Mỗi khi nhắc đến Quảng Ninh, chúng ta đều biết đến Vịnh Hạ Long, Chùa Cái Bầu, Chùa Ba Vàng, Chùa Yên Trung, Chùa Yên Tử,… và tất nhiên không thể không biết đến Đền Cửa Ông. Vậy Đền cửa Ông nằm ở đâu, có lịch sử như thế nào, thờ ai,… chúng ta hãy cùng chúng mình tìm hiểu nhé!
1. Giới thiệu và sự hình thành Đền Cửa Ông
1.1 Giới thiệu
Đền Cửa Ông thuộc địa phân phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đền tọa lạc trên một đỉnh núi nhìn ra Vịnh Bái Tử Long. Phong cảnh tại đây thì tuyệt đẹp.
Đền Cửa Ông cách vịnh Bái Tử Long 100m và được thiết kế như bao ngôi đền khác gồm: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Do ảnh hưởng của bom Mỹ nên đền Hạ và đền Trung bị hỏng. Đến nay đã được tu bổ rất nhiều lần song vẫn giữ được nét đẹp cổ kính của ngôi đền. Hai bên đền được bao bọc bởi hai ngọn đồi nhỏ, hai bên đồi là hai ngọn Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ. Đằng sau đền là dãy núi chạy qua Cẩm Phả và Mông Dương. Đằng trước đền Thương là tam quan, đằng sau là lăng Trần Quốc Tảng, bên phải là một ngôi chùa, bên trái là nơi cho du khách thập phương đến nghỉ ngơi và vào lễ tế.
Nơi đây thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, con trai thứ 3 của Trần Hưng Đạo.
Đền Cửa Ông ngày nắng đẹp! (nguồn FB)
1.2 Sự hình thành
Vào lúc đất nước ta bị giặc Nguyên Mông xâm chiếm, tướng lĩnh Trần Quốc Tảng là người đã có nhiều công lao trong việc dẹp lũ cướp nước này. Cùng với đó, ông và các binh sẽ nhà Trần đã đóng quân tại vùng biên ải Cửa Ông và lãnh hải Đông Bắc để không những bảo vệ biên giới mà còn đem lại bình yên cho người dân nơi đây. Năm 1313, Trần Quốc Tảng mất. Sau đó, theo lời người dân truyền lại thì ông đã hiển thánh tại khu Vườn Nhãn (ngày nay là Đền Cửa Ông), nên người dân đã tâu lên với vua Trần Anh Tông. Vua đã chấp thuận và chu cấp tiền bạc cho người dân lập nên Đền Cửa Ông ngày nay.
Khác với các ngôi đền khác thì trước khi thờ tướng lĩnh Trần Quốc Tảng thì đền Cửa Ông có tên gọi là Miếu Hoàng tiết chế. Ngôi miếu này thờ Hoàng Cần. Hoàng Cần là một người dân có nhiều công đánh giặc nên được vua phong “Khâm sai Đông Đạo Tiết chế”.
Đền Cửa Ông (nguồn FB)
Đền Cửa Ông không những linh thiêng mà còn là ngôi đền duy nhất thờ toàn bộ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông. Nơi đây có đầy đủ 34 pho tượng quý, đó là tượng Trần Hưng Đạo, tượng Thánh Mẫu (phu nhân Trần Hưng Đạo), hai công chúa (con gái Trần Hưng Đạo), Trần Quốc Tảng, Trần Khánh Dư, Trần Anh Tông, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Đỗ Khắc Chung,…Các pho tượng trên đều có giá trị nghệ thuật rất cao, được các nghệ nhân tạc tượng trạm trổ công phu, tỉ mỉ, sắc nét.
2. Cách đi từ Hà Nội đến đền Cửa Ông
Trên google map tính từ trung tâm Hà Nội đến đền Cửa Ông thì quãng đường dài 196km.
Theo mình thì bạn nên di chuyển theo phương án đi đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Tuy quãng đường này xa hơn bình thường 20km nhưng sẽ nhanh hơn 30p và còn tránh được các khu vực đông dân cư. Như vậy chuyến đi sẽ mất khoảng 3 tiếng theo lộ trình: theo đường quốc lộ 5B -> cầu Thanh Trì -> 80km đến QL10 (có trạm thu phí) -> hết cao tốc rẽ trái theo hướng Hải Phòng -> Hạ Long -> cầu Bãi Cháy -> Cẩm Phả -> 39km nữa welcome to đền Cửa Ông ^^.
Sương sương quãng đường từ Hà Nội đến đền Cửa Ông.
3. Những thông tin cần biết về đền Cửa Ông
3.1. Khi nào đền Cửa Ông lễ chính và diễn ra lễ hội?
Đền Cửa Ông không chỉ nổi tiếng về sự linh thiêng mà còn nổi tiếng về lễ hội nơi đây. Vào 3/2 âm lịch hằng năm đền Cửa Ông sẽ chính lễ, vì vậy các du khách có thể đến hành hương và xin lộc cầu tài. Ngoài ra thì du khách còn có thể đến từ đêm Giao thừa để du xuân. Các công tác phục vụ luôn sẵn sàng, giao thông thuận tiện, vệ sinh sạch sẽ và đảm bảo an ninh để du khách khắp mọi miền về với vùng Đông Bắc Tổ quốc trong những ngày đầu năm mới.
Bên cạnh việc lễ hội đền Cửa Ông diễn ra vào 3/2 âm lịch hằng năm thì cứ 2 năm một lần UBND Phường Cửa Ông lại tổ chức lễ rước kiệu Đức Ông vi hành địa phương, để người dân và du khách tứ phương được chiêm bái cũng như hiểu sâu sắc hơn về công lao to lớn của vị anh hùng Trần Quốc Tảng trong công cuộc đánh phá quân Mông – Nguyên.
Lễ tại đền Cửa Ông.(nguồn FB)
Về lễ hội thì có hai phần: phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ là các nghi thức tế lễ trang nghiêm tại đền Thượng và lễ rước kiệu Đức Ông. Phần Hội gồm các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, cờ người, têm trầu,… đều mang đậm nét truyền thống dân tộc. Toàn bộ phần lễ hội sẽ diễn ra trong hai ngày âm lịch 3/2 và 4/2 với sự tham gia đông đảo của người dân địa phương và sự quan tâm của khách bốn phương về đây hội tụ.
Buổi tối trong lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động như: diễn tuồng, chèo, lễ tưởng niệm Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng.
Cuộc thi nấu cơm tại đền Cửa Ông. (nguồn FB)
Vào năm 2016, đền Cửa Ông được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Nghị định số 4036/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bạn lưu ý rằng nếu xe khách to thì phải đỗ đến Sân vận động Cửa Ông nhé.
3.2. Vào đền Cửa Ông có mất vé không?
Thường thì đền chùa sẽ không thu vé các bạn nhé và đền Cửa Ông cũng vậy.
4. Các điểm thăm quan chi tiết tại đền Cửa Ông
a. Trong khu vực Đền Cửa Ông, tại đền Thượng ngời thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng còn có Chùa thờ Phật và Tuệ Trung Thượng Sỹ, Lăng mộ và thờ các quan cận thần, gia quyến của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đền Trung thờ Đông đạo Tiết chế Hoàng Cần. Đền Hạ thờ Tam toà Thánh Mẫu và đền thờ Trung thiên Long Mẫu. Du khách nên đi hết 3 đền này để khám phá vẻ đẹp và sự linh thiêng của đền Cửa Ông.
Đền Cửa Ông
b. Tượng đài Trần Quốc Tảng
Trước kia, pho tượng cũ Trần Quốc Tảng được đặt ở trước cổng đền. Tượng được đúc bằng Đồng, cao 10 mét và nặng trên 40 tấn. Sau 2 lần di chuyển và trung tu, năm 2018 tượng Đức Ông Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng chính thức tượng sơn tọa tại dải núi phía nam cách đền Thượng 150km nhìn ra Vịnh Bái Tử Long.
Tượng đài Trần Quốc Tảng trước khi dời lên đỉnh núi.
c. Tín ngưỡng Thờ Mẫu
Đền Hạ của đền Cửa Ông bản chất là thờ đạo Mẫu. Bên cạnh việc thờ Trung Thiên Long Mẫu là một vị thủy thần thì còn thờ Vân Hương Thánh Mẫu và các Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải,… cùng các ông Hoàng Bảy, Hoàng Bơ, Hoàng Mười. Cạnh đền Thượng cũng có đền quan Tuần Tranh, quan Chánh, quan Giám sát,… Bạn đi hết cũng thấm mệt đó ^^.
Từ Đền Thượng nhìn ra Vịnh Bái Tử Long.
5. Những lưu ý cần thiết qua kinh nghiệm đi đền Cửa Ông.
1. Bạn nên lưu ý khi vào đền ăn mặc chỉnh chu, không nên mặc váy ngắn hay quần áo hở hang.
2. Bởi địa hình đồi núi và phải leo bậc thang lên các đền nên bạn nên đi giày thể thao hoặc dép quai hậu gót thấp để tiện cho việc đi lại.
3. Tại các hàng bày bán, bạn không nên mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, không nên tin vào các lời mê tín dị đoan, mua thần bán thánh ở khu du lịch,…
4. Ngoài ra, đi đền, chùa thì bạn nên đem theo nhiều tiền lẻ vừa để vào lễ chùa, vừa quyên góp. Không nên bỏ tiền vào pho tượng, giếng, bát hương,.. gây mất mỹ quan cho nơi thanh thịnh. Bạn chỉ cần bỏ lên đồ lễ của mình hoặc Hòm Công đức là đủ nha.
Trên đây là toàn bộ chia sẻ của mình về những điều bạn nên biết bạn có ý định đi đền Cửa Ông. Sau chuyến đi này, chắc hẳn bạn sẽ ấp ủ các chuyến đi khác thú vị không kém nơi đây, hãy cùng chúng mình tham khảo 10 Địa điểm lý tưởng để đi du lịch mùa hè 2020 nhé! Chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ và an toàn.
Đăng bởi: Đinh Xuân Tùng
Trả lời