Bạc Liêu được xem là thủ phủ của cánh đồng muối ăn của Việt Nam, bởi đây là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất cả nước. Bạc Liêu có 2 địa phương làm muối nổi tiếng là huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải. Với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển, diêm dân ở Bạc Liêu đã tích lũy những kỹ năng thực hành và truyền nghề làm muối độc đáo, riêng có.
Nghề làm muối nhọc nhằn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi trời nắng nhiều thì diêm dân trúng mùa, còn nếu bất chợt mưa dông đổ xuống khi muối chưa đủ độ mặn để cạo thì coi như công sức đổ xuống sông, xuống biển. Theo bà con diêm dân, mùa làm muối ở đây thường được bắt đầu từ khoảng tháng 11 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau.
Làm muối không tốn nhiều kinh phí đầu tư mà cần nhất là sự cần cù, chịu khó và kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều năm. Dù lao động vất vả nhưng người Bạc Liêu vẫn cố gắng giữ nghề làm muối. Nghề truyền nghề, nghiệp nối nghiệp cho đến tận ngày nay.
Trước khi vào sản xuất, diêm dân phải trữ nước và làm sân phơi thật kỹ, cải tạo bằng xe cơ giới, lu phẳng để mặt sân chắc chắn và láng để đón nguồn nước biển. Sau 12 – 18 ngày, nhờ cái nắng chói chang của đất trời mà nước biển bốc hơi tạo thành muối. Lúc này diêm dân dùng cào thu hoạch muối. Họ thường cào vào sáng sớm hoặc đầu giờ chiều. Sau đó để khoảng 3 – 4 giờ cho rút nước rồi đổ muối vào xe đẩy, vận chuyển đến nơi tập kết.
Có thể nói, những người đi tiên phong trong việc khai phá đất hoang rừng ngập mặn ven biển để sản xuất muối ăn là những người Hoa, với kỹ thuật phơi nước biển theo những cấp “xa kề – nhì kề – xắp chuối” để kết tinh được hạt muối từ nước biển đại dương. Vào thời Pháp thuộc và Mỹ đô hộ nước ta, muối Bạc Liêu được thâu tóm trong tay của nhiều điền chủ sản xuất kinh doanh muối nổi tiếng, chiếm cứ tại dọc tả ngạn và hữu ngạn con sông Bạc Liêu, mà cho đến nay vẫn còn hiện diện các công trình nhà ở kiến trúc kiểu Pháp, trong đó có cả các dinh thự to lớn nổi tiếng của công tử Bạc Liêu, cũng là một trong những ông chủ kinh doanh muối ở Bạc Liêu thời bấy giờ.
Với màu trắng hồng, ánh xám bắt mắt; không mùi; vị mặn đậm đà; không vị đắng; hạt khô và chắc; muối sạch không lẫn tạp chất… chính những yếu tố này đã làm nên thương hiệu muối Bạc Liêu từ bao đời nay. Hạt muối Bạc Liêu còn được người dân cất giữ trong các keo thủy tinh, chôn trong đất nhiều năm có tác dụng chữa một số bệnh và chăm sóc sắc đẹp rất hiệu nghiệm.
Trước đây, phần lớn muối được sản xuất trực tiếp trên cánh đồng theo phương pháp truyền thống. Thế nhưng hiện nay, bà con đã biết tận dụng cơ hội, sử dụng tốt kỹ thuật công nghệ mới thay thế cách làm thủ công truyền thống, cho ra hạt muối có giá trị kinh tế cao hơn, chú trọng vào chất lượng thay vì số lượng.
Và một trong những động lực rất lớn để diêm dân vững tâm duy trì nghề truyền thống này là năm 2013, muối ăn Bạc Liêu đã được chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý là thương hiệu quốc gia. Đặc biệt, ngày 30-9-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2746 đưa nghề làm muối ở Bạc Liêu vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Muối Bạc Liêu không chỉ là đặc sản ẩm thực mà còn chứa đựng nhiều nét văn hóa của người dân miền biển ở Bạc Liêu. Không những thế, với những ruộng muối mênh mông, phủ một màu trắng tinh khiết đã làm nên một khung cảnh tuyệt đẹp thu hút đông đảo khách du lịch Bạc Liêu đến đây mỗi năm.
Với những ai yêu thích và muốn được trải nghiệm ở vùng nắng gió, ven biển thì vùng Hòa Bình – Đông Hải này có lẽ sẽ là một nơi thú vị.
Điều ấn tượng đầu tiên khi đến đây đó là khung cảnh thơ mộng, trong lành, cả ruộng muối rộng lớn, bát ngát được phủ kín bởi màu trắng tinh khôi của những hạt muối li ti. Khi có ánh nắng mặt trời chiếu vào, ruộng muối trở nên lung linh, lấp lánh đẹp đến ngỡ ngàng.
Ruộng muối được chia thành các ô nhỏ vuông vắn, thẳng tắp nhìn rất bắt mắt, xung quanh là những bờ biển xanh thăm thẳm trải dài. Muối khi được thu hoạch sẽ được gộp thành những đống to, nhỏ khác nhau, nhìn từ xa như những viên kim cương nhấp nhô giữa cánh đồng.
Không chỉ có khung cảnh đẹp, cảnh tượng người dân nơi đây chăm chỉ, cần mẫn thu hoạch muối nhìn cũng thật duyên dáng và đẹp đến mê hồn. Đến đây, du khách có thể thoải mái “sống ảo”, lưu lại những tấm ảnh đẹp cùng với bạn bè người thân.
Du khách nên đến đây vào buổi sáng hoặc buổi tối để bắt được những khung cảnh đẹp nhất của cánh đồng muối. Và đặc biệt quý khách nên tránh đến vào buổi trưa bởi đây là thời điểm nắng gắt, nước đang bốc hơi để hình thành muối nên sẽ rất nóng nực, oi bức.
Khi tham quan ở cánh đồng muối Bạc Liêu và chụp ảnh nhớ xin phép trước người dân ở đây để không làm ảnh hưởng đến công việc của họ.
Ảnh: Sưu tầm
Đăng bởi: Hữu Trường
Từ khoá: Vẻ đẹp cánh đồng muối Bạc Liêu
Trả lời