Sáng hôm đó, khoảng 5g30 thì mình bắt đầu xuất phát. Sài Gòn những ngày cuối năm thời tiết thật dễ chịu: đã không còn mưa nhiều (có chăng chỉ là những cơn mưa nhỏ trái mùa rồi tạnh ngay), và nhiệt độ thì tầm 24-26 độ C vào lúc sáng sớm (có khi xuống còn 19-20 độ C nữa).
Mình sẽ theo con đường mà mình thường đi nhất để hướng về miền Tây Nam bộ: từ Thủ Đức qua Bình Thạnh, rồi quận 1, quận 10, quận 11, quận 5, quận 6, Bình Chánh và đến được địa phận Long An theo quốc lộ 1A.
Ngang qua cầu Bình Triệu, nối quận Thủ Đức (à không, giờ là thành phố Thủ Đức, thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam) với quận Bình Thạnh. Xa xa là tòa nhà cao nhất Đông Nam Á, tức cũng là tòa nhà cao nhất Việt Nam – The Landmark 81.
Sông Sài Gòn nhìn từ cầu Bình Triệu. Trăng 17 chưa tàn.
Trong địa phận tỉnh Long An rồi đây. Đoạn này đặc trưng bởi những quầy hàng bán các bao bánh tráng trộn to đùng.
Một cánh đồng lúa đã gặt xong
Đi du lịch bằng xe máy cứ thích nhìn những tấm bảng chỉ đường kiểu này…
Qua một cây cầu
Cảnh nhìn xuống từ cầu
Đang mùa hoa huỳnh liên (hoa chuông vàng) nở rộ
Ghé vào một quán chay trên quốc lộ 1A, địa phận tỉnh Tiền Giang để ăn sáng
Quán có bán đủ các món từ cơm, phở, hủ tiếu cho đến bánh mì…
Quán còn tổ chức các chuyến du lịch hành hương cho du khách có nhu cầu nữa
Gọi một tô hủ tiếu chay khá ngon (có điều ở đây ăn hủ tiếu với rau má hả ta?!). Về miền Tây mà không ăn món này thì thiệt là thiếu sót! Tô này hình như 12.000 đ hay 15.000 đ gì đó. Nói chung vật giá đồ chay ở các tỉnh miền Tây Nam bộ nói chung đều khá rẻ.
Lại tiếp tục đi. Đã tới đoạn bán lạp xưởng bò heo các loại nổi tiếng của thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Lại qua một cây cầu
Và thường để ý nha, ở các tỉnh miền Tây Nam bộ Việt Nam mình, cứ đi qua một cây cầu lớn thì dưới chân cầu y như rằng là một cái chợ. Có lẽ theo truyền thống dễ hiểu, chợ được hình thành bên một bến sông lớn, nơi xưa kia thuyền bè qua lại tấp nập, giao thương trao đổi mua bán sản phẩm với người dân địa phương.
Vĩnh Long còn 16 km
Hoa chuông vàng nở đẹp quá chừng!
Chuẩn bị qua cầu Mỹ Thuận – nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Vĩnh Long
Hồi xưa mà đi du lịch bằng xe máy thời chưa có bản đồ online hay offline trên điện thoại thì đa số nhờ vào những bảng chỉ đường dọc đường như thế này. Nếu ghé vô đâu đó tham quan thì hoặc là phải đọc bản đồ trước ở nhà, áng chừng mạy mạy tới chỗ này chỗ kia thì quẹo, còn thực tế đi bị lạc thì phải dừng hỏi người dân địa phương rất nhiều lần mới đến được. Đi kiểu vậy tuy hơi tốn thời gian, nhưng vẫn đến được nơi cần đến, mà quan trọng là có cơ hội giao lưu học hỏi với người dân địa phương. Bây giờ đi du lịch đã có bản đồ số mang theo bên mình, tuy cũng vẫn có thể bị lạc do bản đồ không phải lúc nào cũng đúng, nhưng cơ hội tương tác với dân bản địa ít đi. Thôi thì cũng là một xu thế phát triển của xã hội, là hai mặt được và mất luôn tồn tại song song của cuộc sống.
Cầu Mỹ Thuận là cây cầu dây văng và cầu bắc qua sông Cửu Long đầu tiên ở Việt Nam.
Sông Tiền nhìn từ cầu Mỹ Thuận
Xuống cầu, nếu quẹo phải sẽ là hướng đi thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), An Giang, còn quẹo trái là đi Vĩnh Long – Cần Thơ. Từ đây đã có thể nhìn thấy tòa bảo tháp chùa Phật Ngọc Xá Lợi hoành tráng của thành phố Vĩnh Long.
Quốc lộ 1A, địa phận thành phố Vĩnh Long
Ghé vô chùa Phật Ngọc Xá Lợi đẹp mắt với bảo tháp 9 tầng…
… cùng với tượng Đức Quán Thế Âm lộ thiên cao 32 m
Các bạn xem thêm ảnh và thông tin của chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long qua bài viết chi tiết này nha. Theo mình, đây là một ngôi chùa lớn, rộng, kiến trúc đẹp mắt mà nếu có dịp đi ngang qua thì bạn nên ghé chiêm bái.
Rời chùa Phật Ngọc Xá Lợi, mình thẳng tiến về tỉnh Hậu Giang, để điểm dừng chân cuối cùng là thị xã Ngã Năm của tỉnh Sóc Trăng. Nhưng trên đường đi, mình chợt nhớ ra từng đọc một bài viết về điểm tham quan thú vị ở Cần Thơ, nên quyết định ghé qua xíu, đó là di tích lịch sử Giàn Gừa.
Cảnh sông nước miền Tây, địa phận tỉnh Vĩnh Long
Thời điểm này mình mới sử dụng chiếc máy ảnh Fujifilm X-A10 nên chưa có thời gian và cơ hội làm quen, thử nghiệm nhiều chế độ chụp khác nhau. Ảnh hiện tại đang chụp ở chế độ tự động – Phong Cảnh (Landscape), nên không được hài lòng cho lắm: giữa trời nắng gắt thì chỗ nào tối sẽ cực tối, màu ảnh cũng chưa hài lòng nữa.
Một cây cầu con con dẫn lối vào ngôi nhà (hay chòi?) đơn sơ
Qua cầu Cần Thơ – cầu dây văng lớn thứ hai ở Việt Nam (cầu dây văng lớn nhất là cầu Nhật Tân, bắc qua sông Hồng ở Hà Nội), bắc qua sông Hậu, nối liền tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Cầu Cần Thơ cũng mang một kỷ lục khác, là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Cảnh xanh mướt của cây cối nhìn từ cầu Cần Thơ
Một góc sông Hậu
Qua một con kênh
Lại qua một cây cầu
Thỉnh thoảng, mình có dừng xe để xem bản đồ trên điện thoại xem đi đúng hướng hay chưa. Do ở nhà đã có Wifi rồi, nên mỗi lần đi chơi xa thì mình mới cài 4G cho điện thoại (của Mobifone, ngày tốn 5.000 đ, dùng cũng êm lắm, nhưng phải nhớ khi hết dùng thì nhắn tin hủy gói đi, chứ không thì bên hãng sẽ tự động gia hạn sau khi đã hết thời gian 24 tiếng kể từ lúc cài đặt).
Mỗi lần đi chơi xa (thường là bằng xe máy) mà về đến nhà là người ngợm mình “thân tàn ma dại”, mụn nổi tè le hết cả. Lý do thì có nhiều lắm, chẳng hạn lúc đi chơi thì mình ngại uống nước, vì mất công tìm chỗ đi tè (người mình kỳ lắm, uống nước vô cái là mắc liền à!!!); thứ hai là nếu đi một mình hoặc tới chỗ không có nhiều sự lựa chọn đồ ăn thì mình cũng ít ăn, thậm chí nhịn ăn, bỏ bữa. Thứ ba là nắng gió, khói bụi, kẹt xe, mệt mỏi cho chạy xe hoặc ngồi sau xe (thường ngồi sau thấy còn mệt hơn người lái), mặc dù đã có trang bị bao tay, áo khoác, khăn choàng bịt kín, nhưng vẫn bị ảnh hưởng. Thậm chí, việc thỉnh thoảng mới tháo bao tay ra xem bản đồ, dính xíu nắng gió, nhưng về đến nhà, thể nào tay cũng bị sạm đen hoặc nổi đốm nâu, phải 2-3 tháng sau mới hết.
Nhưng than thì than xíu vậy thôi, chứ còn thích đi thì An đây chấp hết!
Con đường rẽ vào khu di tích lịch sử Giàn Gừa
Qua những đoạn trồng hoa màu của người dân
Đây, di tích lịch sử Giàn Gừa độc đáo với cây gừa được phong là cây Di sản Việt Nam. Chi tiết cụ thể di tích này, bạn vui lòng đọc thêm bài này nha!
Ảnh tự chụp trước khu di tích
Ảnh chụp trước cổng khu di tích, có lẽ ai đó đang bày bán. Đây có phải là đọt choại (đọt chạy) – một loại rau rừng – không ta?
(Còn tiếp)
*** Bài viết có sử dụng tư liệu được biên tập lại từ nhiều nguồn trên Internet.
Đăng bởi: Thùy Trâm
Từ khoá: Kể chuyện một mình rong ruổi miền Tây Nam bộ bằng xe máy (2)
Để lại một bình luận