Không biết là vì thiên nhiên khéo sắp đặt hay muốn tạo thuận lợi cho các phượt thủ mà các địa danh hiểm trở bậc nhất đều tập trung ở phía Tây Yên Bái như Tà Sì Láng, Háng Tề Chơ (Làng Nhì), Phình Hồ, Chế Tạo, Mù Cao … Với địa hình của các địa danh này, có lẽ chỉ phù hợp với các phượt thủ chuyên nghiệp, còn đối với những người không chuyên các bạn hãy… dè chừng nhé.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ điểm qua 4 địa danh tiêu biểu nhất của vùng Tây Yên Bái là Tà Sì Láng Háng Tề Chơ (Làng Nhì), Bản Mù (cùng thuộc huyện Trạm Tấu), Chế Tạo (Mù Cang Chải).
1. Đến Tây Yên Bái vào thời gian nào?
Bạn có thể đến Tây Yên Bái vào 2 khoảng thời gian đó là:
Giữa tháng 9 đến giữa tháng 10: Khoảng thời gian này Tây Yên Bái sẽ được phủ một màu vào óng của lúa vàng trên khắp cánh đồng ruộng bậc thang, là thời điểm thích hợp để các bạn có thể hòa mình vào cánh đồng rộng lớn và chụp những bức ảnh có 1 không 2, ghi lại những kỉ niệm cùng đoàn phượt.
Khoảng tháng 5-6: Bên cạnh mùa lúa chín, Yên Bái còn hấp dẫn du khách bằng nhưng cảnh cánh đống ruộng bậc thang mua đổ nước. Những cánh đồng cao dần cao dần, loang loáng nước trong nắng chiều sẽ để lại những kỉ niệm khó quên trong lòng du khách.
2. Đến Tây Yên Bái bằng phương tiện gì?
Muốn khám phá Yên Bái bạn có thể đến đây bằng 2 phương tiện, đó là xe đạp và xe máy. Chi tiết xin mời các bạn xem mục Đến Yên Bái bằng phương tiện nào? Trong bài Yên Bái cửa ngõ vùng Tây Bắc
3. Nhà nghỉ tại Tây Yên Bái
Hầu hết các địa danh có địa hình hiểm trở bậc nhất Tây Yên Bái thuộc huyện Trạm Tấu, vì thế khi đến đây bạn có thể đến:
Nhà khách Trạm Tấu
Địa chỉ: Khu III, Thị trấn Trạm Tấu, Trạm Tấu, Yên Bái
Điện thoại : 029 3876445- 0914 374113
4. Các địa danh không thể bỏ qua
Như đã nói ở trên, trong bài viết này chúng tôi chỉ giới thiệu 4 địa điểm nổi tiếng nhất, có địa hình khó chinh phục nhất ở phía Tây Yên Bái.
Tà Sì Láng
Đường vào Tà Sì Láng
Tà Sì Láng là một xã thuộc huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Phía bắc giáp Bản Mù, phía Tây giáp Phù Yên (Sơn La), phía Đông và Nam giáp huyện Văn Chấn. Dân cư ở đây 100% là người H’Mong, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nương. Với đặc điểm địa hình hiểm trở trên độ cao gần 2000m, đường vào Tà Sì Láng cực kỳ khó khăn. Trước đây chỉ có đường dân sinh nhưng nay cũng đã mở rộng khoảng 4-5m, thường xuyên sạt lở và ách tắc vào mùa mưa bão. Độ dốc của con đường cũng thuộc dạng khủng, từ 15-20%. (So với 6-8% độ dốc trung bình của các con đường khác ở Tây Bắc)
Háng Tề Chơ – Làng Nhì
Thác Háng Tề Chơ
Háng Tề Chơ (Háng Đề Chơ) là bản xa nhất của xã Làng Nhì, Trạm Tấu, Yên Bái. Đây là một bản tập trung khoảng vài chục hộ dân người Mông Đen, bản cũng sở hữu ngọn thác cùng tên Háng Tề Chơ, được coi là một ngọn thác đẹp trong danh sách các điểm đến của Tây Bắc.
Chế Tạo
Mùa phong Chế Tạo
Là một xã vùng cao của Mù Cang Chải giáp với Mường La của Sơn La, Chế Tạo là một trong những điểm đến đặc biệt khó trong giới du lịch bụi. Cách trung tâm huyện khoảng 35km nhưng thời chưa làm đường, phải mất đến nửa ngày mới có thể vào được đến trung tâm xã. Chế Tạo phù hợp với những nhóm bạn ưa offroad mạo hiểm, từ đây có đường nối sang xã Hua Trai, Mường La, Sơn La.
Bản Mù
Là một xã vùng cao của huyện Trạm Tấu, cách trung tâm huyện khoảng 12km. Nằm trên độ cao khoảng hơn 1000m so với mặt nước biển, Bản Mù quanh năm sương giăng kín lối với những ngôi nhà của đồng bào nằm lạc lõng trên những sườn núi.
5. Đặc sản Tây Yên Bái
Táo mèo
Vùng núi miền Tây Yên Bái không chỉ nổi tiếng với tầng tầng, lớp lớp ruộng bậc thang đã được xếp hạng danh thắng quốc gia, với những trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc, những điệu xòe của những cô gái Thái, những điệu khèn của các chàng trai Mông hay chè Shan tuyết suối Giàng sóng sánh, mà nơi đây còn nổi tiếng với một loại quả rừng vừa mang hương vị đậm đà vừa là vị thuốc quý cho sức khỏe đó chính là Sơn tra (tên gọi khác là quả Táo mèo).
Sơn tra là một loài cây rất khoẻ, phát triển tự nhiên trên những cánh rừng, cũng có thể sống ở khe núi, nơi khô hạn, thiếu đất, cành có nhiều gai sắc, chiều cao trung bình 7 – 10m, thân gỗ, tán lá rộng. Sơn tra ra hoa vào cuối mùa xuân (tháng 3 – 4) và cho thu hái quả vào mùa thu. Tháng 9, tháng 10 là tháng quả sơn tra chín rộ. Những quả sơn tra ngon là những quả nhỏ, có mầu hồng trắng hoặc vàng trong, hơi dẹt, khi gọt không có cảm giác sít tay, khi ăn táo có vị ngọt, giòn, hơi chua và chan chát (vì vậy có nơi còn gọi là quả chua chát) với mùi thơm hấp dẫn.
Sơn tra có thể làm thành nhiều món ngon như: ô mai sơn tra, rượu sơn tra, nước giải khát từ quả Sơn tra ngâm đường, v.v… Đặc biệt hơn loại quả này còn có tính năng kỳ diệu trong y học. Đối với đông y sơn tra có vị chua hơi chát, ngọt dịu, có tính ấm là một vị thuốc quý có tác dụng tiêu thực, chữa đầy bụng: dùng sơn tra khô 30g, sắc lấy nước uống thay trà trong ngày, uống 2 – 3 ngày. Chữa gan nhiễm mỡ: Mỗi ngày ăn 5-7 quả sơn tra, hoặc dùng 10-15 quả sắc nước uống. Sơn tra còn có tác dụng chữa ợ chua, cầm tiêu chảy, tiểu đường, giúp hạ mỡ máu, giãn động mạch vành, cải thiện sức co bóp của tim. Ngoài ra ở quả sơn tra hạt và ruột còn có nhiều tính năng như giảm béo, hạ huyết áp, chữa mất ngủ, an thần, cân bằng sinh lý và phòng chống tích cực các biến chứng do tăng huyết áp gây ra…để trị huyết áp cao, phòng biến chứng: Dùng sơn tra sao đen 12g, thảo quyết minh 12g, hoa cúc trắng 9g, ba thứ sấy khô tán nhỏ hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút là dùng được. Uống thay trà trong ngày.
Ngoài những tính năng trên thì sơn tra ngâm rượu cũng có tác dụng rất tốt và là đặc sản của núi rừng Yên Bái. Những quả sơn tra được chọn để ngâm rượu là loại quả nhỏ, hơi dẹt, vỏ có màu phớt hồng, màu trắng hoặc vàng trong. Khi đã chọn được những quả sơn tra ngon đem rửa sạch, để ráo, phơi qua nắng, sau đó thái lát mỏng theo chiều ngang quả, ngâm với đường. Sơn tra được ngâm đường khoảng 3 đến 6 tháng thì chắt hết nước đường rồi đổ rượu vào ngâm. Sơn tra được ngâm qua đường khi ngâm rượu sẽ ngon hơn, rượu ngâm đủ 100 ngày là có thể dùng được lúc này rượu có màu vàng óng sóng sánh, mùi thơm đặc trưng, uống êm không có cảm giác đau đầu. Uống điều độ với liều lượng thích hợp còn có tác dụng an thần, dễ ngủ, tiêu hoá tốt, đẹp da, giải độc, tốt cho hệ tim mạch. Chính vì vậy quả sơn tra được dùng nhiều trong các vị thuốc bồi bổ tinh thần và chế thành rượu vang khai vị được nhiều người ưa thích. Sơn tra cũng được dùng để giải khát mát và bổ trong mùa hè. Quả sơn tra rửa sạch để ráo, cắt hai đầu, bổ tư, để nguyên hột cho đường vào ngâm. Sau 3 đến 6 tháng nước cốt sẽ có mầu vàng sóng sánh, vị ngọt dịu pha uống cảm giác giống như vang, có vị chua, chát chát, ngọt và mùi thơm đặc trưng. Nước sơn tra có tác dụng giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng. Sơn tra cũng được dùng để muối ăn sổi. Sơn tra muối với đường, muối và ớt thành một món vừa có vị cay, mặn, ngọt, giòn và mùi thơm riêng có của loại quả này. Cũng vì có nhiều tính năng như vậy nên sơn tra đã trở thành một loại đặc sản của núi rừng Yên Bái và được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước biết đến tìm mua về làm quà cho bạn bè và người thân.
Đăng bởi: Sư Tử Trắng
Từ khoá: Về thăm Tây Yên Bái
Để lại một bình luận