Nằm ở trung tâm của vùng Đông Bắc, Tuyên Quang được xem là một trong những nơi có phong cảnh thiên nhiên “sơn thuỷ hữu tình” với nhiều thắng cảnh kỳ thú, độc đáo và hấp dẫn. Tuyên Quang là địa danh gắn với quá trình hình thành đất nước Việt Nam và còn là nơi khởi phát, hội tụ và giao thoa sắc thái văn hoá của các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc. Tất cả các yếu tố này đã tạo nên một Tuyên Quang với tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Tuyên Quang có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Tuyên Quang trong bài viết sau đây nhé.
Na Hang – Tuyên Quang
Nhắc tới Na Hang, không thể không nhắc tới hồ Na Hang một địa điểm được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” của tỉnh Tuyên Quang. Nằm cách thành phố Tuyên Quang 110km, với cảnh quan kỳ vĩ, thiên nhiên hùng vĩ, Khu du lịch sinh thái Na Hang đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Không chỉ có phong cảnh thiên nhiên đẹp, Na Hang còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Na Hang – Tuyên Quang
Na Hang theo tiếng của dân tộc Tày có nghĩa là “ruộng cuối”. Na Hang có những cánh đồng lúa xanh mướt xen kẽ với núi đá vôi, những khu rừng nguyên sinh, đặc biệt là hồ trên núi tạo nên phong cảnh hữu tình, giống như một bức tranh cổ tích nổi bật nổi bật giữa đại ngàn xanh tươi.
Nằm trên địa bàn hai huyện Na Hang và Lâm Bình, Khu Du lịch sinh thái Na Hang có tổng diện tích 15.000ha trong đó bao gồm 8000ha diện tích mặt nước. Hồ Na Hang – Lâm Bình là một trong những hồ thủy điện lớn nhất khu vực phía Bắc và nối liền với khu danh thắng Quốc gia Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn. Na Hang từ lâu đã nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên phong phú với nhiều cảnh quan kỳ vĩ. Anh Nguyễn Việt, ở Thành phố Tuyên Quang, chia sẻ: “Gia đình chúng tôi rất hay lên Na Hang để khám phá và nghỉ ngơi vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ. Rất nhiều người bạn của gia đình tôi ở Hà Nội, Hải phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ… đã hỏi tôi về Na Hang và tôi đã đưa họ lên đây thăm quan. Họ rất ấn tượng bởi phong cảnh, con người và những nét văn hóa của vùng đất này”.
Nhắc tới Na Hang, không thể không nhắc tới hồ Na Hang một địa điểm được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” của tỉnh Tuyên Quang. Hồ sinh thái Lâm Bình – Na Hang là nơi hội tụ của hai dòng sông Gâm và sông Năng. Trên lòng hồ, Na Hang hiện lên với vẻ yên tĩnh, trầm mặc, là sự kết hợp tuyệt vời của núi non, sông nước hòa quyện với cảnh sắc mây trời. Mặt nước hồ phẳng lặng, lúc nào cũng xanh trong như một tấm gương in đậm bóng núi, được bao bọc bởi 99 ngọn núi hùng vĩ, hình dáng khác nhau, tất cả in hình lên nền trời xanh, hòa lẫn với làn nước xanh thăm thẳm, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự kì diệu của tạo hóa.
Trong những năm gần đây, huyện Na Hang đã xây dựng được các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ với chiều dài khoảng 70km, các tour du lịch sẽ đưa du khách đắm mình với thiên nhiên sông nước và núi rừng, được tìm hiểu về từng sự tích gắn với mỗi địa danh nơi đây. Bên cạnh những địa danh, sự tích đã đi vào lịch sử ở nơi đây như: Thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, hang Phia Vài, hòn Cọc Vài, vách đá Nàng Tiên – Chú Khách, động Song Long… những khu rừng nguyên sinh trải dài theo hai triền sông tạo nên cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, kỳ thú, hình thành nên những tour, tuyến du lịch dã ngoại, ngắm cảnh thiên nhiên bằng du thuyền đầy thú vị của du khách khi đến với Na Hang.
Du khách đến với Na Hang có thể đến thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung (Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang) nằm trên địa bàn 4 xã: Khau Tinh, Côn Lôn, Sơn Phú và Thanh Tương. Với diện tích trên 21.000 ha, khu bảo tồn có nhiều loài động vật quý hiếm trong đó có loài Vọoc mũi hếch ghi trong sách đỏ thế giới, cùng nhiều loại thực vật quý như đinh, lát, trai, sến táu… hay những những cây nghiến hàng ngàn năm tuổi vẫn được gìn giữ và bảo vệ tại đây. Bà Đỗ Thu Hằng, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Rất thú vị. Quang cảnh nơi đây rất trong lành. Nước hồ Na Hang xanh biếc khiến chúng ta nghĩ đến đang đi trong một vịnh ở biển, cùng những dãy núi mờ ảo trong mây với hình dáng rất đặc biệt. Tôi thích nhất là đi lội suối, được những chú cá nhỏ massage chân… Tôi nghĩ rằng rất nhiều người có cảm giác thích thú như tôi”.
Na Hang – Tuyên Quang
Na Hang có nền văn hóa độc đáo của 12 dân tộc đang cư trú, vì vậy không chỉ tham quan du lịch lòng hồ, du khách đến với Na Hang còn được khám phá đời sống thường nhật của đồng bào dân tộc nơi đây. Đó là lòng mến khách nồng hậu và nhiệt tình của đồng bào nơi miền núi cao, là những điệu hát then, hát lượn của dân tộc Tày, hát sli của dân tộc Nùng, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu… Nếu may mắn đến đây vào dịp lễ hội, du khách sẽ được tham gia các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Lồng Tông của người Tày, người Nùng, lễ Cấp Sắc, lễ Tơ Hồng, lễ Rước Dâu của người Dao. Hay dịp cuối tuần, du khách có thể ghé thăm chợ vùng cao Thượng Lâm, thường họp vào thứ năm và chủ Nhật hàng tuần.
Loại hình du lịch ở cùng người dân bản địa (homestay) đã được người dân nơi đây xây dựng để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách thập phương. Đến đây, du khách sẽ ăn, ngủ tại nhà dân, sinh hoạt và lao động cùng với người dân. Ông Triệu Văn Đội, chủ căn nhà homestay ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Vùng đất này nổi tiếng với rượu men lá cùng nhiều món ngon như cá bỗng – loại các chỉ sống ở vùng nước sạch, thịt thơm ngon; hay thịt vịt được các hộ dân nuôi bên bờ hồ, bờ suối, cùng những loại rau đặc sản như bò khai, măng đắng: “Tận dụng ngôi nhà sàn, hơn 1 năm qua tôi sửa sang và làm homestay để phục vụ khách du lịch. Trong thời gian tới chúng tôi mong du khách sẽ biết đến Na Hang nhiều hơn, để chúng tôi có thể phục vụ tốt hơn”.
Trước đây đến Na Hang rất khó khăn do điều kiện đường xá chưa phát triển, chỉ có một con đường độc đạo, hiểm trở. Tuy nhiên những năm gần đây, con đường vào Na Hang đã được sửa chữa, việc đi lại của người dân và du khách rất thuận tiện… Điều này giúp cho Na Hang đang trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm.
Thác Mơ – Tuyên Quang
Nằm trong Khu du lịch sinh thái Na Hang, thuộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang cách thành phố Tuyên Quang 110km, vẻ đẹp thơ mộng của Thác Mơ từ lâu đã trở thành biểu tượng du lịch của huyện Na Hang. Làn nước trong xanh, mát lạnh sẽ làm bạn ngất ngây ngay từ lần đầu đặt chân tới nơi đây.
Thác Mơ – Tuyên Quang
Thác Mơ hay còn gọi là thác Pác Ban, được đổ xuống hồ nước trong xanh vời vợi từ đỉnh núi Pắc Ban, từng ngọn thác mềm mại, trắng xóa một thiếu nữ duyên dáng tạo nên khung cảnh giữa núi rừng Na Hang hùng vĩ. Truyền thuyết kể rằng: “Thác Mơ là câu chuyện đầy cảm động về vợ chồng nàng Mơ sinh sống dưới chân núi Pắc Ban. Xưa kia, dưới chân núi Pắc Ban là ngôi nhà ấm cúng của vợ chồng nàng Mơ, sống bằng nghề hái thuốc. Nàng Mơ nhan sắc nhất vùng, da nàng trắng như hoa ban, mắt nàng trong như nước hồ, môi nàng hồng tươi như bông hoa gạo. Một hôm người chồng lên đỉnh núi hái thuốc và chàng đã không trở về. Nàng Mơ ở nhà nhớ thương chồng da diết, nàng quyết chí lên đỉnh Pắc Ban tìm chồng. Nàng mải miết đi nhưng lạ thay cứ gần đến đỉnh núi thì trời bỗng tối sầm, nàng lại phải nghỉ chân, sáng dậy thì đỉnh núi lại cao chót vót. Một ngày kia khi màu đen của màn đêm đã trùm khắp đỉnh núi, nhưng nàng vẫn đi và đêm đen đã làm nàng ngã xuống triền núi và biến thành dòng thác”.
Thác Mơ có ba tầng thác: Tầng thứ nhất, thác nước như thể hiện sức mạnh với tiếng nước đổ dữ dội, các con nước nối đuôi nhau bật vào những khối đá chắn ngang dòng tung bọt trắng xóa; Tầng thứ hai dòng nước nhẹ nhàng luồn qua những kẽ đá, chân thác có một hồ nước nhỏ trong vắt, người ta bảo rằng hồ nước ấy chính là nước mắt của nàng Mơ ngồi khóc ở đó mỗi khi đêm xuống; Tầng thứ 3 là đỉnh của thác, nước từ trên cao dội xuống như một máng nước khổng lồ. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa là khung cảnh của những vạt rừng nguyên sinh, cùng với tiếng chim hot líu lo và ánh nắng rực rỡ xuyên qua những tán cây rừng rậm rạp sẽ là trải nghiệm thú vị trong hành trình khám phá vẻ đẹp của thác Mơ.
Thác Mơ Na Hang thật sự là một điểm du lịch tuyệt vời trong hành trình khám phá núi rừng Tây Bắc! Đến với nơi đây, bạn sẽ được tận hưởng một không gian thanh bình, gần gũi với thiên nhiên hoang sơ giúp xua tan đi mọi áp lực, lo toan trong cuộc sống đời thường.
Thác Bản Ba – Tuyên Quang
Được xếp hạng danh thắng Quốc gia vào năm 2007, thác Bản Ba là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Chiêm Hóa nói riêng và Tuyên Quang nói chung.
Thác Bản Ba – Tuyên Quang
Thác Bản Ba nằm bên triền núi Phiêng Khàng, thuộc xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, cách TP Tuyên Quang 70 km. Từ Chiêm Hóa, con đường nhỏ rẽ vào thác dài 25 km nằm sâu trong rừng già, giữa thiên nhiên xanh và núi non trùng điệp.
Thác Bản Ba đẹp độc đáo là bởi cả chuỗi thác liên hoàn, với ba tầng thác lớn gồm Tát Củm, Tát Cao, Tát Gió cùng lúc đổ nước thẳng đứng từ độ cao hàng chục mét xuống lòng thác, và nhiều thác nhỏ xung quanh.
Tầng thác thứ nhất có tên gọi là Tát Củm, là tầng thác có dáng vẻ hùng vĩ và thơ mộng nhất. Chân thác là “vực rồng” (tiếng Tày gọi là “vằng tạng” hay “vằng luồng”), nơi có vách đá giống như hình rồng cuốn, có mạch nước ngầm phun ra giống hình tượng rồng phun nước hòa với ánh sáng mặt trời tạo ra 7 sắc cầu vồng lung linh, kỳ ảo.
Tầng thác thứ 2 có tên gọi là Thác Cao, là tầng thác được chia làm hai nhánh đổ xuống trông như hai dải lụa trắng tung bay trong không gian giữa núi rừng. Dưới chân thác có một vực nước trong xanh có tên là “vực quyên” là nơi lý tưởng để du khách tắm, thư giãn. Trên bờ của tầng thác này có những phiến đá trông như hình rồng uốn mình nằm phục trên bờ tạo nên vẻ hoang sơ, kỳ vĩ mà hấp dẫn đến lạ thường.
Tầng thác thứ 3 chảy dọc theo những phiến đá vôi xuống vực sâu có tên gọi là Vực Linh (vực linh thiêng). Tại đây du khách có thể đắm mình xuống dòng nước trong xanh và mát dịu, lắng nghe âm thanh của dòng thác đổ và tiếng hót của các loài chim rừng…
Đến với thác Bản Ba, du khách còn được thám hiểm những cánh rừng già với những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, nhiều loại gỗ quý, những thân dây leo chằng chịt. Dưới chân thác, những cánh đồng quanh năm tươi tốt tạo nên bức tranh thiên nhiên đầy thơ mộng. Đặc biệt, nếu du khách muốn tìm địa điểm nghỉ chân sau khi đã thỏa thê khám phá thác nước thì những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc là địa điểm lý tưởng. Tại đây, du khách còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo của người dân bản địa như rau dớn, gà đồi, cá nướng, lợn tên lửa…
Vẻ đẹp nguyên sơ, thơ mộng của thác Bản Ba thực sự là địa điểm lý tưởng để du khách thư giãn, nghỉ dưỡng vào những ngày hè oi ả.
Động Song Long – Tuyên Quang
Hồ sinh thái Na Hang, Lâm Bình có nhiều thắng cảnh đẹp gắn liền với địa danh nổi tiếng như thác Mơ, thác Khuổi Nhi, núi Pác Tạ, Cọc Vài,… Và động Song Long cũng là một điểm du lịch không thể bỏ qua trong hành trình khám phá cảnh đẹp diễm lệ nơi đây.
Động Song Long – Tuyên Quang
Động Song Long được bao bọc bởi 99 ngọn núi huyền thoại thuộc địa phận xã Khuôn Hà (Lâm Bình). Chỉ cần khoảng 3 giờ đồng hồ di chuyển từ bến thủy Na Hang là đến được hang động vô cùng đẹp mắt này.
Động có độ cao chừng 200m so với mặt hồ, dài hơn 200m, độ cao trung bình trong hang là 40m, nơi rộng nhất trên 50m. Khám phá động Song Long, du khách sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ấn tượng đầu tiên là “cọc đá trọc trời” ngay trước cửa hang mà người dân vẫn gọi là cọc Vài Phạ. Qua cọc Vài Phạ, du khách hoàn toàn có thể thong dong đi bộ để khám phá toàn bộ vẻ đẹp kỳ vĩ nơi đây.
Động được phân chia bởi từng vách ngăn. Mỗi vách ngăn giống như một căn phòng triển lãm nghệ thuật điêu khắc, trong đó mỗi tác phẩm điêu khắc đều là một tuyệt tác của thiên nhiên hoàn mỹ đến từng chi tiết. Đó là những cột nhũ đá cao được chạm trổ tỉ mỉ, tinh tế tạo ra những hình thù kỳ lạ tùy theo trí tưởng tượng của du khách. Có người ví nó giống như những chiếc đèn chùm treo ngược tỏa ra những màu sắc khác nhau; có người lại cho rằng nó giống như gốc nghiến cổ thụ với những vân gỗ độc đáo…
Động Song Long thu hút du khách không chỉ bởi dáng hình của những khối thạch nhũ đá mà mê hoặc lòng người bởi những sắc màu độc đáo đến kỳ lạ. Ánh sáng tự nhiên theo khe đá chiếu vào hang, kết hợp với nhũ đá tạo nên màu sắc lung linh, huyền ảo hấp dẫn du khách. Đặc biệt, không khí trong hang hết sức trong lành, mát mẻ, yên tĩnh cũng là một điểm cộng khiến động Song Long luôn đông khách tham quan.
Động Tiên – Tuyên Quang
Được mệnh danh là một Phong Nha giữa đại ngàn Đông Bắc, quần thể Động Tiên thuộc thôn Thống Nhất, xã Yên Phú, Hàm Yên đã mê mẩn biết bao du khách. Để rồi không chờ đến Lễ hội Động Tiên – Chợ quê được tổ chức vào dịp tháng Giêng hàng năm mà vào những ngày hè oi bức, nhiều đoàn khách đã tìm đến Động Tiên để tận hưởng không khí trong lành và thưởng ngoạn cảnh đẹp kỳ vĩ nơi đây.
Động Tiên – Tuyên Quang
Động Tiên nằm ở trong núi Chân Quỳ, chen giữa núi Đá Đen và núi Bạch Mã. Đến thăm Động tiên, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khác với các hang động nơi khác, Động Tiên nằm gần đỉnh núi, sau khi leo lên những bậc đá nhuốm màu rêu xanh du khách sẽ gặp ngay cổng đá lớn. Tại đây du khách sẽ được trải tầm mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cả một vùng núi non rộng lớn và vùng cây ăn quả trù phú đang vào độ thu hoạch như Thanh long, ổi…
Men theo những bậc đá gập ghềnh, gấp khúc xuống dốc Cô Đơn là phiến đá tựa hình thiếu phụ đứng bên đường, đôi vai sương gió, mắt đẫm lệ gợi cho người xem một cảm giác xao xuyến, man mác buồn.
Ngự trên ban năm tầng sát vách động là Tiên cô thứ Bảy gắn với truyền thuyết Động Tiên. Truyền thuyết kể rằng, Nàng Tiên thứ Bảy du ngoạn ở trần gian đã đem lòng yêu chàng Mồ Côi dưới trần. Biết chuyện, Ngọc Hoàng ban lệnh bắt nàng Bảy phải ăn chay cầu nguyện đủ một trăm ngày, lại truyền lễ cưới phải có đủ chim lạ thú quý trần gian. Ghen tị với em, nàng tiên chị tâu với Ngọc Hoàng rằng nàng Bảy chỉ đi chơi, không chịu cầu nguyện. Trong phút nóng giận Ngọc Hoàng biến nàng Bảy và các đồ lễ vật thành đá. Mùa xuân năm sau quần tiên mở hội, thấy vắng nàng Bảy, động lòng nhớ con, Ngọc Hoàng sai thần tiên tra xét mới hay sự thật bèn cho nàng Bảy được trở về tiên giới và lệnh cho trần gian mở hội vào ngày mồng 9 tháng giêng tại nơi nàng ngồi cầu nguyện. Vào ngày này nàng Bảy được xuống trần gian. Vì vậy nhân thế gọi nơi này là Động Tiên.
Động Tiên – Tuyên Quang
Sẽ là thiếu sót nếu du khách bỏ qua động Thủy Cung (hang tôm). nước từ trong lòng núi đá tụ thành dòng suối ngầm rồi lộ thiên nơi cửa hang. Nguồn nước đầy ắp bốn mùa, đông ấm, hè mát. Cửa ra hang rất nhiều tôm nên người dân gọi là hang tôm. Trong quần thể Động Tiên còn có nhiều hang động đẹp như động Thạch Sanh, đồng Đàn Đá, động Thiên Quang… để du khách thỏa sức khám phá. Trong động có nhiều hình thù kỳ lạ được tạo nên bởi những nhũ đá hàng ngàn, hàng vạn năm tuổi. Đâu đó vọng tiếng nước chảy tạo nên một bản nhạc du dương giữa thiên nhiên đầy thơ mộng. Đặc biệt, đối với du khách thích “phượt” thì việc đi trên đỉnh núi chon von, chiêm ngưỡng Rùa đá thần ngự nơi đỉnh núi, tư thế oai phong quả là thú vị.
Khám phá Động Tiên, chắc chắn du khách sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí được ví như chốn bồng lai tiên cảnh, để rồi mỗi lần chỉ cần ai đó nhắc đến tên Động Tiên thôi đều muốn trở lại.
Núi Pắc Tạ – Tuyên Quang
Núi Pắc Tạ (trong tiếng Tày có nghĩa là “vú của trời”) hay còn gọi là Núi Voi, là ngọn núi cao nhất huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, có dáng hình chú voi đứng bên nậm rượu. Sừng sững, uy nghiêm, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây vờn bên hồ thủy điện Tuyên Quang, núi Pắc Tạ là nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sỹ, du khách sáng tác thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh.
Núi Pắc Tạ – Tuyên Quang
Núi Pắc Tạ còn có tên là núi “Xa Tạ” gắn liền với truyền thuyết từ xa xưa để lại. Xưa kia, tại một khu rừng rậm có rất nhiều loài thú dữ, trong đó voi là loài vật có sức khỏe nhưng lại khó thuần, dân bản tìm đủ mọi cách để thuần dưỡng voi dùng làm sức kéo chuyên chở hàng hóa.
Năm đó, có giặc ngoại xâm vào xâm chiếm, bà con địa phương tập trung tất cả binh lực dồn cho cuộc chiến đấu giữ nước, trong đó có đàn voi đã được thuần dưỡng. Thế nhưng, trong đàn voi có một con voi đực to khỏe nhất đàn, không ai thuần dưỡng được. Bao nhiêu tướng lĩnh giỏi phải chịu bó tay trước con voi hung dữ. Trong bản có một người quản voi dũng cảm xin đảm nhận công việc này.
Ngày đầu tiên, ông cho già trẻ, trai gái trong bản dùng đất đá chặn tất cả những dòng suối, khe lạch xung quanh vùng rừng voi sinh sống. Ba ngày sau voi đực khát nước, lúc này ông mới đổ rượu vào hõm đá cho voi uống thay nước. Năm ngày, rồi mười ngày, voi uống rượu thay nước, lâu dần thành quen với rượu và người quản tượng. Ông đã thuần dưỡng được chú voi đực hung dữ, có thể đặt bành lên lưng điều khiển voi làm theo mệnh lệnh. Từ đó người dân trong bản gọi là “voi rượu”.
Đến ngày xuất trận “voi rượu” hùng dũng xông ra trận tiền phá tan đội hình quân giặc. Chiến thắng trở về, “voi rượu” được nhà vua phong làm “Voi Quận công” và mở yến tiệc linh đình chiêu đãi tướng sỹ. “Voi rượu” hút hết nậm rượu này đến nậm rượu khác. Say quá “voi rượu” tắt thở. Nhưng kỳ lạ thay, voi chết mà vẫn đứng sừng sững uy nghiêm, dáng vẻ hùng dũng như lúc xung trận. Đêm ấy trời mưa tầm tã, gió rít ào ào như bày tỏ niềm tiếc thương của dân bản đối với “voi rượu”. Sáng hôm sau người ta thấy cả voi và nậm rượu đã hóa đá, khối đá ấy mỗi ngày một lớn dần lên thành ngọn núi Pắc Tạ ngày nay.
Phía dưới chân núi còn có một ngôi đền rất linh thiêng, được xây dựng từ đời nhà Trần, càng làm cho Pắc Tạ thêm phần linh thiêng huyền bí và còn được gọi với cái tên “Tạ sơn huyền sử”.
Cọc Vài Phạ – Tuyên Quang
Đến với Cọc Vài Phạ, thuộc khu vực xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Du khách sẽ được đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ kỳ ví, được hòa mình để trải nghiệm những cung bậc cảm xúc với vẻ đẹp và con người nơi đây, dường như mọi bộn bề của cuộc sống đều tan biến.
Cọc Vài Phạ – Tuyên Quang
Nằm cách trung tâm Thành Phố Tuyên Quang khoảng 130km về phía Bắc, Cọc Vài hay còn gọi là Cọc Vài Phạ, trong tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu trời của chàng Tài Ngào. Đây là một trong những địa danh thuộc Hồ sinh thái Na Hang – Lâm Bình.
Địa danh này vốn nổi tiếng với truyền thuyết về chàng Tài Ngào đắp đập ngăn nước cho dân bản và cũng là một địa danh sơn thủy hữu tình, cuốn hút con người vào một hành trình khám phá vô cùng lí thú đầy hấp dẫn. Đặc biệt, ở đây, chúng ta sẽ được chứng kiến hệ thống hồ trên núi, được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi với hình khối vô cùng đặc trưng được xếp lại kề nhau tạo nên một “bức tranh” phong cảnh, sơn thủy hữu tình, như một “nàng tiên xanh” nổi bật giữa đại ngàn.
Trong hành trình khám phá Cọc Vài, chúng ta cũng sẽ đi qua thung lũng Thượng Lâm, nơi đây là vùng đất an cư của các dân tộc Tày, Dao, Mông, Kinh… theo đó dân tộc Tày chiếm đa số. Hình ảnh ngôi nhà sàn nằm giữa đại ngàn rừng núi như tô thêm vẻ đẹp sức sống trường tồn giữa con người và thiên nhiên. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa tại đây đã tạo nên một vùng văn hóa dân gian độc đáo làm đắm lòng bao du khách. Bến Thượng Lâm dần với những dãy đá vôi đặc trưng hiện ra trước mắt như thôi thúc lòng người đi tới cùng điểm đến Cọc Vài. Bắt đầu từ bến Thượng Lâm, du khách sẽ tiếp tục hành trình bằng thuyền Kayak trên sông Gâm trong vắt, mát lạnh, cùng những cánh cung sông ngút ngàn tầm mắt… Và thắng cảnh Cọc Vài dần hiện ra với bao niềm cảm xúc. Cọc Vài vốn là một cột đá cao hàng trăm mét nằm sâu trong vùng 99 ngọn núi đá vôi vùng Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang. Trước khi có nước hồ thủy điện, hiếm có ai đến được nơi này bởi địa hình quá hiểm trở. Khi nước hồ dâng lên thì việc đến thăm thắng cảnh bằng thuyền trở nên dễ dàng hơn.
Đến nơi đây, du khách vừa thưởng thức cảnh đẹp, vừa được nghe câu chuyện về chàng Tài Ngào khổng lồ đắp đập ngăn nước cho dân bản mà không muốn dứt ra khỏi sự nguyên sơ và kì bí đó… Đây sẽ là một trong những điểm dừng chân thú vị nhất trong chuyến khám phá Cọc Vài, từ đây du khách sẽ có cơ hội ghé thăm thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Nặm Me, hang Phia Vài… Và sẽ là sự nuối tiếc nếu ai đã từng đặt chân lên Tuyên quang mà không được tận mắt nhìn, ngắm và cảm nhận vẻ đẹp nguyên sơ của Cọc Vài, tự tay chèo lái con thuyền nhỏ khám phá thiên nhiên sẽ là một trải nghiệm vô cùng thú vị, dường như chúng ta đang bơi vào với cổ tích giữa đời thường để tận hưởng và cảm nhận được sự hùng vỹ của núi rừng, của vẻ đẹp nơi đây.
Thác Nặm Me – Tuyên Quang
Danh thắng thác Nặm Me, xã Khuôn Hà (Lâm Bình) là con thác lớn trong vùng, có chiều dài khoảng 4.000m với 15 tầng thác, xen giữa các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ có lưu lượng nước khá đều quanh năm.
Thác Nặm Me – Tuyên Quang
Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp, cây rừng cổ thụ mang đặc trưng các loại gỗ quý hiếm vùng nhiệt đới, liền kề với mặt hồ thủy điện Tuyên Quang tạo nên phong cảnh đẹp và hấp dẫn. Bà Chẩu Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Khuôn Hà (Lâm Bình) cho biết, với giá trị sinh thái và vẻ đẹp hùng vĩ, lãng mạn, thác Nặm Me đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia.
Có nhiều ngả để có thể tới được thác Nặm Me, nhưng đều phải đi bằng thuyền mới tới chân thác thuận lợi. Du khách có thể đi theo lộ trình từ chân đập thủy điện Tuyên Quang qua danh thắng Cọc Vài rồi đến thác Nặm Me, hoặc qua Bến Thủy thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đi thuyền máy ngược lên hướng làng chài Phúc Yên tầm 45 phút là tới. Nhiều người đã leo thác Nặm Me cho rằng, đây là con thác đẹp nhất huyện Lâm Bình.
Con thác bắt nguồn từ những cách rừng đại ngàn của Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang – Lâm Bình đổ xuống khu vực núi Hát Nghiền xã Khuôn Hà tạo thành thác Nặm Me. Người dân địa phương còn gọi thác Nặm Me là thác Suối Mẹ, còn thác Khuổi Nhi là Suối con.
Nhìn từ xa, dòng thác Nặm Me như một dải lụa trắng mềm mại nổi bật giữa xanh thẳm núi rừng. Thác có 15 tầng thác lớn nhỏ, mạnh mẽ tung bọt trắng xóa quanh năm đổ từ trên cao xuống. Người bảo đó là tiếng khóc thương mẹ của chàng trai Tài Ngào hiếu thảo. Dưới mỗi chân tầng thác là một vực nước trong xanh, mát lạnh. Trên những thân cây cổ thụ hoặc trên vách đá dựng đứng như bức tường thành là những giò phong lan rừng tỏa hương, khoe sắc. Những dòng nước chảy tràn qua các phiến đá tròn, mịn khiến dòng nước tỏa rộng như chiếc váy xòe trắng muốt của thiếu nữ, lấp lánh trong ánh nắng vàng.
Để đến được chân thác Năm Me du khách phải đi bằng thuyền khá xa. Hơn nữa con thác dữ, hiểm trở gần như hoang sơ, khá nguy hiểm cho những người không thông thạo địa hình. Với chiều dài 4.000 m, để chinh phục đỉnh thác, một thanh niên trai tráng leo lên leo xuống mất gần một buổi. Vào mùa mưa, nước đổ trên thác xuống mạnh, tung bọt trắng xóa, không phải ai cũng dám leo lên. Hiện nay các homestay của xã Thượng Lâm và Khuôn Hà vẫn đang dẫn khách chinh phục thác Năm Me trong tua du lịch mạo hiểm. Nhưng du khách thường được lựa chọn là người khỏe mạnh hoặc là khách phương tây ưa khám phá, song phải có nhiều thanh niên bản địa thông thạo địa hình đi kèm.
Khu di tích lịch sử Tân Trào – Tuyên Quang
Khu di tích lịch sử Tân Trào – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nằm trên địa bàn các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, Phú Thịnh (huyện Yên Sơn). Đây cũng là địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Tổng diện tích tự nhiên của toàn khu là 561,1km2, với 18 di tích và cụm di tích tiêu biểu, đã được xếp hạng di tích quốc gia:
Khu di tích lịch sử Tân Trào – Tuyên Quang
Cụm di tích Nà Lừa gồm: lán Nà Lừa – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, nằm ở sườn Tây núi Nà Lừa; lán Cảnh vệ, cách lán Nà Lừa khoảng 20m về hướng Tây, là nơi ở của các đồng chí cảnh vệ, để đảm bảo an toàn cho Bác; lán Điện Đài – nơi thông tin liên lạc giữa Mặt trận Việt Minh và quân Đồng Minh (tại Côn Minh – Trung Quốc); lán Đồng Minh – nơi ghi dấu sự hợp tác giữa Mặt trận Việt Minh và Phái đoàn Đồng Minh; lán họp Hội nghị Cán bộ Toàn quốc của Đảng, cách lán Nà Lừa 20m về hướng Bắc, được dựng lên để phục vụ Hội nghị Toàn quốc của Đảng, diễn ra trong 03 ngày (từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945).
Di tích cây đa Tân Trào: chiều ngày 16/8/1945, tại địa điểm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Uỷ ban Khởi nghĩa Toàn quốc đọc Bản Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội.
Di tích đình Tân Trào: đình Tân Trào là nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17/8/1945) – đại hội được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta.
Di tích đình Hồng Thái: đình Hồng Thái là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Pắc Bó về Tân Trào (ngày 21/5/1945). Địa điểm này cũng là trụ sở của Ban Bảo vệ An toàn khu, của bộ phận tiếp tế và là nơi đón tiếp đại biểu về dự các hội nghị của Đảng.
Cụm di tích trụ sở Phân khu Nguyễn Huệ: tháng 3 năm 1945, Khu ủy Phân khu Nguyễn Huệ được chuyển về thôn Ao Búc, xã Trung Yên. Tại đây, Khu ủy đã quyết định thành lập chính quyền cách mạng (ngày 10/3/1945) và thành lập Uỷ ban Lâm thời Châu Tự Do – chính quyền cách mạng đầu tiên trong cả nước (ngày 16/3/1945).
Cụm di tích Văn phòng Chủ tịch phủ – Thủ tướng phủ: là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước trong thời kỳ này, trên các lĩnh vực nội chính, kinh tế, tài chính, văn hoá – xã hội…
Di tích Ban Tổ chức Trung ương: Ban Đảng Vụ cùng Trung ương Đảng (sau này đổi tên thành Ban Tổ chức Trung ương) đã ở và làm việc tại đây vào cuối năm 1949 và từ tháng 4 năm 1951 đến cuối năm 1953.
Di tích Ban Nông vận Trung ương: tháng 5 năm 1952, Ban Nông vận Trung ương chuyển đến ở và làm việc tại khu Ao Rừm, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương.
Di tích Ban Tuyên huấn Trung ương: Ban Tuyên truyền của Đảng (sau này đổi tên thành Ban Tuyên huấn Trung ương) đã từng ở và làm việc trên một quả đồi tại thôn Thia.
Di tích Việt Nam Thông tấn xã: trong hơn hai năm (kể từ năm 1952), Việt Nam Thông tấn xã đã đóng tại thôn Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương để tuyên truyền, khích lệ nhân dân diệt giặc đói, giặc dốt và thông tin liên lạc phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Di tích Bộ Nội vụ: năm 1948, Bộ Nội vụ chuyển đến ở và làm việc tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương và đã chỉ đạo công tác bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ.
Di tích hầm và lán an toàn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng: đồng chí Tôn Đức Thắng đã ở và làm việc tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương từ cuối năm 1952 đến tháng 7 năm 1954. Trong thời gian này, đồng chí đã chủ trì Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội với Ủy ban Liên Việt (tháng 02 năm 1953), Hội nghị Toàn quốc của Ủy ban Liên Việt (tháng 11 năm 1953), Kỳ họp lần thứ ba của Quốc hội Khóa I (từ ngày 01 đến ngày 04 tháng 12 năm 1953) và nhiều cuộc họp quan trọng khác…
Di tích Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: từ giữa năm 1952 đến tháng 8 năm 1954, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ở và làm việc tại thôn Cầu, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
Di tích Bộ Ngoại giao: một thời gian ngắn đầu năm 1947, Bộ Ngoại giao chuyển đến ở và làm việc tại làng Hản, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Sau đó, Bộ chuyển về xóm Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
Di tích Nha Công an: tháng 4 năm 1947, Nha Công an Trung ương chuyển từ Phú Thọ đến “Nhà ông cả Nhã”, thôn Đồng Đon, xã Minh Thanh. Đây là nơi đóng quân đâu tiên và trong thời gian dài nhất của Nha Công an Trung ương trong kháng chiến chống Pháp.
Di tích Nha Thông tin: Nha Thông tin được đặt tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương năm 1951. Tại đây, những bản tin, bài thơ, bài hát cách mạng… đã được đăng tải trên đài phát thanh, phản ánh trung thực đời sống tinh thần, tình hình chiến sự của đất nước và tuyên truyền đường lối kháng chiến của Đảng, Chính phủ đến nhân dân.
Di tích Bộ Tư pháp: từ cuối năm 1949 đến tháng 9 năm 1950, Bộ Tư pháp đã ở và làm việc tại thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.
Cụm di tích Kim Quan, thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn bao gồm: di tích lán ở, làm việc và hầm an toàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; di tích hầm an toàn của Chính phủ; di tích hầm an toàn của Trung ương Đảng; di tích Văn phòng Trung ương.
Ngoài ra, trong khu vực di tích hiện nay còn là nơi diễn ra nhiều sinh hoạt văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc, nơi lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp…
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc biệt của khu di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Tân Trào (huyện Sơn Dương và huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).
Thành nhà Mạc – Tuyên Quang
Thành nhà Mạc nằm trên địa phận tổ 7, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang. Thành được xây dựng từ năm 1592, thời nhà Mạc và được sửa chữa vào thời đầu nhà Nguyễn (thế kỷ 19).
Thành nhà Mạc – Tuyên Quang
Thành có vị trí quân sự quan trọng, án ngữ trên bờ sông Lô và nằm trên trục giao thông thuỷ bộ thuận lợi, từng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của vùng quê cách mạng Tuyên Quang. Tên gọi Thành Tuyên Quang được ghi chép trong ” Đại Nam thực lục”, “Đại Nam nhất thống chí” (thời Nguyễn) về việc xây dựng Thành Tuyên Quang vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).
Thành Tuyên Quang từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là biểu tượng của quyền lực phong kiến nhà Nguyễn, cùng với sự suy vong của nhà Nguyễn thành Tuyên Quang cũng là nơi chứng kiến và diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của vùng quê cách mạng Tuyên Quang, từ cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao, Cao Lan đánh thực dân Pháp năm 1884, đến khí thế vũ bão sục sôi những ngày khởi nghĩa tháng 8-1945 lịch sử, buộc phát – xít Nhật phải đầu hàng, giải phóng hoàn toàn thị xã Tuyên Quang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thành cổ Tuyên Quang còn hai lần chứng kiến thất bại của quân Pháp vào năm 1947 và năm 1949.
Thành Tuyên Quang còn có tên gọi khác là thành nhà Mạc nhưng cho đến nay chưa thấy có tài liệu cổ sử nào nhắc đến sự ra đời của thành Tuyên Quang vào thời Mạc – thế kỷ XVI, mà chỉ dựa trên cơ sở những hiện vật tại thành như: Gạch vồ (gạch đặc trưng của thời Mạc – thế kỷ XVI), súng thần công, đồ gốm v.v… và ghi chép những đợt tu sửa thành vào thời Nguyễn. Thành Tuyên Quang được xây dựng với mục đích vừa là chỉ huy sở, vừa là đài quan sát. Xung quanh thành có hệ thống đồn ngoại vi.
Đến thời Nguyễn, thành mới được xây dựng lại cho phù hợp với chức năng quân sự và hành chính, được triều Nguyễn coi trọng là tòa thành trấn giữ mạn Bắc, che chở cho kinh thành Thăng Long:
“An biên viễn sứ Ưu Kim Ngọc
Tuyên Quang vạn thuở trấn Thăng Long”
(An Biên là nơi xa xôi có nhiều vàng ngọc quý
Thành Tuyên từ trước đến giờ trấn giữ kinh thành Thăng Long).
Suốt thời Nguyễn, thành Tuyên Quang được sử dụng làm cơ sở cho bộ máy quan lại phong kiến đương triều. Tuy nhiên, nhà Nguyễn đã cho tu sửa lại nhiều phần cho phù hợp với chức năng quân sự và hành chính. Đồng thời với việc đổi tên xứ Tuyên Quang thành tỉnh Tuyên Quang, tòa thành nhà Mạc xưa cũng được mang tên là thành Tuyên Quang (còn gọi là thành Tuyên). Yêu cầu tu bổ, gia cố thành Tuyên Quang được bắt nguồn từ thực tế của vùng đất Tuyên Quang với vị trí là nơi biên viễn có ý nghĩa quốc phòng, đồng thời cũng nhằm trấn áp những cuộc khởi nghĩa của nông dân. Thành tuy được xây dựng lại vào thời Nguyễn nhưng vẫn kế thừa rất nhiều đặc điểm của thành thời Mạc: Hình dáng, vị trí, cấu tạo. Cổng thành thời Nguyễn còn sử dụng rất nhiều gạch vồ của thời Mạc (thế kỷ XVI).
Thành nhà Mạc – Tuyên Quang
Thành Tuyên Quang thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, là một trong những di tích thành luỹ giai đoạn nửa cuối thế kỷ thứ XVI. Đây cũng là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh chống quân triều đình nhà Nguyễn của các cuộc khởi nghĩa nông dân; các trận đánh Pháp của liên quân Việt – Trung; đánh phát xít Nhật giành chính quyền cách mạng, mít tinh chào mừng ngày giải phóng thị xã tháng 8 năm 1945; nơi đặt Tổng trạm tù binh Pháp trao trả cho Chính phủ Pháp sau chiến thắng Điện Biên Phủ; nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang khi Người về thăm Tuyên Quang sau 6 năm xa cách kể từ khi rời căn cứ địa về tiếp quản thủ đô Hà Nội.
Đây là một trong số ít toà thành còn lại trong cả nước. Tuy không còn nguyên vẹn, nhưng thành Tuyên Quang còn giữ lại được những phần cơ bản của một toà thành quân sự, hành chính của chế độ phong kiến Việt Nam, đó là dấu tích vô cùng có ý nghĩa đối với vùng đất được gọi là “Phên dậu của kinh thành Thăng Long”, là “bức thành thép của quốc gia” như rất nhiều sử gia đã nhận xét.
Cho đến nay, Thành Tuyên Quang là một biểu tượng của lịch sử vùng đất Tuyên Quang, là một trong số ít tòa thành còn lại trong cả nước. Sau khi được công nhận là di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia, di tích đã được Chính phủ phê duyệt phục hồi, bảo tồn, tôn tạo nhằm phát huy tác dụng giáo dục, nghiên cứu. Tại khu di tích đang được triển khai phục dựng, tu bổ một số hạng mục như hai cổng thành, 140m tường thành còn lại.
Tuyên Quang có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Tuyên Quang – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.
Đăng bởi: Hường Nguyễn Thị
Từ khoá: Tuyên Quang có gì?
Để lại một bình luận