Chợ tình được tái hiện nhằm khôi phục, tái hiện một phần giá trị của chợ tình Sa Pa xưa. Đồng thời giúp cho thế hệ trẻ đồng bào các dân tộc tại Sa Pa và du khách thập phương hiểu đúng về giá trị văn hóa của chợ tình, thu hút khách đến với Sa Pa.
Phong tục kéo vợ đã có từ lâu đời của người Mông. Chàng trai, cô gái người Mông sau một khoảng thời gian yêu đương, tìm hiểu nhau, tiến tới hôn nhân thì bước đầu tiên để hợp lí hóa vấn đề này là phải tổ chức kéo vợ. Thủ tục hoàn toàn được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, sau khi cô gái đã chấp nhận làm vợ chàng trai. Lúc lấy nhau thật cũng phải tổ chức kéo thì cô gái mới chịu về nhà chồng, không có cô gái nào tự bước chân về nhà chồng, ý nghĩa chính của việc kéo vợ thể hiện sự danh giá của người con gái. Trước ngày kéo vợ, chàng trai và cô gái đã bàn bạc, thống nhất với nhau về thời gian và địa điểm kéo. Chàng trai cũng nhân dịp cô gái xuống chợ một mình… để giới thiệu một số bạn bè của mình cho cô gái quen biết trước để khi tổ chức kéo vợ cô gái sẽ không bị bất ngờ. Khi về đến gần nhà trai, đoàn người kéo vợ cử một người chạy trước về báo với những người chờ sẵn trong nhà như bố, mẹ hay các cô, chú của chú rể bắt một đôi gà, một gà mái tơ, một gà trống chưa gáy đợi sẵn ở cửa chính khi đoàn người kéo cô dâu về đến đó thì người đó làm lý gọi hồn. Lúc cô dâu bước chân qua ngưỡng cửa nhà chàng trai cũng là lúc thủ tục kéo vợ hoàn thành.
Phong tục kéo vợ của đồng bào Mông cũng được tái hiện lại trong phiên chợ tình Sa Pa. Đây sẽ là hoạt cảnh ấn tượng nhất, bởi nét độc đáo vốn có của nó. Nếu muốn tận mắt chứng kiến cảnh kéo vợ độc đáo và hiểu thêm ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó, hãy ghé thăm Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch vào ngày 28/11 và 5/12.
Đỗ Hoa. ảnh: Phạm Bằng
Đăng bởi: Nhỏ Hiền
Từ khoá: Trải nghiệm hoạt cảnh kéo vợ tại chợ tình Sa Pa
Để lại một bình luận