Âm lịch tại đền thờ Phan Công Hớn, thân tộc của ông cùng bà con nhân dân xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn tổ chức lễ giỗ ông theo nghi thức cúng thần. Nhằm tưởng nhớ vị anh hùng Phan Công Hớn, người lãnh đạo nhân dân 18 thôn Vườn Trầu, khởi nghĩa tấn công dinh tri huyện vào mùa xuân năm 1885 tại Bà Điểm, Hóc Môn. Và ông đã hy sinh thân mình để cứu nhân dân khỏi bị áp bức.
Lễ đền thờ Phan Công Hớn được tổ chức trong không khí trang trọng và tôn nghiêm. Người đến dự lễ rất đông, ngoài bà con nhân dân tại xã Bà Điểm còn có nhiều du khách phương xa tham dự lễ để tưởng nhớ ông với lòng biết ơn và tôn kính.
Thông tin chi tiết:
- Thời gian tổ chức lễ hội: Ngày 25/2 Âm lịch hằng năm.
- Địa điểm tổ chức lễ hội: Đền thờ Phan Công Hớn, Xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. TP. Hồ Chí Minh.
5. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất của người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đã từ lâu nơi đây trở thành địa điểm tâm linh được nhiều người biết đến và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người Hoa sinh sống tại Thành phố.
Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu là lễ hội tiêu biểu của người Hoa nhằm suy tôn Bà Thiên Hậu với lòng hiếu thảo đức hạnh, xả thân vì mọi người. Lễ hội sẽ được bắt đầu từ đêm 22/3 Âm lịch sẽ diễn ra lễ tắm Bà. Đến sáng ngày 23/3 mọi người tổ chức lễ rước Bà, tượng Bà được đặt trong kiệu, do các thanh niên diễu qua các con đường xung quanh chùa. Theo sau kiệu có thuyền rồng, bảng đỏ ghi tên các vị thần được thờ phụng trong chùa cùng các đội múa lân – sư – rồng và các đội nhạc dân tộc vừa múa hát vừa biểu diễn,… tạo nên một không khí lễ hội náo nhiệt trong các khu phố người Hoa. Vào ngày diễn ra lễ hội chùa Bà Thiên Hậu có rất đông người dân Sài Gòn, du khách, đặc biệt là người Việt gốc Hoa tại khu Chợ Lớn tập trung về đây ngoài để tham gia lễ hội còn đến cúng bái, cầu bình an, sức khỏe, buôn bán thuận lợi,… và tin tưởng sự hiển linh của Bà sẽ giúp vượt qua những khó khăn, trở ngại.
Thông tin chi tiết:
- Thời gian tổ chức lễ hội: Ngày 23/3 Âm lịch hàng năm.
- Địa điểm tổ chức lễ hội: Chùa Bà Thiên Hậu, 710 Nguyễn Trãi, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Lễ hội Khai hạ – Cầu an Lăng Ông Bà Chiểu
Lăng Ông Bà Chiểu là công trình văn hóa tâm linh lớn nhất Sài Gòn, nơi đây thờ Tả quân Lê Văn Duyệt – Vị tướng trấn thành Gia Định xưa. Đây là điểm thu hút đông đảo khách thăm quan bởi kiến trúc cổ xưa với gần 200 năm lịch sử.
Lễ hội Khai hạ – Cầu an Lăng Ông Bà Chiểu được diễn ra vào ngày 7/1 Âm lịch hằng năm. Các nghi thức tế, lễ được tổ chức theo nghi thức tế lễ cung đình triều Nguyễn. Lễ được chia thành nhiều phần gồm hạ nêu, khai hạ, khai bút và khai ấn. Đây là điểm nhấn trong sinh hoạt văn hóa của người dân Thành phố và Nam Bộ nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa và kỳ vọng công việc thuận lợi, làm ăn hanh thông trong năm mới. Trong lễ Khai hạ – Cầu an còn có những chầu hát bội rất sống động, với các tuồng như San Hậu, Ngọc Quỳnh lâm tế, Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ,… Lễ hội thu hút rất đông người dân địa phương và du khách gần xa đến tham dự.
Lễ hội Khai hạ – Cầu an Lăng Ông Bà Chiểu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra Lăng Ông Bà Chiểu cũng là nơi để mọi người đến cầu bình an, sức khỏe, tài lộc và cầu tình duyên được thuận lợi. .
Thông tin chi tiết:
- Thời gian tổ chức lễ hội: Ngày 7/1 Âm lịch hàng năm.
- Địa điểm tổ chức lễ hội: Lăng Ông, 126 Đinh Tiên Hoàng, Phường 1, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
7. Hội chùa ông Bổn
Chùa ông Bổn tọa lạc Quận 5 trong khu vực người Hoa sinh sống, đây là một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa tại thành phố. Chùa ông Bổn còn có tên gọi khác là miếu Nhị Phủ thờ Bổn Đầu Công vị thần bảo vệ đất đai và con người tại vùng Chợ Lớn.
Chùa ông Bổn có rất nhiều lễ hội, nhưng có hai ngày lễ lớn nhất trong năm là rằm tháng giêng và rằm tháng tám âm lịch đó là ngày sinh và ngày hóa của ông Bổn. Hội chùa ông Bổn là một trong những lễ hội nổi tiếng của người Hoa gốc Phúc Kiến. Lễ vật để dâng lên ông Bổn thường là heo quay, heo sống, gà luộc, hoa trái và nhang đèn,… Bà con gốc Hoa thường mua những vòng hương thắp cúng treo khắp vòm trần chùa tỏa khói thơm suốt nhiều tháng. Vào dịp lễ hội số người đến với chùa ông Bổn để xin xăm, xem bói toán rất nhộn nhịp.
Ngoài ra, vào rằm tháng giêng một số bà con gốc Hoa sẽ đến chùa xin vay mượn các vị thần như ông Bổn hay Quan Công để làm ăn buôn bán, sự vay mượn này chỉ mang tính tượng trưng. Nhưng đến cuối năm ngày rằm tháng chạp, những người đã vay mượn trước đó sẽ đến chùa để trả lễ đầy đủ bằng tiền mặt được bỏ vào các thùng phước sương.
Thông tin chi tiết.
- Thời gian tổ chức lễ hội: Ngày 15/1, 15/8 Âm lịch hàng năm.
- Địa điểm tổ chức lễ hội: Chùa ông Bổn, 264 Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Lễ hội Nghinh Ông
Nhắc đến lễ hội nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh không thể nào bỏ qua lễ hội Nghinh Ông. Lễ hội còn có tên gọi khác như Lễ Cầu Ngư, Lễ rước cốt Ông, Lễ rước cá Ông, Lễ cúng Ông, Lễ Nghinh Ông Thủy tướng,… Nhưng tất cả đều có chung một ý nghĩa với quan niệm “ Cá Ông” là thần bảo trợ nghề cá và các nghề khác trên biển. Từ đó lễ hội này trở thành một tín ngưỡng của ngư dân đánh bắt trên biển.
Cũng giống như các tỉnh ven biển khác, tại Cần Giờ cũng tổ chức lễ hội Nghinh Ông vào dịp rằm tháng 8 hàng năm. Vào dịp này hàng trăm ghe tàu được trang hoàng lộng lẫy với cờ hoa rực rỡ cùng giong thuyền tiến ra biển làm lễ cúng để cầu mong bình yên khi đi biển, cầu một mùa biển mới bội thu, đánh bắt được nhiều cá tôm, có được cuộc sống ấm no hạnh phúc, đây cũng là dịp để mọi người thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công trong việc chế tạo những phương tiện đi biển và ngư cụ đánh bắt thủy hải sản phục vụ cho ngư dân.
Lễ Nghinh Ông diễn ra từ ngày 15/8 Âm lịch đến ngày 17/8 Âm lịch hàng năm. Ngày 15/8 Âm lịch diễn ra các nghi thức lễ như Lễ Thượng Kỳ (là lễ treo cờ), Lễ mừng công Ngư dân Cần Giờ, Lễ cúng bạn cũ lái xưa Tiền hiền, Tiền hậu, Lễ Cầu An. Ngày 16/8 Âm lịch là ngày lễ chính của Hội, trọng tâm là lễ Nghinh Ông trên biển hay còn gọi là lễ cúng Ông diễn ra trên vùng biển thị trấn Cần Thạnh. Vào ngày 17/8 Âm lịch, tất cả các ban chủ sự đứng ra làm Đại lễ cổ truyền, cuối cùng là lễ tạ ơn Thần Nam Hải đây cũng là nghi lễ bế mạc. Ngoài việc tham dự lễ hội mọi người còn được tham gia vào các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và vui chơi giải trí. Lễ hội Nghinh ông còn là dịp để các ngư dân nghỉ ngơi, vui chơi sau những ngày đi biển gian khổ. Là khoảng thời gian để bạn bè gần xa gặp gỡ, thăm hỏi nhau và trao đổi những kinh nghiệm đi biển nâng cao kiến thức. Lễ hội đã trở thành một ngày Tết của ngư dân.
Thông tin chi tiết:
- Thời gian tổ chức lễ hội: Ngày 15/8 – 17/8 Âm lịch hàng năm.
- Địa điểm tổ chức lễ hội: Xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Lễ hội Kỳ Yên Đình Trường Thọ
Đình Trường Thọ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của bà con khu vực Thủ Đức, là nơi để người dân đến cầu mong cuộc sống bình an và mưa thuận gió hòa. Vì vậy, ngôi đình thờ rất nhiều vị thần khác nhau với một lòng thành kính và lễ độ.
Trong năm, Đình Trường Thọ diễn ra rất nhiều lễ, nhưng lễ hội Kỳ Yên được xem là lớn nhất và được tổ chức vào hai ngày 16 – 17/2 Âm lịch. Đây là lễ cầu an, nhằm suy tôn Thành Hoàng làng và các vị Tiền hiền, Tiền Hậu, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ngoài các nghi thức tế lễ, dâng rượu, học trò lễ đọc văn tế,… thì điểm khác biệt trong mỗi dịp lễ hội Kỳ Yên Đình Trường Thọ là đình không tổ chức hát Bội, không có đào thài so với nhiều ngôi đình khác ở Nam Bộ do kiêng kỵ với thần linh và lễ vật tế bên cạnh các thức cúng: hoa quả, bánh trà,… thì luôn có một con heo sống.
Thông tin chi tiết:
- Thời gian tổ chức lễ hội: 16 -17/2 Âm lịch hàng năm.
- Địa điểm tổ chức lễ hội: Phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Lễ hội Chùa Phước Hải (Chùa Ngọc Hoàng)
Chùa Phước Hải hay còn được gọi là chùa Ngọc Hoàng là một trong những ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ là nơi để mọi người đến cầu mong bình an, sức khỏe, chùa Ngọc Hoàng còn trở thành địa điểm tâm linh để cầu tình duyên và con cái. Hàng năm, ngôi chùa thu hút rất đông người dân địa phương và khách tham quan đến viếng chùa.
Chùa Phước Hải có rất nhiều ngày lễ vào ngày ngày rằm, ngày mùng 1 âm lịch, nhất là những ngày rằm lớn trong năm 15/1 âm lịch, 15/7 âm lịch hay 15/10 âm lịch, vào những ngày này có rất nhiều du khách đến lễ chùa. Đặc biệt, vào dịp lễ vía Ngọc Hoàng ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch hằng năm là lễ hội lớn nhất, thu hút hàng vạn người đến tham dự. Vào dịp lễ này, đêm tối mùng 8 tháng giêng, vị hòa thượng trụ trì chùa Phước Hải sẽ tổ chức tụng kinh cầu an. Bước sang ngày mồng 9 sẽ là ngày dành cho du khách đến để chiêm bái, trong đó có cả người Hoa và người Việt sinh sống tại Thành phố, cả du khách từ các tỉnh khác đều tề tựu về đây để cầu bình an, sức khỏe, mong công việc thuận lợi suôn sẻ, gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Thông tin chi tiết:
- Thời gian tổ chức lễ hội: 9/1 âm lịch hàng năm.
- Địa điểm tổ chức lễ hội: 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổng hợp các lễ hội nổi tiếng tại TPHCM mang đến cho du khách những trải nghiệm đặc biệt và không thể bỏ qua khi đến với thành phố này. Những lễ hội đều mang nét đẹp văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam và khu vực miền Nam. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để lựa chọn lễ hội thích hợp để tham gia.